Hà Nội và những con phố siêu ngắn
Hà Nội rất nhiều phố, nhiều đến mức có người sống cả đời ở Thủ đô mà chưa biết hết các con phố của nó. Có những phố rất dài, có phố lại rất ngắn. Phố dài thì người ta hay để ý và phố ngắn đôi khi lại dễ lãng quên. Nhưng phố ngắn có những độc đáo riêng có.
Phố Hồ Hoàn Kiếm
Có lẽ phố Hồ Hoàn Kiếm là con phố ngắn được nhiều người biết đến nhất vì nó nằm ngay cạnh Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội. Có một thú vị nho nhỏ, lâu nay người Hà Nội khi đi ra cái hồ có liên quan đến truyền thuyết vua Lê trả gươm rùa thần thì gọi là ra “Bờ Hồ”. Vậy cái hồ này, được gọi bằng cái tên nào thông dụng hơn, Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm? Tôi nghĩ là Hồ Gươm được gọi thông dụng hơn. Nay bỗng nhiên bắt gặp một con phố rất ngắn có cái tên Hồ Hoàn Kiếm, chợt thấy gợi lên nỗi nhớ của một thời vốn chỉ còn tồn tại trong sách vở.
Phố Hồ Hoàn Kiếm thuộc diện “nhỏ nhưng có võ”. Nơi đây có hiệu sách Bờ Hồ lừng danh một thời. Giờ thì phố nổi tiếng với những hàng bánh bột lọc, nem cuốn và đặc biệt là nộm bò khô. Rất nhiều người khi lần đầu nghe đến món nộm bò khô thì lạ lùng, đó là kiểu ăn độc đáo của Hà Nội. Món gồm đu đủ nạo, gan khô, bò khô thái mỏng trộn cùng với lạc rang, rau thơm và nước dùng chua ngọt.
Một món ăn có cả rau, thịt, vị chua ngọt của nước trộn rất lạ miệng được nhiều người ưa thích. Hà Nội có nhiều món lạ, nộm bò khô được coi là một món độc đáo ở đây và phố Hồ Hoàn Kiếm lâu nay lừng danh về món này. Cho nên những buổi chiều tối, nhất là dịp cuối tuần, nghỉ lễ, con phố siêu ngắn này lúc nào cũng đông nghịt người ngồi ăn. Phố vẻn vẹn dài 52m, nhưng cái tên thì mang cả một niềm dĩ vãng xa xăm.
Phố Ô Quan Chưởng
Phố Ô Quan Chưởng
Ô Quan Chưởng đã lừng danh lâu rồi vì đó là cửa ô duy nhất của Hà Nội còn giữ lại được. Và con phố đi vào cửa ô cũng được mang cùng cái tên như thế. Phố tuy ngắn, nhưng đây từng là con đường huyết mạch xưa kia khi từ tả ngạn sông Hồng đi vào Hà Nội. Và con phố này còn mang một dấu ấn bi thương của Thủ đô. Đó là khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần đầu tiên, chúng đã vào con phố này, qua ô Quan Chưởng và tiến sâu và nội thành.
Video đang HOT
Phố Ô Quan Chưởng ngắn nhưng nhiều bóng cây, và vì âm hưởng của cái cửa ô cổ kính mà nơi đây lúc nào cũng đông người qua lại, nhất là khách du lịch. Những mái nhà liêu xiêu của phố cũ vẫn còn, bên cạnh những hàng trà sữa, hàng ăn rải rác. Và chỉ vài bước là thấy Ô Quan Chưởng hiện ra như một điểm nhấn của thời gian mà ai yêu lịch sử Hà Nội đều không thể bỏ qua. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng khảo sát rất kỹ cửa ô này và viết thiên ký sự về một ông già nửa người, nửa tiên uống rượu ở cửa ô và trêu đùa các cô hàng rượu gánh từ Bồ Đề, Gia Lâm qua. Phố ngắn với độ dài 80m, chỉ vài nhịp chân là đã sang đến Hàng Chiếu nhưng dường như chứa chất cả lịch sử của Hà Nội.
Phố Chợ Gạo
Nếu ai quan tâm đến số phận của sông Tô Lịch thì có một điều rất đáng chú ý, phố Chợ Gạo bây giờ chính là cửa sông Tô Lịch ngày xưa, thông thủy ra sông Hồng. Con phố này từng rất rộng vì khi lấp sông Tô Lịch, nó lớn như một quảng trường và người Pháp đã gọi nó là “quảng trường thương mại”, chính là dấu vết của sự buôn bán sầm uất trên dòng sông Tô Lịch trước đây. Phố là nơi tập kết hàng hóa, đặc biệt là gạo. Phố rộng như thế mà Hà Nội thì chật hẹp, cho nên, dần dần người ta đã xây những tòa nhà chính giữa lòng phố. Phố tách làm đôi, cảm giác như là hai phố nhưng kỳ tình chỉ là một.
Tòa nhà chia con phố làm hai bây giờ là trụ sở một ngân hàng lớn, tiếp theo là nhà hàng, quán giải khát. Có câu “Thương hải tang điền”, nếu biết rằng ta đang đứng trên cửa sông Tô Lịch xưa và nhâm nhi một cốc cà phê lạnh, liệu lòng có bồi hồi về một thời đã qua không bao giờ lấy lại được nữa? Phố Chợ Gạo còn ngắn hơn cả phố Ô Quan Chưởng, chỉ có 75m chiều dài.
Nhà văn Uông Triều
Phố Lê Văn Linh
Cái tên Lê Văn Linh (1376 – 1448) có lẽ ít người biết đến nhưng ông là một trong những dũng tướng có tài của Lê Lợi. Ông từng là người tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ rất sớm và có mặt ở hội thề Lũng Nhai cùng với 17 nghĩa sỹ khác. Sau Lê Văn Linh trở thành một trong những công thần quan trọng hàng đầu của triều Lê.
Phố Lê Văn Linh xưa chính là con đường đắp chạy qua dãy hào phía Đông của thành Hà Nội. Con phố này có khá nhiều bóng cây, chủ yếu là xà cừ và khá rộng rãi. Phố có những quán bia, cà phê, hàng ăn lớn với độ dài 65m.
Phố Đinh Lễ
Phố Nguyễn Xí và Đinh Lễ
Những người ham đọc sách ở Hà Nội thì chẳng lạ gì phố Nguyễn Xí. Phố Nguyễn Xí, cùng với phố Đinh Lễ và phố Tràng Tiền làm thành một tam giác bán sách sầm uất nhất của Hà Nội. Sách gì ở đây cũng có, đông tây kim cổ, giáo khoa, văn học, lịch sử, kinh tế… Con phố siêu ngắn này chỉ có một bên là dăm bảy nhà dân, bên kia là bờ tường của một siêu thị sách có cửa mở ra phố Tràng Tiền.
Nguyễn Xí (1396 – 1465) cũng giống như Lê Văn Linh, là một trong công thần quan trọng của triều Lê, người có công lớn trong trận đánh giặc Minh ở Tốt Động năm 1426. Cũng chính Nguyễn Xí là người có công tôn phò Lê Thánh Tông lên ngôi sau một số lục đục trong nội bộ vương triều Lê ở giai đoạn ban đầu.
Phố Đinh Lễ tuy ngắn nhưng rộng rãi. Bây giờ thì phố có cả những quán cà phê di động, hàng ăn vặt vào những ngày cuối tuần. Phố là một trong điểm nhấn thú vị của phố đi bộ xung quanh khu vực Bờ Hồ. Ở đây, vừa có thể chọn mua sách, vừa nhâm nhi một ly cà phê hoặc những món ăn đường phố giản dị nhưng đầy màu sắc và mùi vị. Phố Nguyễn Xí cùng với phố Hồ Hoàn Kiếm giữ kỷ lục là những phố ngắn nhất Hà Nội, đều 52m.
Theo anninhthudo.vn
Thí điểm làm sạch sông Tô Lịch : Có kết quả vẫn hoài nghi
Sau khi "Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor" khởi động, khu vực tiến hành thí điểm đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Trong khi đó, một số chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của công nghệ này.
Giảm đáng kể mùi hôi thối
Thực tế qua quan sát của phóng viên, đoạn sông Tô Lịch gần nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Việt, nơi được chọn để thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản, mùi hôi thối đã được giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, mặt nước không còn xuất hiện váng đen như thời điểm trước khi đặt máy. Theo kết quả đánh giá thử nghiệm của các chuyên gia, độ dày bùn tại khu vực các điểm lắp đặt giảm từ 10 - 20cm.
Đoạn sông Tô Lịch gần nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Việt, nơi được chọn để thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản. Ảnh: P.V
Đề cập đến giải pháp xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor, một chuyên gia lĩnh vực xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường cho rằng, giải pháp trên là xử lý ô nhiễm tại chỗ, cục bộ chỉ có thể áp dụng với những ao hồ hẹp có có mực nước đứng yên. Với sông Tô Lịch có chiều dài hơn 14km, nước liên tục chảy, nguồn chảy lại từ các mương, cống xả nước thải của người dân thì giải pháp này chưa thật phù hợp.
Chia sẻ trên báo chí, PGS-TS Phạm Hoàng Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững cũng tỏ ra hoài nghi về công nghệ này: "Quan điểm của giới khoa học chúng tôi trước hết là mừng, nếu công nghệ này thành công thì quá tốt. Tuy nhiên, trao đổi với nhiều giáo sư, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực này, chúng tôi đều thống nhất là phải tách nước thải thì mới giải quyết được cốt lõi vấn đề"- ông nêu ý kiến.
Đa số các chuyên gia môi trường trong nước đều cho rằng để xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch giải pháp cần làm là tách được nước thải sinh hoạt và nước sản xuất đầu nguồn. Trước đây cũng có ý kiến đưa ra một số giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch. Cụ thể, giải pháp đầu tiên là xử lý được nước thải sinh hoạt, sản xuất tại nguồn; giải pháp thứ hai là khai thông dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Với giải pháp thứ nhất, thành phố phải thu gom, xử lý được triệt để nước thải ra sông Tô Lịch; trong thời gian chưa xây dựng được hệ thống thu gom, xử lý này, thành phố nên thực hiện giải pháp theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm khi yêu cầu xây dựng các hố ga (thu nước) tại mỗi gia đình, cơ sở sản xuất.
Có thể thấy rằng, những hoài nghi của các nhà khoa học trong nước dường như đi ngược lại hiệu quả mà công nghệ này đang mang lại cho đoạn sông thử nghiệm.
Không xử lý ở phần ngọn
Trước nhiều ý kiến trái chiều, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cho rằng: "Công nghệ chúng tôi không phải xử lý ở phần ngọn của vấn đề, mà xử lý ô nhiễm ở cả 2 phần: Nước thải chảy vào hàng ngày và ô nhiễm bên trong nguồn nước. Đó là biện pháp tổng thể. Chúng ta nên hiểu đó là nhà máy xử lý nước thải ngay trong lòng sông. Nước thải được xử lý ngay trong ngày. Tốc độ xử lý nước thải gần 1,5 triệu m3/ngày, tức là gấp 9 lần nước thải xả ra sông".
Trong thực tế, trước khi được đưa tới Việt Nam, công nghệ sinh học Nano - Bioreactor cũng đã được sử dụng để làm sạch nước một cách hiệu quả tại 300 điểm ô nhiễm ở Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Đáng chú ý, trong năm 2017, công nghệ này cũng được thử nghiệm tại một con sông ở Hải Phòng, đồng thời được sử dụng để làm sạch một hồ điều hòa tại Quảng Ninh.
Điều đáng nói, khi TP.HCM triển khai dự án cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không ít chuyên gia cũng từng lên tiếng phản đối vì cho rằng dự án tốn nhiều tiền của, công sức nhưng khả năng cải thiện ô nhiễm là không khả thi.
Thế nhưng, trước những phản đối từ các nhà khoa học, kênh Nhiêu Lộc giờ đây đã trở thành dòng nước trong xanh giữa lòng thành phố. Với dòng sông Tô Lịch, hiệu quả từ dự án thí điểm làm sạch nước bằng công nghệ Nhật Bản người dân đang thấy rõ từng ngày. Trong tương lai, khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động, kết hợp cùng công nghệ sinh học Nano - Bioreactor rất có thể dòng sông sẽ không còn ô nhiễm
Theo Danviet
Hà Nội: Ôtô bốn chỗ bất ngờ lao xuống sông Tô Lịch Những nhân chứng có mặt tại hiện trường cho hay, chiếc ôtô loại 4 chỗ được đỗ trên vỉa hè đã lao xuống sông Tô Lịch, do tài xế quên không cài phanh tay. Hiện trường vụ việc xe ôtô 4 chỗ bất ngờ trượt xuống sông Tô Lịch. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam ) Một chiếc ôtô 4 chỗ đã bất ngờ lao, trượt...