Hà Nội tập trung phòng, chống dịch sởi lây lan
Hiện nay, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ( CDC Hà Nội) nhận định, sẽ tiếp tục ghi nhận những ca bệnh trong tháng cuối năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, nên người dân phải chủ động biện pháp phòng tránh.
Hà Nội tăng cường tiêm vaccine phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cho trẻ nhỏ và người lớn.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 22 đến 28/11), thành phố ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi. Trong đó, 23 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng sởi, 2 trường hợp đã tiêm vaccine phòng sởi, không có ca tử vong.
Cộng dồn năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 140 trường hợp mắc tại 26 quận, huyện, không có ca tử vong. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, có 43 trường hợp dưới 9 tháng (30,7%), 21 trường hợp 9-11 tháng (15%), 23 trường hợp 12-24 tháng (16,4%), 19 trường hợp 25-60 tháng (13,6%), 34 trường hợp trên 60 tháng (24,3%).
CDC Hà Nội nhận định, bệnh sởi số mắc đang có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng Khoa Nhi Tiêu hóa-Dinh dưỡng-Lây, Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn, cho biết: “Từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 67 bệnh nhi bị mắc sởi kèm biến chứng viêm phổi điều trị nội trú. Trong đó, đã có những bệnh nhân bị biến chứng suy hô hấp cần thở oxy, một ca bị viêm cơ tim”.
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi (chiếm 90%). Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như người chưa được tiêm vaccine phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền… Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.
Hiện tại, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng mùa đông lạnh giá và giai đoạn chuyển mùa sang xuân là thời điểm lý tưởng để virus sởi lây lan mạnh mẽ. Khi mắc sởi, trẻ thường có các triệu chứng như: Trẻ sốt cao, mệt li bì 5-7 ngày, ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa.
Video đang HOT
Đặc biệt, trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng do có hệ miễn dịch kém nên virus sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, virus sởi cũng gây suy giảm 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác.
Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như: Lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu… gây biến chứng nặng nề hơn. Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi. Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng như viêm não, viêm cơ tim…
Các bác sĩ lưu ý, người dân cần chủ động tiêm vaccine sởi cho cả người lớn và trẻ em. Đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu hiện nay. Đặc biệt, phụ nữ đang có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vaccine sởi trước 3 tháng. Khi bị bệnh sởi, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị vì nếu không đúng cách có thể làm bệnh trở nặng và dễ bị nhiều biến chứng.
Từ ngày 14/10, CDC Hà Nội phối hợp các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi.
Kết quả, tính đến ngày 15/11, đã tiêm được 57.903 đối tượng, đạt tỷ lệ 95-96% tổng số đối tượng thuộc diện tiêm chiến dịch.
CDC Hà Nội cũng phối hợp các trung tâm y tế tổ chức khoanh vùng, điều tra, xử lý các khu vực ghi nhận ca bệnh, ổ dịch sởi; Tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Riêng trong các bệnh viện, để phòng chống lây lan bệnh sởi, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc thực hiện việc khám sàng lọc, phân luồng, cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh.
Ngoài ra, các bệnh viện phải bố trí bàn khám riêng đối với trường hợp nghi ngờ mắc sởi nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa truyền nhiễm hay khoa lâm sàng khác, bệnh viện phải bố trí khu vực cách ly điều trị riêng, tuân thủ quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn đang 'nóng'
Tuần vừa qua, Hà Nội có 585 ca mắc sốt xuất huyết; vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc mỗi tuần, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng lên.
Sản phụ bị mắc sốt xuất nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: PV
Số ca mắc vẫn có xu hướng tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 22-28/11), toàn thành phố có thêm 585 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 89 trường hợp so với tuần trước đó (tuần trước đó là 496 trường hợp).
Các bệnh nhân được ghi nhận phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; tập trung nhiều các địa bàn: Hà Đông; Đống Đa; Thanh Oai; Nam Từ Liêm; Phú Xuyên; Ba Đình, Thường Tín, Ứng Hòa...
Trong tuần qua, Hà Nội cũng có thêm 33 ổ dịch sốt xuất huyết, tại 11 quận, huyện. Còn 45 ổ dịch đang hoạt động.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã có 7.824 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong. Tuy số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023; nhưng số ca mắc vẫn đang rất cao.
Theo CDC Hà Nội, trước tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn ghi nhận số ca mắc cao, ngành y tế Hà Nội đang tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết.
CDC Hà Nội đã đề nghị các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã cần tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch. Đồng thời, tổ chức điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có ca bệnh, ổ dịch, không để ổ dịch diễn biến kéo dài.
Về tình hình dịch tăng cao vào giai đoạn cuối năm, theo TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, người dân không nên chủ quan, vì thời điểm này mặc dù thời tiết đã bắt đầu giảm nhiệt đột nhưng chưa đáng kể. Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển mạnh nhất trong khoảng nhiệt độ từ 25-27 độ C.
Theo đó, khi thời tiết chưa lạnh hẳn, nhiệt độ chưa giảm sâu; tuy nhiệt độ ngoài trời có giảm, nhưng nhiệt độ trong nhà vẫn cao; đàn muỗi vẫn còn sinh sản.
TS. Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết: Khi nhiệt độ giảm sâu dưới 20 độ C, muỗi vằn mới bị hạn chế sinh sản. Tuy nhiên, dù nhiệt độ giảm sâu, đàn muỗi cũng chưa thể giảm số lượng ngay lập tức, mà sẽ giảm từ từ trong khoảng 2-3 tháng sau đó. Dịch sốt xuất huyết theo quy luật đó cũng sẽ giảm dần. Như vậy, thời điểm này, người dân vẫn cần hết sức cảnh giác để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, để phòng dịch sốt xuất huyết, ý thức chủ động của người dân có vai trò quan trọng. Mấu chốt vẫn là nhấn mạnh vào việc người dân có ý thức vệ sinh môi trường, tránh để muỗi sinh sản, phát triển và đốt người gây bệnh. Quan trọng nhất là cần loại bỏ các ổ bọ gậy, loăng quăng xung quanh môi trường sống. Đó là biện pháp đơn giản nhất, an toàn nhất, tốt nhất trong phòng dịch sốt xuất huyết hiện nay.
CDC Hà Nội kiểm tra công tác phòng sốt xuất huyết trên địa bàn. Ảnh: SYT
Cảnh giác biến chứng nặng
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Người dân cần được phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, hạn chế các biến chứng nặng, hạn chế tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo: "Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà".
Theo đó, người bệnh sốt xuất huyết có thể uống thuốc Paracetamol để hạ sốt nhưng tuyệt đối không dùng thuốc Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời; theo dõi để tránh biến chứng nặng, nhất là trong giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh.
Cấp bách chặn dịch bệnh sởi bùng phát Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương tăng cường phòng chống, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát trên diện rộng. Hiện tại, ở nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi. Thực tế này đòi hỏi...