Hà Nội: Sở Tài nguyên Môi trường “vô cảm” với nỗi đau tột cùng mang tên sổ đỏ
Số phận của 19 hộ dân tổ 14 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm đã bị đưa đẩy qua lại nhiều Sở, ban, ngành của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay quyền lợi công dân chưa được giải quyết, người dân vẫn phải sống trong những căn nhà chỉ trực đổ.
Nói về “nỗi đau mang tên sổ đỏ” ở tổ 14 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội, từ năm 2011 đến nay, báo Dân trí đã có hàng chục bài viết phản ánh nỗi gian truân, khốn khổ mà người dân nơi đây đã và đang phải trải qua, phản ánh những quyết định ban hành kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “đánh bùn sang ao” của các Sở, ban, ngành TP. Hà Nội. Trong đó nổi bật là vai trò của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), đơn vị đại diện cho UBND TP. Hà Nội giải quyết bức xúc liên quan đến vấn đề đất đai, đồng thời cũng là cơ quan giữ vai trò tham mưu cho TP. Hà Nội trong việc tìm lời giải cho nỗi đau âm ỉ của 19 hộ gia đình.
Nhưng cho đến lúc này, Sở TN&MT vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thấu đáo cho người dân tổ 14 thị trấn Cầu Diễn, đồng nghĩa là chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội.
Ngày 29/1/2013, Sở TN&MT có văn bản số 457/STNMT-ĐKTK gửi TP. Hà Nội đề nghị giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc kiểm tra, xác định lại phần diện tích các hộ gia đình đang có nhà ở tại tổ 14, thị trấn Cầu Diễn có nằm trong khu đất giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình để thực hiện dự án theo Quyết định số 7398/QĐ-UBND ngày 31/10/2002 của UBND Thành phố không?. Nhưng điều trớ trêu là việc giao đất cho các đơn vị, doanh nghiệp triển khai dự án trên địa bàn TP. Hà Nội lại thuộc đúng trách nhiệm của Sở TN&MT, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và xử lý toàn bộ các vấn đề về đất đai trên địa bàn Hà Nội.
Các hộ dân tổ 14 Cầu Diễn vẫn phải sống trong những ngôi nhà cũ đã xuống cấp
Sau khi nhận được văn bản số 457/STNMT-ĐKTK theo kiểu “đánh bùn sang ao” của Sở TN&MT. Ngày 9/4/2013, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký văn bản số 2498/UBND – TNMT gửi các Sở: TN&MT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo và hướng dẫn việc lập chỉ giới hành lang bảo vệ lưu vực sông Nhuệ và giải quyết tồn tại việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) tại tổ 14 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm.
Giao Sở TN&MT tổ chức thanh tra việc thực hiện Quyết định số 7398/QĐ-UB ngày 31/10/2002 của UBND Thành phố giao đất cho Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình để thực hiện dự án xây dựng khu nhà ở bán tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, kết luận, báo cáo UBND Thành phố trong thời gian 45 ngày làm việc.
Video đang HOT
Văn bản chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Sở TN&MT trong việc rà soát kiểm tra dự án đã giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình, từ đó có kết luận và báo cáo trình UBND TP. Hà Nội để xem xét giải quyết. Tuy nhiên, mọi thứ đến lúc này vẫn “giậm chân tại chỗ”, nỗi khổ cực mà hàng chục hộ gia đình đang ngày đêm hứng chịu vẫn bị biến thành “trò đùa”.
Trở lại tổ 14 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm ngày 7/9/2013, PV Dân trídễ dàng cảm nhận được nỗi đau và những cùng cực các hộ dân nơi đây phải hứng chịu. Vì không có sổ đỏ, người dân không thể xin được giấy phép xây dựng nên đành phải chấp nhận sống cảnh chui rúc trong căn nhà cấp 4 đã xập xệ theo thời gian và đe dọa đổ sụp bất cứ lúc nào.
Ngôi nhà đầu tiên PV Dân trí ghé thăm là nhà của ông Nguyễn Gia Cường để lại cho 2 con trai sử dụng. Đã 3 năm kể từ khi ông Nguyễn Gia Cường về bên kia thế giới mang theo nỗi đau mang tên sổ đỏ, vợ, các con và cháu ông Cường vẫn phải sống trong căn nhà cấp 4 với hệ thống tường con kiến (tường 10) bị nứt ngang, dọc. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, những bức tường ngăn đã bị ngấm nước nghiêm trọng, nhà lúc nào cũng thường trực mùi ẩm mốc vô phương cứu chữa do quá ẩm thấp. Biết sống như vậy là nguy hiểm và nguy hại sức khỏe, nhưng gia đình vẫn phải chấp nhận vì không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Hà Thị Nhậm, trú tại nhà 79, tổ 14, thị trấn Cầu Diễn chia sẻ: “Nếu như công ty Ba Đình đã lấy thì lấy hẳn, không thì đến bù theo giá thỏa thuận, chúng tôi nhất trí như thế. Làm sổ đỏ cho chúng tôi để các việc được dễ dàng, nhiều bà con cũng khổ. Chẳng hạn, lúc chúng tôi có việc, cần thiết phải vay ngân hàng cũng không có sổ đỏ để được vay”.
Những ngôi nhà như thế này có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào
Cũng vì chưa được cấp sổ đỏ, nhiều gia đình đã phải đi vay nặng lãi để giải quyết công việc lớn mà không thể đem thế chấp ngân hàng khối tài sản hợp pháp đã sử dụng hàng chục năm qua. Bà Nguyễn Thị Thân, trú tại số nhà 73, tổ 14 thị trấn Cầu Diễn cho biết: “Gia đình nhà tôi, các cháu đã lấy vợ, lấy chồng hết rồi. Muốn có sổ đỏ để xây dựng, để vay tiền làm nhà cho các cháu ở mà cũng không được, mà bây giờ có chút đất như thế này nhưng gần chục người ở.
Riêng tôi cũng 60 tuổi, có những ông bà 80 – 90 tuổi muốn chia phần cho các con nhưng cũng phông dám phân vì chưa có sổ đỏ sợ các con đánh chửi nhau. Khu nhà an sinh đằng sau nhà chúng tôi, họ cứ nói là lấy đất nhưng không biết sẽ lấy như thế nào. Nếu mà lấy thì trả cho dân số tiền thỏa đáng là dân sẽ đi luôn. Nếu không lấy nữa cũng phải có quyết định để thỏa đáng cho dân”.
Nằm trong số những hộ dân kê khai làm thủ tục cấp sổ đỏ đợt đầu của thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm từ năm 1997. Sau 16 năm dài chờ đợi, đến nay đã 82 tuổi mà vợ chồng Đại tá Công an ông Vũ Văn Bân vẫn chưa thực hiện được giấc mơ được nhìn thấy cuốn sổ đỏ xác lập “chủ quyền” đối với phần tài sản gia đình đã sử dụng ổn định từ năm 1976.
Ông Bân cho biết: “Chúng tôi cũng có hỏi Sở Tài nguyên Môi trường, nhưng tôi không hiểu là làm đến đâu, kết quả như thế nào giờ vẫn chưa biết, cứ lằng nhằng đến bây giờ. Nếu Ba Đình này trả lời rõ là không làm, nếu làm thì phải trả lời là làm, chứ không trả lời rõ ràng, cứ lằng nhằng suốt từ hồi đó đến bây giờ, mãi mà chúng tôi không được giải quyết. Tôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Ba Đình để dứt khoát, rõ ràng”.
Quay trở lại quá trình Sở TN&MT thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố. Văn bản chỉ đạo số 2498/UBND – TNMT do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký và ban hành từ ngày 9/4/2013. Tuy nhiên, đã gần 5 tháng trôi qua, Sở TN&MT chưa công bố kết luận, chưa có báo cáo kết quả lên thành phố Hà Nội theo đúng tinh thần chỉ đạo tại văn số 2498/UBND – TNMT ngày 9/4/2013. Từ tháng 7/2013, PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ với Thanh tra Sở TN&MT để nắm bắt thông tin kết quả thanh tra phần diện tích giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình nhưng chỉ nhận được những lời hứa mà thôi.
Trong nỗi đau tột cùng kéo dài từ năm này qua năm khác, người dân tổ 14 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm khẩn thiết đề nghị UBND TP. Hà Nội giám sát, chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện nghiêm túc việc rà soát, sớm có kết luận và báo cáo UBND gửi thành phố đúng với nội dung nêu trong văn bản số 2498/UBND – TNMT.
Nếu phần diện tích đất nêu trên thuộc khu đất đã giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình thực hiện dự án nhà ở kinh doanh, TP. Hà Nội và chủ đầu tư phải tổ chức thỏa thuận, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Trong trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình không còn có đủ năng lực tài chính thực hiện dự án, các hộ dân kiến nghị TP. Hà Nội thu lại dự án để tiến hành cấp sổ đỏ cho người dân theo đúng trình tự và quy định pháp luật.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên trong thời gian tới.
Vũ Văn Tiến – Ngọc Cương – Vũ Thúy
Theo Dantri
TPHCM: Kiểm tra chế độ tiền lương của tất cả doanh nghiệp nhà nước
UBND TPHCM đã giao Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thành lập đoàn kiểm tra chính sách, chế độ tiền lương của tất cả doanh nghiệp nhà nước của TP và báo cáo kết quả trong tháng 11/2013.
Đồng thời, UBND TP cũng giao cho Sở này nghiên cứu, đề xuất mức lương tối thiểu cho năm 2013 và năm 2014 để Sở Tài chính bố trí dự toán chi ngân sách năm 2014 cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích.
Mức lương chênh lệch khủng khiếp giữa công nhân và "sếp" tại 4 doanh nghiệp công ích vừa công bố khiến dư luận hết sức bất bình
Trước đó, UBND TP đã thanh tra chế độ tiền lương tại 8 doanh nghiệp công ích và đã công bố kết quả thanh tra tại 4 doanh nghiệp cho thấy đơn vị nào cũng có sai phạm trong việc chi lương cho ban điều hành doanh nghiệp cao hơn quy định nhiều lần, áp dụng mức lương tối thiểu để xác định đơn giá tiền lương sai quy định. Kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp còn lại UBND TP sẽ tiếp tục công bố trong thời gian tới.
Đối với sai phạm của 4 doanh nghiệp công ích đã có kết luận, UBND TP giao Sở Nội vụ thành lập Hội đồng kỷ luật xem xét hình thức xử lý về sai phạm không chấp hành các quy định pháp luật về lao động, tiền lương; đề xuất phân công, phân cấp các sở-ngành và UBND quận-huyện thực hiện một số quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.
UBND TP cũng giao cho Sở Xây dựng trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở LĐ-TB&XH thực hiện điều chỉnh hệ số chi phí nhân công và máy thi công đối với các lĩnh vực dịch vụ công ích trên địa bàn TP.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Mất hàng trăm triệu USD, kênh rạch lại nguy cơ ô nhiễm Sau 2 năm thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường, hiện nguồn nước sông Sài Gòn và nhiều kênh rạch như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Ba Bò... đã được cải thiện nhưng đang có nguy cơ ô nhiễm trở lại. Tại cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường (2011 - 2015) ngày...