Hà Nội trồng hàng trăm cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao
Hà Nội đã từng chặt hạ, đánh chuyển hàng trăm cây xanh cổ thụ khi triển khai xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Gần đây thành phố lại triển khai trồng hàng loạt cây xanh ngay dưới gầm công trình đường sắt này, khiến nhiều người thắc mắc…
Nhiều người băn khoăn những cây xanh mới trồng này khi phát triển lên liệu có ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt trên cao?
Theo ghi nhận của PV Dân trí, hiện nay tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa – Hà Nội), ngay dưới gầm công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông đã có hàng trăm cây xanh được trồng mới, chiều cao của những cây này khoảng 7-8m, đường kính thân chừng 15-30cm.
Người dân khu vực này cho biết, những cây trên mới được trồng từ đêm 28/9. Việc Hà Nội triển khai trồng hàng trăm cây xanh ngay phía dưới gầm công trình đường sất trên cao đã khiến nhiều người thắc mắc, lo ngại những cây này khi trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến công trình đường sắt. Mặt khác, trước đó, Hà Nội đã từng chặt hạ và đánh chuyển hàng trăm cây xanh cổ thụ dọc tuyến đường Trần Phú (Hà Đông) – Nguyễn Trãi – đường Láng để triển khai xây dựng tuyến đường sắt nói trên, với lý do đảm bảo an toàn cho công trình này; nay lại trồng cây dưới gầm công trình, khiến nhiều người thấy lạ.
Liên quan đến nội dung trên, chiều 30/9, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kiên Trung – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Ông Trung cho biết: “Việc triển khai trồng cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu là chủ trương của UBND TP Hà Nội và đã được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt. Chúng tôi sẽ chăm sóc những cây này cẩn thận, đồng thời khống chế chiều cao, do đó sẽ không lo ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao”.
Nói thêm về kế hoạch tiếp theo cũng như chủng loại cây đang triển khai trồng tại khu vực trên, ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trước mắt, công ty đang triển khai trồng thí điểm cây bàng lá nhỏ của Đài Loan trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Đặc tính của loại cây này là thân nhỏ, phát triển tán rộng, nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao.
“Chúng tôi cũng mới triển khai trồng cách đây được 2 ngày, trước mắt thí điểm trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Kế hoạch trồng tiếp theo như nào chúng tôi sẽ xin ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội” – ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, mục đích của việc trồng hàng trăm cây xanh nói trên là nhằm tạo ra cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Một số hình ảnh hàng cây xanh mới trồng tại gầm đường sắt trên cao:
Video đang HOT
Công ty cây xanh cho biết, những cây bàng lá nhỏ này sẽ được khống chế chiều cao, do đó không ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Trồng phượng "chi chít" trên đường phố Hà Nội có hợp lý không?
Thành phố Hà Nội đang triển khai trồng hàng loạt cây phượng ở dải phân cách nhiều tuyến phố. Dư luận xã hội cũng như một số chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh đô thị đã có những ý kiến trái chiều về việc này.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc Hà Nội triển khai trồng hàng loạt cây phượng ở dải phân cách giữa 2 làn đường tại nhiều tuyến phố.
Liên quan đến nội dung trên, chiều 4/7, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội.
Phóng viên: Hà Nội đang triển khai trồng hàng loạt cây phượng tại dải phân cách giữa ở nhiều tuyến phố, đến thời điểm hiện tại đã trồng được bao nhiêu cây và kế hoạch tiếp theo như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Hưng: Việc triển khai trồng cây phượng là nằm trong kế hoạch chung của thành phố Hà Nội, từ nay đến năm 2020 phấn đấu trồng thêm 1 triệu cây xanh trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội.
Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã trồng được khoảng hơn 300 cây phượng ở dải phân cách giữa 2 làn đường tại các tuyến phố như Trần Khát Chân, Xã Đàn, Kim Liên - Hoàng Cầu, Tây Sơn, Láng Hạ, Giải Phóng... Kế hoạch trồng tiếp như thế nào thì chúng tôi sẽ khảo sát tiếp tại các tuyến phố, nếu đủ các điều kiện sẽ tiếp tục triển khai.
Việc triển khai trồng cây trên dải phân cách giữa 2 làn đường có hợp lý không, thưa ông?
Thực ra việc tiến hành trồng cây ở dải phân cách giữa 2 làn đường không phải lần đầu tiên mình thực hiện mà đã có từ thời xa xưa. Như các tuyến phố Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Giảng Võ... các cây đã được trồng ở giữa dải phân cách từ thời Pháp thuộc. Trồng ở dải phân cách giữa còn có nhiều ưu điểm như ít công trình ngầm, do đó cây hoàn toàn có thể phát triển bình thường.
Tôi nói thêm là ngoài việc trồng cây ở dải phân cách giữa thì tại các tuyến phố chúng tôi khảo sát nếu còn chỗ để trồng cây xanh trên vỉa hè thì cũng sẽ tiếp tục triển khai. Còn chọn chủng loại cây nào cho từng tuyến phố đã được nhiều đơn vị liên quan tính toán kỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng phượng là cây thân mềm, dễ gãy đổ khi có mưa bão và về mùa lá rụng sẽ rất bẩn cho đô thị, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi có thể nói rằng phượng thuộc chủng loại cây xanh đô thị, do đó trồng loại cây này là hoàn toàn không vấn đề gì. Ngoài ra, trước khi Hà Nội tiến hành trồng phượng, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và đã đi đến thống nhất. Còn nói phượng rụng lá nhiều, thì các loại cây khác cũng rụng lá không kém, nhưng lá rụng thì đã có công nhân môi trường dọn vệ sinh hàng ngày nên không ngại vấn đề này.
Các tỉnh như Hải Phòng, Đà Nẵng cũng đã trồng phượng, mà các tỉnh này gần biển nếu có mưa bão thì địa phương này còn chịu ảnh hưởng mạnh hơn nhiều so với Hà Nội. Hơn nữa, để hạn chế cây bị gãy đổ, chúng tôi đã tiến hành cắt tỉa cành thường xuyên, đến nay đã cắt tỉa được 26.000 cây xanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, phượng trồng với khoảng cách dày như này sẽ rất khó để cây phát triển.
Có chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh đô thị cho rằng, Hà Nội không nên trồng cây phượng có đường kính thân lớn như vậy bởi khi trồng cây lớn sẽ buộc phải cắt bớt cành, vết cắt đó là cơ hội cho nấm mốc xâm nhập vào thân cây, từ đó làm mục ruỗng cây và dẫn đến cây dễ bị gãy đổ. Ngoài ra, phượng có tuổi đời khá ngắn, chỉ khoảng 30-40 năm nên không phù hợp lắm cho việc trồng ở đô thị. Ông đánh giá thế nào về quan điểm điểm này?
Thực ra trồng cây to thì thời gian phủ xanh đô thị sẽ nhanh hơn cây nhỏ rất nhiều. Còn nếu nói là sợ nấm mốc xâm nhập thì đây lại là phương pháp, khi trồng tuân thủ đúng kỹ thuật thì không vấn đề gì. Phượng có tuổi đời trung bình khoảng 60-70 năm nên phù hợp trồng ở đô thị.
Nguồn gốc những cây phượng này lấy từ đâu, giá mỗi cây là bao nhiêu tiền, tại sao Hà Nội lại triển khai trồng cây giữa thời điểm mùa hè như vậy, thưa ông?
Phượng được chúng tôi lấy từ các đơn vị vệ tinh quanh Hà Nội tại các vườn ươm. Giá mỗi cây là bao nhiêu thì thời điểm này chúng tôi cũng chưa biết, vì việc này do Sở Xây dựng Hà Nội và trung tâm thẩm định giá của Sở Tài chính Hà Nội quyết, còn chúng tôi là đơn vị thực thi thôi.
Còn việc trồng cây thời điểm mùa hè như này cũng không vấn đề gì, vì giờ cũng chuẩn bị sang mùa Thu thời tiết cũng dần mát mẻ nên cây sẽ sống và phát triển được.
Khoảng cách giữa các cây phượng mới trồng trên các tuyến phố có vẻ khá dày, có đoạn tại phố Xã Đàn giữa các cây chỉ khoảng 4m trở lại, theo ông khoảng cách như nào là phù hợp?
Khoảng cách giữa các cây phù hợp là từ 5-7m, tuy nhiên trong quá trình tiến hành trồng nhiều khi gặp những chỗ có vấn đề không thuận lợi phía dưới lòng đất thì sẽ phải xê dịch khoảng cách nhất định. Còn như anh phản ánh về khoảng cách giữa các cây khá dày trên phố Xã Đàn thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra sau.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)
Theo Dantri
Chốt thời gian khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, cuối năm 2016, nhà thầu sẽ thực hiện xong việc xây lắp dầm, trụ, nhà ga đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh- Hà Đông. Đường sắt đô thị, tuyến Cát Linh- Hà Đông Ngày 29/9, Bộ GTVT tổ chức họp báo thường kỳ quý 3 năm 2016 tại trụ sở bộ. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ...