Hà Nội chi 29 tỷ đồng làm sạch nước Hồ Gươm
Thành phố sẽ nạo vét bùn, dùng nước ngầm bổ sung nước hồ và dùng chế phẩm Redoxy-3C làm sạch nước hồ.
UBND TP Hà Nội vừa thông qua phương án cải tạo môi trường nước Hồ Gươm với tổng chi phí 29 tỷ đồng và hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018.
Trên cơ sở khảo sát hiện trạng mực nước, bùn, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẽ nạo vét bùn với khối lượng trên 57.000 m3.
Việc cải tạo hồ Gươm sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên Đán và màu xanh đặc trưng của nước hồ sẽ được giữ nguyên. Ảnh: Giang Huy.
Để bảo vệ hệ thủy sinh của hồ, đơn vị thi công sẽ khoanh vùng trong quá trình vét bùn đáy, các hoạt động thi công chỉ diễn ra trong ranh giới vùng thi công và dùng lưới quây dồn hệ thủy sinh vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công.
Để bổ sung nước cho hồ, các đơn vị sẽ khoan thăm dò nước ngầm tại Hồ Gươm, sử dụng công nghệ của Đức để xử lý nước ngầm trước khi đưa vào hồ.
Video đang HOT
Trước khi thi công nạo vét, Công ty Thoát nước Hà Nội phối hợp với Tiểu đoàn 554 (Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội) rà phá bom mìn, vật nổ để dò tìm, xử lý hết các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên mặt bằng hồ.
Theo thành phố Hà Nội, đề án cải tạo môi trường nước Hồ Gươm đã xin ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, hộ nghề nghiệp và cộng đồng dân cư sinh sống quanh hồ.
Giữ màu xanh đặc trưng của Hồ Gươm
Theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái thủy vực Hồ Gươm của đơn vị chức năng, khảo sát tháng 6/2017 đã xác định được 59 loài vi tảo, không có loài vi tảo đặc hữu hay quý hiếm.
Kết quả đánh giá cũng cho thấy, đa dạng sinh học của hệ sinh thái Hồ Gươm thuộc loại nghèo, chất lượng môi trường hồ ô nhiễm. Hầu hết loài động vật đáy sống tập trung ở chân kè đền Ngọc Sơn. Các loài cá chủ yếu là cá nhỏ, cá cảnh được người dân thả phóng sinh, các loài cá nuôi nhập nội được thả bổ sung vào hồ ngày càng chiếm ưu thế.
Quá trình khảo sát, nhà chức trách không gặp những loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng (trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục Đỏ IUCN).
Đối với hệ vi tảo, cơ quan chức năng thu mẫu, xác định ADN một số tảo lục đặc hữu và lưu trữ nguồn gen. Sau khi hoàn thành cải tạo môi trường nước, đơn vị thi công sẽ thiết lập môi trường phù hợp với các loài tảo lục đơn bào để giúp loài phát triển, trả lại màu xanh vốn có của nước Hồ Gươm.
Theo Đoàn Loan – Võ Hải (VNE)
Hà Nội chi 500 triệu làm sạch nước hồ Gươm
Theo phương án cũ, việc làm sạch nước hồ Gươm mất 6 tỷ đồng, nhưng nếu dùng chế phẩm Redoxy-3C công nghệ của Đức thì chỉ cần 500 triệu đồng.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 14/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay thành phố sẽ cải tạo toàn diện khu vực hồ Hoàn Kiếm, trong đó có việc làm sạch nước hồ.
Ông Chung cho biết, đề án cải tạo đã được thành phố chuẩn bị trong 8 tháng, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong, ngoài nước. Một số công việc sẽ triển khai như: Thay toàn bộ gạch lát xung quanh hồ bằng đá tự nhiên; sửa lại hệ thống chiếu sáng; bổ sung các ghế thành hình vòng tròn quây quanh các gốc cây; bố trí cây nước tự động phục vụ nước sạch cho người dân...
Thành phố Hà Nội thử nghiệm làm sạch nước hồ Gươm bằng chế phẩm Redoxy - 3C. Ảnh: Võ Hải.
Theo ông Chung, thời gian tới Hà Nội sẽ nạo vét bùn và xử lý toàn diện nước hồ Gươm; nếu theo phương án cũ, để làm sạch nước hồ mất 6 tỷ, phương án mới sử dụng chế phẩm Redoxy-3c chỉ cần 500 triệu đồng.
Từ đầu năm 2016, thành phố đã mời chuyên gia Đức sang nghiên cứu khảo sát, 126 mẫu nước các hồ ở Hà Nội được mang sang Đức nghiên cứu. Sau đó, chuyên gia Đức đưa ra phương án làm sạch các hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C.
"Thành phố đã thí điểm dùng chế phẩm Redoxy-3C ở một số hồ. Đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia trong nước được mời đánh giá, phản biện. Kết quả cho thấy dùng chế phẩm này hiệu quả và rẻ nhất", ông Chung nói.
Lãnh đạo thành phố thông tin, cùng với làm sạch hồ Gươm, thành phố cũng triển khai xử lý ô nhiễm trên diện rộng các hồ. Trong quý I/2017, sẽ xử lý toàn bộ hồ ngoại nội thành.
Hồ Gươm có tổng diện tích 12ha, kéo dài 700 m theo hướng Nam Bắc và rộng 200 m hướng Đông Tây. Hồ gắn liền với các công trình kiến trúc nổi tiếng như: Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút...
Võ Hải
Theo VNE
Bộ trưởng TNMT: "Cấm nhận chìm bùn cát nạo vét xuống khu bảo tồn" Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý nơi nhận chìm bùn cát sau khi nạo vét luồng lạch (tại Bình Định) cần phải được điều tra kỹ lưỡng, cấm những khu vực bảo tồn, nuôi trồng thủy sản. Liên quan đến việc đề xuất nhận chìm bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn xuống biển (Dân...