Hà Nội: Giá chung cư nhiều dự án mới tăng mạnh, căn hộ giá rẻ “mất tích” trên thị trường
Tại Hà Nội, nhiều dự án cao cấp mới ra hàng giá tăng mạnh, trong khi đó nguồn cung nhà giá rẻ cũng giảm sút nghiêm trọng. Nếu như vài năm trước số dự án nhà giá rẻ còn có một vài dự án ra mắt trên thị trường nhưng kể từ đầu năm 2019 đến nay hầu như không có dự án nào ra mắt.
Giá căn hộ chung cư tại Hà nội tăng mạnh
Tại Hà Nội, nếu như trước kia các dự án chung cư cao cấp có mặt bằng giá chung ở mức 30-40 triệu đồng/m2, phân khúc hạng sang 50-80 triệu đồng thì nay không hiếm các dự án cao cấp có giá lên 50 – 70 triệu đồng/m2 và có những chung cư hạng sang có giá đến vài trăm triệu trên mỗi m2.
Có thể kể đến những cái tên như Tổ hợp căn hộ cao cấp King Palace, số 108 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân của Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào có giá bán khoảng 60 triệu đồng/m2, có những căn hộ tại dự án này lên đến trên 10 tỷ đồng. Dự án căn hộ cao cấp The Zei (Mỹ Đình) vừa được Chủ đầu tư HD Mon Holdings chào bán gần đây cũng có giá lên đến 60 triệu đồng/m2, trong khi giai đoạn 1 của dự án mức giá chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/m2.
Dự án The Metrix One Mễ Trì mới ra mắt cũng có giá lên đến 60 triệu đồng/m2. Mức giá này cao gần gấp đôi khu chung cư nằm ngay bên cạnh là The Golden Palace mới đưa vào sử dụng được 4 năm. Hiện trên thị trường thứ cấp, căn hộ tại The Golden Palace đang được chuyển nhượng khoảng 30 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, thị trường cũng ghi nhận giá bán dự án T-Place ngay gần Hồ Gươm cao kỷ lục 300 triệu đồng/m2, căn hộ lớn nhất tại đây có giá đến 30 tỷ đồng hay như dự án căn hộ khách sạn Hanoi Golden Lake gần gồ Giảng Võ cũng có giá ở mức cao ngất ngưởng 150 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 7 tỷ đồng/căn.
Lý giải nguyên nhân, giá căn hộ đội lên chóng mặt nhiều chuyên gia cho biết cùng với khan hiếm quỹ đất thì việc các chủ đầu tư đua nhau tăng giá cũng là một trong những nguyên nhân chính. Đợt mở bán sau giá cao hơn đợt mở bán trước, dự án xây dựng sau cũng tăng giá đáng kể so với dự án xây dựng trước.
Đặt vấn đề tại sao giá bán căn hộ tăng 10- 20% chỉ sau một năm công bố dự án ra thị trường, tổng giám đốc một công ty BĐS đang triển khai một số dự án nhà ở cao cấp tại Hà Nội thừa nhận không thể bán rẻ hơn, cũng không thể không tăng giá bán khi giá BĐS ở khu vực xung quanh đều tăng 20%-30%.
Nhà giá rẻ mất tích trên thị trường
Video đang HOT
Theo các chuyên gia, quỹ đất khu vực trung tâm TP Hà Nội không còn, trong khi đó giá đất lại được đẩy lên cao hơn gấp nhiều lần so với mặt bằng chung, để có được lợi nhuận thì các chủ đầu tư tập trung vào dòng sản phẩm cao cấp hoặc hạng sang.
Trong khi đó ở khu vực ngoại thành và vùng ven, các chủ đầu tư lại chưa thực sự ưu tiên cho phân khúc này, họ tập trung khai đất nền, vì vậy phân khúc nhà ở giá rẻ trở nên khan hiếm nguồn cung.
“Nhiều dự án tại những khu vực xa trung nhưng thay vì phát triển căn hộ trung cấp, chủ đầu tư đều đẩy giá bán lên thành căn hộ trung cấp”, đại diện một doanh nghiệp BĐS tại Hà Nội cho biết.
Quan sát thực tế trên thị trường số dự án giá rẻ được ra mắt trong năm 2019 hầu như không có dự án mới. Số lượng căn hộ hiếm hoi đã khiến các dự án này trở thành hàng hot trên thị trường, xuất hiện tình trạng cò mồi, giá chênh. Có thể kể đến sự kiện nhà ở xã hội EcoHome 3 cháy hàng trong ngày tiếp nhận hồ sơ. Sau đó, do nhu cầu mua quá lớn, nhiều đối tượng cò mồi đã lợi dụng đẩy giá bán chênh.
Ngoài EcoHome 3, cuối năm 2019 thị trường cũng đang ghi nhận sự sôi động tại dự án Eurowindow River Park tại Đông Anh, với mức giá từ 18,6 triệu đồng/m2. Được biết, ra mắt thị trường từ đầu năm 2018 nhưng mãi đến thời gian gần đây Eurowindow River Park mới tạo được sức nóng do ăn theo hàng loạt đại dự án chuẩn bị triển khai tại khu vực Đông Anh.
Sức nóng lớn nhất là đòn bẩy cho Eurowindow River Park phải kể đến lễ động thổ đại dự án thành phố thông minh tại Đông Anh của Tập đoàn BRG. Bên cạnh đó, thông tin Đông Anh lên quận, cầu Tứ Liên, các dự án trọng điểm như công viên Kim Quy, trung tâm triển lãm quốc gia, thành phố thông minh BRG, trường liên cấp, trung tâm thương mại, khi vui chơi giải trí… đang rục rịch triển khai cũng là “cú hích” hút khách về Eurowindow River Park. Theo thông tin từ đơn vị phân phối CenLand, càng về cuối năm số lượng khách hàng quan tâm đến dự án tăng rõ rệt. Những căn hộ đầu tiên tại đây sẽ bàn giao vào quý 1/2020.
Nhận định về phân khúc căn hộ giá rẻ trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản thừa nhận tình trạng từ đầu năm thị trường Hà Nội vắng bóng căn hộ giá rẻ, thậm chí còn không có dự án thương mại mới nào được mở bán. Một số dự án nhà xã hội mới tung ra thị trường nhưng số lượng ít, người mua phải chấp nhận giá chênh cao. Còn nếu mua căn hộ thương mại, khách thường phải mua lại của nhà đầu tư thứ cấp.
Theo ông Đính, tình trạng nguồn cung mới ở thị trường Hà Nội giảm sút trong một năm trở lại đây và phân khúc nhà giá rẻ lại càng khan hiếm bởi quỹ đất hạn hẹp, việc thực hiện các thủ tục đầu tư kéo dài. Ông cho rằng, quỹ đất trong vành đai 3 hầu như không còn hoặc giá rất cao. Những dự án ngoài vành đai 3 đến vành đai 3,5 hiện cũng có một vài dự án, chủ yếu là sản phẩm được mở bán từ vài năm nay.
Bên cạnh lý do quỹ đất, theo ông Đính, một trong những vướng mắc nhất trong việc phát triển căn hộ giá rẻ là thiếu sự hỗ trợ chính sách, ưu đãi cho chủ đầu tư.
Nhật Nam
Theo Trí thức trẻ
TPHCM: Giá căn hộ tăng trung bình 10% mỗi năm
Giá căn hộ trung bình tại TP HCM năm 2018 là 1.600 USD/m2 còn Hà Nội là 1.300 USD/m2. Mức giá tại TPHCM tăng 10% mỗi năm trong khi ở Hà Nội là 1%.
Báo cáo về thị trường nhà ở của Savills Việt Nam cho thấy năm 2018, giá bán trung bình ở TP.HCM là 1.600 đô la Mỹ/m2, tăng trung bình 10%/năm trong 5 năm qua do giá tăng trên tất cả các phân khúc. Hạng A ghi nhận mức tăng giá cao nhât nhờ nguồn cung mới đạt những tiêu chuẩn dự án cao hơn; hạng B và C cũng ghi nhận mức tăng giá nhưng với tốc độ chậm hơn.
Giá bán trung bình tại Hà Nội năm 2018 ở mức 1,300 đô la Mỹ/m2, tăng nhẹ (1%) so với 2017; hạng A cũng ghi nhận mức tăng giá cao nhất. Do nguồn cung hạng B dồi dào, các chủ đầu tư đã đưa ra những mức giá cạnh tranh để duy trì doanh thu. Số lượng giao dịch hạng C tăng nhờ nhu cầu nhà giá rẻ tăng, các chủ đầu tư cũng đưa ra các điều khoản thanh toán, chương trình chiết khấu và khuyến mãi linh hoạt hơn để thu hút khách hàng.
Trong giai đoạn 2014 - 2018, số lượng giao dịch căn hộ đã tăng đáng kể ở cả TP.HCM và Hà Nội.
Ở TP.HCM, số lượng giao dịch đã tăng trung bình 44%/năm trong vòng 5 năm qua, với đỉnh cao nhất là 49,000 giao dịch năm 2018. Tỷ lệ hấp thụ cũng mới đạt 87% - mức cao nhất trong 5 năm vừa qua. Sự phát triển có thể được nhìn thấy rõ nhất ở phân khúc nhà giá rẻ, hay chính là tiêu chuẩn hạng C, là phân khúc chính của thị trường trong giai đoạn 2014 - 2018, chiếm 60% tổng số giao dịch. Nguồn cung trong tương lai trong phân khúc này khá lớn, vì vậy dự kiến căn hộ loại C sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Trong năm 2018, số lượng giao dịch nhà ở tại Hà Nội tăng 20% so với 2017. Phân khúc trung cấp, hay chính là tiêu chuẩn hạng B, chiếm 61% tổng số lượng giao dịch. Trong giai đoạn 2014 - 2018, phân khúc hạng B chiếm 43-61% số lượng giao dịch, trong khi phân khúc hạng C chiểm 31% thị trường, tăng 6% theo năm. Hạng A cung cấp 8% do giá bán cao và nguồn cung mới hạn chế.
Về hồ sơ người mua, người mua nhà ở TP.HCM và Hà Nội có hồ sơ khá tương đồng. Người ở/ người sử dụng thực có xu hướng chiếm đa số trong phân khúc hạng C, trong khi đó hạng B thu hút các khách hàng có nhu cầu nâng cấp nhà ở và các nhà đầu tư mua để cho thuê. Phần lớn người mua căn hộ loại A là nhà đầu tư dài hạn.
Tỷ lệ người mua nhà có nhu cầu sử dụng thật cao phản ánh sự phát triển lành mạnh của thị trường. Hiện nay nguồn vốn mua nhà chủ yếu đến từ vốn chủ sở hữu bởi lãi suất cho vay tương đối cao và việc vay thế chấp nhà chỉ đáp ứng khả năng chi trả của một bộ phận nhỏ người mua; hiện chính phủ Việt Nam đang tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng thông qua nhiều chính sách tiền tệ.
Theo đánh giá của Savills, tình hình hoạt động của phân khúc cao cấp (hạng A) đã được cải thiện trong 3 năm gần đây, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước với mức định giá cạnh tranh và lợi suất cho thuê hấp dẫn. Số lượng người giàu (High Net-Worth Individuals - HNWI) trong nước ngày càng tăng và phân khúc trung cấp đang phát triển là bằng chứng cho tiềm năng của phân khúc BĐS cao cấp, hạng sang.
Đồng thời việc nới lỏng chính sách sở hữu BĐS cho người nước ngoài cũng đã thu hút được một số lượng người mua nhất định trên thị trường quốc tế. Trong năm 2018, thị trường HN & TP.HCM ghi nhận một nguồn cầu lớn từ các khách hàng quốc tế; một số lượng lớn các dự án nhà ở hạng A đã nhanh chóng đạt ngưỡng 30% định trước ở thời điểm mở bán.
Về triển vọng tương lai, Savills cho biết kinh tế khả quan, mức FDI cao và các chính sách tiền tệ phù hợp tạo cơ sở niềm tin rằng thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển; nguồn cung dự kiến sẽ tăng ở các thành phố chính để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến năm 2020, phần lớn nguồn cung ở TP.HCM sẽ rơi vào phân khúc hạng C; còn hạng B dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường Hà Nội.
Thanh Ngà
Theo Trí thức trẻ
Giá chung cư tại TPHCM chỉ bằng 1/10 Hong Kong nhưng lợi suất đầu tư cao gấp 3 lần Thị trường nhà ở tại Việt Nam đã phát triển nhanh trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn ở mức thấp và cạnh tranh so với các thị trường trong khu vực. Vì vậy, theo các chuyên gia đây vẫn là một kênh đầu tư tiềm năng trong năm 2020. Theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu bất động sản, mặt...