Hà Nội làm rõ việc Chi cục trưởng bổ nhiệm con trai trước khi về hưu
Ông Nguyễn Văn Vinh- Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, tuần tới Sở Nội vụ Hà Nội sẽ vào cuộc làm rõ việc ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội bổ nhiệm con trai làm Phó phòng rồi nghỉ hưu gây ồn ào dư luận thời gian qua.
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội nảy sinh nhiều ồn ào thời gian qua (Ảnh: Thế Kha).
Như chúng tôi đã phản ánh, đầu năm 2018, ông Lê Thiết Cương- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội ký tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị luân chuyển cán bộ thuộc Sở để bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng Kế hoạch và Tổng hợp thuộc Chi cục này.
Văn bản của ông Cương đề nghị rõ tiêu chuẩn với cán bộ: “Đã được quy hoạch trong đội ngũ cán bộ cấp phòng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp”.
Cuối tháng 2/2018 ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ký quyết định điều động công tác đối với ông Lê Thiết Lĩnh, chuyên viên Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đến nhận công tác tại Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội kể từ ngày 1/3/2018.
Ngay sau đó, ông Lê Thiết Cương ký quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Lê Thiết Lĩnh (con trai) giữ chức Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp dù Sở Nội vụ Hà Nội đã có thông báo về việc ông Cương sẽ nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/8/2018.
Ông Lê Thiết Cương (bố) ký quyết định bổ nhiệm ông Lê Thiết Lĩnh (con trai) chỉ ít lâu trước khi nghỉ hưu gây ồn ào dư luận.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 7/9, ông Nguyễn Văn Vinh- Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) khẳng định, ông Lê Thiết Lĩnh không nằm trong quy hoạch Phó phòng thuộc Sở này giai đoạn 2015-2020, mà chỉ nằm trong quy hoạch nhiệm kỳ 2021-2026.
Video đang HOT
“Bên Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội xin 1 đồng chí về thôi, đến khi họ bổ nhiệm, báo cáo thì chúng tôi mới nắm được bởi thẩm quyền là của Chi cục trưởng”- ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 43/2010 về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển chức danh Trưởng phòng, Phó phòng và tương đương ở các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong đó, Điều 6 Quyết định 43 nêu rõ: Điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Phó trưởng phòng phải được cơ quan, đơn vị xây dựng nguồn quy hoạch là Phó trưởng phòng; đã có thời gian công tác ở lĩnh vực chuyên môn ít nhất 3 năm… Chính vì thế hiện nay đang có ý kiến cho rằng thời điểm bổ nhiệm ông Lê Thiết Lĩnh chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Dự kiến, tuần tới Sở Nội vụ Hà Nội sẽ vào cuộc làm rõ việc ông Lê Thiết Cương ký quyết định bổ nhiệm con trai làm Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp vào thời điểm đã có thông báo nghỉ hưu và ông Lê Thiết Lĩnh có đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức vụ này hay không?
Trong khi đó, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết đã nhận được thông báo của Sở Nội vụ Hà Nội về việc lập tổ công tác xác minh những ồn ào này.
Có trách nhiệm thu hồi 287 triệu đồng
Như Dân trí phản ánh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa có văn bản khẳng định Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội sử dụng số tiền cho thuê trụ sở gần 287 triệu đồng chi vào hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao của cơ quan; hỗ trợ một phần chi phí nghỉ mát hàng năm cho cán bộ và người lao động không đúng quy định. Trách nhiệm trước hết thuộc về Chi cục trưởng Lê Thiết Cương trong công tác quản lý tài sản từ tháng 4/2009 đến tháng 12/2012.
Sau nhiều năm yêu cầu, đến nay Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội vẫn chưa nộp số tiền đã thu từ việc cho thuê tài sản công và sử dụng không đúng quy định vào ngân sách nhà nước.
Ông Lê Thiết Cương đã bị buộc có trách nhiệm thu và nộp lại gần 287 triệu đồng. Tuy nhiên kết luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lại không đưa ra hình thức xử lý kỷ luật nào đối với ông Cương – vừa mới nghỉ hưu “an toàn” từ đầu tháng 8/2018.
Thế Kha
Theo Dantri
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội phải thu hồi 287 triệu đồng
Mới nghỉ hưu từ đầu tháng 8 vừa qua, nhưng ông Lê Thiết Cương- nguyên Giám đốc Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ phải có trách nhiệm thu và nộp lại ngân sách nhà nước gần 287 triệu đồng.
Trụ sở Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa ký văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xác minh một số nội dung có liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý tài sản, tài chính tại Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội.
Qua đó phát hiện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho thuê trụ sở làm việc tại 35 Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tuy chưa có biểu hiện tư lợi cá nhân, tham nhũng nhưng việc làm này đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Số tiền cho thuê trụ sở gần 287 triệu đồng, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã chi vào hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao của cơ quan; hỗ trợ một phần chi phí nghỉ mát hàng năm cho cán bộ và người lao động không đúng quy định.
"Trách nhiệm này trước hết thuộc về Chi cục trưởng Lê Thiết Cương trong công tác quản lý tài sản từ tháng 4/2009 đến tháng 12/2012"- thông báo nêu rõ.
Để khắc phục vi phạm, Bí thư Chi bộ- Chi cục trưởng Lê Thiết Cương và ông Phùng Quốc Huy- Chủ tịch Công đoàn Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã kiểm điểm và nhận trách nhiệm trước tập thể đơn vị; nghiêm túc rút kinh nghiệm để tập trung khắc phục vi phạm trong công tác quản lý tài sản, chấm dứt cho thuê tại 35 Tạ Quang Bửu.
Tuy nhiên sau nhiều năm yêu cầu, đến nay Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội vẫn chưa nộp số tiền đã thu từ việc cho thuê tài sản công và sử dụng không đúng quy định vào ngân sách nhà nước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu ông Lê Thiết Cương (mới nghỉ hưu từ đầu tháng 8/2018) có trách nhiệm thu và nộp lại gần 287 triệu đồng.
Không đủ cơ sở để khẳng định có tham nhũng, tư lợi cá nhân?
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã làm rõ việc sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ mô hình phát triển nghề do Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thực hiện ở một số xã trên địa bàn các huyện, thị xã "vướng" nhiều đơn thư, tố cáo trong thời gian qua.
Sau một thời gian thực hiện, đến thời điểm kiểm tra đã có hộ không tiếp tục tham gia mô hình với lý do như chuyển đổi nghề, đi làm việc khác có thu nhập cao hơn hoặc ốm đau bệnh tất, thậm chí đã chết,...
Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế chỉ đáp ứng được một phần (50-70% giá trị) để mua các vật tư, trang thiết bị thô sơ và có thời gian sử dụng ngắn (cưa, đục, khoan, bào, lò sấy, giá sắt, túi nilon,...) nên một số hộ tham gia mô hình không có nguồn kinh phí bổ sung để sửa chữa, bảo quản thiết bị hoặc mua sắm vật tư, thiết bị để tiếp tục phục vụ sản xuất.
Lãnh đạo UBND xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) khẳng định không biết và không uỷ quyền cho Trung tâm nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề ký hợp đồng để mua các vật tư gỗ, các thiết bị cưa, bào đục,... Người đã ký vào hoá đơn mua hàng (bên mua) là kế toán- đại diện UBND xã, không phải đại diện của Trung tâm nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề ký.
"Không có cơ sở để khẳng định đơn vị này được hưởng 40% giá trị hợp đồng (giá trị hợp đồng là 120 triệu đồng để mua gỗ và 180 triệu đồng để mua cưa, bào, đục, khoản,...) như nội dung công dân phản ánh"- thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay.
Đoàn kiểm tra cũng đã đối chiếu tài liệu, hoá đơn chứng từ do Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội và 16 xã, các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp; kết quả kiểm tra xác minh đối với 7 tổ chức, hộ kinh doanh vật tư, thiết bị và 33 mô hình, 326 hộ gia đình tham gia mô hình là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội.
"Hiện không có đủ cơ sở để khẳng định có tham nhũng, tư lợi cá nhân trong sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố do Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện"- thông báo nêu rõ.
Tuy vậy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội được yêu cầu phải xây dựng văn bản quy định rõ trách nhiệm của các phòng, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng; không được cho thuê, mượn tài sản, trụ sở làm việc trái quy định pháp luật. Qua một số tồn tại, vướng mắc trong thực tế triển khai hỗ trợ các mô hình thời gian qua cần rút kinh nghiệm và chủ động đề xuất sửa đổi những bất cập, hạn chế.
Thế Kha
Theo Dantri
Tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Ngày 22/7, UBND tỉnh Lào Cai đã công bố thành lập Sở Giao thông vận tải - Xây dựng trên cơ sở Nghị Quyết số 15/NQ-HĐND ngày 21/6/2018 của HĐND tỉnh Lào Cai về việc thành lập Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai trên cơ sở hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng. Lễ...