Hà Nội: Kiến nghị có chế tài đủ mạnh để thu hồi đất các dự án sử dụng không hiệu quả
Ngày 23/8, tại Trụ sở UBND quận Nam Từ Liêm, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố và lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị.
Bà Phạm Thị Thanh Mai cho biết, dự kiến kỳ họp cuối năm 2023 Quốc hội mới thông qua Luật Đất đai. Điều này cho thấy Quốc hội rất thận trọng, kỹ lưỡng trong chuẩn bị sửa đổi Luật này. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là lắng nghe ý kiến phản biện, giám sát của các chuyên gia, nhà xây dựng luật, nhà quản lý trong lĩnh vực đất đai, từ đó thấy được những khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vấn đề không theo kịp xu thế phát triển, chưa phát huy được tiềm năng đất đai cần sửa đổi, bổ sung.
Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, hiện các cơ quan tham mưu đang tích cực lấy ý kiến từ các cơ quan quản lý đến nhân dân; trong đó có những vấn đề về kết cấu, quan điểm, nguyên tắc, khái niệm, giải thích từ ngữ… để hiểu đúng, hiểu thống nhất, nếu không bao quát hết thì sẽ có khoảng trống về thời gian tổ chức thực hiện Luật.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương và chuyên gia, nhà khoa học đã đồng tình, đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời trao đổi một số bất cập trong quản lý đất đai, tập trung đóng góp ý kiến thực tiễn nhằm sửa đổi Luật Đất đai. Đáng chú ý, các đại biểu và cử tri đã có những ý kiến xác đáng về công tác quản lý, những bất cập trong công tác này thời gian qua; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư; giá đất, bản đồ giá đất; hệ thống cơ sở dữ liệu, quyền tiếp cận thông tin về đất đai; sự đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật khác…
Đại diện UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị, cần rà soát bất cập về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (gồm cả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất). Chính phủ xem xét có cơ chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; có quy định, chế tài đủ mạnh để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai ngay trong quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Video đang HOT
UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị, Chính phủ xem xét có cơ chế cụ thể để nhà đầu tư tham gia ứng vốn vào công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thỏa thuận với người có đất thu hồi đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; xem xét xây dựng chính sách thuế phù hợp nhằm điều tiết thị trường bất động sản; thu lũy kế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, người sử dụng đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng nhằm hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.
Bà Phạm Thị Thanh Mai khẳng định: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp thu đầy đủ để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến (lần 1) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2022. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 Chương (tăng 2 chương so với Luật hiện hành) gồm 237 điều (giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều so với Luật hiện hành).
Trước đó, trình bày báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, công tác quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo đúng chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quá trình tổ chức thực hiện đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai. Hàng năm, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách khoảng 20.000 – 28.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15%-18% tổng nguồn thu ngân sách thành phố.
Giai đoạn 2016-2020, trên toàn thành phố đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng 2.873 dự án với diện tích hơn 16.000 ha; số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là trên 121.000 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn thành phố đã tổ chức 3.179 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này, qua đó đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và hơn 18 triệu m2 đất; kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt vi phạm 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc. Số vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai đã được thành phố chỉ đạo giải quyết là 30.896 vụ; đã kiến nghị thu hồi 26,9 tỷ đồng và gần 177.000 m2 đất.
Khách hàng dễ sập bẫy 'bán cắt lỗ' giăng khắp nơi hậu sốt đất
Thị trường bất động sản chững lại khiến nhiều người đang "ôm bom" phải tìm cách để thoát hàng sớm, tuy vậy chiêu "bán cắt lỗ" liệu có thực sự đáng tin?.
Thời gian gần đây, khi thị trường bất động sản buồn tẻ, trầm lắng, những lời quảng cáo bán cắt lỗ được đăng tải rầm rộ trên website hay mạng xã hội. Nhưng theo nhiều người sành đầu tư đất, nếu không cẩn trọng, khách hàng dễ sập bẫy của nhiều nhà đầu tư hiện đang rất muốn thoát hàng do trót "ôm" thời sốt đất.
Khách hàng cần thận trọng trước khi xuống tiền mua bất động sản, đặc biệt với chiêu rao "bán cắt lỗ". Ảnh minh họa: Tiền Phong
Một lô đất 1.500 m2 ở Ba Vì (Hà Nội) đang được rao bán cắt lỗ 500 triệu đồng với giá 3 tỷ đồng. Theo chủ nhân của lô đất, anh mua để xây homestay cho thuê nhưng do gia đình có việc gấp cần tiền nên mới chấp nhận bán cắt lỗ sâu như vậy.
" Lúc tôi mua lô đất này là giữa năm 2021, khi ấy giá đã là 3,5 tỷ đồng. Giờ cần tiền quá mới phải bán cắt lỗ như vậy", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ về giá đất tại khu vực này, không khó để thấy những lô đất 1/3 mặt tiền bị đường đâm như lô đất trên giá chỉ 1 - 1,2 triệu đồng/m2, tương đương chưa đến 2 tỷ đồng/lô. Còn những lô góc, mặt tiền rộng mới có giá 2 triệu đồng/m2 như giá được quảng cáo là cắt lỗ.
Như vậy có thể thấy, dù gọi là bán cắt lỗ nhưng "cò" vẫn đẩy giá đất lên cao nhằm hưởng lợi từ những khách hàng ít kinh nghiệm và ham săn "hàng sale".
Hay một lô đất nền dự án khác tại Hưng Yên được rao bán với mức giá 2,5 tỷ đồng cho 100 m2. Theo giải thích của chủ lô đất, anh bán cắt lỗ tới 300 triệu đồng do cần tiền làm ăn. Theo đó, lúc anh mua lô đất này là thời điểm đầu năm 2021, khi cơn sốt đất xảy ra nên giá lên tới 28 triệu đồng/m2. Anh tính đầu tư lâu dài, nhưng vì cần tiền gấp mới phải bán rẻ.
" Tôi đầu tư cả năm, cuối cùng không những không lãi mà còn chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn", anh này chia sẻ.
Tuy nhiên, khi xem giấy tờ, lô đất này thực chất được chuyển nhượng từ cuối năm 2019 và giá bán chỉ 8 triệu đồng/m2. Tìm hiểu giá đất nhiều lô khác tại dự án này, nhiều hộ gia đình đang sinh sống cũng cho biết, thời điểm năm 2019, giá đất tại đây chỉ 8 - 10 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí.
Như vậy, thực chất việc rao 25 triệu đồng/m2 vẫn giúp người bán lời 1,7 tỷ đồng, chứ không hề lỗ như anh nói.
Theo chia sẻ của chị Đặng Huế, một môi giới nhà đất khu vực Hoàng Mai lâu năm, câu chuyện bán "cắt lỗ" chỉ có 1-2% người là bán lỗ thật vì họ không đủ tiền để duy trì, trang trải chi phí lãi ngân hàng. Còn thực tế, không ai dại dột bán cắt lỗ. Tuy nhiên, khi đăng tin, họ đều đưa ra mức giá cao hơn so với số tiền ban đầu bỏ ra. Chí ít, họ cũng cần một tỷ suất sinh lời bằng chi phí cơ hội của đồng vốn bỏ ra.
Ngoài ra, rất có thể chính "cò" cũng tự đẩy giá lên cao, nhằm hưởng lợi. Bán được thì "cò" hưởng, còn không thì cũng "cò" cũng không thiệt hại gì.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VaRS), cho rằng với những dự án mà khả năng chi trả của người mua không đạt như kỳ vọng thì nhà đầu tư buộc phải chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn. Còn những dự án đang có tiềm năng, vị trí đẹp, hạ tầng tiện ích hoàn chỉnh thì nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vững chắc sẽ tiếp tục giữ giá.
Cũng theo ông Thanh, sau thời gian bất động sản có dấu hiệu tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước có động thái kiểm soát tín dụng để hạn chế đầu cơ. Đối với những nhà đầu tư có vốn thực hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính thấp, họ vẫn ôm hàng chờ thời. Còn những người sử dụng đòn bẩy cao, phải trả ngay hoặc không có nguồn thu để trả lãi thì mới bắt buộc phải xả hàng, cắt lỗ.
Thời gian tới đây sẽ còn nhiều nhà đầu tư không thể "gồng" lỗ phải "nhả" hàng. Đây là cơ hội thanh lọc, đưa thị trường về trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, lạm phát còn cao nên việc bắt đáy bất động sản vẫn còn hơi sớm. Do vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng với những quảng cáo bán cắt lỗ và theo dõi thị trường thêm một thời gian nữa để xuống tiền thì cơ hội sẽ tốt hơn.
Kiểm tra việc quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư tại Hà Nội Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 930 nhà chung cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; trong đó, có 132 nhà chung cư đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực vào ngày 1/7/2006 và hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau thời điểm này. Chung cư Tân Tây Đô...