Hà Nội sắp làm thêm 2 tuyến đường sắt gần 106.000 tỷ đồng
Hai tuyến đường sắt đô thị này gồm tuyến số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 đoạn Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc. Tổng mức đầu tư cả 2 dự án gần 106.000 tỷ đồng.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Tại hội nghị lần thứ 23 diễn ra hôm nay (22/4), Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa 16 đã thông qua chủ trương triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ Ga Hà Nội đến Hoàng Mai và dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc).
Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai được đánh giá là có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị giai đoạn đầu tại khu trung tâm thành phố.
Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội ở ga trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyên đường sắt đô thị sô 4 tai đường Vanh đai 2,5; tuyên đường sắt đô thị sô 8 tai vanh đai 3 tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.
Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,786km, trong đó chiều dài đoạn đi ngầm là 8,13km. Trên tuyến có bảy ga ngầm.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA và vay ưu đãi là 1.481,49 triệu USD, tương đương 34.297 tỷ đồng; vốn đối ứng trong nước là 271,29 triệu USD, tương đương khoảng 6.280 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án.
Dự kiến dự án khởi công vào năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028.
Video đang HOT
Còn dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc), có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến là 38,43km (gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất) bao gồm 21 ga (trong đó có sáu ga ngầm). Dự án phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.
Sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt số 5 sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến số 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật), tuyến số 3 (đang được xây dựng), tuyến số 4, số 6 (đang nghiên cứu), tuyến số 7, số 8 (theo quy hoạch), cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố, nhằm giảm mật độ đông đúc của giao thông đô thị, cải thiện kết cấu giao thông và điều kiện đi lại của người dân.
Việc đưa vào vận hành các tuyến đường sắt đô thị sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, tiếng ồn và tai nạn giao thông; đồng thời thúc đẩy phát triển đô thị ngoài trung tâm, góp phần cơ cấu, sắp xếp, phân bổ lại dân cư vùng đô thị lõi, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất giao cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung tiếp theo, trình Thủ tướng Chính phủ để triển khai theo quy định. Trong quá trình triển khai, cần chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm lộ trình đã đề ra.
Đức Hoàng
Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Hà Nội vụ việc ở Đồng Tâm và 8B Lê Trực
Trong phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội sáng nay (20/4), Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vào 4 tồn tại cần giải quyết mà Hà Nội đã nêu.
Trong đó ở Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh VGP).
Kết luận cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội kéo dài gần 4 tiếng rưỡi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi và lưu ý Hà Nội xử lý 4 tồn tại kéo dài.
Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Về tình hình kinh tế-xã hội của Hà Nội, theo Thủ tướng, quý I/2020 duy trì tăng trưởng dưới 4% là một cố gắng và có một số điểm sáng.
Thủ tướng lưu ý một số vấn đề, đó là cần tiếp tục đề cao cảnh giác trong phòng chống Covid-19, không thể chủ quan. Do ảnh hưởng của dịch, các chỉ tiêu của Hà Nội đều thấp hơn so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2020.
Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, mà theo báo cáo của Hà Nội, còn 50.000 tỷ đồng chưa giải ngân được. Đặc biệt, quý I, huy động vốn xã hội chưa đạt kế hoạch. Trong khi vốn là một kênh tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm vấn đề này.
Người đứng đầu Chính phủ dẫn nhận định của một số tổ chức cho rằng Việt Nam là một trong những nước có khả năng tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh kinh tế quốc tế suy giảm do dịch Covid-19, Hà Nội tuy gặp nhiều thách thức nhưng có nhiều thời cơ, cần đón bắt thời cơ mới để đoàn kết xốc tới phát triển Thủ đô.
TP. Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, "thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động".
Thủ tướng đề nghị Hà Nội giải quyết 10 tồn tại mà lãnh đạo TP đã nêu, trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh vào 4 tồn tại.
Một là, ở Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, vấn đề dự án 8B Lê Trực, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.
Thứ ba, đối với công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020.
Tồn tại nữa cần khẩn trưởng xử lý dứt điểm là vấn đề mương Phan Kế Bính.
Thủ tướng nhấn mạnh việc giải quyết những tồn tại và đồng thời tập trung phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2020.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong mục tiêu kép là tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng, cuộc sống của người dân. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn.
Hà Nội cần tiếp tục làm tốt việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, các đối tượng bị ảnh hưởng.
Lưu ý việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp, Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch các tỉnh có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỷ đồng, ngành điện là 12.000 tỷ đồng.
Vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng cuộc sống người dân rất quan trọng. Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội giải quyết vấn đề môi trường sông Đáy, sông Nhuệ.
Tiếp tục xây dựng nền hành chính của Hà Nội là nền hành chính phục vụ, văn minh và thanh lịch, làm sao giải quyết tình trạng không còn khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh trật tự. Không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
An Phú tập trung công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp Sau khi tiếp thu Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 94-KH/TU của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy An Phú (An Giang) đã tổ chức triển khai và tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện, nhằm tích cực chuẩn bị điều kiện mọi mặt cho việc tổ chức Đại hội Chi bộ, Đảng bộ nhiệm kỳ...