Hà Nội quyết tâm xây dựng chính quyền đô thị
Hà Nội đang khẩn trương xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn”, tổ chức hội thảo xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… hoàn thiện nội dung đề án để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội trong năm 2018.
Sự cần thiết xây dựng chính quyền đô thị
Tại hội thảo “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị” mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã chỉ rõ những bất cập trong hoạt động của chính quyền ở cả 3 cấp tại Thủ đô hiện nay và sự cần thiết phải xây dựng chính quyền đô thị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức và hoạt động của chính quyền tại các cấp của Thủ đô còn một số hạn chế, bất hợp lý về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực.
Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Ngoài ra, năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền đô thị các cấp tại Thủ đô còn nhiều yếu kém. Những lĩnh vực như phát triển nhà ở, xây dựng công trình dịch vụ đô thị, quản lý trật tự đô thị, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường… luôn là những vấn đề “ nóng” của thành phố…
Hạn chế trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, có thể nói nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bất hợp lý về nhiệm vụ, quyền hạn; mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị thành phố Hà Nội.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị. Đặc biệt, tại Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị đã đồng ý để Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, với vai trò rất quan trọng của Thủ đô trong sự phát triển đất nước, cùng ảnh hưởng mô hình chính quyền điện tử và cuộc cách mạng 4.0, đã và đang dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức quản lý, đòi hỏi phải quản lý theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các quận, thị xã của thành phố Hà Nội cho phù hợp, bà Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đều nhất trí cho rằng, đây là thời điểm hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Việt Nam cũng như để Hà Nội thiết kế, thí điểm triển khai chính quyền đô thị cấp quận nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại các quận, thị xã theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” được các đại biểu chỉ ra gồm: Cơ sở pháp lý đầy đủ; kết luận 22 của Bộ Chính trị là căn cứ quan trọng; thực tiễn thời gian qua chúng ta đã và đang triển khai tổ chức lại bộ máy Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Tìm mô hình phù hợp
Trong khuôn khổ xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… về các nội dung: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị; thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội; thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các cấp chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội…
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên đề “Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội” có ý nghĩa quan trọng để Ban chỉ đạo hoàn thiện đề án.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dự kiến mô hình tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ được thiết kế theo 3 phương án và thành phố chỉ thí điểm mô hình này ở cấp quận theo Kết luận 22 của Bộ Chính trị.
Đóng góp ý kiến cho đề án, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi thiết kế mô hình chính quyền đô thị cần phù hợp với xu hướng phát triển và quản lý của thế hệ mới. Cụ thể, phải gắn với xã hội số, đô thị thông minh, đồng thời gắn với kinh tế thị trường và đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Đặc biệt, với chính quyền đô thị, có 2 vấn đề cần quan tâm là dân cư và tính thống nhất của hạ tầng kỹ thuật.
Tiến sỹ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp lưu ý, khi xây dựng và thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần làm rõ và đề cao vai trò của nhân dân trong mô hình chính quyền đô thị đó, mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền đô thị ra sao?
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia góp ý, đã thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cần có tư duy thay đổi mạnh mẽ, nhất là phải có dự báo về xu hướng thay đổi trong nhiều năm tới để tránh tình trạng vừa thí điểm xong lại phải điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn…
Đa số các đại biểu đóng góp ý kiến cho đề án đều nhất trí quan điểm chung là thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhưng phải trong khung của Hiến pháp, phù hợp với thể chế chính trị và đặc điểm Thủ đô, như vậy mới có hiệu lực, hiệu quả. Nhiều đại biểu cũng đề nghị, do là thí điểm nên có thể thành công hoặc không nhưng bắt buộc phải có lộ trình thực hiện rõ ràng.
Nhất trí với ý kiến một số đại biểu, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần thiết phải có lộ trình thực hiện.
Về mô hình cụ thể, dự kiến mô hình tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ được thiết kế theo 3 phương án.
Trong đó, phương án 1 và phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính đại diện (phường), riêng cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế Thủ trưởng hành chính hoặc thiết chế ủy ban.
Còn phương án 3 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị (thành phố và quận), một cơ quan hành chính đại diện (phường), cơ quan hành chính Nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế ủy ban.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ, 3 phương án được thiết kế mới là những gợi mở ban đầu, thực tiễn còn rất nhiều việc cần đánh giá, nhất là đánh giá tác động của từng phương án khi thực hiện thí điểm. Thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu góp ý các đại biểu phục vụ việc hoàn thiện nội dung các chuyên đề và Đề án thí điểm chính quyền đô thị trong thời gian tới.
Xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội theo hướng đô thị thông minh đang được thành phố Hà Nội xây dựng lộ trình và quyết tâm thực hiện. Đây cũng là mong mỏi của đông đảo người dân Thủ đô để hướng tới một môi trường sống lý tưởng. Để xây dựng một thành phố thông minh đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của xã hội cần nhiều điều kiện, trong đó không thể thiếu sự ủng hộ và tích cực tham gia của mọi công dân.
Theo Tuyết Mai (TTXVN)
Thủ Thiêm nỗi buồn 20 năm: Từ ước vọng lớn tới tấm da beo loang lổ
Suốt thời gian qua, dư luận "nóng rẫy" với những thông tin về những khuất tất xung quanh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án ảnh hưởng tới 15.000 hộ dân. Gần 20 năm nay, vẫn còn nhiều hộ dân phải sống vất vưởng trong vùng quy hoạch dự án. Nhiều người hơn chục năm trời phải chạy vạy đơn từ khắp nơi để khiếu kiện mà chưa nhận được giải đáp thỏa đáng. Loạt bài "Thủ Thiêm nỗi buồn 20 năm" sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về những "nút nghẽn" của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm 20 năm qua...
Khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm kể từ năm 1996, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt bút phê duyệt quy hoạch đến nay đã 22 năm vẫn là một câu chuyện buồn. Buồn, vì kỳ vọng về một khu đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính mang tầm cỡ quốc tế đã bị phá nát vì nhóm lợi ích, khiến Khu ĐTM Thủ Thiêm đến nay vẫn như một tấm da beo loang lổ. Buồn, vì sự "mập mờ" trong điều chỉnh quy hoạch đã đẩy hàng ngàn hộ dân ra đường, trở thành người vô gia cư với hành trình hơn 10 năm đòi công lý.
Ước vọng lớn bị phá nát
Theo tờ trình ngày 17.5.1996 của UBND TP.HCM xin phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000, chức năng khu ĐTM Thủ Thiêm là trung tâm giao dịch, thương mại, tài chính, dịch vụ, văn hóa, du lịch, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế; là khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở hiện đại...
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ước mơ về một Khu ĐTM Thủ Thiêm tầm cỡ Quốc tế. (Ảnh: I.T)
Trên cơ sở tờ trình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 367 năm 1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT Thủ Thiêm rộng 930ha với 7 phân khu chức năng. Lần lượt là khu trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ (từ 30-100 tầng) dọc hai trục đại lộ trung tâm Đông - Tây; khu trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế ở phía nam bán đảo; khu nhà ở cao cấp phía bắc bán đảo; khu trung tâm văn hóa, du lịch, giải trí phía nam và dọc sông Sài Gòn; công viên trung tâm; khu trung tâm hành chính; khu tái định cư rộng 160ha...
Trải qua nhiều thay đổi, xin điều chỉnh, đến năm 2005 UBND TP đã ra quyết định điều chỉnh quy hoạch chung 1/5.000 để phù hợp với "thực tế". Một quyết định được cho là trái thẩm quyền khi khẳng định "quyết định này thay thế quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ...". Ngoài ra còn xác định khu trung tâm ĐTM Thủ Thiêm là một công trình chiến lược.
Tấm da beo Thủ Thiêm loang lổ nhìn từ trên cao. (Ảnh: Zing)
Đến năm 2012, UBND TP.HCM lại một lần nữa phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 KĐT Thủ Thiêm.
Quy hoạch lần này chia KĐT Thủ Thiêm thành 8 phân khu chức năng: Khu vực lõi trung tâm được chia thành khu chức năng số 1 và 2; khu dân cư phía bắc là khu chức năng số 3 và 4; khu dọc đại lộ Đông - Tây là khu chức năng số 5 và 6; khu chức năng số 7 bao gồm khu dân cư phía đông, khách sạn nghỉ dưỡng và bến du thuyền; khu chức năng số 8 là toàn bộ vùng châu thổ phía nam.
Các công trình quan trọng trong dự án là trường học, nhà bảo tàng, trung tâm hội nghị triển lãm, khu ngập nước phía nam, trồng đước, dành cho giao thông thủy và bảo tồn...
Thủ Thiêm hiện nay không phải là các công trình cây xanh, trường học, trung tâm hội nghị... mà là các khu nhà ở, biệt thự của các DN. (Ảnh: Hồ Văn)
Nhưng qua nhiều năm phát triển, các chuyên gia cũng như cư dân Thủ Thiêm vô cùng thất vọng khi những công trình mọc lên đầu tiên ở Thủ Thiêm không phải là các công trình đã được người dân TP mong đợi như nhà hát - công viên trung tâm, trung tâm trưng bày triển lãm hay quảng trường trung tâm... mà là các dự án bất động sản, biệt thự, nhà ở để bán... cùa các doanh nghiệp.
Việc này đã biến ước vọng về một khu ĐTM hiện đại thành một tấm da beo loang lổ, phá nát quy hoạch mơ ước như ban đầu, gây ra nỗi bức xúc lớn cho cư dân Thủ Thiêm.
Người dân đứng bên lề "cuộc chơi"
Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM năm 2008, trong quá trình quy hoạch và xây dựng khu ĐTM Thủ Thiêm, đã có nhiều dự án ăn theo Thủ Thiêm lên đến gần 170ha. Tại địa bàn 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Lợi Đông có 64 dự án khu dân cư, khu du lịch, văn phòng làm việc... với tổng diện tích 169ha cho các nhà đầu tư. Đáng nói, có 42 dự án có quyết định giao đất của UBND TP.HCM hoặc Thủ tướng sau khi có quyết định 367 của Thủ tướng năm 1996.
Đây chính là lý do đã khiến diện tích đất của dự án KĐT Thủ Thiêm bị thu hẹp lại, không đủ theo phê duyệt ban đầu của Thủ tướng và cũng là nguyên nhân khiến các khu tái định cư bị dạt ra rìa quận 2...
Ông Lê Văn Lung đang chỉ rõ đất ngoài ranh và trong ranh quy hoạch. (Ảnh: Hồ Văn)
Ông Lê Văn Lung, một cư dân Thủ Thiêm bị giải tỏa trắng cho biết, chính vì quy hoạch "mập mờ", giao đất cho các dự án ăn theo khiến diện tích khu ĐTM Thủ Thiêm bị thu hẹp. Từ đó, UBND TP.HCM đã có một quyết định "động trời" năm 2005 thay thế quyết định 367 của Thủ tướng năm 1996.
"Đồng thời, đi liền với các động thái lấy đất ngoài ranh quy hoạch của hàng ngàn cư dân Thủ Thiêm, đẩy chúng tôi ra đường, trở thành người vô gia cư với hành trình 10 năm đòi công lý đến kiệt quệ thân xác, khánh kiệt gia sản, những mập mờ trong công bố quy hoạch mập ngay từ đầu đã cố ý đẩy cư dân Thủ Thiêm ra ngoài cuộc chơi, nhằm mưu lợi cá nhân", ông Lung bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Giáp, vợ của ông Hoàng Văn Lực (cựu chiến binh 70 năm tuổi Đảng), đang sống trong ngôi nhà thuộc diện giải tỏa. (Ảnh: Hồ Văn)
Những mưu cầu cá nhân của một nhóm lợi ích đã đẩy bức xúc của hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm thành nỗi uất nghẹn lên đến định điểm tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 9.5 của đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ở đó, nỗi uất nghẹn 10 năm đã thành những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của những người đàn ông đã qua hai màu tóc, thành nỗi uất nghẹn đến ngất xỉu của những phụ nữ gần đất, xa trời. Họ uất nghẹn vì 1m2 đất chỉ đền bằng ba tô phở, đất ngoài ranh quy hoạch lại bị giải tỏa trắng...
Trả lời với báo chí về câu chuyện Thủ Thiêm, cựu Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh cho biết: "Tôi từng nói thẳng với những người có trách nhiệm ở thành phố là tại sao lại đập hết nhà người dân như thế này. Sao mà giống một trận ném bom thời chiến tranh, ảnh hưởng tới cả nghìn hộ, trong khi chỉ thu hồi khoảng 20-30ha. Đó là chưa kể những người dân đã giúp hình thành cuộc sống ở Thủ Thiêm, họ quen với việc giao thương truyền thống, giờ đưa hết lên các tòa nhà cao tầng thì họ lấy cái gì sống".
Khu tạm cư của cư dân bị giải tỏa trắng nhếch nhác. (Ảnh: Hồ Văn)
Ở Thủ Thiêm bây giờ, cứ khoét lõm ra để xây cao tầng, bất kể mật độ dân số là bao nhiêu. Mình phát triển là phải vì dân, vì dân thì phải nghĩ xem mật độ dân số có đủ thêm người nữa không. Sinh sản tự nhiên đã quá tải rồi. Chưa kể là có những công ty, mà nhất là công ty quốc doanh, họ lắm nhà kho, nhà xưởng, đặt ở toàn những mảnh đất vàng. Đồng tiền đã làm biến dạng hết quy hoạch", ông Thanh nói.
Để đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM đã mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thành phố cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư, song vẫn còn nhiều khu vực dân cư chưa di dời.
Theo Danviet
Chính quyền đô thị: Tiêu ít tiền nhưng phải làm được nhiều việc "Việc tổ chức cần phải được sắp xếp sao cho hiệu quả, chính quyền đô thị tiêu ít tiền nhưng lại làm được nhiều việc cho dân hơn" - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị...