Hà Nội vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao, đề xuất kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần
BCĐ Quốc gia đề xuất tiếp tục thực hiện cách ly xã hội ở Thủ đô, đồng thời xin Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND TP quyết định theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh.
Tại cuộc họp sáng 22/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 nêu đề xuất và lấy ý kiến của các Bộ ngành, địa phương về phân loại các tỉnh, thành phố theo 3 nhóm nguy cơ để tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch trong thời gian tới.
Dựa trên đánh giá và theo dõi sát tình hình dịch bệnh thời gian qua, đồng thời tham khảo dự báo, phân tích và đề xuất của các nhà khoa học, nhóm chuyên gia và thống nhất tiêu chí các ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (F0) là yếu tố quan trọng quyết định phân loại địa phương theo nhóm nguy cơ.
Cụ thể: Nhóm nguy cơ cao là các địa phương còn ca mắc tại cộng đồng trong vòng 14 ngày; Nhóm có nguy cơ là các địa phương có ca mắc tại cộng đồng trong khoảng thời gian từ 15 đến 28 ngày; Nhóm nguy cơ thấp là các địa phương trên 28 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng.
Hà Nội vẫn ở nhóm có nguy cơ cao, đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tuần.
Ngày 21/4, Thường trực Ban Chỉ đạo họp với các chuyên gia, các nhà khoa học; tổng hợp phân tích tất cả các biến số tác động vào vấn đề lây nhiễm để từ đó phân tích các yếu tố nguy cơ cho từng tỉnh.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo đã có văn bản xin ý kiến 28 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ theo Kết luận của Thủ tướng tại Phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 và thống nhất đề xuất phân nhóm các địa phương như sau: Nhóm nguy cơ cao: Hà Nội; Nhóm nguy cơ: TP.HCM, Bắc Ninh, Hà Giang; Nhóm nguy cơ thấp: các địa phương còn lại.
Đối với nhóm nguy cơ cao, hiện chỉ còn Hà Nội, Ban chỉ đạo đề xuất tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4/2020).
Tuy nhiên, xin Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm có nguy cơ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.
Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này.
UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ gồm công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này.
Video: Đường phố Hà Nội đông đúc trước ngày kết thúc cách ly xã hội
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo đã lấy ý kiến của 8 Bộ ngành và xin ý kiến của Bộ Tư pháp, tuy nhiên, qua diễn biến dịch bênh mấy ngày gần đây, Ban Chỉ đạo đề xuất sửa đổi một số nội dung so với dự thảo Chỉ thị đã trình liên quan tới việc tập trung đông người và yêu cầu khi tiếp xúc gần:
- Đối Nhóm nguy cơ cao: Vẫn giữ nguyên việc không tập trung quá 2 người; thực hiện giữ khoảng cách 2m và đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
- Đối với Nhóm có nguy cơ: Hiện nay đang dự thảo quy định về việc không tập trung quá 10 người, xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 20 người, khoảng cách tiếp xúc là 1m và khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.
- Đối với Nhóm nguy cơ thấp: Hiện nay đang dự thảo quy định về việc không tập trung quá 20 người, xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 30 người hoặc nhiều hơn, khoảng cách tiếp xúc là 1m khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.
Chủ tịch Hà Nội: "Sẽ không gỡ hết lệnh cách ly xã hội sau 22/4"
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa thông tin về việc Hà Nội sẽ có Chỉ thị mới về việc "gỡ lệnh cách ly" trong ngày 22/4 tới đây.
Sẽ không gỡ hết lệnh cách ly
Phát biểu kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội (Chủ tịch Hà Nội) Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19. "Có những ổ dịch có những lúc tưởng như không vượt qua được, hoặc tiềm tàng lây nhiễm rất lớn nhưng TP vượt qua được, ngăn được".
"Từ tình hình này, nếu đến ngày 22/4, địa bàn "nóng bỏng" như Hà Nội nếu không phát hiện trường hợp ca nhiễm nào có thể sẽ hạ mức cảnh báo. Thành phố sẽ có Chỉ thị mới nhưng chắc chắn sẽ không dỡ hết tất cả những yêu cầu về phong tỏa, gỡ hết lệnh cách ly xã hội. Ví dụ như các hoạt động tập trung đông người, sinh hoạt tôn giáo, thể dục thể thao hay những vùng có nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín...", Chủ tịch Hà Nội nói.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, chiều 20/4.
Đồng thời, ông Chung cũng lưu ý: "Chắc chắn chúng ta vẫn phải hạn chế một thời gian nữa chứ chưa thể quay lại hoạt động bình thường như trước khi dịch xảy ra. Chúng ta không thể chủ quan mà vẫn phải làm tốt công tác phòng, chống dịch, bởi việc ủ bệnh, lây nhiễm có thể kéo dài hơn 30 ngày...".
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của các đơn vị. Theo đó, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu triển khai test nhanh Covid -19 tại chợ đầu mối Minh Khai, chợ Phùng Khoang... và nêu rõ: "Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt việc xét nghiệm ở 5 chợ đầu mối. Qua kết quả này, có thể đánh giá ở các đầu mối với lượng giao dịch, đi lại nhiều nhưng vẫn chưa phát hiện ca nghi ngờ là phần nào giảm bớt nguy cơ".
Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Nội cũng cảnh báo: "Không có ca nào dương tính không có nghĩa là chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng để phòng chống dịch tốt. Đây mới là con số phần nào cho biết về nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng. Chỉ khi có 60-70% dân số trở lên có kháng thể trong cơ thể thì miễn dịch cộng đồng mới tốt, mới phòng ngừa được dịch".
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 31 của Thành ủy và Chỉ thị 05 của UBND TP; xử lý nghiêm với các cửa hàng không thiết yếu mở cửa trở lại; người dân không đeo khẩu trang khi ra đường.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các cửa hàng ăn uống, mát xa, karaoke; khuyến cáo người dân không đi tập thể dục... Trên tinh thần phải cấm triệt để, thực hiện nghiêm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để công cuộc phòng, chống dịch đạt hiệu quả.
Lập đoàn liên ngành kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế
Nêu việc các chuyên gia của Bỉ đã phân tích sự nguy hiểm của các giọt bắn ở nơi công cộng, ông Nguyễn Đức Chung cảnh báo người dân về nguy cơ lây nhiễm Covid -19 khi tập thể dục nơi công cộng và nhấn mạnh: "Chúng tôi hiểu, thực hiện giãn cách xã hội mọi người ở trong nhà cũng bí bách nhưng chúng ta cần khắc phục vì chính mình và xã hội".
Quang cảnh cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, chiều 20/4.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở Y tế cùng các quận, huyện rà soát toàn bộ công tác mua sắm trang thiết bị y tế thời gian vừa qua. Đồng thời tiếp tục triển khai mua sắm những trang thiết bị thiết yếu.
Đồng thời, giao Sở Công thương chủ trì, thành lập đoàn liên ngành phối hợp Sở Tài chính, Công an Hà Nội, rà soát, kiểm tra các đơn vị mua sắm, nhất là các bệnh viện và những đơn vị doanh nghiệp y tế cung cấp trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao cho các hoạt động phòng chống dịch.
"Việc kiểm tra này xem các đơn vị này có đủ năng lực hay không, trang thiết bị y tế có đảm bảo chất lượng hay không. Sở Công thương rà soát về giá trang thiết bị y tế, Sở Tài Chính tham gia kiểm tra về đơn giá, định mức để xem các đơn vị có thực hiện có hiệu quả hay không, mua bao nhiêu, còn bao nhiêu. Giám sát mua đúng, mua đủ không?", ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng lưu ý, rút kinh nghiệm dịch SARS năm 2003-2004, nhiều đơn vị thi nhau mua nhưng sau đó cũng thừa. "Dịch bệnh thì chúng ta không tiếc nhưng chúng ta mua phải đảm bảo tính hiệu quả".
"Đoàn liên ngành có thể mời HĐND TP vào cùng kiểm tra và báo cáo lại Ban chỉ đạo. Cuối tuần này Ban chỉ đạo sẽ có cuộc họp về công tác mua sắm, đảm bảo trang thiết bị y tế vật tư phòng, chống dịch để chúng ta chấn chỉnh, đảm bảo đúng đủ, tiết kiệm, tránh tình trạng lãng phí", ông Chung lưu ý.
Chữa trị xong phải được xe 115 đưa về nhà và cách ly thêm 14 ngày
Từ những thông tin trên thế giới và Việt Nam, Hà Nội phải rút ra một điều rằng tất cả các trường hợp âm tính khi ra viện cũng phải được xe 115 đưa về nhà và phải được cách ly tiếp 14 ngày. "Việc này phải bảo đảm 100%. Thành phố khuyến khích các trường hợp dương tính sau điều trị được về nhà nên cách ly trong 30 ngày cho an toàn", ông Chung yêu cầu.
Đối với các trường hợp từ nước ngoài về, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu, sau khi rời khỏi trung tâm cách ly tập trung, các địa phương tuyên truyền để các trường hợp này tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày, thậm chí khuyến khích thời gian cách ly lâu hơn nữa cách, bởi theo ông Chung, các trường hợp này đi ra ngoài vẫn có thể phát tán virus SARS-CoV-2 mà chính họ không biết.
Nói về trường hợp bệnh nhân 188 dương tính với Covid -19 trở lại sau khi ra viện, khi nhập viện trở lại xét nghiệm lại âm tính, Chủ tịch Hà Nội phân tích: Hiện tượng này không lạ, bởi đến giờ này chưa có vắc xin để chữa được virus này hoàn toàn, các nhà khoa học cũng xác định virus này có biến thể, việc dùng các loại thuốc mới chỉ tăng cường miễn dịch, kháng thể; virus này có thể vẫn nằm trong cơ thể và tăng trở lại...
Thành An
Thủ tướng: Dịch Covid-19 có chuyển biến, cần nới lỏng từng bước Theo Thủ tướng Chính phủ, diễn biến của dịch Covid-19 có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước (phiên trước họp ngày 15/4), cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh VGP)....