Hà Nội nghiên cứu mức phí trông xe mới
Bên cạnh việc chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trông giữ xe ở thủ đô, UBND thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất mức phí trông giữ phương tiện phù hợp.
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội, việc trông giữ xe còn nhiều vi phạm như không niêm yết mức thu, không sử dụng vé, thu vượt mức quy định… Đồng thời, một số cơ quan đang cho phép sử dụng khuôn viên để trông giữ xe không có giấy phép, không đúng quy định.
Điều này đã khiến chỉ trong một tuần UBND thành phố phải ra liên tiếp hai công văn do Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Văn Khôi ký nhằm đốc thúc các sở, ngành và quận tăng cường quản lý về trông giữ xe.
Ôtô đỗ sai quy định, lấn chiếm lòng lề đường. Ảnh: Tiến Dũng.
Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng đề nghị các cơ quan hành chính thuộc thành phố và đóng trong địa bàn thành phố bố trí khu vực để phương tiện miễn phí cho công chức, viên chức và người đến giao dịch, làm việc. Các tổ chức, cá nhân bị xử lý nhiều lần vẫn tái phạm sẽ bị thu hồi giấy phép trông giữ xe và chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.
Video đang HOT
Thành phố cũng tiếp tục rà nhằm tăng diện tích các điểm trông giữ, hạn chế sử dụng vỉa hè, lề đường làm nơi trông xe, gây ảnh hưởng giao thông và cảnh quan đô thị.
Còn Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các quận phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm hè phố, lòng đường, các điểm trông giữ thu phí không đúng quy định. Sở Y tế, Giáo dục cũng được giao kiểm tra, chấn chỉnh việc trông giữ xe trong các bệnh viện, trường học, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trước những ý kiến về việc giá trông xe hiện nay không còn phù hợp, ông Khôi chỉ đạo Sở Tài chính, Cục Thuế Hà Nội cùng các ngành nghiên cứu đề xuất về mức thu phí trông giữ phương tiện, phí sử dụng hè đường.
Theo VNExpress
'Choáng' với giá gửi xe ngày đại lễ
Vừa rút vé lấy xe, Nam phát hoảng khi nghe người trông xe "hét" giá 150 nghìn. Nằn nì, mặc cả mãi Nam đành bấm bụng rút 100.000 đồng trả tiền trông xe chưa đầy... 2 tiếng đồng hồ.
Hà Nội những ngày này lúc nào cũng đông nghìn nghịt người, nhất là những khu vực tổ chức sự kiện mừng đại lễ. Lợi dụng tình hình đó, nhiều điểm trông xe mặc sức hét giá "cắt cổ", vô tư "chém" nhân dịp... "ngàn năm có một" này.
Dù biết bị chém, nhưng nhiều người dân vẫn phải bấm bụng trả tiền vì: "Không gửi thì biết để xe ở đâu?", Chị Hoa, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội nói.
"Đắt nhưng không xắt ra miếng", những điểm trông xe này phần đông là do nhà dân tự phát hoặc ngang nhiên sử dụng vỉa hè, quây thừng làm chỗ giữ xe. Vé xe hiếm khi được in ấn, đánh số đàng hoàng, thường được cắt từ vỏ bao thuốc lá, bìa cát-tông, thậm chí mặt sau tờ vé số được xé nham nhở làm 3, làm 4 cũng được tận dụng triệt để.
Tại những điểm trông xe vỉa hè trên đường..., cạnh công viên nước Hồ Tây, nơi diễn ra "Liên hoan ẩm thực Hà Thành", giá vé gửi xe trung bình là 30.000 đồng/ xe máy, đắt gấp 10 lần so với quy định của nhà nước. Nếu khách hàng nào thắc mắc, ngay lập tức bị 2, 3 thanh niên khuôn mặt dữ dằn quát: "Không thích gửi thì biến. Thiếu quái gì người gửi". Thậm chí, có phóng viên giơ máy ảnh lên chụp còn bị những bảo vệ này cầm mũ bảo hiểm... đuổi đánh.
Tuy nhiên, so với những điểm gửi xe tại khu vực nội thành "chật chội" hơn, 30.000 đ/ xe máy còn là... quá rẻ.
Nguyễn Thành Nam, sinh viên ĐH Bách Khoa nhăn nhó kể: "Hôm trước em cùng nhóm bạn gửi xe ở phố Hàng Bài xem..... . Chưa đầy 2 tiếng sau quay lại thì người giữ xe "hét" 150.000 đồng/ xe máy. Phải mặc cả, năn nỉ mãi anh ta mới đồng ý nhận 100.000/xe. Đúng là "giết người không dao".
Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, Hà Đông, Hà Nội bức xúc kể: "Tối hôm mùng 7 đang đi đến khu vực bờ Hồ thì bị chặn đường. Tôi dừng lại gửi xe để xem lễ duyệt binh luôn. Lúc lấy xe thì nhà xe đòi 70.000 đồng. Biết có cãi cũng chả được, đành phải bấm bụng rút ví trả cho xong".
"Nên chọn những chỗ gửi xe tin cậy, hoặc vào những nhà xe công, siêu thị, bệnh viện, cơ quan... Trường hợp đi chơi tối, trước khi gửi xe tốt nhất là nên hỏi giá trước. Nếu không bắt taxi đi là tiện nhất, đỡ phải lo chỗ gửi xe, vừa phiền hà, vừa không an toàn mà lại đỡ khoản chặt chém", Nguyễn Thu Thủy, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện thành phố đã công bố công khai 3 số điện thoại đường dây nóng: 04.39424451; 04.38217922; 0913211997. Người dân khi tham dự các hoạt động của đại lễ, muốn phản ánh những tiêu cực trong công tác tổ chức hoặc nạn trông giữ xe chặt chém có thể gọi đến đó để phản ánh...
Lê Trang
Theo BĐVN