Hà Nội: Sốt xuất huyết, ho gà gia tăng
Trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết, ho gà trên địa bàn Hà Nội đều gia tăng so với tuần trước đó.
Chiều 22-7, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 12 đến 19-7), trên địa bàn thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước đó).
Bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện. Trong đó, huyện Đan Phượng ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất với 50 ca, tiếp đến là quận Hà Đông và huyện Phúc Thọ – mỗi nơi có 10 ca; huyện Quốc Oai có 6 ca; các quận, huyện Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thạch Thất – mỗi nơi có 5 ca.
Phun hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: V.L
Ngoài ra, tuần qua có thêm 9 ổ dịch sốt xuất huyết tại 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai và Phúc Thọ.
Video đang HOT
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.283 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 ổ dịch. Hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động.
Cũng theo CDC thành phố, kết quả giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động trong tuần cho thấy, tại cụm 11, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng có BI = 25 (các chỉ số giám sát bọ gậy, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết và theo quy định BI=20).
Tại đây, ổ bọ gậy được phát hiện tại chậu cảnh, xô chậu chứa nước mưa, nước sinh hoạt. Ngoài ra, phát hiện 2 ca bệnh cũ không được ghi nhận tại thời điểm phát hiện ổ dịch do người dân không hợp tác khai báo y tế.
Còn kết quả giám sát tại thôn Phú Hòa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) và thôn Quảng Yên (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai) cho thấy chỉ số BI=73,3 và BI=65 (gấp 2-3 lần ngưỡng cho phép). Những ổ bọ gậy được phát hiện tại đây rất đa dạng, có trong nước đọng của phế liệu, chậu cảnh, quạt điều hòa, giếng, xô, bình hoa, ấm, chậu nước.
Kết quả giám sát tại thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, ổ bọ gậy ghi nhận tại bể ngâm trong khuôn viên nhà đang xây dựng, phế liệu, quạt điều hòa. Ngoài ra, tỷ lệ phun hóa chất tại đây lần 1 là 82% và lần 2 là 84,6% (chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu 95%).
Cùng với sốt xuất huyết, tuần qua cũng ghi nhận 20 trường hợp mắc ho gà (tăng 8 trường hợp so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 15/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 14 trường hợp là trẻ dưới 5 tháng tuổi (chiếm 70%).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 193 trường hợp mắc ho gà tại 29 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.
CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, sẽ tiếp tục xuất hiện rải rác các ca ho gà, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức đợt cao điểm ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và truyền thông về phòng, chống sốt xuất huyết theo chỉ đạo của UBND thành phố. Đồng thời, tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực có nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao. Qua đó, nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Riêng với các bệnh có vắc xin, Sở Y tế thành phố khuyến cáo, người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Dịch sốt xuất huyết đã giảm 1,6 lần so cùng kỳ năm 2023
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong.
So với cùng kỳ năm 2023 số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 1,6 lần, 1 trường hợp tử vong (giảm 5 ca so với cùng kỳ).
Ca mắc sốt xuất huyết tử vong đầu tiên năm 2024 ghi nhận tại thị trấn Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân SN 2009, tử vong ngày 15/4 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).
Ngày 5/4, bệnh nhân sốt cao được người nhà cho uống thuốc, tự điều trị tại nhà. Ngày 8/4, người nhà đưa bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) và được yêu cầu nhập viện theo dõi với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue.
Ngày 10/4, bệnh nhân bất tỉnh, được lọc máu và chăm sóc đặc biệt. Ngày 15/4 bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, tổn thương đa cơ quan, tổn thương gan nặng, xuất huyết tiêu hóa.
Người dân phải diệt bọ gậy ở nơi mình sinh sống để phòng chống sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, Thủ đô ghi nhận gần 600 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023). Các quận, huyện có nhiều ca mắc là Đống Đa (89 ca), Hà Đông (67 ca), Hoàng Mai (46 ca), Hai Bà Trưng (39 ca), Chương Mỹ (33 ca), Bắc Từ Liêm (32 ca)...
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho biết, thời tiết thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Chu kỳ trước đây là 4-5 năm lặp lại chu kỳ nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã phá vỡ.
Để phòng chống sốt xuất huyết, TS Dũng khuyến cáo người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại...Muỗi đẻ trứng trong các thiết bị đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi.
Cách phòng lây nhiễm sốt xuất huyết tốt nhất Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em. Sốt xuất huyết có thể gây bệnh nặng ở trẻ em do đề kháng kém hơn người lớn. Ảnh: Unsplash. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh...