Hà Nội “rủng rỉnh” tiền thưởng Tết, cao nhất 420 triệu đồng/người
Báo cáo nhanh về tình hình thưởng Tết 2020 vừa được Sở LĐTB-XH Hà Nội công bố với mức cao nhất lên đến 420 triệu đồng/người.
Mức thưởng Tết 2020 của các DN trên địa bàn Hà Nội cao hơn so với 2019
Sở LĐTB-XH vừa công bố báo cáo nhanh tình hình thưởng Tết 2020. Theo đó, kết quả thống kê từ gần 6.200 doanh nghiệp cho thấy: Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất thuộc về DN FDI với mức 70 triệu đồng/người; Mức thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý cao nhất lại thuộc về DN khối dân doanh với mức 420 triệu đồng/người.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH Hà Nội, năm 2019, kinh tế xã hội trên địa bàn Thành phố tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp có hiệu quả và đã trả tiền lương theo năng suất, chất lượng công việc nên tiền lương người lao động đã tăng cao hơn so với năm 2018 bình quân xấp xỉ khoảng 11%.
“Về mức thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp đã có thưởng Tết dương lịch 2020 cho người lao động. Đối với thưởng Tết âm lịch 2020, mức thưởng Tết được nhiều doanh nghiệp dự kiến chi trả bình quân tăng cao hơn khoảng 5% so với năm trước”, ông Khánh nói.
Cụ thể, đối với Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Tiền lương bình quân năm 2019 là hơn 5,8 triệu đồng/người/tháng tăng 11,4% so với năm trước. Mức thưởng Tết dương lịch năm 2020 bình quân là 1,1 triệu đồng/người, tăng 4,7% so với năm 2019; DN có mức thưởng cao nhất là 30 triệu đồng/người, thấp nhất là 500 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết âm lịch Canh Tý bình quân là 4 triệu đồng/người, tăng 5,3% so với năm 2019; DN có mức thưởng cao nhất là 45 triệu đồng/người, thấp nhất là 850 nghìn đồng/người.
Đối với Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước: Tiền lương bình quân năm 2019 là 5,9 triệu đồng/người/tháng tăng 11,5% so với năm 2019. Mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là 650 nghìn đồng/người, tăng 4,8% so với năm trước; DN có mức thưởng cao nhất là 15 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất là 400 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết Âm lịch bình quân là 4,1 triệu đồng/người, tăng 2,5% so với năm trước; DN có mức thưởng cao nhất là 32 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất là 700 nghìn đồng/người.
Video đang HOT
Đối với khối doanh nghiệp dân doanh: Tiền lương bình quân năm 2019 là gần 6 triệu đồng/người/tháng tăng 12,6 % so với năm trước. Thưởng Tết Dương lịch bình quân: 750.000 đồng/người, tăng 13,6% so với năm trước; DN có mức thưởng cao nhất là hơn 39,5 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất là 400 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết Âm lịch bình quân 4,4 triệu đồng/người, tăng 4,7% với năm trước; DN có mức thưởng cao nhất là 420 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất là 680 nghìn đồng/người.
Đối với khối doanh nghiệp FDI: Tiền lương bình quân năm 2019 là 6.300.000 đồng/người/tháng tăng 7,7% so với năm trước. Thưởng Tết Dương lịch bình quân 780 nghìn đồng/người, tăng 13 % so với năm trước; DN có mức thưởng cao nhất là 70 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 315 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết Âm lịch bình quân hơn 4,9 triệu đồng/người, tăng 3,1% với năm trước; DN có mức thưởng cao nhất là 325 triệu đồng/người và mức thưởng thấp nhất là 750 nghìn đồng/người.
Hoàng Ngân
Theo Baogiaothong.vn
PGS.TS Phạm Thế Anh: Không nên nâng trần chi phí lãi vay lên 30%
Trước phản ứng của nhiều doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự định nâng trần chi phí lãi vay từ 20% (theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP) hiện nay lên 30%. Tuy nhiên, theo PGS. TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), để chống triệt tiêu động lực chuyển giá, trốn thuế, Chính phủ không những không nên nâng trần, mà còn cần phải có lộ trình giảm trần chi phí lãi vay xuống 0%.
PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR).
Khống chế trần chi phí lãi vay để triệt tiêu động lực chuyển giá
Theo TS. Phạm Thế Anh, hiện tượng trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam diễn ra với quy mô ngày càng lớn và hành vi ngày càng phức tạp, tinh vi. Nghị định 20/2017/NĐ-CP ra đời với mục tiêu cao nhất là chống chuyển giá/chuyển nợ với mục đích trốn tránh thuế.
Đối tượng điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, Điều 3, Khoản 8 của Nghị định quy định: tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ chỉ được khấu trừ thuế nếu không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA).
Trong khi các tập đoàn đa quốc gia "bình chân như vại", thì điều khoản trên của Nghị định 20/2017/NĐ-CP gặp khá nhiều phản ứng từ các doanh nghiệp trong nước vốn dựa nhiều vào vay nợ, đặc biệt là các tập đoàn/tổng công ty nhà nước có giao dịch liên kết giữa các thành viên trong cùng tập đoàn. Các doanh nghiệp cho rằng, cần phải nâng mức trần khống chế lên 30% mới là hợp lý.
Trước phản ứng của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang cân nhắc nâng tỷ lệ này lên 30% - mức cao nhất theo khuyến cáo của OECD.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thế Anh, muốn chống được hành vi trốn thuế rất phức tạp của khu vực FDI, và cả khu vực doanh nghiệp trong nước hiện nay, Chính phủ không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA được khấu trừ thuế từ 20% lên 30% như đòi hỏi của một số doanh nghiệp.
Trên thực tế, ngoài việc hạn chế hành vi trốn tránh thuế, việc hạn chế mức trần lãi vay được khấu trừ thuế còn làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế hoặc từ các công ty mẹ ở nước ngoài. Tương tự, nó cũng giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân với DNNN vốn có lợi thế hơn về khả năng tiếp cận các nguồn vốn.
"Rõ ràng, việc những tập đoàn như EVN hay TKV đứng ra vay nợ rồi cho các công ty thành viên vay lại sẽ dễ dàng và hưởng lãi suất ưu đãi hơn rất nhiều so với việc từng công ty thành viên đi vay, tạo ưu thế lớn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Do vậy, việc thắt chặt trần lãi vay được khấu trừ thuế từ các giao dịch liên kết chính là góp phần làm giảm những lợi thế của FDI với doanh nghiệp trong nước, của DNNN với doanh nghiệp tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa các loại hình doanh nghiệp", PGS. TS Phạm Thế Anh nói.
Thậm chí, theo chuyên gia này, trong tương lai, Bộ Tài chính nên có lộ trình giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa, và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc khấu trừ lãi vay giữa các công ty liên kết. Việc này sẽ triệt tiêu động lực chống chuyển giá của doanh nghiệp.
Sửa hàng loạt điểm bất hợp lý của Nghị định 20/2017/NĐ-CP
Mặc dù khuyến nghị không nên nâng trần chi phí lãi vay, song chuyên gia kinh tế trưởng VEPR cho rằng, cần sửa đổi một số điểm bất hợp lý của Nghị định này để gỡ vướng cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, chi phí lãi vay từ các hợp đồng vay nợ ký kết trước thời điểm Nghị định 20/2017/NĐ-CP có hiệu lực nên được khấu trừ toàn bộ. Những doanh nghiệp có giao dịch liên kết và vay nợ lớn có thể bị động khi Nghị định 20/2017/NĐ-CP ra đời. Hoạt động đi vay và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên rất phổ biến ở các tập đoàn. Nghị định 20/2017/NĐ-CP ra đời có thể đẩy những doanh nghiệp đang có những hợp đồng vay nợ dài hạn kí kết từ năm 2017 trở về trước vào thế bị động. Với những trường hợp như vậy, chi phí lãi vay nên được miễn trừ khỏi sự điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Thứ hai, cho phép các doanh nghiệp chuyển phần chi phí lãi vay chưa được khấu trừ vào một số năm tiếp theo (có giới hạn). Điều này giúp các doanh nghiệp mới thành lập thường chịu lỗ trong giai đoạn đầu sau thành lập có thể giảm gánh nặng tài chính, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn và dài hạn. Thời hạn kết chuyển có thể là 5 năm và chỉ áp dụng với những doanh nghiệp mới thành lập hoặc có đầu tư lớn vượt một con số nhất định.
Thứ ba, chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và nhiều công ty khác không đồng tình với việc quy định chi phí lãi vay để tính khấu trừ thuế bao gồm cả chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập (như trả lời của Bộ Tài chính qua Công văn 3790/TCT-DNL). Phản ứng này là hoàn toàn dễ hiểu bởi mục đích của Nghị định 20/2017/NĐ-CP là quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết nhằm chống trốn tránh thuế. Tuy nhiên, Nghị định lại đưa cả chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập vào diện điều chỉnh là không phù hợp.
Cuối cùng, Nghị định 20/2017/NĐ-CPcó cả tham vọng chống chuyển giá lẫn chống mỏng vốn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, Nghị định này chỉ nên giới hạn trong mục tiêu chống chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết để đưa ra các quy định phù hợp.
Việc chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng nên được đề xuất trong một quy định khác để đảm bảo quy định đó bao phủ được mọi doanh nghiệp, bao gồm công ty trong các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn trong nước, và các công ty độc lập.
T.L
Theo Baodautu.vn
Thị trường bất động sản: Không lo ngại về nguồn vốn đầu tư Trong năm 2019, mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) được đánh giá là sụt giảm, nhưng thực tế nguồn tín dụng luân chuyển trên thị trường vẫn ở mức khả quan, bởi nguồn vốn tín dụng cho vay để kinh doanh BĐS vẫn tăng khoảng 14,5%; thị trường vẫn tăng trưởng tốt không cho thấy sự giảm sút như nhiều ý...