Hà Nội: Hỏa hoạn phía sau ngôi nhà cổ phố Hàng Bông
Khoảng 15h chiều nay, 26/4, một đám cháy bất ngờ bùng phát tại dãy nhà phía sau nhà số 110 Hàng Bông, ngay gần UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), khiến cả khu phố náo loạn.
Theo các nhân chứng, vào khoảng thời gian trên, họ bất ngờ ngửi thấy mùi khét bốc lên từ dãy nhà phía sau ngôi nhà số 110. Ngay sau đó, khói từ tầng 3 bốc lên nghi ngút qua cửa sổ phía bên trái.
Tại thời điểm lửa bùng phát, trong ngôi nhà xảy cháy chỉ có một người đàn ông sinh sống. Ngay khi sự cố xảy ra, người đàn ông này đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường nên không có thiệt hại nào về người.
Đám cháy xảy ra tại khu phố khá dày nhà cửa khiến các hộ dân sống xung quanh hốt hoảng lo sợ lửa sẽ lan sang phía nhà mình. Hệ thống điện của một số nhà lân cận đã được ngắt để đề phòng sự cố.
Ngay sau khi nhận tin báo, lực lượng PCCC đã có mặt cùng 2 xe chữa cháy chuyên nghiệp. Ngọn lửa đang có nguy cơ bùng phát mạnh lập tức bị khống chế. Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành ngăn toàn bộ từ đầu đường Hàng Bông cho đến ngã tư cắt phố Quán Sứ để thuận lợi cho việc dập lửa.
Tại hiện trường, theo quan sát của chúng tôi, địa điểm xảy ra hỏa hoạn là công trình được xây phía sau nhà số 110. Đây là một ngôi nhà cổ đã khá cũ nát. Điểm xảy cháy được xác định tại tầng 3 của ngôi nhà. Tại đây, hệ thống dây điện khá chằng chịt. Nhiều người cho rằng cháy được bắt nguồn từ sự cố chập điện.
Khoảng hơn nửa tiếng sau khi bùng phát, đám cháy cơ bản được khống chế.
Hiện nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Theo Dân Trí
Nhà "Bá Kiến" qua hoài niệm của cao niên làng "Vũ Đại"
Có một ngôi nhà đã tồn tại hơn 1 thế kỷ, là chứng tích cuối cùng của "tâp đoàn" phong kiến xứ Bắc kỳ. Ngôi nhà đã chứng kiến bao sự đổi thay của một vùng đất và không ít những câu chuyện mà nhiều người chưa biết đến.
Video đang HOT
Toàn cảnh ngôi nhà "Bá Kiến" hiện nay
Đó chính là ngôi nhà "Bá Kiến", nguyên mẫu trong tác phẩm "Chí Phèo" của cố nhà văn Nam Cao. Người dân nơi đây đã có những câu thơ về ngôi nhà độc đáo này:
"Đại Hoàng còn lại một ngôi nhà
Nếp cổ gỗ lim mái ngói ta
Bảy chủ thay nhau quyền sở hữu
Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba.."
Ngôi nhà 100 tuổi, 7 chủ và 2 lần "chết hụt"
Từ thành phố Phủ Lý men theo tỉnh lộ 972 dọc sông Châu khoảng 40km, chúng tôi tìm về xóm 11, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (xưa kia gọi là làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, Phủ Lý Nhân, Hà Nam - quê hương của cố nhà văn Nam Cao), để tìm hiểu những chuyện thú vị xung quanh ngôi nhà cổ nổi tiếng của "Bá Kiến".
Cho đến bây giờ vẫn chưa có một tài liệu chính thống nào ghi chép chính xác về ngôi nhà "Bá Kiến" mà chỉ qua lời truyền tụng của mọi người. Để tìm hiểu rõ hơn về ngôi nhà cổ, chúng tôi tìm đến các cụ cao niên trong làng Đại Hoàng năm xưa. Trong đó có cụ Trần Thế Lễ (91 tuổi), xóm 11, xã Hòa Hậu, là một trong những người cao tuổi nhất làng. Chính cụ cũng từng là người thiếu chút nữa trở thành chủ nhân thứ 5 của ngôi nhà.
Cụ Trần Bá Huấn đang kể chuyện về ngôi nhà với tác giả
Mặc dù tuổi cao sức yếu không đi tới thăm ngôi nhà Bá Kiến được nhưng cụ vẫn còn nhớ như in lịch sử về ngôi nhà cổ này. Nhà "Bá Kiến" tính đến bây giờ đã qua 7 đời chủ.
Chủ thứ nhất là cụ Cựu Hanh. Cụ Hanh là một lái buôn giàu có. Vào khoảng những năm 1910, cụ thuê gần 20 thợ nổi tiếng làm nghề mộc ở Cao Đà, Phủ Lý Nhân về làm mấy tháng trời ròng rã mới xong. Cụ Hanh để lại cho con là Trần Duy Xầm. Cụ Xầm mất đi để lại cho con cả là Cựu Cát. Cựu Cát là người chơi bời nghiện ngập rượu chè, thường hay vay nợ, sau đó Cựu Cát đã gạt nợ ngôi nhà về tay cụ Bá Bính (tên thật là Trần Bá Bính).
Cụ Bá Bính chính là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến được nhà văn Nam Cao xây dựng trong tác phẩm "Chí Phèo". Và cũng chính từ khi ngôi nhà vào tay cụ Bá Bính thì câu chuyện về ngôi nhà mới trở nên đặc biệt. Đây cũng là lý do giải thích tại sao ngôi nhà lại gắn liền với tên chủ nhân là nhà "Bá Kiến" được truyền tụng qua bao thế hệ nay.
Bá Bính mất đi để lại gia sản cho con là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo kế thừa. Khi Binh Tảo mất đi con cháu có ý định bán nhà, và chính cụ Trần Thế Lễ bấy giờ đã có ý định mua ngôi nhà về xẻ làm gỗ, nhưng cụ Lễ chưa mua được thì ngôi nhà được cụ Cai Hậu, tên thật là Trần Hữu Hậu là một Việt kiều mua lại để định cư. Được biết, giá ngôi nhà lúc đó cụ Hậu mua là 4.500đ (tương đương với hàng chục cây vàng thời bấy giờ). Chủ nhân thứ 7 của ngôi nhà ông Trần Hữu Hòa, là cháu cụ Cai Hậu.
Không gian ngôi nhà rất yên tĩnh và thơ mộng
Đến năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm (vợ ông Hòa) để mua lại ngôi nhà với giá 700 triệu đồng. Hiện giờ ngôi nhà đang giao cho UBND xã Hòa Hậu phụ trách trông coi, và đón tiếp các đoàn khách về tham quan.
Nói về chuyện ngôi nhà 2 lần "chết hụt" thì không ai hiểu rõ câu chuyện bằng cụ Trần Bá Huấn (80 tuổi), xóm 11, xã Hoà Hậu. Chính cụ Huấn là một trong 2 du kích địa phương trực tiếp dập lửa cứu ngôi nhà khi thực dân Pháp phóng hỏa đốt.
Cụ Huấn kể lại: "Năm 1953 khi thực dân Pháp mở trận càn lớn nhằm vào các làng xã nơi đây, trong đó có làng Đại Hoàng. Khi đó tôi 19 tuổi tham gia du kích địa phương làm nhiệm vụ cắm chông. Hôm đó lúc giặc đến thì tôi và đồng chí Huỳnh trú ẩn tại một căn hầm bí mật gần ngôi nhà Bá Bính. Bọn thực dân Pháp càn tới dùng chất hóa học bôi lên cột nhà sau đó phóng hỏa đốt.
Nhưng lúc lửa bắt đầu bén cháy thì bọn thực dân Pháp lại có kèn báo hiệu rút quân. Chúng tôi lên khỏi hầm thì thấy cột nhà đã cháy, lửa bắt đầu lan lên mái. Hai anh em vội vã dùng xô, gàu múc nước dập lửa". Còn lần thứ 2 ngôi nhà này thiếu chút nữa bị người ta mua để xẻ ra lấy gỗ. Khi đã có người ngỏ ý mua về xẻ lấy gỗ nhưng chưa thực hiện được thì rất may có người đi nước ngoài về mua lại ngôi nhà với giá cao hơn để định cư.
Triến trúc mái hiên nhà cụ Bá Kiến
Nhà "Bá Kiến" - một kiến trúc độc đáo ít người biết đến
Tọa lạc trên một mảnh đất bề thế rộng 900m2. Ngôi nhà ngoảnh mặt theo hướng Tây - Nam. Cụ Huấn cho biết: "Đây là một ngôi nhà có thiết kế đặc biệt, nhà được kết cấu theo kiểu lộn thềm ngưỡng chồng, tàu bảy then trâu chồng chóp". Nhà có 3 gian theo truyền thống người Việt Nam, 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu giống nhau đến 99%. Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp. Đã hơn 100 năm nhưng vẫn chưa bị dột nát.
Cửa ghép bức bàn, ngoài hiên có một hàng dãi dùng (hay còn gọi là tấm liếp) chống nắng và mưa được làm bằng gỗ. Tất cả gỗ của ngôi nhà này đều bằng lim. Trên các văng, kèo, li tô được chạm khắc nhiều chữ nho, hình rồng. Đặc biệt trên nóc nhà (thượng ốc) có khắc dòng chữ nho nói về thời gian chính xác năm làm ngôi nhà.
Cũng theo cụ Huấn: "Thời đó xi măng không có, vôi cũng đang ít, ngươi ta trộn mật mía, mù hóng vào vôi và thêm một sô phụ gia khác để làm thành hồ xây nhà. Còn gạch dùng xây tường và lát nền nhà thì được nung bằng rơm nên dù qua thời gian nhưng bức tường vẫn không hề bong tróc".
Hình con rồng được chạm khắc tinh xảo
Cùng với chương trình "Tìm lại Nam Cao", năm 2004 tỉnh Hà Nam hoàn thành công trình nhà tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao. Năm 2007 ngành VHTT&DL tỉnh Hà Nam lưu giữ ngôi nhà "Bá Kiến" để góp phần cho việc nghiên cứu sự nghiệp của nhà văn Nam Cao.
Ngôi nhà "Bá Kiến" là một hiện vật quý giá, là một chứng nhân lịch sử của quê hương Nam Cao nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Ngành văn hóa cũng đang có biện pháp trùng tu, bảo quản để phục vụ du khách đến tham quan nghiên cứu.
Ông Trần Đức Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu nói: "Hàng ngày có các đoàn khách ở khắp nơi về đây thắp hương tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao và thăm ngôi nhà cổ "Bá Kiến". Chính quyền địa phương luôn làm tốt công tác đón tiếp và giới thiệu với khách tham quan".
Mái nhà lợp bằng ngói ta, qua 1 thế kỷ vẫn bằng phẳng nguyên vẹn.
Về Hòa Hậu, du khách không chỉ được viếng thăm nhà tưởng niệm, mộ nhà văn liệt sỹ Nam Cao mà còn được thưởng thức ba đặc sản nổi tiếng là: Hồng Hòa Hậu thơm ngon chuối Ngự nổi tiếng khắp cả nước và không thể quên món cá trắm đen kho cổ truyền, bởi kỹ thuật kho món cá này chỉ có người dân nơi đây làm được.
Rời quê hương Nam Cao khi ánh đèn đã lên. Tiếng khung cửi làng nghề dệt của bà con xã Hòa Hậu vẫn vang vọng nhịp nhàng. Quê hương Nam Cao ngày nay khang trang sạch đẹp và còn lữu giữ nhiều nét văn hóa để đón chào du khách tới tham quan tìm hiểu.
Theo Dân Trí
Ăn sốt vang nóng hổi phố Đình Ngang ngày trở gió Cứ mỗi buổi chiều trở gió, khi lòng dạ thiếu "ấm áp" thì tôi nhớ lắm, thèm lắm cái vị đậm đà, nóng hôi hổi, vừa ăn vừa phải xuýt xoa của một bát bò sốt vang phố Đình Ngang. Sau những ngày nắng ấm, Hà Nội bất chợt quay trở lại với cái se se lạnh và những cơn mưa xuân bay...