Hà Nội nợ xây dựng cơ bản hơn 3.000 tỷ
Chỉ tính đến thời điểm 30/6/2013, Thành phố có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện xây dựng cơ bản vượt kế hoạch giao chưa được thanh toán, gồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư là 3.246,9 tỷ đồng. Đây là vấn đề làm “ nóng” phiên chất vấn sáng 5/12 tại kỳ họp HĐND Thành phố.
Số nợ cao hơn số được cấp
Báo cáo với các đại biểu HĐND, UBND Thành phố cho biết, tính đến thời điểm 30/6/2013, Thành phố có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện XDCB vượt kế hoạch giao chưa được thanh toángồm 2.243 dự án với số vốn đầu tư: 3.246,9 tỷ đồng, trong đó khối lượng các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Thành phố và Ngân sách Thành phố hỗ trợ các quận huyện thị xã là 345 dự án với số vốn 1.402 tỷ đồng chiếm 43%.
Số còn lại, trong số còn lại, khối lượng XDCB thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện chưa được thanh toán là lớn nhất, với 1.175 dự án và số vốn là 1.282,7 tỷ đồng, chiếm 40%, trong đó 998 dự án hoàn thành với số vốn 904,1 tỷ đồng, 157 dự án đang triển khai: với số vốn 336,5 tỷ đồng… “Hiện nay, nhiều huyện, thị xã có số vốn XDCB nợ chưa được thanh toán lớn hơn tổng số vốn XDCB phân cấp” – báo cáo của Thành phố thừa nhận.
Trong khi đó, khối lượng XDCB ngân sách cấp xã còn nợ là 720 dự án với số vốn 554,3 tỷ.
Thành phố cũng cho biết, một số đơn vị có tỷ lệ nợ XDCB trên 50% tổng vốn XDCB phân cấp hàng năm: Ba Vì: 181%, Phúc Thọ: 181%; Phú Xuyên: 180%; Ứng Hòa 175%; Thạch Thất: 124,6%; Quốc Oai: 97,5%; Đan Phượng: 91%; Thị xã Sơn Tây: 88,7 %; Mê Linh: 81% ; Chương Mỹ: 75%; Thường Tín: 59%.
Tuy có số nợ đọng cao như vậy nhưng UBND thành phố Hà Nội vẫn khẳng định, tỷ lệ vốn nợ XDCB trên tổng vốn đầu tư phát triển chung của Thành phố thấp hơn so với ước tính bình quân chung các tỉnh có nợ trong cả nước (khoảng 13,5 % so với 24%)
Theo báo cáo, việc triển khai thực hiện vượt kế hoạch vốn do chủ đầu tư thực hiện trên cơ sở Nhà thầu tự ứng vốn, không tính lãi, có điều kiện đẩy nhanh tiến độ công trình, sớm đưa vào sử dụng; đối với doanh nghiệp mang lại việc làm cho người lao động. Tuy nhiên việc để tình hình như trên gây ra tình trạng không lành mạnh về tài chính, ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách.
Số nợ XDCB tăng đến hơn 3.000 tỷ là thực sự đáng lo ngại và báo động…
“Khất” con số nợ thật
Trong phiên chất vấn sáng nay (5/12), đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (quận Hà Đông) nói rằng, số nợ XDCB tăng đến hơn 3.000 tỷ là thực sự đáng lo ngại và báo động.
Video đang HOT
“Tại sao thành phố đã chỉ đạo, cảnh báo mà số nợ vẫn tăng? có hay không sự chủ quan trong chỉ đạo, điều hành? Trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, dự báo sẽ còn khó khăn trong 2014, có hay không việc chạy theo thành tích, gây áp lực chỉ tiêu giao quá cao ở một số nơi mà ngân sách không có khả năng đáp ứng? – đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nói.
Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ đầu tư XDCB tăng lên, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 lý do, đó là đối tượng nợ tăng lên, một số huyện báo cáo tăng và có 10 đơn vị có kê khai thêm nợ.
Ông Quý cũng cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP, hàng năm việc thống kê được thực hiện ở hai thời điểm: 30/6 và 31/12. Do đó, thời điểm hiện nay chưa thể biết được số nợ của năm 2013 có tiếp tục tăng lên nữa hay không. Về con số thực tế, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư “khất” sẽ báo cáo các đại biểu ở kỳ họp sau.
Liên quan đến việc một số chủ đầu tư cho triển khai dự án khi chưa có kế hoạch vốn bố trí, ông Quý khẳng định từng quận, huyện, đơn vị phải kiểm điểm nghiêm túc.
Trong khi đó, UBND Thành phố cho rằng, trách nhiệm để xảy ra tình trạng khối lượng XDCB vượt kế hoạch vốn đầu tư và chưa được thanh toán trước hết là các chủ đầu tư các dự án, các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có khối lượng vượt kế hoạch chưa có vốn thanh toán; công tác tham mưu quản lý nhà nước về XDCB của các sở, ngành liên quan, chỉ đạo của Thành phố đã tích cực tuy nhiên còn chưa quyết liệt…
Khó chữa “bệnh” nợ xây dựng cơ bản
Sau những chất vấn khá gay gắt của các đại biểu và câu trả lời có vẻ như chưa thỏa đáng, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đã nêu câu hỏi: “Bệnh nợ XDCB có chữa được không? Giải pháp gì và lúc nào thì chữa xong?”
Tuy nhiên, câu trả lời của vị đại diện cho UBND Thành phố chỉ là: Để chấm dứt nợ XDCB hoàn toàn là rất khó.
“Tuy nhiên, nếu Thành phố quyết liệt, các quận, huyện, sở, ngành thực hiện nghiêm thì tin rằng xử lý được tình trạng nợ XDCB.” – ông Quý nói.
Đồng tình cao với những câu hỏi chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Lê Văn Hoạt cho biết, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề được đưa ra chất vấn.
“Trong số các nguyên nhân mà UBND Thành phố đã trình bày, qua giám sát của Thường trực HĐND cho thấy còn một nguyên nhân nữa là nhận thức của cán bộ cấp huyện còn “mù mờ”, cho rằng nợ XDCB là “chuyện bình thường”. Ngoài ra, trong công tác kiểm tra, kiểm soát có tình trạng cứ ra văn bản là xong” – Ông Hoạt khẳng định.
Về các biện pháp xử lý và khắc phục, UBND Thành phố cho biết, với 1.409,0 tỷ đồng thuộc trách nhiệm giải quyết của ngân sách Thành phố, theo phương án kế hoạch XDCB năm 2014 trình HĐND Thành phố, đã dự kiến bố trí 938,7 tỷ đồng (67%) để thanh toán khối lượng XDCB đã thực hiện; các dự án chờ quyết toán dự kiến thanh toán từ nguồn vốn thanh quyết toán công trình hoàn thành là 50 tỷ đồng; còn lại 84,7 tỷ đồng chủ yếu là các dự án có vướng mắc, chưa điều chỉnh dự án, chưa có tổng dự toán điều chỉnh, Thành phố xem xét sẽ bố trí vốn sau khi điều chỉnh dự án và có quyết toán công trình hoàn thành hoặc tất toán tài khoản tại kỳ bố trí vốn gần nhất.
Với khối lượng XDCB thuộc trách nhiệm cấp Huyện, Thành phố chỉ đạo UBND các huyện, thị xã tiếp tục cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện năm 2013 để thanh toán khối lượng XDCB vượt kế hoạch vốn từ nguồn kết dư ngân sách năm 2012 và các nguồn vốn khác.
Đối với khối lượng XDCB còn lại (sau khi bố trí trả nợ đến 31/12/2013), các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án thanh toán bằng nguồn ngân sách của địa phương trong kế hoạch năm 2014, đảm bảo hết năm 2015 phải hoàn thành xử lý khối lượng XDCB và không phát sinh mới…
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Hà Nội quyết dẹp chợ cóc để "cứu" siêu thị
UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo tiếp tục giải tỏa chợ cóc, tụ điểm kinh doanh trái phép khu vực xung quanh chợ - trung tâm thương mại để người dân vào trung tâm thương mại mua sắm, giúp cho hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả...
Chi ngàn tỷ không hiệu quả
Những năm vừa qua, Hà Nội đã thực hiện phá một loạt chợ truyền thống để chuyển sang mô hình chợ - trung tâm thương mại. Để thực hiện các dự án này, số tiền được chi ra là hàng nghìn tỷ đng. Điển hình như chợ - Trung tâm thương mại Chợ Mơ có số tiền đầu tư là 1.500 tỷ đồng; Chợ - trung tâm thương mại 19/2 đầu tư 400 tỷ; Chợ - trung tâm thương mại huyện Thanh Trì đầu tư 125 tỷ, Chợ - trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa đầu tư 14 tỷ; Chợ - trung tâm thương mại chợ Hàng Da 236 tỷ; Chợ - trung tâm thương mại Cừa Nam có số tiền đầu tư hơn 100 tỷ...
Tuy nhiên, dù đầu tư số tiền lớn như vậy nhưng hoạt động kinh doanh tại các công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại nói trên hầu như không hiệu quả, đặc biệt là hoạt động kinh doanh tại khu vực chợ truyền thống tại các khu hỗn hợp này kém hiệu quả hơn trước, chưa đảm bảo an sinh xã hội, chưa đáp ứng được nhu cầu mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân và chưa đảm bảo việc kinh doanh ổn định của các tiểu thương trong chợ.
Đặc biệt, do hoạt động kinh doanh tại công trình hỗn hợp chợ - Trung tâm thương mại không hiệu quả, nhiều hộ kinh doanh đã nghỉ kinh doanh hoặc sang nhượng điểm kinh doanh. Theo khảo sát cho thấy, Chợ Hàng Da có khoảng 200/636 hộ nghỉ kinh doanh, chợ Cửa Nam có 62/62 hộ, chợ Ô Chợ Dừa có 100/100 hộ nghỉ kinh doanh...
Ngoài ra, do không thuận tiện, không phù hợp với tập quán kinh doanh, mua bán của người Hà Nội nên người dân đã không vào chợ mua bán, điều đó đồng nghĩa với việc mọc lên các chợ cóc, chợ tạm... xung quanh khu vực chợ cũ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Những bất cập trong việc đổi chợ thành trung tâm thương mại, siêu thị đã được báo chí phản ảnh khá nhiều và các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng đã tiến hành chất vấn tại các kỳ họp gần đây.
Lãnh đạo Thành phố chỉ đạo dẹp chợ cóc, chợ tạm với hy vọng những cái "chợ" như thế này hoạt động kinh doanh hiệu quả
Chợ trở thành phụ, trung tâm thương mại là chính
Mặc dù việc phá bỏ các chợ truyền thống cũ để xây các tòa nhà hỗn hợp chợ - trung tâm thương mại đều đặt ra mục tiêu là để việc mua sắm của người dân được đảm bảo văn minh... nhưng trong khi tiến hành phá bỏ hàng loạt chợ truyền thống để xây dựng lại thì mô hình mẫu công trinh hỗn hợp chợ gắn với Trung tâm thương mại vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng) để đảm bảo hài hòa các công năng, vừa giữ được chợ truyền thống, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư khi nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện.
Đặc biệt, việc thiết kế khu vực chợ chưa hợp lý, tỷ trọng bố trí công trình chủ yếu là chức năng trung tâm thương mại, trong khi đó, chợ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân lại trở thành phụ và chiếm tỷ lệ nhỏ.
Cùng với đó, một số dự án xây dựng chợ - trung tâm thương mại trên nền chợ cũ có diện tích nhỏ, hẹp, khi đầu tư xây dựng để tận dụng diện tích kinh doanh, chủ đầu tư đã thiét kế khu vực để xe ở tầng hầm với lối xuống dốc, xe máy lên xuống không thuận tiện, đã không khuyến khích người dân vào tham quan, mua sắm, trong đó điển hình là chợ Cửa Nam.
Việc thực hiện các quy hoạch cũng không đồng bộ, chủ đầu tư chưa tính toán kỹ dẫn đến công trình chợ - trung tâm thương mại hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng các công trinh hạ tầng xung quanhc hợ tiến độ hoàn thành không đồng bộ dẫn đến khó thu hút người dân vào mua sắm, điển hình là chợ Ô Chợ Dừa...
Một nguyên nhân khác được Thành phố chỉ ra, đó là năng lực tài chính của các doanh nghiệp đầu tư hầu hết là đi vay, một số doanh nghiệp đầu tư dàn trải như Công ty CP Xây dựng Sông Hồng là chủ đầu tư một số công trình hỗn hợp như Chợ Hàng Da, chợ - trung tâm Thương mại Châu Long, chợ - trung tâm thương mại Xuân La...; một số doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện tái cơ cấu vốn, thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ như Vinaconex; Tổng Công ty Dầu khí tại dự án Chợ - Trung tâm thương mại Ngã Tư Sở. Do vậy, khi có biến động thì tiến độ đầu tư kéo dài, đã gây tâm lý mất ổn định đối với các hộ kinh doanh tại chợ, trong khi cơ sở vật chất tại chợ ngày một xuống cấp, không đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Dẹp chợ cóc, chợ tạm để dân vào trung tâm thương mại
Để khắc phục những tồn tại nói trên, UBND thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiêm nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật quy định về phát triển và quản lý chợ phương án chợ tạm, phương án tái bố trí chi tiết về các điều kiện đối với hộ kinh doanh, công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh... nhất là đối với các chợ truyền thống có số hộ kinh doanh lớn, các chợ nội thành cũ có vị trí đắc địa, để công tác giỉa phóng mặt bằng không gây mất trật tự xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, dù nhận định rằng các chợ - trung tâm thương mại được thiết kế không phù hợp với chức năng chợ, không đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nhưng Thành phố vẫn chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giải tỏa chợ cóc, tụ điểm kinh doanh trái phép khu vực xung quanh chợ để người dân vào chợ mua sắm, giúp cho hoạt động kinh doanh tại chợ đạt hiệu quả.
Đối với các dự án đầu tư đã được đấu thầu, giao cho các công ty nhưng chưa thực hiện, UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện giãn tiến độ thực hiện dự án...
Xuân Hưng
Theo_VnMedia
Sợ rau "bẩn" người dân tự trồng rau trên sân thượng Lo ngại về nhiều loại rau củ quả không đảm bảo vệ sinh và liên tục tăng giá "chóng mặt", nhiều người dân thành phố đã tận dụng các khoảng trống trước nhà, ban công, sân thượng...để trồng rau tự phục vụ gia đình, bán cho hàng xóm. Vườn mướp đắng trên sân thượng nhà ông Nghĩa sai trĩu quả Nhìn vào căn...