Hà Nội lần đầu vận động thiết kế trang trí thủ đô
Các thiết kế phục vụ mục đích tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và trang trí thành phố sau khi được hội đồng nghệ thuật lựa chọn, sẽ đưa ra lấy ý kiến công chúng. Những tác phẩm có lượng bình chọn nhiều nhất mới được Hà Nội thi công thực tế.
Ngày 29/3, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội lần đầu tiên phát động cuộc vận động thiết kế hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thủ đô năm 2016. Mục đích là đổi mới hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, trang hoàng làm đẹp thành phố, đặc biệt trong dịp lễ Tết và các ngày kỷ niệm lớn của thủ đô, đất nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Đông đảo họa sĩ, nhà thiết kế đã tới tham dự cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thủ đô 2016. Ảnh: Quỳnh Trang.
Ban tổ chức yêu cầu, các thiết kế phải chuyển tải được ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa của thủ đô và các thời điểm diễn ra sự kiện; có tính thẩm mỹ cao, phù hợp môi trường cảnh quản, hệ thống chiếu sáng, kiến trúc đô thị và có tính khả thi.
Với các tác phẩm để tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thiết kế có thể là mô hình biểu tượng, cụm pano cổ động, cụm cờ… Những sản phẩm này được sử dụng tại các sự kiện như: Kỷ niệm 71 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng thủ đô, 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, dịp chào đón năm mới 2017.
Thiết kế trang trí thành phố sẽ trên tổng thể gồm bề mặt công trình kiến trúc, cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng… Không giới hạn ví trí trang trí nhưng lãnh đạo Sở Văn hóa Hà Nội cho biết, sẽ nhấn vào những khu vực chính xung quanh hồ Gươm như: tượng đài Lý Thái Tổ, phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền, Bà Triệu… Các thiết kế xuất sắc do hội đồng nghệ thuật bình chọn sẽ được trao thưởng với tổng giá trị hơn 160.000.000 đồng.
Video đang HOT
“Chúng tôi sẽ công bố các tác phẩm được trao thưởng để lấy ý kiến rộng rãi của công chúng. Những thiết kế nào được nhân dân đánh giá, bình chọn cao thì Sở mới quyết định làm. Có tác phẩm họa sĩ bảo tốt nhưng dân nói không thì chúng tôi cũng không cho thể hiện ở ngoài đường phố. Mục đích của Sở là để phục vụ nhân dân”, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động nói.
Ông Động thừa nhận quy trình trang trí thủ đô trước đây do làm thiếu bước lấy ý kiến của chuyên gia, công chúng nên đôi khi bị phản ứng trái chiều. Do đó với quyết tâm làm bài bản lần này, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao tin sẽ tạo sự đồng thuận cao, làm mới và đẹp hơn cho bộ mặt của thủ đô.
Một trong các thiết kế trang trí của Hà Nội dịp đầu năm 2016 gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Ảnh: Giang Huy.
Đánh giá cao ý nghĩa của cuộc vận động, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đây là bước thay đổi tích cực trong tư duy người đứng đầu để làm diện mạo thành phố tươi đẹp hơn. Những trang trí của thủ đô thời gian qua, theo ông có nhiều cái phù hợp nhưng cũng không ít trang trí gây phản cảm, tạo cảm giác lộn xộn, thiếu an toàn giao thông như quả cầu quá khổ đặt trước Ngân hàng nhà nước che khuất con đường phía sau.
“Các thiết kế do đó cần đặt trong bối cảnh cụ thể với tỷ lệ phù hợp, có bản phối cảnh các không gian xung quanh. Tôi phản đối việc kéo đèn qua đường, trang trí đèn xanh, đèn đỏ lòe loẹt khiến người dân bị rối mắt, cảm thấy bất an khi cứ có vật lủng lẳng trên đầu”, họa sĩ Khánh Chương nói.
Trước thắc mắc về giá trị giải thưởng thấp (giải Nhất thiết kế tuyên truyền nhiệm vụ chính trị 10.000.000 đồng; giải Nhất thiết kế trang trí làm đẹp thành phố 20.000.000 đồng), Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam giải thích, những sản phẩm này dù rất quan trọng vì phục vụ những sự kiện lớn của thủ đô, đất nước, nhưng chỉ có giá trị sử dụng trong vài ngày chứ không phải vĩnh cửu.
Người đứng đầu Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội kêu gọi tấm lòng của các họa sĩ và hứa hẹn tác phẩm nào được đưa vào thi công, tác giả đó sẽ có thêm thu nhập từ việc giám sát thực hiện.
Từ 18/4, Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm tham dự cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thủ đô năm 2016, địa điểm tại phòng thường trực ban, số 47 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Dịp đầu năm 2016, giới kiến trúc và người dân thủ đô lên án gay gắt nhiều trang trí chào mừng năm mới, kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam như: dàn hoa lạ tại đài phun nước ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; dàn hoa hồng giả quá chói mắt, không phù hợp trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dãy dài đèn trang trí lòe loẹt, nhiều màu sắc trên các tuyến phố lớn. Nguyên Thứ trưởng Xây dựng, TS Phạm Sỹ Liêm nhận xét, Hà Nội đang được trang trí theo kiểu “phú trọc”, lạm dụng đèn led, gây ô nhiễm ánh sáng và làm đảo lộn giá trị của cái đẹp.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Hà Nội bắn pháo hoa 31 điểm Tết âm lịch
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết sẽ bắn pháo hoa tại 31 điểm tại 30 quận, huyện, thị xã trong đêm giao thừa Bính Thân (ngày 8.2.2016).
Hà Nội sẽ bắn pháo hoa 31 điểm - Ảnh minh họa: T.N
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 8.2, tức đêm giao thừa, dự kiến bắn pháo hoa tại 31 trận địa với 6 điểm tầm cao, 25 điểm tầm thấp tại 30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, năm nay sẽ không bắn pháo hoa tại cầu Nhật Tân. Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, thể thao đêm giao thừa tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, trung tâm quận Hà Đông, Tây Hồ, thị xã Sơn Tây, trước cửa Sân vận động quốc gia Mỹ Đình và các điểm bắn pháo hoa khác.
Hà Nội cũng sẽ tổ chức chương trình Tết Việt bên ngoài bảo tàng Hà Nội, giới thiệu Tết Việt truyền thống cho lớp trẻ cũng như các sản phẩm cổ truyền, sân khấu ngoài trời...
Liên quan đến việc trang trí đường hoa gây phản cảm khiến dư luận bức xúc thời gian qua, ông Động thừa nhận, việc trang trí đường hoa vừa qua về mặt quy trình có phần chưa chặt chẽ vì chưa thi tuyển được, chưa lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, cơ quan báo chí. "Về quy trình có một đơn vị tư vấn thiết kế và phải thông qua Hội đồng nghệ thuật của Sở. Giữa thiết kế 3D trên giấy và ra hiện trường vẫn còn phải điều chỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao vừa làm vừa nghe ý kiến và điều chỉnh cho phù hợp", ông Động nói.
Ông Động khẳng định về lâu dài, khi xây dựng kế hoạch trang trí phải thi tuyển thiết kế cho tất cả các tuyến đường, sau khi xét duyệt chủ đề, trang trí chi tiết mới được trang trí chính thức.
Mai Hà
Theo Thanhnien
Hà Nội cạn quỹ tên đường phố Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến Hà Nội cần một lượng tên khổng lồ để đặt cho đường phố, nhưng quỹ tên đang cạn dần, nhất là tên danh nhân. Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, nhiều tuyến đường ở Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu...