Hà Nội: Cách ly tại nhà gần 400 người do tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19
Hà Nội không có ca nào dương tính với Covid-19 nhưng gần 400 người đang bị cách ly tại gia đình do tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Hà Nội lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)
Chiều 20/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho hay: Tính tới nay, Hà Nội không có ca nào dương tính với Covid-19, nhưng còn gần 400 người khỏe mạnh đang bị cách ly tại gia đình do có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Trước đó, hơn 700 người đã trải qua thời gian cách ly với sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, thời gian tới khi học sinh học trở lại, lao động quay lại làm việc, nhất là lao động Trung Quốc có cấp phép lao động tại Việt Nam thì nguy cơ sẽ lại tăng lên.
Cũng theo ông Tuấn, việc quản lý người cách ly tại gia đình hiện gặp nhiều khó khăn.
Video đang HOT
“Vai trò chủ yếu vẫn là chính quyền, công an địa phương, tổ dân phố, ngành y tế hỗ trợ về chuyên môn với việc theo dõi giám sát sức khỏe người bị cách ly với việc đo nhiệt độ 2 ngày 1 lần. Nếu có bất thường sẽ đưa đi cách ly tại cơ sở y tế. Đặc biệt với các ca bỏ trốn, địa phương có trách nhiệm quản lý, phối hợp truy thông tin”.
Liên quan tới vấn đề cách ly người nghi nhiễm Covid-19, ông Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Kiểm soát y tế công cộng khẩn cấp, Bộ Y tế cho biết: “Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết về cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú, nơi tập trung hoặc cơ sở y tế… với đối tượng tương ứng. Còn việc không hiệu quả, tôi cho rằng không phải tất cả mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ví như trách nhiệm của chính đối tượng cách ly. Nếu họ có dấu hiệu bệnh không chịu cách ly thì chính người trong gia đình sẽ bị lây nhiễm trước tiên, rồi đến cộng đồng; tiếp đến là trách nhiệm của những thành viên trong gia đình, cần tạo điều kiện để cách ly đúng quy định; thứ 3 là chính quyền địa phương, với vai trò quan trọng giám sát, vận động người cách ly và gia đình họ. Trong luật phòng chống lây nhiễm quy định rõ, nếu không chấp hành cách ly sẽ bị cưỡng chế thực hiện”.
Tương tự, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhận định: “Mặc dù có nhiều tín hiệu đáng mừng nhưng dịch bệnh bên Trung Quốc còn nhiều căng thẳng. Theo báo cáo từ Bộ LĐ TB&XH, nhiều công nhân Trung Quốc tới đây quay trở lại làm việc ở Việt Nam. Do đó, chúng tôi vẫn chỉ đạo các đơn vị không lơi lỏng, luôn ứng trực, sẵn sàng, đáp ứng tình hình thực tế”.
Theo baogiaothong
Chủ tịch TT-Huế chỉ đạo khẩn giám sát người đến từ vùng dịch Covid-19
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố ở Thừa Thiên - Huế được giao chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo theo dõi, giám sát công dân đến từ hoặc đã đi qua vùng dịch virus corona (Covid-19) đang cư trú, tạm trú tại địa phương.
Ngày 20/2, theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công điện khẩn số 03/CĐ-UBND về việc kiểm soát, theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe các công dân đến từ hoặc đã đi qua vùng dịch virus corona (Covid-19) hiện đang cư trú, tạm trú trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP.Huế chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo các đơn vị y tế, công an tổ chức theo dõi, giám sát đối với các công dân đến từ hoặc đã đi qua vùng dịch đang cư trú, tạm trú tại địa phương. Những công dân này phải được lập tờ khai y tế, cam kết hạn chế đi lại, tiếp xúc với người khác; kê khai việc tiếp xúc, đi lại (nếu có) và thực hiện các khuyến cáo phòng chống dịch của ngành y tế; cử cán bộ y tế cơ sở theo dõi, đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe hàng ngày theo quy định. Khi phát hiện các trường hợp cần cách ly y tế tại nhà, cơ quan chức năng tiến hành các bước theo quy định của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra quy trình sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại Công ty cổ phần Dệt may Huế.
Sở Y tế tỉnh được chỉ đạo tập huấn, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và TP.Huế về nghiệp vụ, chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với UBND cấp huyện và UBND xã/phường/thị trấn trong việc theo dõi, kiểm tra y tế, hoặc tổ chức cách ly y tế tại nhà đối với các công dân đến từ hoặc đã đi qua vùng dịch đang cư trú, tạm trú trên địa bàn; hỗ trợ cơ sở vật tư phòng, chống dịch cho các địa phương theo thứ tự ưu tiên phù hợp với thực tiễn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện, công an xã/phường/thị trấn nắm chắc thông tin tình hình dân cư và gửi báo cáo hàng ngày về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan y tế ở cơ sở trong việc giám sát, theo dõi, hoặc cách ly y tế tại nhà đối với các công dân đến từ hoặc đã đi qua vùng dịch hiện đang cư trú, tạm trú trên địa bàn.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh được yêu cầu chỉ đạo Công ty cổ phần Bến xe Huế và các đơn vị vận tải thực hiện giám sát lộ trình những xe khách từ các vùng dịch có hành khách đến Thừa Thiên - Huế để nắm thông tin cá nhân, nơi cư trú, tạm trú của hành khách đến từ hoặc đã đi qua vùng dịch, tổng hợp báo cáo hàng ngày cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ đạo của tỉnh.
Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh được giao chỉ đạo các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế rà soát, báo cáo công nhân đến từ các vùng dịch để phối hợp thực hiện kiểm soát, theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe.
Ngày 20/2, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản về việc cung cấp thông tin các địa điểm cung cấp khẩu trang kháng khuẩn ở tỉnh. Các địa điểm bán khẩu trang vải kháng khuẩn này ở tỉnh gồm: 122 Dương Thiệu Tước, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy; 175 Trần Hưng Đạo, TP.Huế và 6 Trần Hưng Đạo, TP.Huế.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong ngày 19/2, ở tỉnh có 560 trường hợp có các triệu chứng viêm đường hô hấp (sốt, ho, khó thở, viêm phổi...) đến khám tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Hiện ở tỉnh không có ca nghi ngờ, không có ca bệnh xác định. Theo số liệu khai báo quản lý trong ngày, để đề phòng dịch virus corona (Covid-19), tỉnh đang giám sát, theo dõi tại nơi cư trú 179 người.
Theo danviet.vn
Hà Nội và TP.HCM hiện có bao nhiêu người nghi nhiễm COVID-19? Hà Nội có hơn 2.000 người phải giám sát y tế cùng 60 người bị cách ly do COVID-19, còn TP. HCM là nơi đầu tiên điều trị bệnh nhân COVID-19. Vậy tình hình dịch ở 2 thành phố lớn nhất cả nước hiện ra sao, là điều mà cả người dân trong nước lẫn du khách đều hết sức quan tâm? 2...