Hà Nội sẽ có đường riêng cho xe đạp?
Nếu quy định hoặc khuyến khích một bộ phận dân cư chuyển sang đi xe đạp, Hà Nội phải tính lại bài toán giao thông. Để xe đạp đi lại lung tung với xe máy, ô tô trên đường, chắc chắn tai nạn giao thông tăng lên.
Sở Công Thương Hà Nội vừa đề xuất Đề án Sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này, song cũng không ít chuyên gia lo ngại “quay lại” với xe đạp chỉ khiến Hà Nội thêm tắc đường.
TS. Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi sử dụng xe đạp vì môi trường. Nhưng sẽ là viển vông nếu cho rằng sử dụng xe đạp để giảm tắc đường. Bởi ngay từ thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra tắc đường vì xe đạp. Dân số thành phố lúc đó chỉ hơn 2 triệu người.
“Thử tưởng tượng, bây giờ tất cả người đi đường bỗng chuyển sang xe đạp thì điều gì sẽ xảy ra?”, ông Long đặt câu hỏi.
“Thử tưởng tượng, bây giờ tất cả người đi đường bỗng chuyển sang xe đạp thì điều gì sẽ xảy ra?” – TS. Nguyễn Ngọc Long
Theo ông Long, nếu lượng người đi xe đạp tăng lên, Hà Nội sẽ phải tính lại bài toán giao thông. Bởi để xe đạp “trộn lẫn lung tung” với xe máy, ô tô trên đường, tai nạn giao thông tăng lên là điều chắc chắn.
Video đang HOT
Ông Long cho rằng, những nước phát triển kêu gọi sử dụng xe đạp chỉ vì mục đích bảo vệ môi trường và họ có làn đường riêng cho xe đạp. “Chẳng hạn ở Nhật Bản, xe đạp đi trên vỉa hè. Còn ở Hà Nội, vỉa hè cho người đi bộ còn không có nói gì đến làm đường riêng cho xe đạp”.
Hiện một số tuyến đường và cầu ở Hà Nội có làn dành cho xe hai bánh. Tuy nhiên, số lượng xe đạp rất ít nên không rõ các làn này dành cho xe đạp hay xe máy. Nếu số lượng xe đạp tăng lên, cơ quan quản lý buộc phải tính đến biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Không thể để hai ba loại xe cùng đi trên một làn đường nữa.
“Ngay thời điểm này, Hà Nội cũng đang đau đầu với bài toàn tách riêng được xe 4 bánh với xe 2 bánh. Nói gì đến tách riêng làn xe đạp và xe máy” – TS. Nguyễn Ngọc Long nhận xét.
Nếu đi xe đạp lẫn với xe máy, ô tô, tai nạn giao thông tăng lên là điều dễ hiểu
TS. Nguyễn Lân – Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cũng cho rằng, khuyến khích đi xe đạp nhằm mục đích bảo vệ môi trường hợp lý hơn mục đích giảm ùn tắc giao thông.
Nhiều nước kêu gọi đi xe đạp là vì đã có hệ thống giao thông công cộng rất tốt. Nhưng cũng chỉ đáp ứng được một số lượng rất ít xe đạp và phải có làn đường riêng cho loại phương tiện này.
Ông Lân khẳng định Hà Nội không thể cải tạo, mở rộng đường sá để phân làn riêng cho xe đạp. “Để nhiều xe đạp đi chung với xe máy, ô tô trên đường càng khiến khó lưu thông và rất nguy hiểm”.
Theo ông Lân, phát triển giao thông công cộng vẫn là giải pháp tốt nhất để giảm ùn tắc. Còn nếu muốn vận động người dân đi xe đạp, ngành giao thông nên nghiên cứu giải pháp và lộ trình cụ thể.
“Nếu đảm bảo trật tự, xe đạp chống ùn tắc còn tốt hơn xe máy.” – Ông Nguyễn Trọng Thái (Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia)
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, vẫn nên khuyến khích đi xe đạp, đặc biệt là đối với những người thường đi lại trên quãng đường ngắn. Đề xuất của Sở Công Thương vẫn cần được xem xét sao cho phù hợp điều kiện giao thông Hà Nội.
Ông Thái phân tích: Xe đạp lưu thông chậm hơn xe máy. Với đường sá Hà Nội hiện nay, tốc độ di chuyển xe đạp cũng tương đương xe máy. Xe đạp chiếm dụng không gian giao thông còn ít hơn xe máy.
“Điều quan trọng là ý thức chấp hành luật giao thông. Nếu chấp hành tốt, sử dụng xe đạp sẽ giảm ùn tắc hơn so với đi xe máy”, ông Thái nhận định.
Đề án của Sở Công Thương Hà Nội nhằm đưa ra các giải pháp, khuyến khích người dân Hà Nội sử dụng xe đạp, giảm lưu lượng ô tô xe máy tham gia giao thông, hạn chế ùn tắc..
Theo cơ quan này, sử dụng xe đạp là hành động bảo vệ môi trường đô thị khi Hà Nội ngày càng ô nhiễm vì khói bụi, xăng xe. Đây cũng là giải pháp tiết kiệm nhiên liệu khi xăng dầu đang trở nên khan hiếm. Đồng thời, đi xe đạp giúp tăng cường vận động, bảo đảm sức khỏe của mỗi cá nhân.
Theo 24h
Người HN sẽ đi xe đạp để giảm tắc đường
Đó là đề xuất mới đây của Sở Công thương TP. Hà Nội trong tờ trình gửi UBND TP. Hà Nội.
Theo đó, Sở Công thương vừa có tờ trình gửi UBND TP. Hà Nội về "Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường".
Đề án này nhằm đưa ra các giải pháp, khuyến khích người dân Hà Nội sử dụng xe đạp, giảm lưu lượng ô tô xe máy tham gia giao thông.
Theo Sở Công thương Hà Nội, tại Hà Nội hiện nay, sự phát triển quá nhanh các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm. Mặt khác nhiên liệu xăng dầu - nguồn năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, phát triển xe đạp trong giao thông, đô thị sẽ là giải pháp giảm ùn tắc hiệu quả.
Bà Trịnh Thị Ngân- Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ý tưởng đề xuất này bắt nguồn từ những nhìn nhận đánh giá tình hình giao thông tại một số thành phố phát triển, đông dân cư trên thế giới.
Khuyến khích người dân Hà Nội sử dụng xe đạp, giảm lưu lượng ô tô xe máy tham gia giao thông. (Ảnh minh họa)
Nhiều thành phố phát triển trên thế giới rất giàu có nhưng lại có tỷ lệ người tham gia giao thông bằng xe đạp rất nhiều. Chính quyền các thành phố này vẫn luôn tìm cách giảm bớt lưu lượng ô tô, xe máy tham gia gia thông đô thị nhằm giảm ùn tắc,
Chẳng hạn như Amsterdam (Hà Lan) là một trong mười thành phố sạch nhất trên thế giới. Rất phát triển nhưng thành phố này có tỷ lệ người dân đi xe đạp cao nhất trên thế giới.
Còn ở Anh, chính quyền TP. London đã nỗ lực chi 1,37 tỷ USD đầu tư 24km đường dành cho xe đạp. Đài Loan vẫn thường xuyên tổ chức những hội chợ xe đạp lớn nhất châu Á nhằm kêu gọi người dân có ý thức đi xe đạp để tạo môi trường trong sạch.
Bởi vậy, Sở Công thương cho rằng, Hà Nội cũng cần học hỏi kinh nghiệm của những thành phố này.
Một cán bộ Phòng Quản lý Công nghiệp cũng cho hay, tờ trình vẫn đang được Thành phố xem xét. Nếu Thành phố đồng ý, Đề án này sẽ phải có sự tham gia của các cơ quan khác như Sở GTVT, Sở Xây dựng... Bởi lẽ, để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, cần tính toán về chất lượng đường sá, phương pháp quản lý, quy hoạch giao thông...
Ngoài việc khuyến khích, kêu gọi ý thức người dân, vẫn phải có những cần đề xuất giải pháp cụ thể. "Chẳng hạn như quy định một số tuyến đường chỉ cho phép đi xe đạp trong một thời điểm trong ngày." - Cán bộ này nói.
Trong tờ trình của Sở Công thương ghi rõ "Ý thức sử dụng phương tiện xe đạp trong giao thông đô thị là sự thay đổi nhận thức cần thiết mà một thành phố đang phát triển như Hà Nội cần nghiêm túc nhìn nhận. "
Mặt khác, xây dựng "Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường" là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và quy hoạch giao thông chưa hoàn chỉnh.
Đề án sẽ đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ xe đạp tại TP. Hà Nội, tính toán lợi ích của việc sử dụng xe đạp. Qua đó sẽ khuyến khích người dân Hà Nội sử dụng xe đạp, đề xuất các giải pháp phát triển xe đạp trong giao thông đô thị, hơn nữa còn tìm hướng đi cho ngành sản xuất xe đạp nội địa.
Theo 24h
Xe đạp chống ùn tắc: Chỉ để giống... Tây! Khuyến khích người dân dùng xe đạp để kích cầu ngành công nghiệp sản xuất xe đạp là không hợp lý. Sở Công Thương TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 1168 gửi UBND TP Hà Nội đề xuất đề án thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xe đạp. Mục tiêu của đề án là đánh giá thực trạng sản xuất,...