Hà Nội cấm ban quản lý di tích tiếp nhận đồ thờ
Sở Văn hoá Hà Nội sẽ ra văn bản cấm ban quản lý các di tích tiếp nhận đồ thờ, nếu phát hiện đồ thờ không phù hợp, sẽ buộc di dời.
Chiều 21/3, Hà Nội đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ các di tích trên địa bàn thành phố. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, quyết định này được đưa ra do thời gian qua liên tục xảy ra các vụ xâm hại di tích, gây bức xúc dư luận. Điển hình là việc tự ý đặt tượng dược sư tại chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm); tiếp nhận ngựa đồng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm); đắp hình thú lạ trên bình phong ở lăng Ngô Quyền (thị sã Sơn Tây); tự ý tháo dỡ mái vẩy ở đình Cựu Quán (huyện Hoài Đức)…
Đắp thú lạ trên bình phong lăng Ngô Quyền là một trong những sai phạm điển hình được Phó giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội nêu ra. Ảnh: Quỳnh Trang.
Ông Tiến cho rằng, những sự vụ trên đều là sai phạm rất nghiêm trọng, tuy nhiên, đây không phải hiện tượng phổ biến ở thủ đô. Các vụ xâm hại di tích đều do báo chí phát hiện thay vì cán bộ cơ sở chứng tỏ công tác quản lý văn hóa có vấn đề.
Để tránh tình trạng dị vật xuất hiện trong các di tích , Sở sẽ ra văn bản cấm ban quản lý các di tích tiếp nhận đồ thờ. Toàn bộ di tích trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ được rà soát lại, nếu phát hiện đồ thờ không phù hợp sẽ buộc di dời.
Song song với hoạt động rà soát trên, Sở Văn hoá sẽ triển khai soạn thảo quy chế quản lý di tích theo mẫu chung để các địa phương dựa vào đó xây dựng bộ quy chế quản lý cho từng di tích. Dự kiến, trong quý 2 năm nay bộ quy chế này sẽ hoàn thành.
Video đang HOT
Sở cũng đồng thời tổ chức tập huấn luật Di sản, nghị định, thông tư kèm theo đến lãnh đạo phụ trách khối văn hóa các địa phương, ban quản lý di tích, các nhà sư… Nội dung tập huấn, tập trung làm rõ nhiệm vụ của các cấp, ngành địa phương để người quản lý hiểu được trách nhiệm của mình và có hành động đúng đắn bảo vệ bảo vệ di tích.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Tranh cãi bức bình phong mới được dựng ở lăng Ngô Quyền
PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, hoạ tiết của bức bình phong đặt trước lăng Ngô Quyền, xã Đường Lâm, Hà Nội không đẹp và chưa đúng với tinh thần, ý nghĩa tâm linh.
Bức bình phong mới được dựng trước lăng mộ vua Ngô Quyền
Bức bình phong mới được dựng trước lăng Ngô Quyền, làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội (thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền) đang là chủ đề "nóng" của người dân địa phương. Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, bức bình phong này gây ảnh hưởng không tốt đến tâm linh bởi vị trí dựng không thích hợp, thiết kế, hoạ tiết thiếu thẩm mỹ.
"Bình phong được đặt quá gần, thiết kế quá cao so với lăng làm che khuất tầm mắt của vua Ngô Quyền. Nó cũng khiến người dân nếu vì đông đúc, phải đứng vái phía ngoài bình phong không còn thấy mộ vua nữa", ông từ Dương Hữu Số - người trông coi đền thờ vua Ngô Quyền nói.
Trông đền 3 năm nay, ông Số thấy xót xa khi có người đào, đục sát khu mộ nhiều lần. Ban đầu bức bình phong được đặt cách lăng khoảng 1,5 m. Sau thấy không hợp lý, đơn vị thi công dựng lại ở vị trí xa hơn, cách lăng trên 3 m, nhưng vẫn chưa thuận với lòng dân.
Một điểm khác khiến ông Số và không ít người dân Đường Lâm bức xúc là họa tiết trên bình phong thiếu thẩm mỹ. "Trước mộ một vị vua đặc biệt của dân tộc mà đặt bức bình phong xi măng với hình ông hổ không ra hổ, rồng chẳng giống rồng. Tôi chẳng biết gọi tên mấy con giống trên đó là gì nữa", ông Số trăn trở.
Theo ông, nếu đã quyết làm thì nên làm cho đẹp, hợp lý, sai phải sửa để "đời đời sau con cháu không chê cười mình". Bản thân ông muốn bỏ hạng mục mới mà dùng bình phong thiên nhiên là ngọn núi che chắn trước lăng Ngô Quyền.
Họa tiết trên bức bình phong khiến ông từ Số và nhiều người dân bức xúc vì thiếu thẩm mỹ
Một số người dân bày tỏ sự không hài lòng với thay đổi quy hoạch khu lăng, làm sân trước cổng vào vốn vuông vức, giờ thành méo mó. Nhà ở của ông từ cao hơn hậu cung vua cũng là điều mà anh Minh - một người địa phương và ông Số không đồng tình. "Nếu cứ để nhà ông từ cao, che khuất hậu cung như thế, tôi thà mắc võng ngủ ở ngoài chứ quyết không vào đó ở", ông Số nói.
"Cha đẻ" của ý tưởng dựng bình phong trước lăng vua Ngô Quyền - PGS.TS Trần Lâm Biền chia sẻ rằng ông rất buồn vì không được xem thiết kế trước. Theo PGS, việc làm bình phong là cần thiết bởi lăng vua khi được dựng còn chưa trọn vẹn, "giống miếu thờ hơn". Việc không có bình phong che chắn khiến khu mộ bị phơi bày, dễ bị khí độc, quỷ dữ xâm hại. Theo tâm linh, để nơi yên nghỉ của Ngô Quyền đủ thiêng liêng và đề cao vị vua với những chiến công hiển hách thì dựng bình phong là việc nên làm. Tuy nhiên, khi làm phải theo cách thức truyền thống và nên xin ý kiến của các chuyên gia để biết hình thức, kết cấu, bố cục, hoa văn trang trí trên bức bình phong thế nào cho hợp lý.
Chưa trực tiếp đến lăng Ngô Quyền để xem bức bình phong nhưng nhìn qua ảnh, PGS.TS Trần Lâm Biền buồn lòng bởi hình hổ trên đó "là báo lai chó sói chứ không phải ông hổ thần linh. Bức bình phong hiện tại không đẹp và chưa đúng với tinh thần, ý nghĩa tâm linh", chuyên gia văn hoá nói.
Việc dựng một hạng mục mới trong lăng Ngô Quyền, PGS.TS Biền cho rằng, không làm ảnh hưởng đến bảo tồn di tích. "Trong tôn tạo cho phép làm lại các di tích đã bị phá sạch để đề cao thần linh, tinh hùng dân tộc. Việc bổ sung một bức bình phong vì mục đích tâm linh tốt sẽ không ảnh hưởng đến bảo tồn di tích", PGS. TS Lâm Biền khẳng định và nhìn nhận việc dựng bình phong cần thực hiện cẩn trọng, nếu làm sai, làm chưa đẹp thì phải sửa lại.
Bản thiết kế bức bình phong trước lăng vua Ngô Quyền. Dự án do Văn phòng tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lập báo cáo kỹ thuật và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm - chủ đầu tư dự án cho biết, trước khi khởi công Ban đã hai lần tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tu bổ, tôn tạo lăng Ngô Quyền với sự tham của lãnh đạo làng, xã.
Thiết kế quy hoạch lăng, bức bình phong đã được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Cục Di sản văn hoá thông qua. Các hạng mục của dự án vẫn trong quá trình thi công, chưa nghiệm thu nên sẽ tiếp tục chỉnh sửa cho đúng, đẹp, hợp với văn hoá tâm linh và lòng người.
Theo Xahoi
Hà Nội kiên quyết đưa hiện vật "lạ" ra khỏi đền Phù Đổng Các hiện vật mới được cung tiến vào đền Phù Đổng gồm: 1 ngựa sắt cao 3 mét, bộ áo giáp sắt và roi sắt. Ngựa sắt được đặt ngay trong sân di tích, còn bộ áo giáp sắt và roi sắt đặt trong gian thờ tự. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà...