Hà Nội có một khu tập thể sắp sập
Tường bong tróc, trần nhà nham nhở, hành lang phải cần đến sự trợ giúp của những chiếc cột gỗ. Đó là tình trạng xuống cấp tại khu tập thể H36 (Xuân La, Tây Hồ).
Tường nhà nham nhở, nhếc nhác.
Người dân Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng với vụ sập nhà ở số 43 Cửa Bắc vào ngày 4/8. Sự kiện này càng khiến người dân sống tại khu tập thể xuống cấp H36 càng thêm lo lắng.
Khu tập thể được xây dựng bởi Công ty Xây lắp Hóa chất H36. Năm 1983 dãy nhà xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Theo chủ trương ngôi nhà được xây dựng cho cán bộ, công nhân viên công ty.
Khu tập thể bao gồm dãy nhà cấp 4 và hai dãy nhà hai tầng bằng gạch. Nhà được xây dựng bằng gạch và vôi vữa nên sau 33 năm đưa vào sử dụng ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện, 61 hộ dân với gần 400 nhân khẩu sống tại khu tập thể luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, nguy cơ đe dọa tính mạng khi có mưa dông lớn. Trước đó, một số hộ dân đã chuyển đi vì nghĩ nhà có thể sập bất cứ lúc nào.
Nhận thấy căn nhà xuống cấp, người dân đã sửa chữa, chắp vá bằng một số vật liệu như: Tấm nhựa, thanh sắt, tre nứa, proximăng nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại trần nhà của toàn bộ các căn hộ nứt, lún, bong tróc nghiêm trọng. Tường nhà nứt, nghiêng và biến dạng. Một số cột nhà xây bằng gạch đã bắt đầu bở bục, nhiều mảng tường nứt nẻ, trơ cả khung sắt. Khu nhà không còn khả năng chịu đựng những trận mưa to, gió lớn.
Theo chế độ công ty, mỗi cán bộ, công nhân viên được bố trí 9m2 (tương ứng với nửa gian tập thể), nhà nào có vợ và chồng cùng làm việc trong công ty thì mới được phân 18m2.
Video đang HOT
Trong khi mật độ dân cư cứ tăng lên đều đặn, năm sau tăng hơn năm trước. Hàng loạt các vấn đề đặt ra như: chỗ ở chật chội, nhà ở xuống cấp, nhà vệ sinh không đảm bảo vệ sinh, thiếu chỗ ở cho trẻ em vui chơi.
Cứ vào mỗi buổi sáng người dân khu tập thể lại rồng rắn đứng trước cửa nhà vệ sinh đợi đến lượt mình làm vệ sinh cá nhân. Bao năm nay, tập thể H36 vẫn duy trì nhà vệ sinh tập thể. “chật chội khó chịu lắm, nghèo nên đành chịu. Trời mưa là dột, nước lênh lãng và hỏng hết đồ đạc trong nhà. Chúng tôi sợ mưa giông lắm”, ông Nguyễn Văn Đức sống tại khu tập thể cho biết.
Một trong những giải pháp được người dân nơi đây áp dụng nhằm tăng diện tích là chia đôi khoảng không gian trong nhà làm gác xép. Nhiều hộ gia đình tận dụng luôn lan can. Cách làm này là một biện pháp cứu cánh đối với những gia đình có con nhỏ và các gia đình có con lớn đến tuổi dựng vợ gả chồng mà kinh tế eo hẹp.
Một số hình ảnh nguy hiểm tại khu tập thể H36 do PV Báo Gia đình & Xã hội ghi nhận:
Trần nhà hỏng hóc, người dân khắc phục bằng cách nhét những tấm gỗ.
Căn nhà hoang tàn của một người dân.
Người dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.
Cơi nới làm tăng thêm mức độ nhếc nhác của khu tập thể.
Trải qua 33 năm sử dụng, khu tập thể xuống cấp trầm trọng.
Các cột trụ bằng gỗ người dân tự thiết kế.
Theo Ngọc Thi (Báo Gia đình & Xã hội)
Sống thấp thỏm trong 2 khu tập thể nguy hiểm nhất Hà Nội
UBND TP.Hà Nội vừa chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND Q.Ba Đình bố trí nhà tạm cư, lập phương án di dời các hộ dân sinh sống tại chung cư G6A Thành Công (P.Thành Công) và nhà A Ngọc Khánh (P.Ngọc Khánh).
Ông Hoàng Như Tiến chỉ vào những điểm thấm dột, cầu thang bị nứt tại khu tập thể A Ngọc Khánh - Ảnh: Minh Chiến
Đây là hai tòa nhà chung cư cũ được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D, mức độ nguy hiểm cao nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình.
Mục sở thị khu tập thể nhà A Ngọc Khánh thời điểm này, cầu thang dẫn lên các tầng đều bị bong tróc, những vết nứt kéo dài theo lối cầu thang rộng đến vài centimet. Trong khi đó, các cầu thang, hành lang của khu tập thể đều đã được gia cố bằng thép cách đây gần 20 năm.
Ông Hoàng Như Tiến, một cư dân đang sinh sống tại đây cho biết, khu tập thể xây dựng vào năm 1985, sau khoảng 10 năm phải gia cố lại bằng thép, từ đó đến nay đã xuống cấp trầm trọng. "Căn hộ 406 của tôi đang sinh sống thường xuyên bị mưa dột, phải dùng chậu hứng liên tục mới thoát ngập được. Những trận mưa lớn, nước dột xuống chảy tràn cả hành lang", ông Tiến nói.
Theo ông Nguyễn Đức Tích (tổ trưởng tổ dân phố khu nhà A Ngọc Khánh), tình trạng xuống cấp của khu tập thể này xảy ra từ nhiều năm trước. "Khu nhà A và nhà B trước đây liền nhau, nhưng hiện đã đổ nghiêng, cách nhau gần 1 mét, người dân lúc nào cũng sống trong cảnh thấp thỏm, lo nhà sập", ông Tích nói.
Cũng theo ông Tích, hiện khu nhà A Ngọc Khánh có khoảng 70 hộ dân sinh sống trong 5 tầng. Đa phần các phòng ở tầng 1 chủ hộ đều cho thuê mặt bằng để kinh doanh và chuyển đến khu vực khác sinh sống. Khi được hỏi về nguyện vọng của người dân trước chủ trương của thành phố sẽ sữa chữa, tu bổ và di dời dân tại khu tập thể, ông Tích cho biết, đa phần các hộ dân từ tầng 2 đến tầng 5 đều đồng tình, chỉ có các hộ dân tầng 1 phản đối vì ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. "Hiện mỗi hộ ở tầng 1 cho thuê mỗi tháng từ 25 - 30 triệu đồng nên họ không muốn di dời vì mất nguồn thu", ông Tích nói.
Tương tự, tình trạng xuống cấp tại khu tập thể G6A Thành Công cũng đang khiến nhiều người dân sinh sống tại đây bất an từng ngày. Ông Nguyễn Văn Thành (61 tuổi) cho biết, gia đình ông ở trong căn hộ tầng 5 có diện tích gần 28 m2, vừa qua đã phải đầu tư gần 100 triệu đồng để tu sửa lại các hạng mục bên trong nhà như khắc phục các vết nứt, tường bong tróc, sơn... do thấm, dột. "Người dân ai cũng biết sống trong cảnh nhà xuống cấp thế này là nguy hiểm, rủi ro, nhưng vẫn phải ở "liều" vì không có điều kiện để chuyển đi nơi khác", ông Thành nói.
Ông Nguyễn Hoa Trung, Phó chủ tịch UBND P.Ngọc Khánh thừa nhận, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại khu tập thể nhà A Ngọc Khánh đã tồn tại từ nhiều năm trước, thậm chí hai đơn nguyên thuộc khu nhà này còn bị đổ nghiêng. "Chính quyền phường đã nhiều lần lập báo cáo tình trạng xuống cấp, hư hỏng, mức độ mất an toàn của khu nhà này gửi lên UBND Q.Ba Đình và đề xuất có phương án giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai", ông Trung nói.
Chiều 28.2, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND P.Ngọc Khánh (Q.Ba Đình) cho biết, phường đã có thông báo xuống từng hộ dân về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của nhà A Ngọc Khánh, đồng thời đã chuẩn bị phương án di dân cho khu tập thể cũ này trong trường hợp khẩn cấp. Theo đó, 3 địa điểm được chuẩn bị để di dân trong trường hợp khẩn cấp trên địa bàn phường là nhà văn hoá số 7, số 8 và Trường THCS Phan Chu Trinh.
Ông Tú nhấn mạnh, đây chỉ là phương án trong trường hợp khẩn cấp, còn về lâu dài, UBND quận đang trình Sở Xây dựng xin phương án giải quyết.
Minh Chiến
Theo Thanhnien