Hà Nội đã cấp sổ hồng cho hơn 137.000 căn hộ chung cư
Thông tin từ Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 8/2016, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gần 1,5 triệu thửa đất, căn hộ.
(ĐTCK) Thông tin từ Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 8/2016, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gần 1,5 triệu thửa đất, căn hộ.
Theo đó, 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký đã được cấp giấy chứng nhận, đạt 90% hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư.
Các dự án phát triển nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội) đã cấp được trên 137.000 căn, đạt 77%; cấp được 12.403 thửa đất do các tổ chức sử dụng, đạt 64,4%; cấp được 358 thửa đất do các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng. Bên cạnh đó, 18 huyện, thị xã thực hiện dồn điền đổi thửa đã cấp được 215.159 giấy chứng nhận, đạt gần 30%.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, với các trường hợp còn tồn đọng, nguyên nhân chủ yếu do không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai từ nhiều năm qua chưa giải quyết được… Trong đó, vi phạm chủ yếu dưới các hình thức chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công, mua bán “trao tay”… không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Video đang HOT
Bạc mặt với sổ hồng!
Một loạt sự vụ gần đây khiến những người dân sống tại chung cư chưa cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, còn gọi là sổ hồng, như đang ngồi trên đống lửa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Internet)
Gây lùm xùm nhất là vụ việc tại Chung cư The Harmona do Tamexim làm chủ đầu tư khi hàng trăm hộ dân đã sinh sống ổn định tại đây hơn 3 năm qua có nguy cơ bị "đẩy ra đường", bởi chủ đầu tư đã "cắm" sổ hồng vào ngân hàng. Dù ngày 16/6, chủ đầu tư đã hoàn tất khoản nợ cho ngân hàng, nhưng cư dân cũng được một phen hoảng hồn.
Tiếp theo đó là vụ Chung cư Bảy Hiền Tower bị cắt điện nước khi đã bàn giao căn hộ, mà lỗi cũng do chủ dự án và quan trọng hơn, khả năng được cấp sổ hồng của người dân cũng rất khó khi dự án làm sai thiết kế...
Những sự vụ này đã bị quy là thủ phạm gây ra sự trầm lắng của thị trường bất động sản TP. HCM trong quý II này.
Tại Hà Nội, dù không ồn ào, nhưng những vụ chủ đầu tư vi phạm quy hoạch, làm sai giấy phép xây dựng, chậm trễ hoàn thiện hồ sơ cấp sổ hồng cho dân cũng nhiều chẳng kém.
Tuần qua, thị trường địa ốc Hà Nội xôn xao với thông tin chủ đầu tư Dự án Golden West tại số 2 Lê Văn Thiêm bị phạt 90 triệu đồng vì xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt... Quan trọng hơn, khoảng 600 khách hàng dự án này đứng trước nguy cơ bị "hoãn" cấp sổ hồng vô thời hạn vì những sai phạm không phải do mình gây ra.
Trước những "con sâu làm rầu nồi canh" này, một chuyên gia bất động sản như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng chỉ có thể khuyến cáo người mua nhà rằng, cần phải biết "chọn mặt gửi vàng", tìm dự án tốt, pháp lý đầy đủ.
Nhưng điều quan trọng hơn, phải tìm ra những chế tài, giải pháp ngăn chặn từ gốc câu chuyện này, chứ không phải cứ mãi... xử lý chuyện đã rồi!
Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng vừa thành lập đoàn thanh tra để thanh tra 33 dự án nhà ở có sai phạm đang gây khó khăn trong việc cấp sổ hồng cho cư dân. Đây thực ra cũng là chuyện đến hẹn lại lên, năm nào Hà Nội cũng làm và quan trọng hơn, thường là phải chấp nhận "hợp thức hóa" những sai phạm của chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi cho khách mua nhà.
Một vị đại diện của Phòng Đăng ký thống kê đất đai thuộc Sở Tài Nguyên - Môi trường Hà Nội mới đây tiết lộ rằng, trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 300 dự án có vướng mắc (sai phạm) đã cơ bản được tháo gỡ xong.
Con số 300 dự án sai phạm, tương đương hàng vạn căn hộ khách hàng mua nhà nghiêm túc thực hiện hợp đồng, nhưng lại không nhận được cái sổ hồng sau nhiều năm mua nhà khiến nhiều người kinh hãi. Ấy vậy mà theo vị đại diện này, trên địa bàn vẫn còn khoảng 33 dự án còn vướng mắc và còn khoảng 50.000 trường hợp chưa cấp được sổ hồng.
Một trong những nguyên nhân khiến sai phạm xảy ra nhiều là bởi mức phạt nhẹ hều.
Câu chuyện tại Dự án Hồ Gươm Plaza, quận Hà Đông là một ví dụ. Dự án này mới đây bị cơ quan chức năng xử phạt tới 3 tỷ đồng về việc xây thêm căn hộ sai phép. Thế nhưng, số tiền phạt này như cái móng tay, quá nhỏ nếu so với số tiền nhiều chục tỷ đồng doanh nghiệp thu được từ việc bán các căn hộ xây thêm.
Tại Dự án Sakura trên đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, chủ đầu tư còn biến cả tầng kỹ thuật thành nhiều căn hộ để bán, khiến toàn bộ khách hàng sau gần chục năm nhận bàn giao nhà không làm được sổ hồng.
Một trường hợp khác thuộc dự án căn hộ cao cấp của một chủ đầu tư ở quận Đống Đa (Hà Nội) mới đây cũng tương tự. Dự án khi sắp hoàn thiện thì bị phanh phui xây thêm gần chục căn hộ bán cho khách hàng và bị thanh tra xây dựng tiến hành thanh tra.
Có thể doanh nghiệp này sẽ bị phạt hành chính hàng trăm triệu đồng, nhưng số tiền thu được từ việc bán căn hộ còn lớn hơn hàng trăm lần số tiền bị cơ quan chức năng xử phạt.
Dĩ nhiên, chỉ người mua nhà tại các dự án này là phải chịu thiệt. Bởi muốn có sổ hồng, họ sẽ lại phải chờ nhiều năm sau, sau khi các sai phạm của chủ đầu tư được cho phép hợp thức hóa.
Để hạn chế rủi ro khi chủ đầu tư "cắm" sổ ở ngân hàng, TP. HCM có sáng kiến sẽ thông tin công khai những dự án thuộc diện này tại Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố, nhưng còn những rủi ro khi chủ đầu tư cố tình xây sai phép, vượt phép thì vẫn chưa có cách nào hạn chế và hàng vạn khách hàng vẫn tiếp tục "bạc mặt" ngóng cái sổ hồng...
Theo NGUYÊN MINH (Báo Đầu Tư)
Bất động sản TP.HCM: Phân khúc cao cấp áp đảo thị trường Hiện trên địa bàn TP.HCM, số lượng căn hộ giá cao trên 2 tỷ đồng/căn gấp 6,6 lần số lượng căn hộ giá giá thấp dưới 1 tỷ đồng. Thị trường đang phát triển lệch nhu cầu. Căn hộ giá dưới 1 tỷ đồng chỉ chiếm 13% Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, 5 tháng đầu năm 2016, thị trường bất động...