Hà Nội: CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe
Từ 1/8-31/8, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt – CATP Hà Nội sẽ tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Liên quan đến kế hoạch này, phóng viên ANTĐ đã trao đổi với Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt – CATP Hà Nội.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được tập trung triển khai trong tháng 8?
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng: Đối tượng, hành vi tập trung kiểm soát trong kế hoạch là người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy. Hành vi vi phạm là người điều khiển phương tiện không có, không mang theo giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hoặc có các loại giấy tờ này nhưng đã hết hạn, hết hiệu lực, bị tẩy xóa…Các trường hợp vi phạm bị phát hiện phải được xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nhằm nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông trong việc chấp hành các quy định về giao thông đường bộ và quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, nghiêm cấm cán bộ, chiến sỹ lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn để trục lợi, sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, dừng phương tiện tràn lan nhưng không kiểm soát, xử lý vi phạm.
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt – CATP Hà Nội
PV: Xin ông cho biết các quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới?
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng: Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ: Đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới…
Bên cạnh đó, Nghị định 103/2008/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng nêu rõ, chủ xe cơ giới phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định tại Nghị định này.
Trường hợp chủ xe cơ giới không thực hiện quy định sẽ bị xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, phạt tiền từ 80.000 -120.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. Phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
PV: Thời gian qua, việc xử lý đối với chủ xe cơ giới không thực hiện đúng quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc được thực hiện ra sao, thưa ông?
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng: Vi phạm này thường bị phát hiện khi người tham gia giao thông bị xử lý về các vi phạm khác hoặc qua quá trình điều tra xử lý vi phạm giao thông. Không ít chủ xe dù có mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự nhưng do không để ý nên đã bị hết hạn. Khi không xuất trình được Giấy chứng nhận, xuất trình Giấy đã hết hạn hoặc không mang theo, chủ xe cơ giới đều bị lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định.
Video đang HOT
PV: Thực tế có hiện tượng người tham gia giao thông mua Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc chỉ để “đối phó” với CSGT. Thậm chí có nhiều nơi rao bán loại giấy này chỉ từ vài chục nghìn đồng. Ông nghĩ sao về tình trạng này?
Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc là loại bảo hiểm các chủ xe cơ giới bắt buộc phải mua khi lưu thông trên đường, nó có tác dụng bảo hiểm cho người thứ 3 khi xảy ra tai nạn. Nghĩa là khi người sử dụng xe ô tô, xe mô tô gây tai nạn cho người khác thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường cho người bị tai nạn.
Việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự không chỉ là một trong những điều kiện bắt buộc khi tham gia giao thông, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi xảy ra tai nạn.
Thực tế cho thấy, có không ít người hợp sau khi gây tai nạn sợ phải bồi thường hoặc không có khả năng bồi thường cho nạn nhân nên đã bỏ trốn. Những cá nhân này không chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự mà còn có thể bị xử lý hình sự khi có khiếu kiện từ bên bị hại. Trong khi đó, nếu chủ phương tiện mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, cơ quan bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân, giảm gánh nặng về vật chất cho bên gây tai nạn.
Thời gian qua, một số cá nhân đã rao bán Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với giá rẻ. Để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm có uy tín, không nên ham rẻ kẻo mua phải giấy tờ giả, không có giá trị, đặc biệt không nên mua chỉ để “đối phó” với lực lượng chức năng.
Theo anninhthudo
Phá vụ án ổ nhóm giang hồ thách đấu, giăng bẫy nhau trên đường Láng - Hòa Lạc
Sáng 3/3/2010, hầu hết trang nhất các tờ báo của Hà Nội đều đưa một bản tin rúng động, đó là đêm hôm trước, trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc đã xảy ra một vụ rượt đuổi và nổ súng kinh hoàng giữa các ổ nhóm giang hồ.
Mặc dù hậu quả không có người thiệt mạng, nhưng các đối tượng đã manh động "xử nhau" hết sức liều lĩnh và manh động.
Ngay lập tức, các trinh sát của Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội được tung vào cuộc. Và chỉ chưa đầy 40 giờ khẩn trương điều tra, toàn bộ vụ án đã được làm rõ.
Nhóm tội phạm ngày ra hầu tòa
Những tiếng súng trong đêm
Đêm mùng 1, rạng sáng 2-3, trong khi nhiều người còn đang ngon giấc thì một vài hộ dân thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội như bừng tỉnh bởi nhiều tiếng nổ chát chúa vọng lại từ phía đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Không chỉ có vậy, họ còn nghe thấy tiếng động cơ gầm rú, tiếng ô tô phanh cháy mặt đường, tiếng hò hét chửi bới huyên náo.
Cho tới khi những thứ âm thanh kinh hoàng kia chấm dứt, vài tiếng đồng hồ sau, những người dân đi chợ sớm đã phát hiện ra bên lề đường có một chiếc ô tô màu đen hiệu Honda Civic móp méo bị bỏ lại. Bên trong xe không có người, nhưng lại có nhiều vệt máu, hầu hết kính đã bị vỡ. Chưa hết, trên sàn xe còn ngổn ngang dao kiếm cùng những viên đá to bằng cổ tay. Lập tức, thông tin này được báo ngay cho cơ quan công an.
8h sáng, toàn bộ khu vực quanh chiếc xe bí ẩn nọ được phong tỏa. Kết quả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm chiếc xe của Phòng Kỹ thuật Hình sự, Phòng Cảnh sát Hình sự và CAH Quốc Oai đã thu giữ 1 khẩu súng bắn đạn ghém, 1 súng ngắn kiểu Volte, 3 thanh kiếm, 7 dao chọc tiết lợn, 1 dao nhọn. Vỏ chiếc xe bên trái có 6 lỗ thủng do đạn bắn cùng nhiều vết máu vương vãi. Xác minh biển kiểm soát của chiếc xe này, cơ quan công an xác định chủ sở hữu phương tiện là anh Nguyễn Quốc Hiệp (trú tại Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).
Tuy nhiên anh Hiệp cho biết trước đó đã mang xe đi cầm cố cho anh Nguyễn Xuân Khiêm (trú tại Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) từ tháng 10-2009. Lần tới đầu mối thứ hai, cơ quan công an nắm được thông tin, anh Khiêm đã đặt chiếc xe nói trên cho Nguyễn Bích Thủy (SN 1978, trú tại ngõ 196, tổ 31 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Thế nhưng câu chuyện về chủ chiếc xe vẫn chưa dừng lại. Sau khi nhận cầm cố chiếc xe, Thủy lại mang cầm tiếp cho bạn là Nguyễn Phương Thảo (SN 1981, trú tại phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội). Thời gian gần đây, giữa Thủy và vợ chồng Thảo có một số mâu thuẫn. Đi sâu vào xác minh mối quan hệ của Thủy và vợ chồng Thảo, trinh sát nhận định, đây chính là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ súng trên đường Láng - Hòa Lạc.
Chiếc xe của Phong bị nhóm Đông ép vào ven đường
Lời thách đấu trên đường cao tốc
Qua tìm hiểu, câu chuyện về vụ việc đã dần dần sáng tỏ. Theo đó, khi mang chiếc xe Honda Civic đi cầm cho Thảo lấy 350 triệu đồng, Thủy có hẹn là sẽ lấy lại xe trong vòng 1 tháng. Thế nhưng quá hẹn đã lâu mà không thấy Thủy quay lại, Thảo và chồng là Bạch Thành Phong đã sinh ra cãi cọ lẫn nhau.
Bực tức vì bị thất hứa, Phong quyết định đi tìm bằng được cô bạn của vợ để làm cho ra nhẽ. Thực ra, câu chuyện về chiếc xe chỉ là thứ yếu bởi trước đó, hồi tháng 1-2010, chính Thủy đã gặp vợ chồng Thảo - Phong để bảo lãnh cho một người anh rể tên Nguyễn Minh Tuấn vay 500 triệu đồng. Vậy nhưng, khi đã cầm được tiền vay thì Tuấn liền bỏ sang CHLB Đức và... mất hút.
Sau này, khi biết tin, vợ chồng Thảo - Phong đã tìm gặp gia đình Tuấn và em trai anh ta là Tú để yêu cầu họ có trách nhiệm trả thì chỉ nhận được câu nói dửng dưng: "Cho ai vay thì đòi người đó". Cho tới khi thấy Thủy và Tú chung vốn mở quán karaoke trên đường Trần Thái Tông thì Phong tin rằng mình đã bị rơi vào một cái bẫy quỵt tiền.
Xuất phát từ mâu thuẫn này, ngày 1-3-2010, Phong cùng 2 thanh niên khác đã đến quán karaoke của Thủy - Tú để đòi tiền. Tuy nhiên ở quán lúc đó chỉ có Nguyễn Quang Đông (anh họ của Thủy) làm quản lý. Do không tìm được kẻ cần gặp, Phong bực tức đập vỡ cửa kính của quán, chửi bới Đông và các nhân viên ở đây rồi bỏ đi.
Thông tin về việc Phong đến tận quán "làm loạn" được Đông và các nhân viên cấp báo cho Thủy - Tú. Đồng thời, Đông cũng gọi cho bạn là Hoàng Quốc Khánh (SN 1978 trú tại nghách 5/4 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) đề nghị gọi thêm khoảng hơn 10 "đàn em" để đi tìm Phong trả thù.
Nhận lời giúp, Khánh huy động "đệ tử" đi trên 4 xe ô tô kéo tới tập trung ở quán karaoke. Tại đây, cả nhóm chia nhau hung khí gồm dao, súng, rồi gọi điện cho Phong hẹn đến khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia để "nói chuyện". Sau khi nghe điện thoại, Phong nhận lời thách đấu mà không biết rằng một chiếc bẫy đã được nhóm của đối thủ giăng ra.
Ghế sau chiếc xe Civic bị truy đuổi
16 bị cáo hầu tòa
Tin chắc sẽ giành thế "trên cơ" so với nhóm của Phong, Đông dẫn băng nhóm của mình tới điểm hẹn. Khi tới gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Đông phát hiện ra chiếc xe của Phong đang chạy phía trước nên giục cả bọn tăng ga đuổi theo. Lúc này, khi nhận thấy đối thủ đông gấp 4-5 lần mình, Phong không dám "nghênh chiến" và đành tháo lui.
Tuy nhiên, trên đường bỏ chạy, đồng bọn của Phong ngồi trên xe cũng rút khẩu súng đã chuẩn bị sẵn bắn liên tiếp về phía nhóm của Đông để cản đường làm 2 xe bị trúng đạn. Đáp lại, nhóm của Đông cũng mở cửa nóc chĩa súng về xe của Phong nổ nhiều phát khiến kính sau vỡ tan tành. Một đồng bọn của Phong ngồi trong xe cũng bị đạn găm trúng bả vai. Cuộc rượt đuổi giữa các nhóm đối tượng kéo dài cả chục cây số và trong suốt quá trình này, Thủy liên tục gọi điện cho Đông thúc giục: "Đuổi đánh chết nó đi".
Nhận lệnh của chủ quán, Đông càng có thêm dũng khí để sẵn sàng ăn tươi nuốt sống kẻ đã hạ nhục mình. Đến khu vực xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, một chiếc xe trong nhóm của Đông đã vượt được lên và ép xe của Phong lao xuống vệ đường bên phải. Tuy nhiên, do đã chuẩn bị sẵn, Phong cùng 1 đồng bọn đã tung cửa tháo chạy. Kẻ còn lại không kịp thoát ra nên đã nép sát xuống sàn xe để trốn.
Rất may cho người này, khi nhóm của Đông đuổi đến nơi, do trời quá tối nên đã không phát hiện ra còn người ẩn nấp trong xe. Thấy mất con mồi, nhóm của Đông đành dùng gạch đá, súng bắn vào vỏ chiếc xe vô tri cho hả giận rồi bỏ đi. Chính vì vậy, đồng bọn của Phong đã thoát chết và sau đó trốn thoát cùng Phong.
Sau khi vụ án xảy ra, Nguyễn Quang Đông và đồng phạm đã lần lượt bị bắt từ tháng 3-2010 đến tháng 8-2011. Phải mất thêm gần 2 năm hoàn tất hồ sơ điều tra vụ án, đến năm 2013, các đối tượng lần lượt ra tòa và đều nhận tội. Tuy nhiên cũng phải tới năm 2015 đối tượng cuối cùng của vụ án đang lẩn trốn mới chịu ra đầu thú, nâng tổng số bị cáo của vụ án phải chịu sự phán xử của pháp luật lên con số 16 người.
Theo Nguyễn Long
An ninh thủ đô
Hà Nội: Bắt quả tang 4 tàu khai thác cát trái phép Lực lượng Cảnh sát đường thủy bắt quả tang 4 tàu có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn giáp ranh quận Tây Hồ và huyện Đông Anh (Hà Nội). Rạng sáng nay, 11/7, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an TP Hà Nội) bắt quả tang...