Hà Nội: 380 dự án “treo” đến bao giờ?
Hà Nội hiện có 383 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm. Tình trạng này gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng lớn đến môi trường đô thị.
Nham nhở, nơi cỏ mọc um tùm với đủ các loại rác rưởi, nơi trở thành bãi trông giữ ô tô… là thực trạng sau 14 năm triển khai tại Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Năm 2004, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định thu hồi trên 35ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao Tổng công ty xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt.
Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn đang dậm chân tại chỗ, kỳ vọng về một khu đô thị mới, hiện đại phía Nam thành phố Hà Nội vẫn chỉ tồn tại trên bãn vẽ.
Ông Hồ Văn Điệp, người dân phường Thịnh Liệt cho biết, việc Dự án chậm triển khai, nhiều phần diện tích bị “biến tướng”, tập kết chất thải… đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị cũng như môi trường sinh thái xung quanh.
“Với những khu đất đẹp, đất trống mà để hàng chục năm nay không xây dựng cũng không giải tỏa, mà chỉ quây tấm tôn bọc xung quanh gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan thành phố. Tôi mong rằng, những khu đất như thế này cần phải có giải pháp triệt để. Nếu đã có quy hoạch thì cần triển khai ngay. Trong trường hợp cần thiết có thể thu hồi để giao cho người khác”.
Khu đô thị mới Thịnh Liệt chỉ là một trong số hàng trăm dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội “rơi” vào tình trạng “đắp chiếu”. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…
Với 48 dự án chậm triển khai trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt thừa nhận, đây là con số lớn. Việc theo dõi kiểm tra, phát hiện, xử lý những vi phạm, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ nặng nề.
Các Dự án chậm triển khai trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có thể kể đến như, Dự án của Công ty Hà Đô (Bộ Quốc Phòng) tại phường Cầu Diễn, Dự án của Ban quản lý dự án Láng Hạ Thanh Xuân tại phường Mễ Trì cùng được giao đất từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chỉ quây tôn, chưa triển khai xây dựng.
Video đang HOT
C ác dự án chậm tiến độ ảnh hưởng lớn tới mỹ quan đô thị, (Ảnh minh họa: KT)
Ông Trần Đức Hoạt cho biết : “Hiện nay có 48 dự án chậm, trong đó có 17 dự án đang trong trạng thái giải phóng mặt bằng và 31 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai. Đây là một con số rất lớn. Các dự án này cơ bản là do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư. Tuy nhiên cũng cần phải kiểm tra, rà soát để xác định nguyên nhân cụ thể”.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nguyên nhân chính khiến cho các dự án sử dụng đất chậm được triển khai là do năng lực của nhà đầu tư còn yếu. Các dự án gặp khó khăn trong huy động, cũng có thể do cùng lúc đầu tư vào nhiều dự án khiến nhiều nhà đầu tư “hụt hơi” về tài chính. Cùng với đó là khâu giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, do việc điều chỉnh quy hoạch sau khi điều chỉnh địa giới hành chính (năm 2008), chính sách đất đai có những thay đổi.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, sự yếu kém trong quản lý, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các sở, ngành, quận, huyện trong việc chậm triển khai các dự án.
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Những nhà đầu tư nào không đủ điều kiện thì sẽ thu hồi. Cùng với đó sẽ tiếp tục mời các nhà đầu tư lên để đối thoại làm rõ trên cơ sở những dự án còn vướng mắc. Những nguyên nhân, điều kiện nào mà có thể tháo gỡ được cho các nhà đầu tư thì sẽ tháo gỡ. Đồng thời, thẩm định lại, yêu cầu các nhà đầu tư cam kết, trong thời hạn cam kết mà không thực hiện được thì sẽ bị thu hồi”.
Hàng trăm dự án chậm triển khai, “đắp chiếu” trên địa bàn Hà Nội đang để lại những hệ lụy rất lớn về kinh tế, môi trường sinh thái, quản lý đô thị. Câu hỏi được đặt ra, là vì sao các dự án chậm triển khai, thậm chí có dấu hiệu vi phạm Luật đất đai vẫn chưa bị thu hồi, xử lý kiên quyết?./.
Theo Huy Nam/VOV1
Rã rời những 'cánh chim' Cienco
Các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) từng là "cánh chim đầu đàn", "đi trước mở đường" của ngành Giao thông. Tuy nhiên, nay các "cánh chim" đó đang dần mỏi, chưa biết khi nào có sức liệng bay trở lại.
Căng biển đòi nợ nhau
Một thời, nói tới các Cienco là nhắc tới các gói thầu hàng nghìn tỷ đồng đang thực hiện. Công trình giao thông lớn của đất nước đều thấp thoáng bóng dáng các Cienco. Tuy nhiên, cùng với cổ phần hoá, bước vào cuộc chơi thị trường, dòng vốn đầu tư nhà nước sụt giảm, BOT vướng mắc, các Cienco cũng rơi vào khó khăn, nợ nần. Vòng luẩn quẩn bắt đầu khi Nhà nước nợ nhà thầu, kéo theo nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, nợ đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, nợ ngân hàng... tất cả thành vòng luẩn quẩn.
Mới tháng trước, một nhóm người lao động của Cienco 8 đã kéo tới trụ sở Cienco 1 (La Thành, Hà Nội) căng băng rôn, kê ghế chắn cửa để đòi nợ gói thầu thực hiện từ năm 2016 nhưng tới nay chưa trả. Theo đó, Cienco 8 thực hiện thầu phụ cho Cienco 1 gói thầu số 7 dự án đường Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đã được chủ đầu tư thanh toán từ tháng 7/2016, nhưng tới nay nhà thầu vẫn chưa được thanh toán. Được biết, số nợ khoảng 40 tỷ đồng. Cũng Cienco1 đang bị Cty CP Phát triển đầu tư xây dựng kỹ thuật Đông Thành (Ninh Bình) đâm đơn khắp nơi để đòi số nợ hơn 4,7 tỷ đồng làm thầu phụ từ năm 2016 tới nay. Năm 2017, Cienco 1 cũng bị Cty HBI kiện ra tòa đòi số nợ gần 20 tỷ đồng, Cty 120 (thuộc Cienco1) cũng bị kiện đòi hơn 11 tỷ đồng nợ...
Cienco 1 hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ năm 2014, khi nhà nước thoái vốn tại đơn vị này. Hiện, Cienco 1 có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 3.700 tỷ đồng. Năm 2017, tổng công ty này chỉ thực hiện được 70% mục tiêu lợi nhuận (45,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, hết năm tài chính vừa qua, nợ phải trả của Cienco 1 lên hơn 2.993 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 2.922 tỷ đồng, nợ dài hạn 71 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng bị đơn vị khác nợ ngắn hạn hơn 2.062 tỷ đồng, nợ dài hạn 19 tỷ đồng. Thậm chí, công ty còn nợ lương, BHXH của người lao động.
Tương tự với Cienco 5, hiện đã thành công ty cổ phần, với vốn chủ sở hữu hơn 448 tỷ đồng. Hết năm 2017, tổng công ty này có số nợ hơn 1.759 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 649 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 1.109 tỷ đồng. Cienco 5 cũng bị các đơn vị khác nợ hơn 602 tỷ đồng. Cienco 5 lý giải, các khoản nợ này chủ yếu tới từ vay ngân hàng để thi công các dự án đầu tư công, như: Cầu Cửa Đại, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Lăng Cô... nhưng chưa được thanh toán. Năm 2017, dù Cienco 5 đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế khiêm tốn hơn 9,8 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ lãi 918 triệu đồng (đạt 9% kế hoạch năm), khi chỉ thực hiện một số dự án các năm trước chuyển sang, dự án mới không có.
Luẩn quẩn nợ và bị nợ
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hồ Tuấn Sỹ, Tổng Giám đốc Cienco 8 cho hay, dù 2-3 năm gần đây, sau cổ phần hoá, các cổ đông góp sức cũng chỉ giải quyết được phần nào khó khăn. Ông Sỹ dẫn chứng, hiện công ty vẫn còn khoảng 130 tỷ đồng mà Ban quản lý Dự án giao thông 2 (PM2) nợ từ năm 2014 tới nay (thi công quốc lộ 3 mới). Cienco 8 đã phải lấy nguồn tiền từ dự án khác ứng cho các nhà thầu phụ, đơn vị cung ứng nguyên vật liệu, nhưng vẫn còn nợ các đơn vị này khoảng 30-40 tỷ đồng. Với dự án cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), dù đưa vào sử dụng từ năm 2010, nhưng Cienco 8 vẫn còn 5 tỷ đồng chưa được thanh toán. "Nhà nước nợ mình, mình lại phải nợ dây chuyền tới nhà thầu bên dưới, điều này không chỉ Cienco 8, mà nhiều tổng công ty xây dựng công trình giao thông khác cũng bị", ông Sỹ nói. Ông Sỹ cũng đánh giá, hiện các công ty xây dựng công trình giao thông rất khó khăn, do thắt chặt chi tiêu công nên dự án ít, hoặc chủ yếu dự án nhỏ, còn các dự án BOT cũng vướng mắc nhiều. Để giải thoát các "cục nợ" công ty con, công ty liên kết, sau cổ phần hóa, Cienco 8 đã bán dưới dạng "0 đồng" 7 công ty (Cty Việt - Lào, Cty 892...), chỉ giữ lại 6 đơn vị có thể vực lại được.
Đánh giá về khó khăn của công ty các năm gần đây, lãnh đạo Cienco 5 cũng nhìn nhận, chi tiêu ngân sách bị thắt chặt khiến dự án giao thông ít. Với số dự án nhà nước còn đầu tư, Cienco 5 lại không "chen chân" vào được. Sau cổ phần hóa, các đơn vị hoạt động theo cơ chế thị trường, đấu thầu rộng rãi, nên Cienco 5 không đủ năng lực cạnh tranh được với các nhà thầu khác. Trong khi nguồn tài chính hạn hẹp, khoảng 151 tỷ đồng của Cienco 5 (gần 50% vốn điều lệ) "nằm chết" ở các công ty liên kết, không những không thu được cổ tức, đa số khoản đầu tư này còn trở thành nợ khó đòi. Do đó, năm 2018, tổng thầu này chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận 6,8 tỷ đồng.
Các lãnh đạo Cienco 1 cũng lý giải, đơn vị lâm vào khó khăn khi chưa thu hồi được công nợ tại các dự án đầu tư công đã hoàn thành.
Điều này dẫn tới công ty phải nợ các nhà cung cấp nhiều, chi phí tăng cao, khiến hiệu quả giảm, tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Thậm chí, nợ nần khiến Cienco 1 thiếu dòng tiền, dẫn tới nợ nần tại các dự án đang thực hiện, kéo theo tiến độ đình trệ, ứ đọng vốn. Lãnh đạo Cienco 1 cũng thừa nhận, dù đã cổ phần hóa, nhưng bộ máy tổng công ty vẫn cồng kềnh, chưa quen với cách quản lý mới khi ra hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng. Năm 2018, Cienco 1 cũng đặt mục tiêu lợi nhuận 80 tỷ đồng.
"Nhà nước nợ mình, mình lại phải nợ dây chuyền tới nhà thầu bên dưới, điều này không chỉ Cienco 8, mà nhiều tổng công ty xây dựng công trình giao thông khác cũng bị".
Ông Hồ Tuấn Sỹ, Tổng Giám đốc Cienco 8
Hiện các Cienco lâm vào "thế bí" với các dự án BOT giao thông, khi một số trạm thu phí BOT bị lái xe phản đối. Cienco 1 có tới 6 dự án BOT giao thông (đường tránh Thanh Hóa, cầu Cổ Chiên, cầu Việt Trì, tuyến tránh Phủ Lý...). Các BOT này đều khó khăn, khi năm 2017, chủ đầu tư chủ yếu phục vụ công tác thanh kiểm tra, quyết toán dự án.
Tương tự, hiện Cienco 4 đang đầu tư vào một số dự án BOT, dù đã đầu tư xong, nhưng Bộ GTVT chưa có hướng xử lý để triển khai thu phí. Hết năm 2017, Cienco 4 đang nợ hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 3.300 tỷ đồng.
Theo Lê Hữu Việt
Tiền phong
47/383 dự án bất động sản chậm triển khai ở Hà Nội: Liệu có thu hồi được? Vấn đề sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thủ đô, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau phiên giải trình sẽ công khai 47 dự án chậm triển khai bị thu hồi. PV Báo Lao Động ghi nhận một số dự án đang đắp chiếu nhiều năm vẫn bạt ngàn tại...