Hà Nội: “Cát tặc” lộng hành, chính quyền “bất lực”
Những chiếc tàu cuốc hoạt động nhộn nhịp về đêm, vô tư hút cát, khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền địa phương thừa nhận sự bất lực trước nạn “cát tặc” này.
“Ngủ ngày cày đêm”
Theo phản ánh của nhiều người dân xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực bến đò Vân Nam (giáp danh với tỉnh Vĩnh Phúc) diễn ra công khai, ngang nhiên, khiến bờ sông khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng. Một số người dân (xin được giấu tên) cho hay, ban ngày, các tàu cuốc không hoạt động nhưng cứ đến tối là lại vào sát bờ để khai thác.
Những tàu cuốc ban ngày nằm im nhưng đêm về lại hoạt động ầm ĩ.
“Ban ngày, hai tàu cuốc nằm im, nhưng đến tối bắt đầu nổ máy ầm ĩ, ngang nhiên hút cát dưới sông, bơm vào các tàu hàng. Rất nhiều các tàu hàng có trọng tải lớn tối đến lại dồn về đây tấp nập để lấy cát. Họ làm ầm ĩ cả đêm, đến khoảng 5-6h sáng thì nghỉ.” – một người dân thông tin.
Cũng theo phản ánh của người dân, ban đêm, xung quanh khu vực khai thác cát trái phép này luôn có một đội ngũ “bảo kê”, cảnh giới, không cho người lạ và tàu, thuyền lạ đến gần. Ban ngày, ở trên bờ chỉ cần có người lạ đến gần khu vực hút cát trái phép này thì sẽ bị một lực lượng cảnh giới “hỏi thăm”.
Điều khiến người dân nơi đây bức xúc là hoạt động khai thác cát diễn ra công khai nhưng không thấy chính quyền vào cuộc.
Có mặt tại khu vực bến đò Vân Nam, PV Dân trí ghi nhận tình trạng bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, tạo thành vách đứng cao khoảng 4-5m tính từ mặt nước, mặc dù khu vực này là bãi thoải. Giữa sông, hai tàu cuốc công suất lớn nằm im, không hoạt động.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, PV Dân trí đã ghi lại được những hình ảnh khai thác cát một cách ngang nhiên như thách thức. Đêm về, hai tàu cuốc ban ngày nằm im bất động bỗng nổ máy vang dội cả một khúc sông, thản nhiên chọc vòi xuống sông để hút cát. Cát cùng đất được đưa lên, máy nước sẽ xối mạnh cho đất vỡ ra rồi đẩy về lòng sông, còn cát vào khu chứa của tàu.
Theo một đầu nậu chuyên đánh cát trên địa bàn xã Vân Nam, mỗi khối cát hút được bán với giá khoảng 60 nghìn đồng. Đối với các tàu từ 200 m3 đến 300 m3, chỉ trong khoảng thời gian ngắn hút cát, mỗi tàu có thể kiếm được khoảng 10 triệu đồng.
Chính quyền thừa nhận bất lực
Video đang HOT
Làm việc với chính quyền xã Vân Nam, PV Dân trí nhận được những cái lắc đầu, thừa nhận sự bất lực trước nạn “cát tặc” này. Ông Đặng Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Nam và ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch xã, đều thừa nhận bất lực, thừa nhận đây là vấn đề đang rất nhức nhối trên địa bàn.
Theo thông tin ông Hoàng Văn Long cung cấp, hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn bắt đầu “ nóng” từ khoảng 3 tháng trở lại đây. “Các đối tượng khai thác cát có cả người ở trong và ngoài xã, ngoài huyện.” – ông Long nói và cho biết, cả xã hiện nay chỉ có 9 công an viên, lực lượng mỏng, phương tiện không có, cứ ra đến nơi kiểm tra thì các đối tượng lại tắt máy không hoạt động nên không thể xử lý được.
Không chỉ ngang nhiên, theo ông Long, các đối tượng khai thác cát lậu còn rất manh động, thách thức chính quyền. Chừng một tháng trước, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nam dẫn đầu đoàn công tác sang bờ bên kia xem xét thực trạng sạt lở thì bị một nhóm đối tượng chặn lại.
“Các đối tượng vây chúng tôi lại, không cho về. Thuyền của mình, lái thuyền của mình nhưng cũng không về được. Họ giữ lại, gây khó dễ, mãi chúng tôi mới về được.” – ông Long cho biết.
Bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, dựng thành vách thẳng đứng.
Cũng theo ông Long, chính quyền xã có nhận được phản ánh của người dân về một số đối tượng có “máu mặt” đứng sau việc khai thác cát trái phép này như Tâm – Vĩnh Yên, Trường – Đông Anh, Hùng – Yên Lạc… nhưng tổ công tác của xã chưa giáp mặt các đối tượng này bao giờ.
Theo lãnh đạo UBND xã Vân Nam, việc quản lý hiện nay rất khó vì điều kiện của xã không có đủ con người và phương tiện.
“Việc khai thác cát trái phép này ảnh hưởng rất lớn đến lòng sông, hệ thống kè, đê điều. Chúng tôi cũng đã có báo cáo với Hạt Đê điều của huyện Phúc Thọ. Sau những lần đi kiểm tra, xã cũng gửi báo cáo lên UBND huyện Phúc Thọ, Công an huyện và Sở Nông nghiệp nhưng đến nay tình trạng vẫn chưa được cải thiện.” – Chủ tịch UBND xã Đặng Việt Hùng nói và cho hay, xã không đủ thẩm quyền để xử lý, hiện chỉ có giải pháp cho tổ công tác thường xuyên kiểm tra.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cũng thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực này đang rất phức tạp và khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện xử lý triệt để.
Theo ông Tuấn, tình trạng sạt lở bờ sông khu vực xã Vân Nam thời gian gần đây trở nên nghiêm trọng, việc khai thác cát trái phép là một phần nguyên nhân chính. Chỉ trong vài năm, bãi bồi rộng hơn 800 héc-ta giờ chỉ còn hơn 300 héc-ta.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho hay, khu vực sông này là địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Các tàu khai thác cát Hà Nội không cấp phép nhưng có thể Vĩnh Phúc lại cấp phép.
“Những địa bàn như Vân Nam, cứ ban ngày họ khai thác ở phía Vĩnh Phúc, đêm đến thì dạt sang phía Hà Nội để khai thác trái phép. Khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng có mặt thì các đối tượng này lại dạt về phía bên kia nên rất khó cho địa phương như Phúc Thọ chúng tôi có thể xử lý được.” – ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Doãn Trung Tuấn, không chỉ khu vực xã Vân Nam, trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện nay còn một khu vực nữa là Cẩm Đình, Phương Độ giáp với Yên Lạc, Đại Tự của Vĩnh Phúc hiện tình trạng khai thác cát trái phép cũng đang “nóng” trở lại.
Theo thông tin ông Tuấn cung cấp, tình trạng khai thác cát trái phép ở Phúc Thọ đã được báo cáo với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Chủ tịch Hà Nội giao Công an Hà Nội vào cuộc xử lý. Hiện Công an TP Hà Nội đã giao cho Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) và Phòng Cảnh sát Đường thủy (PC68) lập kế hoạch giải quyết triệt để vấn nạn này.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Xã họp khẩn vì cát tặc
Từ xã, huyện thị đến tỉnh đều có lực lượng quản lý, kiểm tra khoáng sản trên sông nhưng cát tặc vẫn hoành hành trên các tuyến sông lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến dư luận bức xúc.
Ngày 16/1, Chủ tịch thị xã Điện Bàn - ông Trần Úc đã tổ chức cuộc họp khẩn với lãnh đạo các xã, phường trên địa bàn nằm ven các tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn, Sông Yên... nhằm chấn chỉnh lại công tác quản lý khoáng sản vì trong thời gian qua "cát tặc" lộng hành trên những tuyến sông qua địa bàn.
Tàu hút cát trái phép bị Đội Cảnh sát đường thủy bắt giữ trên sông Thu Bồn vào ngày 13/1
Mỗi đêm, hàng chục tàu thuyền hút cát trái phép trên đoạn sông Thu Bồn chảy qua các xã, phường trên địa bàn thị xã Điện Ban như Điện Phong, Điện Trung, Điện Thọ, Điện Phương...
Theo báo cáo của tổ kiểm tra liên ngành của thị xã Điện Bàn, liên tục nhiều năm qua, các cơ quan chức năng địa phương đã rất chú trọng truy quét kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn nên việc khai thác cát trái phép giảm mạnh.
Theo đó, năm 2011 địa phương xử lý tới 149 trường hợp; năm 2017 chỉ còn xử lý 62 trường hợp với tổng số tiền phạt nộp ngân sách lên trên 3 tỉ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đạon chảy qua thị xã Điện Bàn không giảm mà diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự; đặc biệt vào những ngày đầu năm 2018 khi giá cát xây dựng trên thị trường đăng tăng cao, tình trạng "cát tặc" vẫn lộng hành trên các tuyến sông.
Thị xã Điện Bàn họp khẩn để xử lý cát tặc lộng hành vào chiều 16/1
Điển hình, khuya ngày 13/1, Đội Cảnh sát đường thủy (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam) tuần tra, phát hiện và bắt giữ 5 tàu đang hút cát lậu trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua thị xã Điện Bàn (Báo Dân trí đã đưa tin "Phục kích" nhiều ghe hút cát lậu trong đêm mưa lạnh).
Đó là các tàu của ông Hứa Văn Dũng, Hứa Văn Phúc (trú xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên); Tăng Minh, Ngô Minh Sơn (trú phường Điện An, thị xã Điện Bàn) và tàu của ông Ngô Ngọc Kiêm (trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Trước đó, cuối năm 2017, hàng loạt tàu khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) cũng bị Đội Cảnh sát đường thủy bắt giữ, xử phạt.
Ông Phạm Ngọc Anh - Phó trưởng phòng TN-MT thị xã Điện Bàn cho rằng, vấn nạn khai thác cát trái phép bùng phát là do các điểm chốt chặn không hoạt động vào ban đêm, nên cát tặc lợi dụng thời điểm này hoành hành. Ông Anh cũng cho hay, sau một thời gian ngừng hoạt động, đóng cửa, đến nay nhiều bến bãi không đủ điều kiện hoạt động trở lại, tiếp nhận nguồn cát do tàu hút trái phép cung cấp.
Một thành viên trong tổ kiểm tra liên ngành của thị xã Điện Bàn nêu nhiều bất cập như do lực lượng kiểm tra, chốt chặn mỏng, đa phần sử dụng người cao tuổi, không chuyên môn nghiệp vụ, giám sát kiển tra trên sông, nên hiệu quả không cao. Nhiều người tuổi lớn, gặp mưa lạnh không đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ trên sông nước nên cát tặc lợi dụng cơ hội này tăng cường hút cát trộm.
Còn lãnh đạo Công an thị xã Điện Bàn cho rằng, nguyên nhân cát tặc lộng hành là do các chốt chặn hoạt động không hiệu quả.
Tại cuộc họp của thị xã Điện Bàn, nhiều ý kiến khẳng định hoạt động của tổ chốt chặn trên sông không hiệu quả, tốn kinh phí nhà nước.
Ông Trần Úc - Chủ tịch thị xã Điện Bàn cho rằng, thời gian qua chính quyền các xã đã buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che cho các bến bãi hoạt động không phép, dẫn đến khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ.
Vì vậy, theo ông Úc cần kiện toàn tổ liên ngành, công khai số điện thoại của lãnh đạo tổ lên website của thị xã; mua thêm ca-nô tuần tra, đặt thêm điểm chốt chặn, tịch thu máy và ống hút cát gắn trên tàu, buộc các chủ mỏ thả phao xác định vị trí mỏ, xử phạt tàu hút cát không đúng giờ theo quy định của tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, ông Úc giao cho công an tăng cường lực lượng bổ sung đội kiểm tra lưu động, hàng quý họp giao ban 1 lần, các địa phương cung cấp đội bảo vệ để theo dõi...
Ngày 17/1, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - ông Huỳnh Khánh Toàn đã có văn bản yêu cầu Sở TN-MT chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở GTVT, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, làm rõ các hành vi bảo kê, bao che, tiếp tay (nếu có) của cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang ở địa phương trong việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.Đặc biệt, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông phối hợp với Sở TN-MT, Sở GTVT, UBND các địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ để ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản và lĩnh vực khác có liên quan.Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu xử lý kiên quyết các ghe, thuyền không có đăng ký, đăng kiểm; các ghe, thuyền có gắn máy hút cát, sỏi, sạn và các ghe, thuyền vận chuyển cát, sỏi, sạn ngoài giờ quy định của UBND tỉnh.Đối với Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn; lãnh đạo tỉnh yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức thuộc các phòng, ban và UBND xã, phường, thị trấn trong việc buông lỏng thực thi nhiệm vụ để xảy ra tình trạng khai thác, sử dụng khoáng sản trái phép (nếu có).
Công Bính
Theo Dantri
Tàu thuyền rầm rộ hút cát trên sông Hương bất chấp lệnh cấm Thừa Thiên Huế cấm tàu thuyền không được khai thác cát về đêm nhưng cát tặc vẫn hoạt động rầm rộ trên sông Hương. Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản và triển khai giải pháp trên thực địa nhằm tăng cường quản lý việc khai thác cát sỏi trên sông Hương. Nhưng tình trạng cát...