Hà Nội thành điểm nóng COVID-19
‘Hệ số lây nhiễm rất cao. 1 người bệnh ở Nam Từ Liêm lây truyền ra 8 người F1 và 4 người F2. Đã có lây nhiễm thứ phát’ – ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cảnh báo.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội ngày 1-2 – Ảnh: PHẠM HÙNG
Số người mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng nhanh trong hai ngày 31-1 và 1-2, lên 19 ca bệnh. Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 1-2, Sở Y tế Hà Nội cho biết 1 bệnh nhân Hà Nội có nguồn lây từ Quảng Ninh, 18 người còn lại có nguồn lây từ Hải Dương.
Nhanh và quyết liệt hơn nữa
“Các sở, ngành Hà Nội đã vào cuộc chống dịch trách nhiệm và khẩn trương, nhưng cần phải nhanh và quyết liệt hơn nữa” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc làm việc với Bộ Y tế.
Theo ông Chu Ngọc Anh, Hà Nội hiện đang gặp khó khăn về xét nghiệm và chuyên gia, cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Hà Nội đã lập một “sở chỉ huy” chiến dịch chống COVID-19, nhưng cần tăng cường chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, ĐH Y Hà Nội trợ giúp.
“Sắp tới là Tết Nguyên đán Tân Sửu, tốc độ lây lan như vừa qua đã bộc lộ những rủi ro” – ông Ngọc Anh nói.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, cho đến nay Hà Nội đã lấy được 15.000 mẫu xét nghiệm, xét nghiệm được 93% số đã lấy nhưng năng lực xét nghiệm của TP chỉ khoảng 5.000 mẫu/ngày, không đáp ứng nhu cầu nên đang có sự dồn ứ xét nghiệm. Hà Nội có chủ trương lấy mẫu xét nghiệm những người về từ Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 1-1, từ Vân Đồn (Quảng Ninh) từ 5-1.
Hoạt động truy vết có khó khăn do ca bệnh đã ở cộng đồng nhiều ngày trước khi được phát hiện, có những bệnh nhân đã tham dự sự kiện (đám cưới, liên hoan) có hàng trăm người dự trước khi cách ly.
Hà Nội cũng đang chủ trương khoanh vùng không quá rộng, chỉ “khoanh vùng nhỏ nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo an toàn”, theo hướng phong tỏa cứng khu vực có bệnh nhân, khu vực xung quanh là phong tỏa mềm, nếu xuất hiện ca dương tính ở khu vực xung quanh thì mới phong tỏa cứng.
Video đang HOT
Phải thay đổi chiến thuật
Phân tích những điểm mới đáng chú ý của đợt dịch lần này so với đợt ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Long cho rằng vụ tại Đà Nẵng ông tự tin hơn. “Có nhiều điểm đáng chú ý trong đợt dịch này: hệ số lây nhiễm rất cao, trước 1 F0 có thể lây ra 4-5 người, đợt dịch này có thể lây 10 người hoặc hơn, có lây nhiễm qua không khí nên chỉ cần tiếp xúc rất ngắn cũng lây” – ông Long nói.
Theo ông Long, đợt dịch này thời gian khởi phát bệnh rất nhanh, gần như xóa chu kỳ khởi phát cũ, trước 4-5 ngày 1 chu kỳ lây, nay chỉ sau 1-2 ngày tiếp xúc nguồn bệnh đã khởi phát bệnh.
“Chưa giải trình tự gen hết, nhưng bệnh nhân từ Hải Dương đi Nhật là nhiễm chủng biến thể xuất hiện đầu tiên ở Anh. Chủng này có hệ số lây cao hơn và có những bệnh nhân còn trẻ nhưng đã có diễn biến tăng nặng” – ông Long cho biết.
Học sinh tại Trường tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xét nghiệm COVID-19 sau khi một em học sinh lớp 3 tại đây dương tính với COVID-19 (ảnh chụp chiều 31-1) – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo ông Long, những ngày qua Bộ Y tế đã hỗ trợ tối đa cho tâm dịch Hải Dương. Hiện Hải Dương đã chủ động được xét nghiệm, năng lực lấy mẫu và xét nghiệm mỗi ngày khoảng 7.000 mẫu nên bộ sẽ “chuyển quân” về hỗ trợ Hà Nội, theo tinh thần hỗ trợ cao nhất.
Ông Long đề nghị Hà Nội khoanh vùng rộng hơn, sau khi khoanh vùng rộng, lấy mẫu toàn bộ dân cư, kết quả xét nghiệm âm tính sẽ gỡ khoanh vùng. Những vùng như phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), khu vực Nhà máy Z153… sẽ phải lấy mẫu toàn bộ dân cư.
“Phải thay đổi chiến thuật. Đeo khẩu trang bắt buộc toàn TP, ai không đeo phải xử phạt. Lấy mẫu và xét nghiệm thật nhanh. Có thể tính đến giãn cách xã hội theo chỉ thị 15-16 của Chính phủ ở một số khu vực” – ông Long đề nghị.
Làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chiều 1-2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Hà Nội cần lấy mẫu đến F3, và “chúng ta phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống”. Ông Đam đề nghị Bộ Y tế sát cánh hỗ trợ Hà Nội chống dịch.
Từ 2-2 tạm dừng hoạt động quán game, Internet…
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền – giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch lần này với các yếu tố lây lan rất nhanh, do đó việc truy vết đòi hỏi phải thần tốc, làm xuyên đêm để truy vết ngay. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh công tác truy vết rất quan trọng, nếu truy vết nhanh, “túm” được F0 kịp thời thì hạn chế lây, lây ít, còn truy vết chậm thì hết sức khó khăn.
Ông Hiền cũng đề nghị các quận huyện kích hoạt các tổ phản ứng nhanh, tiếp tục triển khai theo hướng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để không bỏ sót người về từ vùng dịch và các trường hợp F1, F2. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng đặc biệt lưu ý yếu tố lây lan nhanh, chỉ cần tiếp xúc đã có thể lây nhiễm, nên các trường hợp từ F1 chuyển thành F0 nhiều, nguy cơ lây lan cao.
Ông Dũng khẳng định TP đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách để dập dịch, ngăn dịch, đã yêu cầu hành động ở cấp độ cao hơn trong phòng chống dịch. Ngoài chỉ đạo phải truy vết nhanh, ông Dũng yêu cầu xét nghiệm nhanh F1 theo đúng cấp độ ưu tiên, đồng thời truy vết đến F3 để có phản ứng kịp thời trong mọi tình huống.
Tại cuộc họp, ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm việc đóng cửa các quán karaoke, bar, vũ trường, từ đề nghị của các quận huyện, ông Chử Xuân Dũng quyết định dừng hoạt động các quán game, quán Internet kinh doanh trò chơi điện tử từ 0h ngày 2-2.
'Hà Nội xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây Covid-19'
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại tiến độ xét nghiệm ở Hà Nội không đua kịp tốc độ lây nhiễm nhanh của nCoV, yêu cầu tăng tốc truy vết, xét nghiệm.
Làm việc với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 1/2, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện Hà Nội ghi nhận 19 Covid-19, trong đó có một ca liên quan đến ổ dịch Quảng Ninh, 18 ca liên quan Hải Dương. Các bệnh nhân ở 5 quận, huyện, cụ thể quận Nam Từ Liêm có 9 ca, Đông Anh 4, Mê Linh 4, Cầu Giấy 2, Hai Bà Trưng một.
"Những ca này đều rõ nguồn gốc dịch tễ, là những người từ Hải Dương về, hoặc người Hà Nội đến Hải Dương rồi quay về. Những ca này xuất hiện rất nhanh, từ khi tiếp xúc đến khi khởi phát cũng rất nhanh, lây lan từ F1 trở thành F0 và F2 cũng thành F0", ông Hạnh nói.
Hiện, Hà Nội đã truy vết được 431 trường hợp F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm và đưa cách ly tập trung hơn 2.000 trường hợp F2. Thành phố cũng lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đi từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh. Tổng cộng Hà Nội đã rà soát được 15.400 trường hợp liên quan các ổ dịch, hơn 14.000 người đã được lấy mẫu (93%). Đến chiều nay, 10.500 mẫu đã có kết quả, trong đó phát hiện 4 ca dương tính (đã công bố), còn lại âm tính.
"Chúng tôi đặt truy vết F1 là vấn đề hàng đầu", ông Hạnh nói. Ông cũng nhìn nhận rằng đợt dịch này truy vết khó khăn vì diễn biến dịch tễ phức tạp, truy vết một vài ngày mới hết F1.
Hiện, các F1 đều đưa vào khu cách ly tập trung của quân đội. Riêng trường Tiểu học Xuân Phương cách ly 79 học sinh và một phụ huynh tại trường. Xét nghiệm 116 trẻ âm tính lần một. Riêng F2 cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm. Ông Hạnh nhận định "cần nghiêm túc về vấn đề cách ly nếu không sẽ rất nguy hiểm, cách ly F1 trong quân đội và F2 tại nhà".
Khó khăn của Hà Nội là hiện tất cả khu cách ly quân đội hiện chứa được khoảng 500 người, trong khi diện F1 xấp xỉ nên đã hết chỗ. Chiều nay, ngành y tế Hà Nội sẽ rà soát lại khu Tứ Hiệp (Thanh Trì) để thêm 3.000 chỗ cách ly tập trung. Ngoài ra Bệnh viện Mê Linh sẽ khảo sát lại để mở thành khu cách ly tập trung cho F1.
Về vấn đề xét nghiệm, Hà Nội từ đầu dịch đến nay thực hiện hơn 135.000 xét nghiệm RT-PCR. Song, đợt này diễn biến nhanh, một lúc số lượng yêu cầu xét nghiệm rất cao, trong vòng mấy ngày đã có sự ùn tắc xét nghiệm. Hà Nội đã yêu cầu 10 bệnh viện Hà Nội có hệ thống xét nghiệm RT-PCR, nhưng 10 nơi chỉ nhận gần 2.295 mẫu, còn lại là CDC Hà Nội thực hiện khoảng 3.000 mẫu, nghĩa là hơn 5.000 mẫu/ngày.
Ông Ngô Văn Quý, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cũng lo ngại về tình hình dịch ở Thủ đô. Trong đợt dịch này, hiện số ca mắc của Hà Nội chiếm 8% số lượng ca nhiễm cả nước. Xét nghiệm 431 trường hợp F1 thì hiện 385 có kết quả, trong số này phát hiện 19 ca dương tính, tức tỷ lệ 4,8-5%, là cao.
"Thời gian phát bệnh của bệnh nhân rất nhanh. Do đó, chúng tôi rất lo lắng vì nguy cơ dịch này lây lan rất cao. Biện pháp hiện nay là truy vết, cách ly, xét nghiệm triệt để, tập trung chỉ đạo các biện pháp khẩn trương", ông Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Cục trưởng Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết 19 trường hợp dương tính nCoV ở Hà Nội tập trung vào 3 ổ chính: liên quan sân bay Vân Đồn có một trường hợp; ổ thứ hai là liên quan Công ty Poyun (Chí Linh - Hải Dương) với 14 ca nhiễm, đặc biệt là chùm 6 người trong một gia đình; ổ thứ 3 lây từ đám cưới ở Hải Dương về Hà Nội, đến nay là 4 người.
"Quá trình lây nhiễm nhanh, có trường hợp tiếp xúc ngắn, ít nhưng xét nghiệm dương tính", ông Tấn nhận định.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với UBND TP Hà Nội, chiều 1/2. Ảnh: Trần Minh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long quan ngại với tình hình lây nhiễm ở Hà Nội, khi tốc độ lây nhiễm nhanh, địa bàn có lượng người đi lại lớn, năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng.
Bộ trưởng khuyến cáo thủ đô phải thay đổi trong phương thức và nâng cao hơn một mức trong ứng phó với dịch này so với trước đây. Hà Nội cần nhanh chóng truy vết, nhưng không chờ truy vết xong mới khoanh vùng mà phải khoanh vùng càng nhanh, càng rộng càng tốt. Phải hình thành tổ đội, lấy mẫu nhanh, cần thiết huy động lực lượng sinh viên y khoa của Bộ Y tế hay Hà Nội. Ở Hải Dương hiện đã có thể lấy từ 5.000-7.000 mẫu/ngày.
Biến thể virus lây nhanh nên việc bảo hộ cho lực lượng lấy mẫu xét nghiệm và công tác phòng chống dịch rất quan trọng. Trung ương cũng huy động các đơn vị để hỗ trợ tăng công suất xét nghiệm cho Hà Nội. Hiện, công suất xét nghiệm cao nhất là Bệnh viện Bạch Mai, ngoài ra còn có Đại học Y Hà Nội, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y tế công cộng...
"Hà Nội phải đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, thực hiện 50-100.000 mẫu một ngày mới chạy đua được tốc độ lây lan của virus", ông Long yêu cầu.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết ngày 1/2, Bộ Y tế đã giao 12 đơn vị hỗ trợ Hà Nội thực hiện xét nghiệm 40.000 mẫu.
Về điều trị, trước mắt Bộ trưởng Long giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận bệnh nhân cho Hà Nội, song yêu cầu thành phố cần khởi động ngay bệnh viện dã chiến, để phòng cho tình huống xấu.
Hà Nội phải khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; khuyến cáo người dân hạn chế đi tới các tỉnh...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thành phố sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng cường đầu tư năng lực điều trị để nhanh nhất kiểm soát được tình hình dịch bệnh, quyết liệt phối hợp với Bộ trong công tác xét nghiệm.
Hà Nội nóng COVID-19, Bộ trưởng Y tế 'nóng ruột' muốn làm việc với Hà Nội Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh ở Hà Nội trong 3 ngày vừa qua khiến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long "nóng ruột muốn làm việc với Hà Nội". Sau cuộc họp chiều nay giữa Bộ Y tế và Hà Nội, có thể Hà Nội sẽ giãn cách xã hội phạm vi rộng hơn. Số ca mắc COVID-19 tăng tại thôn...