Hà Nội: Kiểm soát dịch bệnh trong trường học
Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhiều trường học đã phối hợp cùng ngành y tế chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 cũng như một số bệnh thường gặp trong trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế.
Chủ động phòng dịch
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho học sinh trong năm học mới, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đã phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Các trường học trên địa bàn thành phố được phun thuốc khử trùng
Theo ông Lê Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Thanh Xuân – trên địa bàn quận có 89 trường học. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian qua, quận đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh như Covid-19, sốt xuất huyết, chân tay miệng, bạch hầu… Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với các trường học tổ chức tập huấn về biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường.
Tại buổi tập huấn, cán bộ Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) chia sẻ về các dịch bệnh có nguy cơ lây lan trong trường học; đặc điểm nhận dạng một số dịch bệnh; biểu hiện bệnh, đường lây truyền của dịch bệnh; biện pháp chủ động phòng, chống dịch như vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên với xà phòng; ăn chín, uống sôi; thể dục, thể thao… tăng cường bảo vệ sức khỏe bản thân. Đồng thời, hướng dẫn cán bộ nhà trường cách vệ sinh trường, lớp học; dụng cụ học sinh, đảm bảo môi trường xanh – sạch – đẹp… theo đúng quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế; tăng cường giám sát, theo dõi sức khỏe học sinh; xử lý tốt những trường hợp có biểu hiện sức khỏe bất thường…
Tại các trường, Ban Giám hiệu nhà trường cũng bố trí giáo viên đo thân nhiệt cho học sinh hàng ngày; duy trì công tác vệ sinh, khử khuẩn và chuẩn bị những điều kiện phòng, chống dịch bệnh; có tài liệu truyền thông hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Việc bảo đảm an toàn cho học sinh rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Điều này đòi hỏi nhà trường, gia đình đặc biệt chú ý các biện pháp phòng dịch cho con em, đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo độ tuổi, giúp trẻ tăng sức đề kháng…
Bảo đảm an toàn cho học sinh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – Chử Xuân Dũng – cho biết, năm học 2020 – 2021, thành phố có 2.794 trường học với hơn 2 triệu học sinh. Để chuẩn bị năm học mới, sở đã ban hành 2 văn bản hướng dẫn liên ngành giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đầu năm học; tổ chức lễ khai giảng và triển khai một số hoạt động cho năm học 2020-2021.
Video đang HOT
Để cụ thể hóa công tác chỉ đạo an toàn trong trường học, UBND TP. Hà Nội cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác y tế trường học, năm học 2020 – 2021 trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, năm học 2020 – 2021, Hà Nội phấn đấu 100% trường học và cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh; 100% trường học có cán bộ y tế trình độ từ y sỹ trung cấp trở lên theo quy định; 100% trường mầm non, phổ thông tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh; tất cả các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị.
Thành phố cũng đặt ra mục tiêu, các trường học được thường xuyên khử khuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên; duy trì kiểm tra điều kiện vệ sinh tại trường học; triển khai mô hình điểm về truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật trong trường học; từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, gù vẹo cột sống, bệnh răng miệng, hen phế quản… và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe trong trường học. Không để xảy ra dịch bệnh lớn và ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, cán bộ làm công tác y tế trường học được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, sinh viên tập trung tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh sẽ được tăng cường. Triển khai nội dung chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên; quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng trường học theo chuẩn; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học.
Tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, không để dịch chồng dịch…
Cảnh báo tình trạng tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kì năm ngoái. Người dân vì thế xuất hiện tâm lý chủ quan, cộng thêm tình hình dịch Covid-19 khó lường nên đã có nhiều trường hợp quyết định tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.
Người bị sốt xuất huyết cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị phù hợp. (Hình minh họa: TTXVN)
Lo ngại Covid-19, tự chữa sốt xuất huyết
Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 32.000 người mắc sốt xuất huyết. Tuy giảm 55,4% so cùng kỳ năm 2019, nhưng gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam và miền Trung.
Đáng lo ngại là đang có hiện tượng nhiều bệnh nhân sợ bị lây nhiễm Covid-19 nên không đi chữa trị, tự mua thuốc uống và chỉ đến khi nguy kịch thì mới đến bệnh viện. Nhiều trường hợp biến chứng nặng do không điều trị kịp thời.
Ngày 3/9, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân 57 tuổi (trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mắc bệnh sốt xuất huyết với tình trạng suy gan thận. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi với chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, sốc dengue và ngộ độc paracetamol. Trước đó, người này bị sốt 5 ngày và tự mua thuốc về uống chứ không đi thăm khám ở bệnh viện.
Tháng trước, tại Hà Nội, đã có ít nhất 2 ca sốt xuất huyết nhưng chỉ đến khi nguy kịch mới đến bệnh viện. Trong đó, Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 1 ca sốt xuất huyết là thanh niên 17 tuổi trong tình trạng bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng mẹ làm hộ lý tại một bệnh viện của Hà Nội nên đã cho con truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị vì sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khi đưa đến Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút. Dù rất nỗ lực nhưng bác sỹ đã không cứu chữa được.
Tại TP.HCM, Bệnh viện Quận 11 cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 20 tuổi vào viện ngày thứ 4 của bệnh. Bệnh nhân sốt cao 3 ngày, tự mua thuốc uống không đỡ, khi vào viện đã có dấu hiệu xuất huyết nặng. Sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhân hiện đã ổn định.
Trước đó, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận, điều trị cho 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng, đều tự mua thuốc uống hoặc đến khám tại các phòng khám tư, đến khi bệnh nặng mới tới bệnh viện...
Từ các trường hợp trên, có thể thấy, ngoài tâm lý chủ quan, nhiều người còn ngại đến bệnh viện do dịch bệnh Covid-19. Việc chủ quan, tự ý mua thuốc điều trị sốt xuất huyết khiến người bệnh phải trả giá bằng cả sinh mạng bởi khi đến viện, sốt xuất huyết vào giai đoạn sốc nặng, biến chứng khiến bác sĩ bó tay.
Cảnh báo từ chuyên gia
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết tính đến hết tháng 8/2020, riêng Hà Nội ghi nhận 1.360 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó tuần gần nhất có 29 ca, trong khi cùng kỳ 2019 có đến trên 5.100 ca bệnh, trong tuần gần nhất của cùng kỳ có trên 860 ca mắc. Nhưng năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, có trường hợp sốt xuất huyết nhưng lại nghĩ bị Covid-19 hoặc sợ Covid-19 nên đến bệnh viện muộn hơn. Nguy cơ vì vậy cũng cao hơn.
Bác sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như ra máu hoặc thoát huyết tương, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
Theo bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết nhẹ, không có dấu hiệu cảnh báo có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, phân loại đúng mức độ bệnh và chỉ định điều trị nội trú hay ngoại trú. Người bệnh tuyệt đối không được tự uống thuốc điều trị, truyền dịch khi chưa được thăm khám, phân loại mức độ bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện sốt kéo dài từ 3-5 ngày, trở nặng khi hết sốt nên có những người mắc bệnh, uống thuốc sẽ "lướt" qua giai đoạn sốt và sau đó sẽ rơi vào giai đoạn nặng, khó cứu chữa. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên tự ý truyền dịch tại nhà vì có thể bị phù phổi cấp, suy tim nặng dẫn đến tử vong do không có đủ phương tiện và đội ngũ cấp cứu kịp thời.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế Hà Nội Khổng Minh Tuấn đề nghị, các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết tại cộng đồng. Đặc biệt, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, phòng y tế các quận, huyện, thị xã phải quản lý, quán triệt các cơ sở y tế tư nhân tuyệt đối không giữ bệnh nhân sốt xuất huyết truyền dịch tại cơ sở hoặc đưa về nhà.
Hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng số ca mắc sốt xuất huyết cũng đang gia tăng, nguy cơ "dịch chồng dịch". Nhưng theo các bác sĩ, hiện nay các cơ sở y tế đã tổ chức khám sàng lọc và tổ chức các quy trình tách biệt bệnh nhân khám thông thường và bệnh nhân có triệu chứng hô hấp. Vì thế, người dân không nên vì sợ bị lây Covid-19 mà tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà dẫn đến nguy cơ tử vong.
Đỉnh dịch sốt xuất huyết đang đến gần
Theo Cục Y tế dự phòng, các tỉnh thành như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre, Đồng Nai, TP.HCM số mắc sốt xuất huyết trong những tuần gần đây có gia tăng hơn thời gian trước đó, đặc biệt tại Phú Yên, số mắc đã tăng 33%.
Ngoài lý do hiện đang trong mùa dịch Covid-19, số mắc còn có thể tăng trong thời gian từ nay đến tháng 11, đặc biệt là tại miền Bắc đỉnh dịch thông thường vào tháng 11 hằng năm. Giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12. Dự báo trong những tuần sắp tới, số ca bệnh sốt xuất huyết hàng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa.
Những năm gần đây do yếu tố thời tiết, môi trường, biến đổi khí hậu, yếu tố mùa dịch, chu kỳ dịch sốt xuất huyết đã không còn rõ ràng. Trước đây chu kỳ dịch sốt xuất huyết thông thường là 5 năm/lần dịch lớn, nhưng gần đây có những dấu hiệu cho thấy khác hơn, chu kỳ năm nay dịch giảm thì năm sau dịch sẽ gia tăng.
Với dự báo đỉnh dịch đang đến gần, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân sớm ngừa dịch thông qua các biện pháp dễ thực hiện, tại gia đình và khu vực lân cận như diệt lăng quăng, diệt muỗi, ngủ màn, loại bỏ các dụng cụ phế thải có chứa nước.
Thời gian tới, dự báo thời tiết nắng mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, việc phòng, chống sốt xuất huyết cũng giống như phòng, chống dịch Covid-19, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó sự đồng thuận và phối hợp của người dân là rất quan trọng.
Đồng thời, chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải..., không để muỗi sinh sản và phát triển; kiện toàn lại đội xung kích diệt bọ gậy, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh hằng ngày, hằng tuần.
Cách phân biệt bệnh sốt xuất huyết với Covid-19 Sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi cơ. Do đó, người dân hết sức thận trọng. Thời gian gần đây số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng...