Hà Nội chi 50 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường
Tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở ngành trích 50 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Ông Thảo cùng nhiều sở ngành của Hà Nội đã kiểm tra, khảo sát tình hình sản xuất tại 2 Khu công nghiệp Thăng Long và Quang Minh I. Tại đây, Chủ tịch UBND thành phố đã lắng nghe các doanh nghiệp “trải lòng” những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất để cùng tìm hướng tháo gỡ.
Chủ tịch Hà Nội hỏi thăm thu mức thu nhập và đời sống của công nhân trong một nhà máy
Số liệu cuối năm 2012 cho biết, tại Hà Nội tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh, khoảng 12.542 doanh nghiệp. Thống kê mới nhất cho thấy, 2 tháng đầu năm, trên toàn quốc, số doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng lên tới 8.600. Mức độ khó khăn cũng được thể hiện qua tỷ lệ số doanh nghiệp có phát sinh thuế VAT ở mức rất thấp. Do khó khăn, các doanh nghiệp đều phải lăn lộn khắp nơi để tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết đều phải tự tìm thị trường mới để sinh tồn.
Ông Tăng Bá Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất và thương mại Phúc Tiến Vĩnh Phúc cho biết, do khó khăn, doanh nghiệp này phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm bớt nhân công để duy trì sản xuất. “Cái gì cũng tăng! Giá xăng dầu, giá điện, tiền thuê đất, chi phí nhân công đều tăng. Trong khi đó, lãi suất thì vẫn chót vót ở mức 13%/năm với khoản vay ngắn hạn 15%/năm với trung hạn thì làm sao chúng tôi sống nổi. Nếu lãi suất hạ được về mức 9%/năm thì tốt quá…”, ông Cường nêu những khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Chính Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội cho biết, trong khi những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá thì những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoạt động chỉ đạt 50% công suất và hầu hết là tăng trưởng âm.
Video đang HOT
Dự báo tình hình sắp tới còn tiếp tục khó khăn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, vướng mắc vẫn nằm ở khâu tìm kiếm thị trường, vay vốn tín dụng, lãi suất còn cao, cơ chế, chính sách quản lý còn chưa cởi mở…
Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết, để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó, thành phố đã ban hành chương trình cụ thể về triển khai các Nghị quyết của Chính phủ. Trong đó, thành phố dành khoảng 50 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và 100 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ thực hiện các chính sách giãn hoãn, gia hạn thuế, lệ phí trước bạ, cho chậm nộp tiền sử dụng đất nới tín dụng với người mua nhà xã hội, đơn giản hóa các thủ tục cho vay… “Chủ trương chung là có chính sách hợp lý để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất”, ông Thảo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng khuyên các doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ các chính sách hỗ trợ mới và có kiến nghị cụ thể gửi tới UBND thành phố để thành phố xem xét, quyết định. “Thành phố có hỗ trợ nhưng doanh nghiệp không quan tâm thì cũng chịu. Đơn cử chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản bằng cách mua nhà thương mại chuyển thành tái định cư, thành phố thông báo hơn 1 tháng nay mà vẫn chưa có doanh nghiệp nào đăng ký”, ông Thảo băn khoăn.
Ông Thảo chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp hoạt động trong thời kỳ kinh tế hiện nay
Thực hiện cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở ngành phải khẩn trương có kế hoạch thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là hạ lãi suất, mở rộng tín dụng, thủ tục đất đai, quy hoạch… Đặc biệt, các chính sách mới đều phải rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng. Ông phân tích: “Hà Nội mà dễ quá cũng không được, rất dễ xảy ra sai phạm. Chúng ta làm chặt chẽ, đúng pháp luật nhưng tính công khai, minh bạch phải cao. Mọi thông tin đều phải rõ ràng để DN tiếp cận nhanh chóng nhất”.
Theo Dantri
Chính phủ muốn tiếp tục hạ lãi suất
Chỉ đạo của Chính phủ được đưa ra giữa bối cảnh nợ xấu mặc dù đã giảm song vẫn ở mức cao, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm và có tới gần 9.000 doanh nghiệp buộc đóng cửa.
Mức tỉ lệ nợ xấu bất ngờ được giảm xuống 6% đang gây nhiều tranh cãi.
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013 vừa được Chính phủ ban hành ngày 7/3, các thành viên của Chính phủ đều đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, thách thức khi lãi suất đang ở mức cao, dư nợ tín dụng giảm và nợ xấu lớn.
Mặc dù theo số liệu gần nhất, nợ xấu đã giảm từ hơn 8% xuống còn 6% song cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tới thời điểm 6/2 vẫn bị âm 0,16%, cho thấy vốn tới tay doanh nghiệp còn hạn chế.
Điều này đã khiến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, tồn kho cao ở một số ngành, số lượng doanh nghiệp giải thể không ngừng tăng. Đến 28/2/2013, cả nước đã có tới 8.600 doanh nghiệp phải đóng cửa, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập chỉ đạt con số 8.000.
Trong định hướng điều hành thời gian tới, Chính phủ yêu cầu phải khẩn trương, quyết liệt để đưa các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đi vào cuộc sống. Trong khi đó vẫn tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, đối với chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành theo hướng giảm lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm 2013 (đạt 12%); bảo đảm vừa hỗ trợ sản xuất, vừa kiểm soát lạm phát.
Trên thực tế, khả năng hạ lãi suất phụ thuộc vào tình hình kiểm soát lạm phát. Xuất hiện trước báo chí thời gian gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu lạm phát năm nay dưới 6% thì sẽ có cơ sở để giảm lãi suất huy động, từ đó làm tiền đề hạ lãi suất cho vay.
Tuy vậy, với chỉ đạo lần này của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ có nhiều kỳ vọng hơn trong khả năng tiếp cận vốn năm 2013 này.
Ngoài ra, cũng trong Nghị quyết của Chính phủ, cơ quan điều hành yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi và điều hành tỷ giá hợp lý; tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; cơ cấu nợ và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước là khẩn trương trình phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trình thành lập và quy định Điều lệ Công ty quản lý tài sản; phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo Dantri
Hạ lãi suất, cắt vay dài Đó là các chương trình cho vay được nhiều ngân hàng thiết kế khi lãi suất huy động hạ từ 9% xuống 8%. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần có kỳ hạn vay dài, lãi suất ổn định hơn. Đơn cử như Vietinbank đang triển khai gói "20 ngày vàng -tích lộ đón xuân, tri ân khách hàng" dành cho doanh nghiệp...