Hà Nội: Điều tra, đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp
Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa triển khai cuộc điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo Quyết định số 1369/QĐ-BKHĐT ngày 7-9-2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại từ cuối tháng 7-2020, với diễn biến khá phức tạp; dự kiến sẽ tác động không nhỏ tới khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
Nội dung điều tra bao gồm: Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra (tên, địa chỉ, điện thoại, fax, email, mã số thuế, loại hình kinh tế, ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính); tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; các giải pháp ứng phó của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19; đánh giá hiệu quả các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19; thông tin chuyên đề về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cuộc điều tra sử dụng phương pháp điều tra trực tuyến, thông qua sử dụng bảng hỏi web-form, điều tra viên trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử điều tra trực tuyến của cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2020. Doanh nghiệp truy cập tại địa chỉ website: http://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn để cung cấp thông tin.
Cuộc điều tra sẽ kéo dài đến ngày 20-9, dự kiến công bố kết quả vào cuối tháng 9-2020.
Doanh nghiệp TP.HCM nhận diện khó khăn và thách thức mới
Nhằm đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đang tổ chức khảo sát trực tuyến để ghi nhận kịp thời những khó khăn từ thực tế.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tiếp tục gây thêm khó khăn, thử thách đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Riêng tại TP.HCM, tính đến ngày 31/7/2020, toàn thành phố có khoảng 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng số doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc giải thể là hơn 21.000.
Điều đáng nói là số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đăng ký với tổng số vốn là 3.183 tỷ đồng, trong khi số doanh nghiệp giải thể đã kéo giảm số vốn gần 4 lần số vốn đăng ký mới, tương ứng hơn 12.000 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động khôi phục kinh tế Thành phố.
Để đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chủ trương của UBND TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đang tập trung lấy ý kiến các nội dung cụ thể về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải; những chính sách hỗ trợ mà doanh nghiệp tiếp cận được trong thời gian qua như việc gia hạn thời gian nộp thuế, phí, đóng bảo hiểm, vay vốn từ ngân hàng...
Đồng thời, đây cũng là đầu mối đề doanh nghiệp chủ động đề xuất các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Ý kiến của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và những đề xuất hỗ trợ từ phía chính quyền, các tổ chức, ngân hàng... sẽ được HUBA tập hợp gửi đến UBND TP.HCM và Chính phủ. Khảo sát sẽ kéo dài đến hết ngày 18/8/2020.
Ở một diễn biến song song, ngày 15/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có cuộc họp với sự tham gia của nhiều bộ ngành chức năng, cùng các chuyên gia để nhìn lại các chương trình hỗ trợ vừa qua, hướng đến định hình các chính sách hỗ trợ lần 2 qua đúc kết kinh nghiệm cũng như từ thực tiễn và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp...
Thống đốc: Môi giới tài chính, kinh doanh cầm đồ cũng tự nhận là công ty cho vay ngang hàng Kết quả khảo sát cho thấy một số công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ tự nhận là công ty cho vay ngang hàng để cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực...