Hà Nội tăng học phí phải đồng nghĩa với nâng cao chất lượng dạy học
Năm 2016 sẽ tăng học phí từ mầm non đến THPT, đa số gia đình có con đang trong độ tuổi đi học cho rằng với mức tăng này là phù hợp
Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành, kể từ ngày 1/1/2016, mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố năm học 2015 – 2016 sẽ tăng lên 30% đối với khu vực nội và ngoại thành và 100% đối với miền núi.
Yêu cầu chất lượng dạy học phải tăng khi tăng học phí.
Theo nhiều ý kiến của phụ huynh, việc tăng học phí phù hợp với tình hình hiện nay để các trường có điều kiện đầu tư vật chất, nâng lương cho giáo viên. Tuy nhiên việc tăng học phí phải đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo quy định, mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập năm học 2015-2016 bắt đầu tăng từ học kỳ hai năm học 2015-2016 từ 40 nghìn đồng/tháng lên 60 nghìn đồng/tháng đối với khu vực thành thị, từ 20 nghìn đồng/tháng lên tới 30 nghìn đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và khu vực miền núi trước đây không thu nay thu 8.000 đồng/tháng/học sinh (áp dụng cho các cấp học Nhà trẻ, Mẫu giáo, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên cấp THCS, Giáo dục thường xuyên cấp THPT). Đây là mức thu thấp nhất trong khung học phí tại Nghị định số 86 của Chính phủ.
Video đang HOT
Đón nhận tin, năm 2016 sẽ tăng học phí từ mầm non đến THPT, đa số gia đình có con đang trong độ tuổi đi học cho rằng với mức tăng này là phù hợp với hiện tại. Bởi thời điểm này, việc tăng học phí sẽ giúp các trường có thêm một phần kinh phí đầu tư vào cơ sở vật chất, hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ, đãi ngộ đội ngũ giáo viên…có như vậy giáo viên mới chuyên tâm vào công tác giảng dạy.
Chị Nguyễn Thị Lan, ở quận Tây Hồ cho biết: “Mình rất ủng hộ và cũng hy vọng rằng qua việc tăng học phí mỗi gia đình đóng góp thêm một phần cải thiện được mức lương của các thầy cô, những người đang giúp cho các gia đình có con sẽ được tiếp cận với nhiều kiến thức. Các trường cũng có thể trang bị thêm được cơ sở vật chất để phục vụ con em mình. Bởi vì các thầy cô bây giờ thực sự mức lương cũng đang rất là thấp”.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn về chất lượng dạy và học của con em mình có tốt hơn không khi tăng học phí. Vì việc tăng học phí phải đi liền cùng với nâng cao chất lượng giáo dục làm sao để học sinh chỉ cần học trên lớp mà không phải đi học thêm. Bởi tiền học thêm ở ngoài phải đóng trên một tháng thường gấp 4 đến 5 lần thậm chí hàng chục lần so với tiền học phí ở trường. Do vậy, việc học phí tăng thì vấn đề quan trọng mà nhiều phụ huynh quan tâm là các nhà trường phải nâng cao chất lượng học của học sinh.
Chị Nguyễn Thu Hương, ở quận Hai Bà Trưng cho biết: “Từ trước tới nay, tôi cho con đi học thì học phí là vấn đề rất nhỏ nhưng cái phụ phí mới là những chi phí lớn như là học thêm, các sinh hoạt ngoài giờ khác…Việc tăng này, tôi rất đồng tình nhưng tôi có một chút băn khoăn. Đó là việc tăng học phí này chất lượng giáo dục có tăng không. Nếu như việc tăng này mà làm cho chất lượng học tập của con tăng lên, môi trường giáo dục trong một điều kiện cơ sở vật chất đàng hoàng hơn chúng tôi rất đồng ý”.
Không chỉ phụ huynh mà học sinh cũng cùng suy nghĩ mong muốn việc tăng học phí đồng nghĩa với việc các thầy cô và nhà trường phấn đấu không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học lên.
Em Bùi Vân Anh, học sinh lớp 11 trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín cho biết: “Việc tăng học phí em nghĩ nếu vậy các thầy cô giáo cần phải cố gắng hơn nữa trong việc dạy học và đưa ra những bài học bổ ích, hay đến với học sinh, đồng thời qua đó tăng thêm sự hiểu biết về kiến thức mở rộng thực tiễn, liên hệ nhiều với cuộc sống. Các trang thiết bị nhà trường cần phải cung cấp đầy đủ hơn để chúng em tiện lợi hơn cho việc học tập”.
Tăng học phí phải đi cùng với việc tăng chất lượng giáo dục. Nếu tăng học phí không đi cùng với chất lượng giáo dục mà phụ huynh vẫn phải gánh các khoản thu thêm đầu năm học, vẫn phải cho con em mình đi học thêm ở ngoài nhiều như hiện nay thì việc tăng học phí mới chỉ đạt được một mục đích đề ra./.
Thu Hiền
Theo_VOV
Lãi suất cho vay xây nhà ở xã hội là 4,5- 5%/năm
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng được chỉ định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng được chỉ định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội gồm hai loại: Đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán, mức lãi suất cho vay ưu đãi là 5%/năm.
Đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, mức lãi suất cho vay ưu đãi là 4,5%/năm.
Theo con số thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, tính đến ngày 31/10/2015, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, tổng số tiền đã cam kết là 21.518 tỷ đồng (đạt 72%), đã giải ngân là 13.499 tỷ đồng (đạt 45%).
Đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 31.367 hộ với số tiền là 14.694 tỷ đồng (trong đó 11.340 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền là 4.569 tỷ đồng, 16.832 hộ vay để mua nhà ở thương mại với số tiền là 8.775 tỷ đồng, 3.195 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền là 1.351 tỷ); đã giải ngân cho 31.364 hộ với số tiền là 10.072 tỷ đồng.
Đối với tổ chức, các ngân hàng cũng đã cam kết cho vay 56 dự án với số tiền là 6.824 tỷ đồng, (Thành phố Hà Nội là 15 dự án với số tiền 3.283 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 9 dự án với số tiền 1.393 tỷ đồng); đã giải ngân cho 53 dự án, dư nợ là 3.427 tỷ đồng.
Khánh An
Theo_VnMedia
Năng lực ngân hàng Việt đến đâu? Đến năm 2020, Việt Nam phải "mở cửa" ít nhất 70% dịch vụ tài chính ngân hàng, tài khoản vốn trong thị trường ASEAN. Đây là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng Việt. Câu chuyện hội nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt...