Hà Nội sắp có phố mang tên Bạch Thái Bưởi
Tên Phố Bạch Thái Bưởi do UBND Quận Hà Đông và Hội đồng Tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội đề nghị.
Tại Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội diễn ra từ 2 – 6/12/2013 tới sẽ xem xét, đặt tên và điều chỉnh độ dài của 34 đường, phố. Trong đó sẽ có 16 đường, phố mang tên danh nhân, 11 đường phố mang tên địa danh, 1 đường phố mang tên di tích lịch sử văn hóa, và 6 đường phố điều chỉnh kéo dài. Xin giới thiệu các con đường, phố mang tên danh nhân.
Phố Bạch Thái Bưởi
Phố có chiều dài 950m, rộng 5,5m-7,5m, đoạn từ ngã tư giao với đường Nguyễn Khuyến (Hà Đông) giao với đường Yên Phúc gần chợ Yên Phúc và Nghĩa trang liệt sĩ.
Phố Bạch Thái Bưởi (Ảnh: Tất Định)
Bạch Thái Bưởi (1877-1932) quê làng Yên Phúc (nay thuộc phường Phúc La, quận Hà Đông, HN). Ông vốn họ Đỗ, nhà nghèo, cha mất sớm, ông phải giúp đỡ mẹ sinh nhai bằng nghề bán rong, sau nhờ một người họ Bạch nhận làm con nuôi cho ăn học, nên đổi sang họ Bạch.
Năm 1909, ông bước vào lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sông. Trong vòng 10 năm, công ty của ông đã có 30 chiếc tàu lớn nhỏ và nhiều xà lan chạy các tuyến đường sông ở miền Bắc và vươn ra các nước như Hồng Kông, Nhật Bản.
Ông là người kinh doanh rất thành đạt và đóng góp nhiều cho đất nước. Ông được coi như biểu tượng của phong trào chấn hưng thương trường của giới tư sản dân tộc Việt Nam thời đó.
Phố Thành Thái
Video đang HOT
Phố này có chiều dài 710m, rộng 30m từ ngã tư cuối phố Duy Tân giao cắt với phố Trần Thái Tông đến khu đô thị mới Dịch Vọng (Quận Cầu Giấy).
Đường Duy Tân kéo dài đổi tên thành Thành Thái (Ảnh: Tất Định)
Thành Thái – Nguyễn Phúc Chiêu (1879-1954), húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889-1907.
Vua Thành Thái là người có tư tưởng cải cách và có tinh thần tự cường dân tộc cao. Dưới thời ông trị vì, chính trị đã đi vào ổn định, nhiều công trình mới được xây dựng như: kinh đô Huế, các bệnh viện, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền…. Ông đã âm thầm thiết kế vũ khí để chống Pháp, nhưng bị phát hiện nên phải giả điên và tiêu hủy các bản thiết kế.
Bị Pháp ép phải ký vào giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, phải thành thực hồi tâm thì sẽ được tại vị nhưng ông đã ném bản tuyên cáo viết sẵn đó và kiên quyết từ chối
Phố Nguyễn Đình Hoàn
Đây cũng là một con phố của quận Cầu Giấy, dài 650m; rộng 15,5m, đoạn từ ngõ 1 đường Hoàng Quốc Việt đến cầu T11 (cầu Cót) sông Tô Lịch.
Đầu phố Nguyễn Đình Hoàn (Ảnh: Tất Định)
Đền Quán Đôi nằm trên phố Nguyễn Đình Hoàn (Ảnh: Tất Định)
Nguyễn Đình Hoàn (1661-1743), hiệu Đồng Phu, người phường Bái Ân, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Ông được cử là người đứng đầu trấn Nghệ An, sau chuyển sang làm Binh bộ Thị lang và tăng lên dần lên chức Bồi tụng- Phó tể tướng. Ông đã đem hết tài năng và trí tuệ ra phò tá triều đình xây dựng kỷ cương phép nước, chăm lo chính sự, ổn định biên viễn phía Nam đàng Ngoài. Ông có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, quân sự, chính trị, ngoại giao…
Phố Trần Kim Xuyến
Phố dài 550m, rộng 20m, đoạn từ ngã tư phố Trung Hòa và Vũ Phạm Hàn (Quận Cầu Giấy) đến điểm giao cắt với đường 30m (cạnh Công ty cổ phần phát triển công nghệ EPOSI).
Con phố sẽ được mang tên Trần Kim Xuyến (Ảnh: Tất Định)
Trần Kim Xuyến (1921-1947), quê ở xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử giữ chức Đổng lý văn phòng của Bộ, kiêm Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, được giao nhiệm vụ cùng với một số đồng chí khác chuẩn bị cho ngày Độc lập.
Ông là một trong những liệt sĩ nhà báo cách mạng đầu tiên hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến khi mới 26 tuổi.
Phố Nguyễn Văn Lộc
Phố dài 1.100m, rộng 25m, đoạn từ giao nhau với đường Trần Phú (Hà Đông) cạnh Khu đô thị Bắc Hà chạy vòng đối đầu nối với đường 36 m tại khu vực dự án Booyoungvina (Hàn Quốc).
Phố Nguyễn Văn Lộc (Ảnh: Tất Định)
Nguyễn Văn Lộc (1914-1979), tên gọi khác là Trương Đỗ Uông, quê quán ở xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Tháng 4/1946 ông được giao phụ trách phong trào của 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên…. Kháng chiến chống thực dân bùng nổ, ông được cử làm Phó Bí Thư Khu ủy khu II; Phó Bí thư liên khu IIII (148); Bí thư liên khu ủy III, Chủ tịch mặt trận thống nhất Liên khu III (1954). Ông cũng từng giữ chức Bí thư tỉnh ủy Hà Đông và bí thư tỉnh ủy Sơn Tây. Sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra chính phủ….
Phố Trần Hòa
Dài 1.500m, rộng 7m cho đoạn đường từ Cầu Lủ đến Cầu Dậu (giao cắt với đường Nghiêm Xuân Yêm). Trần Hòa quê ở làng Định Công, cùng với hai người anh em ruột là Trần Điện, Trần Điền được coi như 3 vị Tổ nghề làm vàng bạc ở làng Định Công (Hà Nội).
Theo Khampha
Công bố quy hoạch Đại học Thành Tây
Ngày 21-12, UBND quận Hà Đông và Sở QH-KT (Hà Nội) đã công bố hồ sơ phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trường Đại học Thành Tây.
Diện tích của khu đất điều chỉnh quy hoạch khoảng 11,82ha thuộc địa giới hành chính hai phường Yên Nghĩa, Dương Nội (Hà Đông). Theo quy hoạch trước đó, dự án có diện tích 13,38ha. Mục tiêu quy hoạch nhằm đầu tư xây dựng Đại học Thành Tây theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giảng dạy, học tập nghiên cứu, các hoạt động thể chất. Đặc biệt, trong khu quy hoạch còn có ký túc xá sinh viên, dịch vụ thương mại. Quy mô của trường đáp ứng chỗ học cho 100.000 sinh viên. Theo kế hoạch của chủ đầu tư, dự án xây dựng Đại học Thành Tây sẽ được hoàn thành cơ bản vào năm 2025.
Theo ANTD