Hà Nội: Hoạt động nào có thể được đề xuất nới lỏng trong thời gian tới?
Theo nhận định của CDC Hà Nội, mặc dù đã qua nhiều ngày trên địa bàn không ghi nhận ca bệnh mới nhưng việc nới lỏng dần các hoạt động vẫn cần hết sức thận trọng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trương Quang Việt, Phó Giám Đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội nhận định, mặc dù đã qua nhiều ngày Hà Nội không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, nhưng việc nới lỏng dần các hoạt động vẫn cần hết sức thận trọng.
Chuyên gia này lý giải, tình hình dịch tại TPHCM vẫn đang phức tạp với nhiều chùm ca bệnh đang bị mất dấu và địa phương này vẫn tiếp tục xuất hiện thêm các ca bệnh mới; tại Bình Dương cũng đã bùng phát thêm ổ dịch; tại Bắc Giang vẫn ghi nhận thêm nhiều ca bệnh mới mỗi ngày. Trong khi đó, Hà Nội không lập bất cứ hàng rào cứng nào với tất cả các tỉnh thành.
“Các chuyến bay từ TPHCM vẫn ra bình thường chỉ là số hành khách thưa hơn. Khi xuống sân bay Nội Bài chúng ta cũng chỉ thực hiện lấy mẫu nguy cơ. Do đó, phải thật thận trọng”.
Hàng quán ăn sáng tại Hà Nội đã đông đúc trở lại ngay sau khi thành phố cho phép mở cửa đón khách trở lại (Ảnh: Đỗ Linh).
Video đang HOT
Hà Nội cũng đang chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên diện rộng, dự kiến sẽ vào nửa cuối tháng 7. Nếu chưa được tiêm vắc xin diện rộng, mà các đối tượng nguy cơ về nhiều, theo ông Việt, cũng giống như chúng ta không có vũ khí gì trong tay. Thêm vào đó, vào ngày 7-8/7, trên địa bàn thành phố cũng sẽ diễn ra kì thi THPT.
Chính vì những lý do này, hiện CDC Hà Nội vẫn chưa có đề xuất gì thêm về việc nới lỏng các hoạt động trên địa bàn.
Theo ông Việt, khi Hà Nội qua mốc 14 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng và tình hình dịch tại các địa phương không tăng nguy cơ đe dọa lên Hà Nội thì chắc chắn sẽ đề xuất mở lại một số dịch vụ, trong đó ưu tiên các hoạt động về thương mại, giao thương và dân sinh.
“Hoạt động tham mưu, điều hành phải linh hoạt theo diễn biến dịch. Có thể trong 2-3 ngày tới đánh giá tình hình dịch kiểm soát được, các cơ quan chức năng cũng phải tính sớm việc mở cửa trở lại cho các họa động, không cứng nhắc là nhất thiết phải đạt mốc 14 ngày”, ông Việt cho hay.
Trao đổi với báo chí về việc Hà Nội cho phép mở cửa lại một số dịch vụ từ 0h ngày 22/6, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, trước đó, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo xem xét, quyết định thận trọng trên cơ sở thực tế, nới lỏng nhưng tuyệt đối không được lơi lỏng.
Đồng thời, Hà Nội sẽ nới lỏng từng dịch vụ theo hướng dịch vụ nào thiết yếu, an toàn được mở trước và vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác.
Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4/2021 đến nay diễn biến rất phức tạp, khó lường. Hà Nội là một trong những nơi có nhiều ca bệnh.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và nỗ lực vượt bậc, Hà Nội đã chủ động thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly “3 lớp”. Nhờ đó, 16 chùm ca bệnh đã được khống chế và kiểm soát; 97/106 điểm phong tỏa đã được gỡ bỏ.
Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành ủy Hà Nội đồng ý về chủ trương và giao cho Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội xem xét và quyết định cụ thể việc cho hoạt động trở lại một số dịch vụ.
Bình Dương thêm 23 ca nhiễm SARS-CoV-2, nằm ngoài khu công nghiệp
Trưa 23/6, tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 23 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới này nằm ngoài khu công nghiệp.
Trong đó, 22 ca liên quan đến ổ dịch phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên; một ca tại phường Bình Nhâm, TP Thuận An liên quan chợ đầu mối Hóc Môn (TPHCM).
Từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận tổng cộng 164 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Riêng ổ dịch phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên có 140 ca. Ngành Y tế đã truy vết khoảng 3.000 trường hợp F1, gần 8.000 ca F2.
Trưa 23/6, tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 23 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang điều trị 166 bệnh nhân. Trong đó, 164 người lây nhiễm trong cộng đồng; một ca tái dương tính từ Khánh Hòa về; một chuyên gia nhập cảnh. Bệnh nhân lớn nhất 73 tuổi, 3 bệnh nhân dưới 5 tuổi, hiện sức khỏe tất cả đều ổn định.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương nhận định, tình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ, phạm vi lây lan nhanh, rộng và nguy hiểm hơn.
Qua ghi nhận, đã có ca bệnh là công nhân làm việc ở các nhà máy trong khu công nghiệp, các khu nhà trọ khác nhau và ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng.
Ngành Y tế thông báo mọi người dân từng đến hoặc đang sinh sống tại các địa phương, khu vực xung quanh các công ty, nhà trọ có ca bệnh Covid-19, cụ thể: phường Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa (thị xã Tân Uyên); phường Bình Chuẩn, An Phú, Bình Hòa, Bình Nhâm (TP Thuận An); phường Hiệp An, Tương Bình Hiệp, Chánh Mỹ (TP Thủ Dầu Một); phường Tân Định (thị xã Bến Cát), từ ngày 1/6 cần truy cập vào địa chỉ: https://tokhaiyte.vn/, để khai báo y tế.
Đề nghị người dân liên hệ cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng liên quan đến Covid-19 như ho, sốt, đau họng, viêm phổi, khó thở, giảm hoặc mất khứu giác (nếu có) để được khám và hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch bệnh.
Trưa 23-6, 80 ca COVID-19, riêng TP.HCM 40 ca, Bình Dương 23 ca Trưa 23-6, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có thêm 80 ca COVID-19 tính từ 6h sáng đến 12h trưa cùng ngày, trong đó, TP.HCM cao nhất với 40 ca, Bình Dương 23 ca. Số ca COVID-19 ở Bắc Giang đã có chiều hướng giảm, TP.HCM số ca nhiễm ghi nhận vẫn tiếp tục tăng - Ảnh: PHẠM TUẤN Tính từ 6h...