Hà Nội: Hiệu trưởng bất ngờ vắng mặt trong lễ khai giảng, cổng chính bị đóng chặt
Vào chiều 4/9, trong buổi đối thoại với phụ huynh, bà Nguyễn Kim Oanh đã bỏ vào phòng mặc cho phụ huynh la hét, yêu cầu bà nán lại.
Phụ huynh đẩy cửa, đổ dồn lên trước phòng họp của giáo viên để phản đối việc Hiệu trưởng rời đi, không lắng nghe ý kiến phụ huynh. Ảnh: VOV
Hiệu trưởng vắng mặt trong ngày khai giảng
Ghi nhận của PV Dân Việt, ngay từ sáng sớm ngày 5/9, rất nhiều phụ huynh đã tập trung trước cổng trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) theo dõi lễ khai giảng năm học 2018 – 2019.
Các phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn, trường công bố, công khai và giải thích hợp lý các khoản thu chi của nhà trường trong dịp năm học mới.
Đúng 7h sáng, nghi thức khai giảng của trường bắt đầu, các phụ huynh không được vào trong trường tham dự, chỉ có thể theo dõi lễ khai giảng từ phía cổng trường.
Bà Nguyễn Kim Oanh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Đồng ngồi im trong phòng họp bất chấp phụ huynh la hét bên ngoài. Ảnh: Sức khỏe & Cộng đồng
Khoảng 7h30, đại diện nhà trường thông báo bà Nguyễn Kim Oanh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Đồng vắng mặt, do đó Phó hiệu trưởng thay mặt lãnh đạo trường đã phát biểu khai giảng năm học mới.
7h40, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hoài Đức đánh trống khai trường.
Một số phụ huynh cho biết, các năm trước, trong lễ khai giảng của trường, cổng chính của trường được mở. Tuy nhiên, năm nay cánh cổng này đã bị đóng lại.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin tố cáo trường Tiểu học Sơn Đồng có nhiều khoản thu bất hợp lý đầu năm học.
Trước thông tin này, chiều tối ngày 4/9, bà Nguyễn Kim Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Đồng đã tổ chức buổi họp bất thường với phụ huynh học sinh.
Các khoản thu đầu năm của trường Tiểu học Sơn Đồng
Theo ghi nhận của PV báo Dân trí, trong cuộc họp kéo dài hơn 30 phút vào chiều 4/9, bà Nguyễn Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Đồng dành khoảng 11 phút để nói về các khoản thu đầu năm – điều được phụ huynh quan tâm.
Thời gian còn lại, bà liệt kê thành tích trường đạt được cũng như lễ khai giảng vào ngày 5/9.
Sau khi chờ hiệu trưởng phát biểu xong, chị H. đại diện cho hơn 1.000 phụ huynh đứng dậy, tất cả cha mẹ học sinh có mặt tại trường Sơn Đồng đồng loạt vỗ tay, ủng hộ chị nêu ý kiến.
Tuy nhiên, chị chưa kịp nói gì, bà Oanh đã bỏ vào trong, đồng thời kêu gọi các giáo viên khẩn trương về phòng Hội đồng.
Hành động này khiến tập thể phụ huynh bức xúc. Nhiều người la hét, yêu cầu bà Kim Oanh nán lại.
Video đang HOT
Nhiều người theo lên phòng họp – nơi bà Oanh họp với tập thể giáo viên trường – để yêu cầu làm việc nhưng nhiều giáo viên thay mặt hiệu trưởng yêu cầu phụ huynh giải tán còn hiệu trưởng vẫn ngồi im trong phòng họp.
Các khoản tiền phải nộp đầu năm lên đến gần 8 triệu đồng/học sinh
Chia sẻ trên báo VOV, chị L.T.H được cử làm đại diện phụ huynh nói lên những bức xúc. Tất cả phụ huynh đều vô cùng bức xúc. Chúng tôi không thể đồng ý với những khoản thu cao vô lý. Qua so sánh với các trường khác, nhận thấy trường Tiểu học Sơn Đồng có những khoản thu cao bất thường, không thể chấp nhận.
Cụ thể, theo chị L.T.H, các khoản thu đầu năm học 2018-2019 gồm: Tiền lớp chất lượng cao 600.000 đồng, bảng tính thông minh 650.000 đồng, học hè 800.000 đồng, Tiếng Anh tăng cường 1.170.000 đồng…
Tổng cộng các khoản tiền phải nộp đầu năm lên đến gần 8 triệu đồng/học sinh.
Phụ huynh tập trung trước cổng trường trong lễ khai giảng. Ảnh: Lao động.
Chị H. cho rằng, khoản tiền học hè 800.000 đồng/tháng là không hợp lý. Bởi theo tìm hiểu của nhóm phụ huynh, tại các trường lân cận, khoản tiền này chỉ từ 500.000-700.000 đồng.
Bên cạnh đó, phụ huynh nhận thấy việc thay đổi mẫu mã, màu sắc của đồng phục học sinh qua các năm là không cần thiết, gây lãng phí.
Cũng theo chị H. mọi khoản thu chi đều được nhà trường huy động một cách tự nguyện thông qua các mẫu đơn, phiếu đã được soạn sẵn nội dung để phụ huynh ký.
Trước sự việc trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức về việc kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí nêu về các khoản thu tại trường Tiểu học Sơn Đồng, thuộc địa bàn huyện Hoài Đức.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Chủ tịch UBND huyện Hoà Đức kiểm tra thôngtin báo chí nêu, chỉ đạo nhà trường thu đúng, thu đủ theo quy định.
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội nghiêm cấm thu các khoản ngoài quy định gây bức xúc cho phu huynh học sinh. Đồng thời, đề nghị báo cáo lại kết quả kiểm tra lên Thành uỷ, UBND TP trước ngày 10/9.
Theo Hong.vn
Về nơi học trò không biết dùng giấy vệ sinh
Gặp cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Xuyên vào một ngày mưa trước thềm năm học mới chỉ vài ngày, cô cho biết, mấy hôm nay lên trường không làm được việc gì vì phải đi dỗ các con mới vào lớp 1.
Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) vài ngày trước lễ khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: Nguyễn Thảo
Cô Xuyên về làm Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) từ tháng 1/2017. Chưa đầy 2 năm nhưng cô đã rất thông hiểu hoàn cảnh học sinh, giáo viên ở ngôi trường mà mình được phân công quản lý.
"Mấy hôm nay, mới chỉ cho các con lên làm quen với trường lớp, ôn lại bài vở. Các cháu lớp 1 còn nhỏ đã phải xa gia đình, ăn cũng khóc, ngủ cũng khóc, lên lớp lại khóc. Có đứa từ thứ Hai đến hôm nay khóc không ngớt, vì lâu quá không được về, nhớ mẹ".
Đó là chị Xuyên đang kể về những học sinh lớp 1 - những em bé 6 tuổi đã phải xa gia đình đi học bán trú tuần ở điểm trường chính. Bán trú tuần tức là các em sẽ học, ăn, ngủ ở trường từ thứ Hai tới thứ Sáu, cuối tuần mới được về nhà với gia đình.
Vừa là cô giáo, vừa là bảo mẫu
Có thâm niên 22 năm đứng lớp, trong đó đã có 8 năm dạy lớp 1, cô Tô Thị Miên - giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu - đã quá quen với sự vất vả khi đảm nhiệm lớp đầu cấp.
Cô Miên nói, dạy lớp 1, đặc biệt lại là trường bán trú, cô giáo còn kiêm luôn bảo mẫu. Những ngày đầu tiên đến trường, các con bật khóc bất cứ lúc nào nhớ nhà. Có em khóc suốt 3 tháng đầu. Nhiều đứa nhớ nhà quá lại trốn về cùng với các chị lớp trên. Các cô lại đuổi theo, thuyết phục các con quay lại trường.
"Thỉnh thoảng các cô lại tặng quyển vở, cái bút, chiếc khăn mặt để &'dỗ' học sinh ở lại. Cuối tuần các con về nhà là lại dúi gói bánh, gói kẹo để các con vui khi có quà cầm về nhà" - cô Miên kể.
Một học sinh vừa vào lớp 1 khóc vì nhớ nhà mặc dù đã có chị gái bên cạnh
Để chăm sóc, quản lý hơn 150 đứa trẻ, mỗi ngày trường phân công 1 quản sinh và 2-3 giáo viên coi sóc khu nội trú. Với học sinh THCS, các cô nhàn hơn vì các em đã tự lo được cho mình. Với những đứa trẻ 6 tuổi còn đang khóc oe oe đòi mẹ, ngoài việc chăm lo bữa ăn hằng ngày, các cô phải tắm rửa, hướng dẫn các con làm vệ sinh cá nhân.
Cô Miên tâm sự, trẻ trên này không giống trẻ dưới xuôi. Vào lớp 1 vẫn chưa biết đánh răng, tắm gội vì ở nhà bố mẹ chúng cũng không quan tâm nhiều đến mấy việc đó. Các cô lại là người nhắc nhở các con thay quần áo hằng ngày, hướng dẫn từ cách dội nước khi đi vệ sinh...
"Ở đây người dân đi vệ sinh không bao giờ dùng giấy, toàn dùng cây que. Các con lớp 1 thiếu ăn, người bé xíu, trông rất tội" - cô Xuyên, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Thậm chí, có những em "ị" ra quần mà không biết nói. Chuyện đó cô Miên gặp thường xuyên và bây giờ cô coi đó là chuyện đương nhiên khi được phân công dạy lớp 1.
"Năm ngoái, lớp của tôi còn có em đi học vẫn còn cởi truồng. Con đi học mầm non cũng khóc ròng rã, cô bế suốt trên tay. Chính tay mình phải đi xin anh em họ hàng từng cái quần, cái áo cho con mặc".
Phải mất từ 2-3 tháng để đưa học sinh lớp 1 vào nề nếp. Sau đó, những công việc vệ sinh cá nhân hằng ngày các con sẽ dần tự làm được, hoặc nhờ các anh chị lớp lớn giúp.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh
Học bán trú tuần, những đứa trẻ lớp 1 sẽ được sắp xếp ở cùng phòng với các anh chị lớp lớn, vì những ngày mưa gió các con sợ sấm chớp, rồi lúc nhớ mẹ oà khóc, những đứa trẻ lớn hơn sẽ kịp thời báo cho cô.
Suốt 8 năm dạy lớp 1, chuyện phải ở lại sau giờ chính khóa để kèm thêm những học sinh yếu, chậm là công việc quen thuộc của cô Miên.
"Có một thời gian, gia đình cũng phàn nàn tại sao lại về muộn thế, sao thứ Bảy người ta được nghỉ mà mình vẫn lên trường. Tôi chỉ biết nói rằng, học sinh của mình yếu thì mình phải có trách nhiệm. Có những hôm từ trường về nhà, đường đã lên đèn. Mua thức ăn nấu sẵn ngoài chợ là chuyện thường xuyên. Rồi gia đình cũng quen và hiểu cho công việc của mình".
Nhà cô Miên cách trường 28km. Trừ cuối tuần, chưa một ngày nào cô nghỉ ở nhà. Cô nói, rất may là con cái cô đã lớn, nên có thời gian để dành cho các em nhiều hơn.
Một kỷ niệm mà đến giờ cô Miên vẫn còn nhớ mãi xảy ra cách đây 5 năm. Em học sinh ấy tên Toàn. "Học hết năm lớp 1 mà em vẫn chưa biết gì nên phải ở lại thêm một năm nữa".
Em bị bệnh gì đó khiến da tay bong tróc. Tay em cứng như que củi, không cầm nổi cây bút để viết. Mỗi lần cô cầm tay để uốn thì em kêu đau. Ngày nào cô Miên cũng ở lại cuối giờ để rèn cho cậu học trò.
Tưởng chừng hết hi vọng, thì đến một ngày em reo lên: "Cô ơi, con viết được rồi!". Thế rồi em bật khóc.
Hai cô trò đều mừng. Ngày hôm sau, cô khen em trước lớp. Từ đó, như có đà, cậu bé ngày một tiến bộ. Trong vòng một tháng, em bắt đầu viết được các nét. Hết học kỳ 1, em viết được chữ như các bạn. Mẹ Toàn cũng lên khoe với cô, rồi bật khóc nói rằng: "Em tưởng con em không viết được".
Trước đó, Toàn tự ti, không bao giờ cười nói gì, nhưng từ khi viết được chữ, em bắt đầu sôi nổi hơn. Bây giờ, cậu bé Toàn đã học lớp 6 và trở thành một trong những học sinh khá của lớp. Các cô giáo dạy em sau này đều nhận xét cậu bé ham học, tích cực phát biểu trong lớp.
Khi được hỏi, cô mong muốn gì cho năm học mới, cô Miên nghĩ ngay đến những bộ quần áo trắng cho các con. "Ở vùng cao không có khái niệm mua quần áo trắng cho con. Quần áo trắng toàn là do các cô đi xin".
Cô Miên kể, mỗi lần có đoàn từ thiện gửi quần áo lên, các em mừng lắm. Những phụ huynh gần đó cũng đến chọn quần áo cho những đứa còn đang học mẫu giáo.
"Quần áo từ thiện nhưng nhiều bộ còn mới lắm, còn tốt hơn nhiều những bộ quần áo đã đen bết mồ hôi mà các con vẫn mặc".
Làm bán trú tốt, phụ huynh sẽ đồng thuận
Phòng ở bán trú tuần của học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu. Ảnh: Nguyễn Thảo
Thực hiện Đề án 25 về việc sáp nhập các điểm trường lẻ, sau 3 năm, Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu đã giảm được 5 điểm trường, hiện tại còn 6 điểm tính cả điểm trường chính. Vì thế, học sinh ở những điểm bị xoá phải về điểm chính học. Có những cháu nhà cách trường 7-8km, phải qua sông suối nên không thể đi về trong ngày, phải ở bán trú tuần tại trường.
Theo cô Xuyên, hiệu trưởng nhà trường, chủ trương ghép điểm trường là một chủ trương đúng đắn. 5 điểm lẻ của trường Hà Lâu đã được xoá có tới 23 lớp với 56 học sinh. Năm ngoái có điểm trường chỉ có 2 lớp, mỗi lớp 4 học sinh. Số học sinh quá ít dẫn đến khó tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất cho các em, chưa kể đến việc thiếu thầy cô bộ môn, chất lượng dạy học không được giám sát chặt chẽ.
"Mục đích của Đề án 25 sáp nhập các điểm trường lẻ là vì mỗi lớp chỉ có 3-4 học sinh mà vẫn phải có đủ giáo viên các bộ môn, kéo theo rất nhiều thứ. Về trường chính, các em được hưởng chung cơ sở vật chất tốt hơn, tham gia các hoạt động tích cực hơn, chất lượng dạy học cũng nâng lên hẳn".
Tuy nhiên, để thuyết phục được phụ huynh và các em về điểm chính thì công tác bán trú phải làm tốt.
Ở trường Hà Lâu, theo chị Xuyên, hiện tại đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh. "Ban đầu bỏ điểm lẻ ở Bản Danh, Khe Tao, bà con nói &'có điểm trường mà cô giáo không dạy, phá điểm trường ấy đi, không cho học sinh ra lớp nữa'. Mình cũng rất sợ. Nhưng khi các em ra đây học thì thấy thích. Phụ huynh thấy con em mình được chăm sóc tốt, cũng rất ủng hộ. Trước đây, học sinh của trường bỏ học nhiều nhất huyện. Nhưng từ năm ngoái đến nay, không có học sinh nào bỏ học".
Dự kiến trong năm học này, điểm chính của Trường PTDT Bán trú Tiểu học & THCS Hà Lâu có 155 học sinh bán trú tuần. Mỗi em nhận chế độ 520 nghìn đồng/ tháng và 15 kg gạo.
Hiện khu bán trú của trường Hà Lâu có 18 phòng, mỗi phòng được bố trí 8 em, mỗi em một giường. Năm nay số học sinh lớp 1 tăng, dự kiến sẽ có 155 học sinh bán trú tuần, nghĩa là sẽ có phòng phải ghép 9-10 em mới đủ.
Cô Xuyên cho biết, nếu muốn tiếp tục dồn ghép điểm lẻ thì cơ sở của khu bán trú cần phải được đầu tư mở rộng thêm. Hiện tại, thậm chí có những em xin ở bán trú nhưng không đủ điều kiện để ở.
Theo ông Nguyễn Văn Ty - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, huyện Tiên Yên là địa phương đi đầu trong việc tinh giảm, sắp xếp lại các điểm trường và trường học.
Từ năm 2014 đến 2017, toàn địa bàn huyện đã giảm được 48 điểm trường, trong đó có 24 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 1 trường THCS; sáp nhập 2 trường tiểu học.
"Việc dồn ghép điểm trường giúp nguồn chi ngân sách ngành giáo dục huyện tiết kiệm từ 20-24 tỷ/ năm. Số tiền đó được dành để đầu tư cơ sở vật chất cho những điểm trường chính, như tăng phòng học, phòng bán trú...".
Bà Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau gần 3 năm, tỉnh này đã giảm được 9 trường, 188 điểm trường.
Trong giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh dự kiến có 9/14 địa phương cấp huyện tiếp tục giảm 20 trường. Từ giai đoạn 2018-2021, có 10/14 địa phương cấp huyện dự kiến giảm 82 điểm trường, 64 lớp; 4 địa phương dự kiến giảm 44 điểm trường và 4 lớp.
Nguyễn Thảo
Theo vietnamnet
Khai giảng yêu thương ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh Một lễ khai giảng đặc biệt dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra sáng 5.9, trong sự yêu thương của bác sĩ, người thân, bạn bè. Lễ khai giảng đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh sáng 5.9 - ẢNH LÃ NGHĨA HIẾU Sáng 5.9, 57 bệnh nhi...