Hà Nội đánh vật với… muỗi
Để đối phó với dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khó lường, Hà Nội đã thành lập hơn 26.000 đội xung kích diệt muỗi, với sự tham gia của hơn 63.000 người
“Gõ cửa” bất kể sáng, tối
Ổ dịch lớn nhất của quận Long Biên là phường Việt Hưng. Ông Trần Huy Đoạt, thành viên đội xung kích, tổ trưởng tổ dân phố số 2 (phường Việt Hưng, quận Long Biên) cho biết, tổ có 3 đội xung kích với 12 thành viên được huy động từ lực lượng hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên… Toàn bộ lực lượng tham gia đội xung kích đều được tập huấn rất bài bản, thuộc lòng tên loại muỗi gây bệnh, cơ chế truyền bệnh, đến 6 biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết (SXH), đến nhà ai cũng “bật loa truyền miệng” đến từng hộ, từng người dân.
Chị Tươi và anh Dương chuẩn bị leo tầng lên khu tập thể phun thuốc. Ảnh: Minh Nguyệt
TP.Hà Nội đã thành lập 26.038 đội xung kích với 63.119 người. Từ ngày 12 -16.8, các đội xung kích đã kiểm tra được gần 1,35 triệu hộ hộ trên tổng số hơn 1,8 triệu hộ trên toàn thành phố (đạt tỷ lệ 73%). Tổ chức xử lý 2.112 ổ dịch; 90 chiến dịch phun hóa chất diện rộng và hơn 1.000 chiến dịch vệ sinh môi diệt bọ gậy. Tổng số lượt hộ được phun trong khu vực nguy cơ đạt 86%, số hộ không đồng ý phun là 5%, số hộ đi vắng là 9%.
“Với những hộ luôn có người ở nhà thì dễ dàng tiếp cận. Còn đối với những gia đình công nhân, viên chức làm việc theo giờ hành chính, các thành viên đội xung kích phải “gõ cửa” từ rất sớm hoặc sau giờ làm. Dù vậy, vẫn có những gia đình, đội xung kích phải đến lần thứ 2, thứ 3 mới có người ra mở cửa” – ông Đoạt cho hay. Sau gần nửa tháng hoạt động, các đội xung kích đã “gõ cửa” được 380 hộ gia đình.
Ngoài việc tuyên truyền về tác nhân, nguồn lây bệnh, phát tờ rơi về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các thành viên đội xung kích còn cùng với các hộ gia đình tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phế thải, vỏ lon bia, chai lọ… Qua những buổi “mục sở thị” các hộ gia đình, đội xung kích đã phát hiện 7 loại vật dụng thường thấy trong các gia đình như: Dụng cụ chứa nước, hòn non bộ, vỏ hộp, lon bia đọng nước mưa… đều chứa bọ gậy.
Ông Đoạt cùng các thành viên còn hướng dẫn người dân thả cá vào hòn non bộ, chậu cây cảnh để diệt bọ gậy. Có những gia đình rất chủ động hợp tác, song cũng có hộ dân vẫn thờ ơ, nhất là những gia đình ở trọ. Do tâm lý chỉ coi đó là nơi ở tạm thời nên tại những khu nhà trọ, người dân không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
“Nhiều lần anh em tôi phải leo trèo lên tận tầng thượng để kiểm tra xem có dụng cụ chứa bọ gậy không. Có khi lại phải chui rúc vào vườn chuối, vườn cây của nhà dân để mục sở thị các mảnh sành, vỏ hộp đọng nước để đổ bỏ, lật úp hoặc thu gom. Có lần làm xong về người nhễ nhại mồ hôi, ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ hết cả tay chân, người” – ông Đoạt kể lại.
Gác ăn, gác ngủ để diệt muỗi
Video đang HOT
Dù vào giữa trưa, trời nóng như đổ lửa nhưng chị Nguyễn Thị Tươi (nhân viên y tế Trung tâm Y tế quận Đống Đa) và anh Nguyễn Ánh Dương (Đại đội phòng chống chữa cháy PH, 165 Xã Đàn, Hà Nội) ăn vội vàng hộp cơm rồi gấp gáp chuẩn bị máy móc, hoá chất khoác lên vai để tới địa điểm phun thuốc ở tổ dân phố số 34 phường Láng Hạ.
Chị Tươi cho biết, nhóm của chị có lịch phun thuốc trên diện rộng toàn phường Láng Hạ. Toàn bộ nhân viên của trung tâm cùng với các chiến sĩ của đại đội phòng chống chữa cháy chia làm nhiều đoàn đi phun đồng loạt tất cả các tổ dân phố. Để tránh bị hóa chất bắn vào người, ngoài bộ quần áo blu, chị Tươi còn phải dùng hai chiếc khẩu trang bịt kín mít gương mặt.
Một đồ chơi chứa nước đã trở thành ổ bọ gậy. Ảnh: Minh Nguyệt
“Từ sáng đến giờ chúng tôi đã phun ở hai cụm, mỗi cụm cũng phải hơn 100 hộ dân. Khu này còn nhiều nhà tập thể đi đỡ mệt chứ lúc sáng vào nhà riêng với các cơ quan thì chỉ có chết ốm. Có lúc phải leo bộ lên ngôi nhà 6 -7 tầng, có lúc vào cơ quan nhà chỉ 6 tầng nhưng có tới 20 phòng họp. Leo qua leo lại, phun thuốc xong chị em mệt phờ, thở chẳng ra hơi. Lúc mọi người nghỉ ngơi, ngủ nghỉ thì mình lại càng phải đi phun, vì chỉ lúc ấy mới ít người, phun thuốc không bị ảnh hưởng hoặc giờ đó người dân cũng mới có nhà để mở cửa” – chị Tươi vừa đi vừa kể.
Không chỉ chị Tươi mà hầu hết cán bộ của Trung tâm Y tế phường Đống Đa từ nhiều tuần nay cũng mất ăn, mất ngủ để chạy theo… muỗi. Một ngày làm việc của mọi người lúc nào cũng bắt đầu từ 5 giờ sáng, cho tới 7-8 giờ tối, bất kể thứ 7 và Chủ nhật. Thậm chí có đợt, đoàn phun thuốc diện rộng cả đêm thì mọi người cũng phải đi theo hỗ trợ.
“Kể mãi cũng chẳng hết nỗi vất vả đâu. Từ đầu năm tới nay anh em trong trung tâm, ở trạm y tế đều mệt phờ. Chúng tôi đã phải vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền về dịch sốt xuất huyết rồi vận động người dân xử lý vệ sinh, lật úp các bình chứa nước. Thế nhưng, nói đằng trước, đằng sau dân lại bày ra như cũ. Nhiều khi cảm thấy mình cứ như công nhân dọn vệ sinh đi dọn rác cho nhà người ta vậy” – chị Tươi nói.
Bị xua đuổi
Công việc của chị Tươi cùng đoàn phun thuốc như là “làm dâu trăm họ”. Làm tốt cũng chưa chắc được khen, nhưng làm không tốt thì bị nói ngay. Nhiều khi người dân phản đối, từ chối phun thuốc, biết là sai nhưng thuyết phục không được cũng đành chịu.
Trong lúc chị Tươi kể chuyện thì người đồng hành cùng chị – anh Nguyễn Ánh Dương lại lóc cóc đeo chiếc máy phun nặng gần 30kg trên vai trèo lên từng tầng của Khu tập thể Tổng cục thống kê phun thuốc. Khi anh Dương đang nặng nề đeo bình thuốc leo cầu thang thì một người phụ nữ chừng 60 tuổi bế cháu, chùm kín mít chạy từ cầu thang tầng 5 xuống liên tục xua tay, quát tháo: “Nhà tôi không có muỗi đâu, nhà sạch lắm nên không cần phun đâu nhé” rồi trốn biệt như gặp tà.
Chị Tươi bảo, làm việc tốt mà bị xua đuổi như vậy là chuyện cơm bữa. “Có lần gõ cửa, bấm chuông đến cả chục lần nhà người ta mới chịu ra mở cửa. Thế nhưng cửa vừa mở là người ta nhào ra, chửi bới là “đầu độc” cả nhà họ. Có trường hợp như hôm kia khi đi phun ở đường Huỳnh Thúc Kháng, chúng tôi còn suýt bị chủ nhà hành hung vì cho rằng bị làm phiền. Anh ta nằng nặc nói không cần phun và nhà anh ta không có muỗi. Nói mãi không được đoàn cũng đành thôi và dời đi phun nhà khác. Thậm chí, có nữ nhân viên y tế ở trạm xá đi vận động vào nhà dân kiểm tra còn bị người dân trêu ghẹo” – chị Tươi buồn bã nói.
Ông Nguyễn Đắc Liên – cán bộ bảo vệ, nguyên tổ trưởng tổ dân phố 34 và cũng là người chỉ đường cho đoàn phun thuốc, cho biết, từ tối qua tổ dân phố đã phải vào từng nhà thông báo. Thậm chí còn dán tờ rơi nhắc nhở mọi người hôm nay ở nhà để mở cửa cho đoàn phun thuốc. Dù đã cố gắng vận động như vậy, nhưng hôm nay chỉ có 50% hộ dân phối hợp để đoàn phun thuốc. “Dù không chống đối quyết liệt nhưng nhiều người dân vẫn nói khéo nào nhà có con ốm, cháu nhỏ, hoặc có gia đình thì nói là đã thuê người phun trước rồi thế nên đề nghị không cần phun nữa” – ông Liêm nói.
Trong lúc theo chân đoàn phun thuốc, phóng viên Báo NTNN ghi nhận nhiều hộ dân buôn bán, kinh doanh trên mặt đường Láng Hạ đều từ chối phun thuốc diệt muỗi. Vừa đi vừa thở dốc, chị Tươi tâm sự: “Ở nhà còn có con nhỏ, vợ chồng mình lại mới xây nhà nhưng cũng chẳng dám xin nghỉ làm. Dịch đang lên cao, công việc vất vả, anh chị em đồng nghiệp ai cũng phải căng mình ra để chạy đua hy vọng khống chế dịch, giờ mình mà xin nghỉ thì thấy áy náy lắm. Nhiều anh em mệt, ốm mà vẫn phải cố”.
Theo Danviet
Hoang mang, khốn đốn vì cả nhà mắc sốt xuất huyết
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang bùng phát dữ dội, lan tới từng ngõ, gõ cửa từng nhà. Nhiều gia đình có 3-4 người cùng bị sốt xuất huyết, cùng nằm viện khiến cả nhà lao đao, khốn đốn.
Sáng sớm 14.8, PV Dân Việt đã có mặt tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đống Đa), chứng kiến cảnh hàng trăm bệnh nhân nằm điều trị tại đây. Tại phòng khám cũng có hàng dài người ngồi, đứng, chờ đợi đến khám. Không khí tiếp đón, chăm sóc các bệnh nhân sốt xuất huyết trong khoa Truyền nhiễm cũng được thực hiện khẩn trương.
Nhiều bệnh nhân đã phải xếp hàng chờ đợi từ 6 giờ sáng để được khám bệnh, nhiều người trong số này đang có dấu hiệu sốt cao, cơ thể mệt mỏi. Ảnh: Thùy Anh
Với quy mô 50 giường bệnh nhưng tới thời điểm này khoa Truyền Nhiễm đã phải kê gấp đôi số giường mà vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu nằm điều trị của bệnh nhân. Nhiều giường, bệnh nhân phải nằm ghép 2-3. Để tránh quá tải, bệnh viện đã phải sàng lọc kỹ. Với bệnh nhân nhẹ thì sẽ được sàng lọc cho điều trị ngoại trú, sau đó hàng ngày vào viện để kiểm tra sức khỏe lại.
Sốt xuất huyết làm quá tải, nhiều giường bệnh nhân phải nằm ghép 2, ghép 3. Ảnh: Thùy Anh
Bác sĩ Nguyễn Thái Minh - Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đống Đa cho biết, khoa từng ghi nhận nhiều bệnh nhân cùng một gia đình. Mới đây nhất, ngày 7.8, bệnh nhân Đặng Đình Thanh (41 tuổi) ở Nguyễn Lương Bằng bị sốt xuất huyết, phải nhập viện khám theo dõi. Sau đó 3 ngày con trai anh Thanh là Đặng Thiên Phú cũng bị lây nhiễm và nhập viện theo dõi.
Anh Thanh kể: "Kể từ lúc mắc dịch bệnh gia đình tôi rất hoang mang, công việc của tôi bị gián đoạn, con tôi phải nghỉ học ở nhà theo dõi. Cũng may nhà gần bệnh viện nên các bác sĩ cho về điều trị ngoại trú, hàng ngày vẫn vào viện để kiểm tra sức khỏe".
Cũng theo anh Thanh, vì quá lo lắng anh đã phải thuê dịch vụ tới nhà phun thuốc diệt muỗi. Chi phí cho một lần phun thuốc là 500.000 đồng.
Sáng đầu tuần đã có hàng chục bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán là bị sốt xuất huyết. Ảnh: Thùy Anh
Bác sĩ Nguyễn Thái Minh cho biết, trước đó đúng 1 tuần, vào ngày 2.8, khoa cũng tiếp nhận một trường hợp khá đặc biệt. Bệnh nhân là 2 mẹ con quê Thanh Hóa, nhập viện trong tình trạng sốt cao, trong giai đoạn 2.
"Người mẹ lúc đó mang bầu được 27 tuần, cô con gái mới được 2 tuổi đều bị sốt xuất huyết. Vợ chồng cùng con gái nhập viện cấp cứu vào lúc 12 giờ đêm ngày 2.8. Sau 3 ngày nằm theo dõi, sức khỏe của hai mẹ con đã bình phục thì người chồng lại mắc bệnh sốt xuất huyết" - bác sĩ Minh kể lại.
Hôm đó, gia đình thậm chí còn không có người chăm sóc, 3 người bệnh tự chăm sóc nhau và mọi công việc đều nhờ điều dưỡng viên. Hai ngày sau người nhà trong quê mới ra chăm sóc.
"Từ 2 tháng nay lúc nào anh em trong khoa cũng làm việc cận lực. Thậm chí có bác sĩ còn làm việc thông 48 tiếng đồng hồ. Chúng tôi làm việc cả thứ 7 và chủ nhật để sàng lọc, xuất viện cho bệnh nhân cũ và đón các bệnh nhân mới" - ông Minh nói.
Số bệnh nhân quá đông nên khoa phải kê cả giường ra ngoài hành lang lấy chỗ cho bệnh nhân nằm điều trị. Ảnh: Thùy Anh
Thống kê tại khoa Truyền nhiễm, từ đầu năm tới nay khoa đã tiếp nhận 1.135 trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Tiếp nhận khám cho 1.555 ca. Hiện, khoa đang điều trị nội trú cho 101 ca, cao gấp cả trăm lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tính đến ngày 14.8.2017 khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận khám 584 trường hợp, trong khi đó, cùng thời gian này năm 2016 là không có trường hợp nào. Tương tự, số ca nội trú cũng vậy, cùng thời kỳ năm 2016 không có ca nào thì đến 14.8.2017 có tới 362 trường hợp nhập viện điều trị nội trú.
Theo Danviet
Thanh Hóa: Xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên Ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiền vừa bùng phát và được ngành y tế dự phòng ghi nhận tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Chiều 18.8, ông Hà Đình Ngư - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Tính từ đầu tháng 8 đến nay, tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia có...