Hà Nội: Người đi bộ ngỡ ngàng khi bị phạt tiền ở đường trên cao
Đội CSGT, Trật tự và Phản ứng nhanh – Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, chỉ trong 7 ngày đã xử lý 33 trường hợp người đi bộ đi vào đường cấm tại tuyến đường vành đai III trên cao, xử phạt 100.000 đồng/người.
Mặc dù đã có biển báo cấm người đi bộ, xe đạp và xe máy không được đi vào đường vành đai III trên cao, tuy nhiên thời gian qua rất nhiều người đã “phớt lờ” biển cấm, cố tình đi lên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, bởi tuyến đường này chỉ dành riêng cho ô tô đi với tốc độ khá lớn.
Người đi bộ “vô tư” đi vào đường cấm
Chiều 14/11, theo ghi nhận tại tất cả các vị trí đường dẫn lên xuống ở đường vành đai III trên cao thuộc địa bàn quân Thanh Xuân (Hà Nội) đều có lực lượng chức năng cắm chốt, nhằm ngăn chặn người đi bộ, xe máy và xe đạp đi vào tuyến đường này. Nhiều trường hợp cố tình đã bị lực lượng chức năng tiến hành xử lý.
Nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng khi bị xử phạt
Video đang HOT
Theo quan sát, rất nhiều người đi bộ và người đi xe máy vẫn “vô tư” đi vào đường chỉ dành riêng cho ô tô này. Khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở, nhiều người đã nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên cũng có trường hợp thấy bóng dáng lực lượng chức năng là vội vã bỏ chạy.
Đại úy Hoàng Điệp – Công an phường Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân – Hà Nội) – cho biết: “Biển cấm đã có nhưng nhiều người đi bộ tỏ ra vẫn chưa biết qui định này, chúng tôi vừa xử lý, nhưng chủ yếu là nhắc nhở. Người đi bộ vi phạm chủ yếu là người dân ngoại tỉnh như lao động tự do, học sinh, sinh viên… Họ lên đó là để đón xe về quê. Nhưng cũng có người sống ở địa bàn này, nhà họ gần đây nên họ nghĩ lên đó đón xe cho tiện…”.
“Phớt lờ” biển cấm, vẫn nhiều người cố tình vi phạm…
Em Đinh Văn Quyết (SN 1996), quê Hà Nam, khi bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vì lỗi cố tình đi vào đường cấm, bị tạm giữ chứng minh thư nhân dân, mức phạt 100.000 đồng, vẫn còn tỏ ra rất ngỡ ngàng: “Em thấy rất bất ngờ, em chưa biết tới qui định này, tại nhiều lần đi em không quan sát biển cấm. Qua lần này em sẽ rất nhớ và không bao giờ tái phạm nữa”.
Trao đổi với PV Dân trí, Thiếu tá Nguyễn Thắng Toàn – Đội phó Đội CSGT – Trật tự – Phản ứng nhanh (Công an quận Thanh Xuân) cho biết: Thực hiện kế hoạch 471/KH-CAHN-PV11-PC67 ngày 28/10/2014 của Công an TP Hà Nội về việc “Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tuyến đường vành đai III trên cao”. Công an quận Thanh Xuân đã phối hợp với đội CSGT số 7, các phường sở tại nơi có các đường dẫn lên xuống để tuyên truyền, xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông tại tuyến đường này.
Thiếu tá Nguyễn Thắng Toàn cho biết: “Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 6 điểm lên xuống tuyến đường vành đai III trên cao. Bắt đầu từ 1/11/2014, chúng tôi tăng cường kiểm soát, phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành tuyên truyền nhắc nhở và đã xử lý nhiều trường hợp là người đi xe máy, xe đạp và người đi bộ đi vào tuyến đường cấm này. Từ ngày 5/11 – 12/11/2014, chúng tôi đã xử phạt hành chính 33 trường hợp người đi bộ, mỗi trường hợp là 100.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe máy chúng tôi cũng xử lý tương đối nhiều”.
Thiếu tá Toàn thông tin thêm, người đi bộ khi vi phạm nếu bị xử lý sẽ tiến hành lập biên bản và tạm giữ chứng minh thư nhân dân. Sau đó hướng dẫn họ về kho bạc nộp phạt, mới được nhận lại chứng minh thư. Mức phạt áp dụng cho người đi bộ là 100.000 đồng/ người, xe máy là 300.000 đồng/xe và tạm giữ xe 1 tháng.
“Chúng tôi tăng cường đến hết 31/12/2014, sau đó vẫn tiếp tục duy trì. Lực lượng chức năng của chúng tôi sẽ cắm chốt tại các vị trí đó từ 6h – 24h hàng ngày. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức viết bài tuyên truyền qui định này gửi tới các phường sở tại để đọc lên hệ thống loa truyền thanh. Đồng thời, chúng tôi còn gửi về các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn quận Thanh Xuân để các học sinh, sinh viên nắm được. Đối với sinh viên bị xử lý, chúng tôi cũng sẽ gửi giấy tới tận trường sinh viên đó theo học” – Thiếu tá Toàn nói.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Đi xe máy lên đường trên cao bị xử lý thế nào?
Hỏi: Con trai tôi học ĐH năm thứ 2 tại Hà Nội. Vừa qua, do sợ muộn học nên cháu đã đi xe máy lên đường trên cao (Vành đai 3) tới đoạn Nguyễn Trãi - Thanh Xuân bị CSGT kiểm tra rồi lập biên bản. Vậy xin hỏi, trong trường hợp này, con trai tôi vi phạm lỗi gì và bị xử phạt thế nào?
Trả lời: Theo Luật GTĐB đối với người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phải chấp hành quy tắc giao thông, tuân thủ biển báo hiệu đường bộ theo quy định.
Cụ thể, trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao của Hà Nội chỉ cho các phương tiện ô tô lưu thông. Theo đó, nghiêm cấm các phương tiện xe máy, xe ba bánh, xe thô sơ lưu thông lên trên tuyến đường này.
Anh minh hoa
Khi lưu thông tới các điểm lên, xuống đường trên cao đều có biển báo hiệu đường bộ cho phép các phương tiện được phép lưu thông, đồng thời cũng có các biển báo cấm các loại phương tiện không được phép lưu thông trên tuyến đường này.
Với trường hợp nên trên, người điều khiển xe máy đi vào đường cấm sẽ bị xử phạt theo Điểm i, Khoản 4, Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt, mức xử phạt từ 200 - 400 nghìn đồng. Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước GPLX một tháng. Ngoài việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính, CSGT còn gửi thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị hoặc nơi cư trú trên địa bàn.
Theo Giao thông Vận tải
Hà Nội: Đi bộ sang đường, nữ giúp việc bị ô tô cán chết Đang bị bộ sang đường, một phụ nữ bị ô tô 7 chỗ bất ngờ tông ngã nằm sấp xuống đường và bị bánh trước chiếc xe này chèn lên đầu, gây tử vong. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 9h sáng nay (24/10) trên phố Khâm Thiên (cách ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn - Nguyễn Thượng Hiền...