“Hà Nội, cái gì cũng rẻ!”
Người ta hay nói “ăn Bắc, mặc Nam”, vậy muốn biết món ăn miền Bắc ngon và cầu kỳ thế nào phải nhắc đến món ngon Hà Nội. Và nếu biết cách, thì “Hà Nội, cái gì cũng rẻ!”
Cốm
Nhà văn Vũ Bằng đã từng viết hẳn một tuyệt tác: “ Một thức quà của lúa non: Cốm“. Đối với tôi, đây là áng văn hay nhất và chân thực nhất viết về thức quà vừa thanh tao, vừa giản dị, mang đậm hồn cốt của Hà Nội như Cốm.
Cốm làng Vòng dẻo và thơm. (Ảnh: Vietravel)
Cốm Hà Nội nổi tiếng nhất là cốm làng Vòng. Cốm dẻo và ngậy được gói trong lá sen thơm phưng phức. Người đi xa về gần, hoặc đơn giản chỉ là gửi món quà cho người bạn phương xa, hay gửi cốm về để thấy cả Hà Nội trong tay.
Bánh chả
Bánh chả là một loại bánh nướng truyền thống của Hà Nội. (Ảnh: Daylambanh)
Bánh chả là một loại bánh nướng cổ truyền của Hà Nội. Bánh nhỏ, ngoài giòn, bên trong nhân thơm mùi lá chanh đặc trưng. Bánh trà thường được thưởng thức cùng với trà sen. Một buổi chiều ngồi quán, nhâm nhi tách trà cùng một vài cái bánh chả, thấy cuộc sống trôi qua thật nhẹ nhàng và tinh khiết.
Bưởi Diễn
Bưởi Diễn. (Ảnh: Giáo dục & Thời đại)
Video đang HOT
Nguồn gốc cái tên bưởi diễn, chính là vì trước đây, loại bưởi thơm ngon này được trồng ở vùng đất Diễn, ngoại thành Hà Nội. Bưởi nhỏ, vỏ mỏng và mọng nước. Bưởi Diễn nổi tiếng vì để được lâu, bưởi xuống nước ăn rất ngọt mà thanh mát.
Kem Thủy Tạ
Kem Thủy Tạ nổi tiếng với món kem chanh bạc hà trứ danh. (Ảnh: Tintuconline)
Nhiều người nhắc đến Hà Nội thường nghĩ đến kem Tràng Tiền nhiều hơn. Nhưng thực sự, thưởng thức một que kem Thủy Tạ bên bờ hồ Hoàn Kiếm vào bất kỳ ngày nào trong năm cũng là một cách trải nghiệm Hà Nội rất thú vị.
Bún chả
Bún chả Hà Nội. (Ảnh: Pinterest)
Bún chả Hà Nội đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Một đĩa bún ăn kèm với chả nướng (chả miếng hay chả viên đều rất ngon), nước chấm và rau sống là món ăn trưa được rất nhiều người ưa thích.
Một người bạn của tôi ở Ninh Thuận ghé Hà Nội và ngỏ ý muốn đi ăn bún đậu mắm tôm. Tôi cũng muốn giới thiệu cho bạn món ăn thích dân dã thì có ngay hàng quán vỉa hè, thích sang trọng cũng có hẳn cửa hàng cao cấp. Nhưng khi ăn rồi, bạn chẳng cần biết đây là nhà hàng hay quán vỉa hè, bạn chỉ thích ăn mắm tôm và nói: “Hà Nội làm món mắm này số một”.
Bún đậu mắm tôm. (Ảnh: Thucthan)
Chắc tại bạn nghiền mắm tôm quá, chứ bún đậu còn bao nhiêu đồ ngon. Này thì đậu mơ ngoài giòn tan bên trong mềm mướt, này thì chả cốm ngọt và thơm, rồi đôi khi còn có cả chả nem cũng rất hấp dẫn nữa. Món ngon Hà Nội đấy, không phải chỗ nào cũng có thể làm được đúng hương vị đâu.
Sấu Hà Nội
Một buổi trưa hè nắng gắt, về nhà thấy có bát canh rau muống dầm sấu, chưa ăn đã thấy mát ruột. Buổi tối Hà Nội oi nồng, rủ bạn ra bờ hồ gọi cố cốc sấu đá, chưa uống đã thấy đất trời dịu lại. Sấu Hà Nội “thần thánh” như thế đấy. Và cũng chỉ mùa hè, khi khắp các ngả đường Hà Nội, những cây sấu mới ra quả, trở thành một “chất xúc tác” không thể thiếu cho bữa ngon của các mẹ, các bà.
Sấu được dùng cho nhiều món ăn thanh mát. (Ảnh: Dacsanvietnam)
Sấu Hà Nội chua nhưng thanh, giòn và mát. Nấu cùng các món ăn hoặc là dầm để làm nước giải khát cũng đều được lòng. Một ngày đi về trên con ngõ nhỏ, thấy hoa sấu rụng đầy đường, người Hà Nội thấy cả một mùa hè sôi nổi và oi nồng, thấy cả bát canh sấu dầm trong mát.
Theo Thoidai
Trời chớm đông, còn gì thú vị hơn ăn bánh chả, uống trà
Bánh chả với hương lá chanh đặc trưng là món quà rất hợp với trà mạn trong những ngày trở lạnh.
Bánh chả xuất hiện trong nhiều tiệc trà nhỏ -Ảnh: Ngữ Yên
Cứ sau rằm tháng tám, hàng bún ốc nổi tiếng chợ Nguyễn Cao, Hà Nội lại có thêm món mới- bánh chả. Ngoài nghề bún ốc lâu đời của mẹ truyền lại, bà Thảo còn có nghề làm bánh trung thu, bánh chả nữa. Đó là nghề của những ngày đi làm thời bao cấp.
Bánh chả của bà mặt đẹp da nâu vàng óng ả, nức lên hương lá chanh. Chính vì thế, bánh bán rất chạy. Nhưng là người cương quyết giữ nguyên tắc, bà chỉ làm và bán bánh chả khi trời đã trở lạnh.
Theo bà Thanh Huyền, một đầu bếp Nhật có tiếng ở khách sạn Nikko, cũng là người Hà Nội, bánh chả trước đây là cách để không lãng phí bánh trung thu. Thời bao cấp, nếu bánh nướng hay vật liệu bánh nướng còn, người ta sẽ làm thành bánh chả để không lãng phí một cái gì.
Vì thế, nhân bánh là phiên bản nhiều mỡ hơn của bánh nướng. Tuy nhiên, "bản vị" của bánh là lá chanh thì lại nhiều hơn một chút. Tất nhiên, cũng không được nhiều quá, vì lá chanh nếu cho quá tay có thể tạo vị đắng của tinh dầu.
Vỏ bánh chả được làm từ bột mỳ nhào kỹ rồi cán mỏng. Nhân mỡ, đường, bột, lá chanh cho vào trong rồi cuộn lại, cắt miếng, sau cùng nướng lên. Mặt bánh chả vàng nâu thơm ngậy là nhờ lớp mỏng lòng đỏ trứng phết lên trước khi nướng.
Bánh nướng nhanh và cái khó nhất là phải canh sao cho bánh đủ độ màu lẫn độ giòn. Nếu non, vỏ bánh ỉu cứng. Già quá sẽ khô lốc cốc và mất hết vị ngậy béo của nhân.
Vì bản vị của bánh chả là lá chanh nên loại lá này phải "thửa" mới ra được bánh ngon. Lá chanh tốt nhất là loại lá bánh tẻ, không quá già mà cũng chẳng quá non. Lá cũng cần tươi mới. Tuyển được lá như vậy khó vô cùng vì có những khi do thời tiết, lá cằn khô và vàng úa.
Vì vậy, những hàng làm bánh chả lâu năm phải có mối để đặt lá chanh riêng. Chợ Bắc Qua là một nơi như thế, ở đó, có một bà hàng lá lúc nào cũng tuyển được lá chanh ngon. Lá này sau đó chỉ việc mang về thái chỉ trộn vào nhân bánh.
Tất nhiên, những vị khác trong bánh cũng phải được tuyển. Không có gì khó chịu hơn vị bột mì kém phẩm chất, lại được nhào dối. Cũng chẳng có gì giết bánh chả dễ như mỡ ướp đường chưa tới độ. Bánh khi ấy sẽ ngang và ngán vô cùng.
Thêm nữa, bánh chả tốt nhất là nên dùng sớm. Khi đó, nó thơm lựng chứ không oai oai mùi. Dù có bảo quản tốt đến đâu, tốt nhất, bánh cũng chỉ nên dùng trong tháng.
Có những tiệc trà, bên cạnh các loại bánh cỡ nhỏ xíu, trái cây, bánh chả xuất hiện ngang cơ, không hề thua kém về độ hấp dẫn. Trong một lần như thế, họa sĩ Lê Thiết Cương đã bày bánh chả trong tiệc trà giới thiệu triển lãm tranh Tết tại chợ Hàng Da, Hà Nội.
Đĩa bánh chả trong tiệc ngon đến nỗi, khách tới thăm ai cũng phải hỏi bánh có xuất xứ từ đâu. Chính mẹ họa sĩ, một người Hà Nội, đã làm nên đĩa bánh chả ngon nhớ mãi đó.
Ở Hà Nội, có những hàng bán bánh chả quanh năm ở Hàng Điếu, Hàng Đường. Họ bán đều vì khách quen ăn đến đó mua đều đặn. Gửi đi nước ngoài làm quà thì bánh chả là thứ vô cùng dễ chịu. Cũng chính là vị béo của mỡ, vị thơm sực của lá chanh làm nên nỗi nhớ quê.
Khách lên các cửa hàng này mua thì mười phần, chín phần là để gửi làm quà. Tuy nhiên, có một trung tâm bánh chả khác không hề thua kém Hà Nội là Hải Dương. Vị bánh chả ở Hải Dương cũng rất đáng nể. Nó giữ nguyên được độ giòn, ngọt, thơm nhiều năm nay, với chất lượng ổn định.
Trời lạnh, pha ấm trà đặc, cắt gói bánh chả mới ra đĩa đã thấy ấm áp. Nhấp chén trà đậm, vị đầu đắng chát, vị sau ngọt dần lưỡi. Cắn miếng bánh chả ngọt ngậy giòn thấy vị chát tan dần.
Mùi trà cũng xông lên mũi. Hòa với vị lá chanh thơm, cảm giác nóng hẳn người như đang được xông hương liệu. Thấy cả vị mùa thu trong đó. Bánh chả hợp nhất khi trời lạnh, nên cũng hợp với mùa thu về. Như bây giờ, mùa bánh chả đã đến rồi.
Theo Thanhnien
Hà Nội và những món ăn khó cưỡng Nếu bạn có dịp tới thăm Hà Nội, "bằng mọi giá", hãy đến và thưởngthức những món ăn không thể bỏ qua dưới đây nhé: 1. Phở Phở không phải là món ăn mới lạ mà là món ăn truyền thống của ngườViệt. Thế nhưng, thưởng thức hương vị phở một cách tinh tế nhất, chỉ có thể là Hà Nội... Thành phầnchính...