Hà Nội lại đề xuất thu hồi loại bỏ xe máy cũ nát
Sau nhiều bàn cãi, mới đây UBND TP Hà Nội lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về quản lý, thu hồi đối với xe môtô, xe gắn máy để đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
Xe máy cũ nát: Căn nguyên gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ tai nạn
Theo nghiên cứu về chất lượng không khí Việt Nam do Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh GreenID thực hiện, trong 3 tháng đầu năm 2017, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khoẻ” gia tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Chỉ số nhiễm môi trường không khí AQI trung bình của thành phố là 123(ở mức kém), nồng độ bụi minh PM2,5 gấp 2 lần tiêu chuẩn quốc gia làm hạn chế chất lượng cuộc sống, giảm khả năng thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển du lịch…
Trong đó, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới sử dụng nhiên liệu hoá thạch, chiếm 70-90%; chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt. Nghiên cứu cũng cho thấy, xe môtô, xe gắn máy đang sử dụng tham gia giao thông là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải.
Hà Nội đề xuất thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải từ tháng 7-2018.
Theo tính toán thì xe môtô, xe gắn máy đang lưu hành chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng, nhưng lại thải ra cỡ 94% HC; 87% CO; 57% Nox và 33% PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và diezen.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, đến ngày 31-12-2016, trên toàn quốc có hơn 49 triệu xe môtô, xe gắn máy được đăng ký mà đại đa số là môtô 2 bánh, chiếm 95% tổng số xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước.
Riêng tại Hà Nội, hiên có 5,2 triệu xe máy; 10.686 xe máy điện, 30 xe môtô 3 bánh được cấp đăng ký và 4.367 xe môtô 3,4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký). Trong đó, có gần số lượng xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, xe máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra nhiều TNGT. Trước tình hình ô nhiễm môi trường, nguy cơ tai nạn, Hà Nội cho rằng, cần thiết phải ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải và niên hạn sử dụng đối với xe môtô tham giao thông.
Sau năm 2020 sẽ thu phí môi trường đối với xe máy
Video đang HOT
Hà Nội đề xuất cơ chế xử lý và lộ trình triển khai trong thời gian tới gồm 2 bước. Một là tiến hành kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại TP Hà Nội. Không phân biệt xe có biển số đăng ký tham gia giao thông trên địa bàn để đảm bảo công bằng.
Việc kiểm soát được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải ở các mức độ: Thu phí môi trường thông qua dán tem môi trường các mức xanh, vàng, đỏ đối với phương tiện xe môtô, xe gắn máy; thu hồi, kiên quyết loại bỏ xe môtô, xe gắn máy không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông đối với phương tiện có mức phát thải môi trường vượt quá mức cho phép không có các biện pháp khắc phục.
Hai là đề xuất không quy định niên hạn sử dụng đối với xe môtô, xe gắn máy nhằm phù hợp với kinh nghiệm thế giới và phù hợp với các giải pháp của đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030″ do thành phố Hà Nội đang xây dựng (phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030, thu phí phương tiện ra vào khu vực trung tâm thành phố…).
Với các cơ chế, chính sách trên, Hà Nội cũng đưa ra lộ trình triển khai là 3 giai đoạn. Từ năm 2017 đến 30-6-2018, sẽ hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy định kỹ thuật đối với xe môtô, xe gắn máy.
Điều tra, rà soát, thống kê số lương xe môtô, xe gắn máy (theo năm sản xuất); đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, vận động cộng đồng; hình thành bước đầu một số sơ sở kiểm định khí thải, tổ chức đào tạo cho kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ đáp ứng theo yêu cầu.
Giai đoạn 2 từ 1-7-2018 đến 31-12-2019, sẽ tiến hành thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe môtô loại có dung tích xylanh từ 175cm3 trở lên tham gia giao thông tại thành phố Hà Nội; xây dựng bộ máy quản lý kiểm tra khí thải xe môtô tại cơ quan Trung ương; thu hồi, loại bỏ đối với những phương tiện cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải.
Giai đoạn 3 là sau năm 2020, sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiệnl căn cứ vào điều kiện thực tế nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai giai đoạn tiếp theo đối với xe môtô, loại có dung tích xylanh động cơ dưới 175cm3 và xe gắn máy tham gia giao thông; phát triển hệ thống, mạng lưới các cơ sở kiểm tra khí thải theo phương án đề xuất; thu hồi loại bỏ đối với những phương tiện cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải.
Nhằm có căn cứ xử lý các phương tiện xe môtô, xe gắn máy không đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT từng bước xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông cho phù hợp; Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để có thể mua lại phương tiện cũ không đảm bảo các điều kiện về quy định khí thải của người dân đang sử dụng để mưu sinh.
Hoặc kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy để thực hiện chương trình đổi xe cũ lấy xe mới trong đó có hỗ trợ tài chính cho người dân. Thậm chí, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe môtô ba bánh kinh doanh vận chuyển hàng hoá để kiểm sống…
Theo Đặng Nhật (Công an nhân dân)
'Khai tử' 2,5 triệu xe máy: Dân nghèo nghe thấy đã lo
Hà Nội đang tìm các biện pháp thu hồi khoảng 2,5 triệu xe máy cũ sử dụng lâu năm, đang phát thải ra môi trường nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm nặng nề. Nhưng, việc làm này liệu có khả thi?
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô các loại đang lưu hành. Trong đó có 2,5 triệu xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng giờ vẫn tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc thu hồi này có thể ảnh hưởng đến lợi ích bao gồm tài sản, phương tiên và kế sinh nhai của nhiều người nghèo. Vì thế cần giải thích rõ để người dân hiểu rõ và đồng thuận.
Gây ô nhiễm nặng nề
Ô tô và xe máy do sử dụng xăng dầu làm nhiên liệu nên đều phát thải độc hại cho môi trường. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, khí thải xe máy gây ô nhiễm trầm trọng và nguy hiểm hơn cho sức khỏe con người.
Nghe tin &'khai tử' 2,5 triệu xe máy dân nghèo thấy đã lo
Theo số liệu khảo sát của Đại học Bách khoa TP.HCM, tại một số tuyến đường như An Sương - Cộng Hòa - Bến Bạch Đằng (TP.HCM), lượng tiêu hao nhiên liệu xe máy so với xe buýt (tính theo hành khách/km) cao hơn 92 lần. Lượng chất thải trung bình, cũng cao hơn xe con tới gần 4 lần và cao hơn xe buýt tới gần 40 lần.
Ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty tư vấn công nghệ ô tô Đức - Việt, cho biết, một chiếc xe máy động cơ 100cc, tiêu chuẩn Euro 2 thải ra lượng khí thải độc hại cao gấp hàng trăm chiếc ô tô có động cơ 1.800cc, tiêu chuẩn Euro 5.
Đốt cháy nhiên liệu chính là quá trình phân giải các chất hữu cơ. Quá trình này ở xăng, dầu cho ra rất nhiều loại tạp chất khác nhau. Thành phần khí thải này lại phụ thuộc nhiều vào chất lượng động cơ. Động cơ càng cũ, công nghệ càng lạc hậu, thì việc đốt cháy triệt để nhiên liệu càng bị giảm đi, khí thải độc hại vì thế càng nhiều.
Các nhà khoa học Nhật Bản ở Đại học Kanazawa đã đưa ra kết luận, xe máy do sử dụng công nghệ thấp nên khả năng đốt cháy nhiên liệu không hết, thải ra ngoài môi trường gấp nhiều lần ô tô. Phần lớn khí thải độc hại là các hydrocarbon, tác động xấu tới sức khỏe con người.Việc hít khí thải động cơ khi tham gia giao thông, có thể là mầm mống dẫn đến những nguy cơ ung thư mà ít người lường được.
Bên cạnh đó, xe máy cũ cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông. Kết quả nghiên cứu năm 2015 của UB ATGT cho thấy có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời phương tiện. Xe mới từ 1-5 năm, có mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn, so với xe sử dụng từ 6-10 năm.
Tuy nhiên, trong khi ô tô lưu hành phải kiểm tra định kỳ tại các trung tâm đăng kiểm thì xe máy, ngoài việc đăng ký và được cấp biển số, đến nay vẫn chưa phải chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào.
Thu hồi bằng cách nào?
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo Quyết định số 16 ban hành ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/1/2018, xe mô tô, xe gắn máy và ô tô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi.
Song, hiện nay, Nhà nước mới chỉ có quy định niên hạn với xe tải (lưu hành không quá 25 năm) và xe chở khách (lưu hành không quá 20 năm). Vì vậy, từ 1/1/2018, việc thu hồi các xe quá niên hạn sử dụng, chỉ áp dụng được với xe tải, xe khách. Với ô tô con và xe máy, đến nay vẫn chưa có quy định về niên hạn, nên chưa thể thu hồi.
Xe máy càng cũ, khí thải phát ra càng độc hại
Theo ý kiến các chuyên gia, thời gian tới, nếu TP. Hà Nội muốn thu hồi cả ô tô con và xe máy quá hạn, thì cần xây dựng cơ sở pháp lý có tính khả thi; căn cứ vào đó, ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với các phương tiện này.
Nhưng điều này cũng rất khó khăn. Ô tô con tuy không bị quy định niên hạn, nhưng phải thực hiện đăng kiểm định kỳ. Xe đạt chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận và dán tem, xe không đạt chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp.
Vấn đề khó nhất vẫn là với xe máy. Xe máy vẫn là phương tiện lưu thông chính của người Hà Nội. Trong đó, đa số xe máy cũ, sử dụng lâu năm thuộc về người dân có mức thu nhập trung bình và thấp. Hơn nữa, tại Hà Nội, vận tải công cộng vẫn chưa phát triển (hiện vẫn chỉ có xe buýt), nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nếu quy định niên hạn và thu hồi, sẽ có hàng triệu xe máy bị loại bỏ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhiều gia đình.
Hơn 10 năm về trước, Bộ GTVT từng đề xuất quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy là 8 năm hoặc 100.000 km, tuy nhiên đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho rằng như vậy sẽ tác động đến đa số người nghèo. Vì vậy, vấn đề này đến nay vẫn đang được... tiếp tục nghiên cứu.
Một số ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định tiêu chuẩn khí thải và thu phí khí thải. Xe càng cũ thu phí khí thải càng cao để hạn chế người dân sử dụng, giống như nhiều nước trên thế giới đang áp dụng...
Tuy nhiên, vấn đề này cũng rất khó thực hiện. Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy, nhưng do đây là vấn đề xã hội lớn, liên quan đến hàng chục triệu người dân, trong khi cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nên vẫn chưa thể triển khai.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thu hồi xe máy, ô tô con sử dụng lâu năm, nếu chưa có quy định về niên hạn, chỉ có thể thực hiện theo cách, thành phố trích ngân sách, mua lại những chiếc xe cũ, với giá hợp lý. Hoặc kết hợp với các DN sản xuất xe máy, thực hiện chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, trong đó có hỗ trợ tài chính cho người dân. Người dân nhận thấy lợi ích sẽ sẵn sàng thực hiện và nhiều xe cũ sẽ bị thu hồi, loại bỏ. Tuy nhiên, đây là giải pháp khá tốn kém, nếu không quản lý chặt, dễ bị lợi dụng để trục lợi.
(Theo Vietnamnet)
Hà Nội dự kiến cấm xe máy ở nội thành từ năm 2030 Để giảm tải ùn tắc giao thông, Hà Nội dự kiến thu phí phương tiện đi vào nội thành, tăng mạnh giá trông giữ ôtô ở khu vực trung tâm, yêu cầu tài xế phải mở tài khoản điện tử... Ngày 2/6, UBND Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến vào dự thảo nghị quyết của HĐND TP về tăng cường quản lý...