Hà Nội kéo dài giãn cách xã hội: Giá thực phẩm, nơi ổn định, nơi tăng nhẹ
Hà Nội vừa bước vào đợt giãn cách tiếp theo kéo dài đến ngày 6/9. Tại một số chợ Hà Nội và chuỗi cửa hàng sạch, giá thực phẩm có nơi ổn định, có nơi tăng từ 15 – 20% do vận chuyển khó khăn…
Nhiều mặt hàng thực phẩm khó vận chuyển về Hà Nội do thực hiện lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố.
Giá thịt lợn cao vì khâu trung gian
Khảo sát của phóng viên báo Tin tức ngày 24/8 tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội như: Yên Duyên (Yên Sở, quận Hoàng Mai), chợ Thành Công (quận Ba Đình)… cho thấy, mặt hàng rau xanh rất dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá. Cụ thể: Rau dền, rau muống, rau ngót, rau mùng tơi mớ to có giá 10.000 đồng/mớ; bắp cải, cải thảo có giá 20.000 đồng/kg; mướp hương, cà rốt có giá 18.000 đồng/kg; giá khoai tây 25.000 đồng/kg; đỗ đũa 14.000 – 18.000 đồng/kg.
Sức mua hàng tại các cửa hàng thực phẩm Bác Tôm có phần giảm so với mấy tuần trước do Hà Nội mở nhiều điểm bán hàng lưu động.
Các loại thịt cũng giữ giá, theo đó, thịt lợn ba chỉ có giá 150.000 đồng/kg, sườn có giá 160.000 đồng/kg. thịt bò có giá 270.000 đồng/kg thịt thăn, thịt dẻ sườn có giá 220.000 đồng/kg. Còn tại chợ Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội), các mặt hàng đa dạng. Giá thịt lợn ba chỉ, sườn tại chợ là 140.000 đồng/kg. Các mặt hàng rau dồi dào, giá cả ổn định, rau muống mùng tơi có giá 7.000 đồng/mớ.
Sau một thời gian tạm đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19, khu vực kinh doanh rau, củ, quả và hàng hóa thiết yếu tại chợ đầu mối phía Nam hoạt động trở lại nên mấy ngày nay, lượng hàng hóa, thực phẩm tại chợ “cóc” khu vực Hoàng Mai khá dồi dào, giá cả ổn định. Theo đó, giá thịt bò dao động từ 250.000 – 260.000 đồng/kg, tùy loại; giá thịt lợn từ 100.000 đến 140.000 đồng/kg, tùy loại, đắt nhất là thịt rọi. Một số mặt hàng rau, giá cả ổn định như: Rau muống là 10.000 đồng/mớ; rau cải, mồng tơi là 5.000 đồng/mớ; rau bắp cải 20.000 đồng/bắp; mướp, su su là 20.000 đồng/kg; cà chua 20.000 đồng/kg
Hoạt động mua bán tại siêu thị Mega market.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 24/8, đại diện chuỗi thực phẩm Bác Tôm cho biết: “Cước phí vận chuyển mặt hàng rau, củ quả từ Đà Lạt về Hà Nội tăng gấp 3 lần so với trước do ảnh hưởng của đại dịch. Chưa kể, dù phí ship ở nội thành cũng tăng nên với một số mặt hàng, nhưng Bác Tôm vẫn bán giá bình ổn để không phải tăng giá bán lẻ trong giai đoạn này.
Tại Bác Tôm, giá cà rốt 42.000 đồng/kg; cần tây 50.000 đồng/kg; trứng gà lôi 75.000 đồng/chục; trứng gà quê sạch 48.000 đồng, giá các mặt hàng không tăng. Ngoài mặt hàng thịt lợn quế, hiện chuỗi thực phẩm sạch này đã bổ sung thêm thịt lợn vi sinh thảo dược với giá bán “bình dân” hơn là 255.000 đồng/kg sườn, trong khi đó với dòng thịt lợn quế, mặt hàng tương tự có giá bán 275.000 đồng/kg. Các loại cá giá hợp lý cũng được nhiều người mua chọn như: Cá rô phi lê suối có giá 110.000 đồng/kg; cá bống đục nhỏ làm sạch 245.000 đồng/kg; cá nục một nắng là 145.000 đồng/kg… Giá rau không tăng, rau muống an toàn 29.000 đồng/kg; rau cải, mồng tơi hữu cơ đồng giá 37.000 đồng/kg
Video đang HOT
Thức ăn chín tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm bán khá chạy trong mùa dịch.
Tuy nhiên tại một số chợ trung tâm Hà Nội như: Chợ Hàng Da, Hàng Bè, chợ Hôm, giá một số mặt hàng thiết yếu như thịt bò, lợn, tôm đều tăng từ 15 đến 20% so với trước; bún tăng thêm 5.000 đồng/kg, hiện là 15.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết: Nguyên nhân chính do khâu vận chuyển, nhiều nơi bán không thể chuyển được hàng về Hà Nội nên một số lò mổ thịt gia súc nghỉ.
Mặt hàng thịt lợn luôn là món ăn chủ đạo của người dân Việt Nam nhưng không ít người vẫn thắc mắc, dù giá lợn hơi đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm gần đây nhưng giá thịt thành phẩm bán cho người tiêu dùng vẫn cao. Ngày 24/8, giá lợn hơi tại 2 miền Bắc – Nam giảm 1.000 – 3.000 đồng/kg, trong khi miền Trung tiếp tục đi ngang so với hôm 23/8. Hiện giá thịt lợn hơi trên toàn quốc được thu mua trong khoảng 50.000 – 57.000 đồng/kg.
Các tiểu thương bán hàng tại chợ Yên Duyên phải có nylong chắn để giữ khoảng cách giữa người mua và người bán.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, giá thịt lợn thường xuyên cao dù giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, là do thực phẩm này phải qua nhiều khâu trung gian, từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, cuối cùng mới đến chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ. “Chúng ta chỉ tạm tính mỗi khâu trung gian hưởng 8 – 10%, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng sẽ cao, chưa kể khâu bán lẻ”, ông Vũ Vinh Phú cho biết.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội thừa nhận: Từ thịt lợn hơi đến thành phẩm bày bán trên thị trường phải qua nhiều khâu vận chuyển, giết mổ, rồi lại qua vận chuyển mới được chuyển đến nơi bán. Nơi bán tính đủ thứ chi phí ra từng loại thịt (ba chỉ, mông sấn, nạc vai…), mỗi loại 1 giá. Loại ngon, nhu cầu cao, giá cao hơn để “cõng” cho loại ít bán chạy. Ngoài ra, trong mùa dịch bệnh, người vận chuyển trong mùa dịch phải xét nghiệm PCR, chi phí này cũng bị tính vào giá thành.
Hiện, giá thịt lợn thành phẩm thấp nhất là ở chợ ven đô, tiếp theo là chợ dân sinh giữa trung tâm thành phố, tiếp theo là ở các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và cuối cùng đắt nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại lớn. Để kiểm soát giá cả, một số chuyên gia thương mại cho rằng: Các bộ, ngành cần xem xét lại phần việc và trách nhiệm của mình để góp phần chia sẻ trách nhiệm, kiểm soát được diễn biến thị trường.
Đơn hàng online tăng mạnh trong mùa dịch
Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội, các siêu thị ngoài việc mở cửa bán hàng trực tiếp, còn tăng cường kênh online nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh khi mua hàng trực tiếp.
Đại diện Masan (doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị VinMart/Vinmart ) cho biết: Tại hệ thống VinMart/Vinmart , người dân đến trực tiếp mua sắm ổn định, không tăng đột biến. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, đơn hàng mua online tăng 50% so với trước.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: “Siêu thị tiếp nhận được nhiều đơn hàng qua viber/zalo. Người dân chỉ cần liên hệ với siêu thị thông qua các kênh trên, hàng sẽ giao về tận nhà. “Hiện Co.opmart có 3 xe tải đã được cung cấp ‘luồng xanh’, đảm bảo giao hàng khắp nội thành Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hệ thống siêu thị BigC cũng áp hàng loạt các hình thức bán hàng trực tuyến như: Ứng dụng GO! & Big C; qua điện thoại; Zalo shop…
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Đối với doanh nghiệp có hệ thống phân phối, thành phố luôn chỉ đạo doanh nghiệp dự trữ hàng hóa tăng 30% tại các kho hàng; dự trữ hàng hóa tại quầy kệ tăng 50% để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tại Hà Nội không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, việc cung cấp hàng hóa trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường.
Hiên, Hà Nội đã cấp 2.200 xe ô tô, cấp mã trên 9.000 xe máy vận chuyển hàng hóa, cấp mã trên 14.000 shipper vận chuyển hàng. Ngoài ra, đã có 8.255 điểm bán bình ổn hàng hóa, tăng 7 lần so với chương trình mọi năm. Sở đang phối hợp mở các điểm bán hàng của các quận, huyện, thị xã bán hàng lưu động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Để tiếp tục phục vụ đa dạng cung cấp thực phẩm, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục phối hợp tại các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng tại các nhà trọ đông dân cư, tránh hiện tượng người dân di chuyển nhiều; triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động.
Chợ Hà Nội vẫn dồi dào hàng hoá những ngày cận rằm tháng bảy
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại chợ Yên Duyên (phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) sáng 21/8, do là ngày cuối tuần và cận ngày rằm tháng 7 nên lượng người đến chợ khá đông.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thẻ đi chợ và bố trí khu vực ngồi xếp hàng vào chợ, đảm bảo giãn cách.
Người dân đến chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) được đo thân nhiệt và bố trí ngồi giãn cách.
Các quầy hàng được quây ni-lon để phòng, chống dịch.
Hàng hóa tại chợ vẫn khá dồi dào, không có sự tăng giá đột biến so với trước. Theo đó, thịt lợn có giá 150.000 đồng/kg thịt ba chỉ, thịt thăn, sườn non có giá 160.000 đồng/kg. Rau muống có giá 10.000 đồng/mớ, mùng tơi có giá 9.000 đồng/mớ... Gà thịt sẵn có giá 120.000 đồng/kg, vịt có giá 90.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị lớn như Vinmart, Mega Market, hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản được bình ổn, ít biến động. Theo đại diện Masan (doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị VinMart/Vinmart ) cho biết: Tại hệ thống VinMart/Vinmart , người dân đến trực tiếp mua sắm ổn định, không tăng đột biến.
Tuy nhiên, do sắp đến ngày rằm và chuẩn bị sẵn thực phẩm để ít phải ra ngoài, lượng mua mỗi lần đến siêu thị của khách hàng tăng nhiều hơn trước. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, đơn hàng mua online tăng 50% so với trước.
Nguồn cung hàng hóa tại siêu thị Mega Market dồi dào.
Khu vực thanh toán có vách ngăn để phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết: Theo ghi nhận, lượng khách hàng đến siêu thị không tăng đột biến, chỉ đông hơn vài ngày trước do là ngày cuối tuần và người dân mua đồ về cúng rằm. Doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ, tăng tích trữ từ 3 - 5 lần. Hiện nay lượng đơn đặt hàng online tăng gấp 3 lần so với các ngày trước.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, qua gần 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn bảo dảm hàng hóa cho người dân trên toàn hệ thống phân phối, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định phục vụ người dân.
Bà Phương Lan cho biết, quá trình triển khai cũng có vướng mắc khi chợ đầu mối, chợ dân sinh và một số hệ thống cửa hàng tiện lợi dừng hoạt động, thời điểm cao nhất là 34 chợ, 65 cửa hàng tiện lợi đóng cửa ảnh hưởng đến nguồn cung. Tuy nhiên thành phố luôn chủ động nguồn cung để bảo đảm đời sống dân sinh, chủ động điều phối hàng hóa theo dự báo dịch bệnh, điều phối xe chở hàng đến địa bàn có tâm dịch, đưa hàng vào hệ thống chợ, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó ban hành văn bản quyết định trưng tập 5 địa điểm tại ngoại thành để giãn cách các chợ đầu mối.
Đối với doanh nghiệp có hệ thống phân phối, thành phố luôn chỉ đạo doanh nghiệp dự trữ hàng hóa tăng 30% tại các kho hàng, dự trữ hàng hóa tại quầy kệ tăng 50% để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tại Hà Nội không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, việc cung cấp hàng hóa trên địa bàn được bình thường.
Bà Phương Lan cho biết, đến thời điểm hiện nay đã cấp 2.200 xe ô tô, cấp mã trên 9.000 xe máy vận chuyển hàng hóa, cấp mã trên 14.000 shipper vận chuyển hàng. Ngoài ra, đã có 8.255 điểm bán bình ổn hàng hóa tăng 7 lần so với chương trình mọi năm. Sở đang tiếp tục phối hợp mở các điểm bán hàng của các quận, huyện, thị xã bán hàng lưu động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Để tiếp tục phục vụ đa dạng cung cấp thực phẩm, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp tại các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng tại các nhà trọ đông dân cư, tránh người dân di chuyển nhiều; triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, qua gần 28 ngày giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa. Sở Công Thương luôn triển khai các giải pháp sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh trong điều kiện tiếp theo, dù trong tình huống nào vẫn bảo đảm hàng hóa, người dân hoàn toàn yên tâm không phải tích trữ thực phẩm.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thành uỷ Hà Nội đồng ý chủ trương tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6 giờ ngày 6/9 để phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.
Giá thực phẩm tại Hà Nội tăng, cần phát huy vai trò 'bình ổn giá' Sau 3 tuần Hà Nội giãn cách toàn thành phố, mặc dù đã có thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn nhưng giá thực phẩm tại một số chợ dân sinh vẫn tăng do vận chuyển rất khó khăn. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh: Cần phải...