Hà Nội: 300 hộ dân bỗng nhiên thành ‘người ở trong rừng’
Đi gây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1985, ăn ở ổn định hàng chục năm nhưng một bản đồ quy hoạch rừng đã biến 300 hộ dân thành “người ở trong rừng”.
Đây là tình cảnh của các hộ dân ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Họ là những người có công khai phá vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng bỗng thành những người đang ở trái phép trong đất rừng phòng hộ.
Thôn xóm, trạm xá, trường học thành…đất rừng
Từ năm 1985, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc di dân xây dựng vùng kinh tế mới, huyện Sóc Sơn vận động 130 hộ dân với 474 nhân khẩu từ 5 xã tới khai hoang, trồng rừng, phát triển kinh tế tại khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí). Thôn Minh Tân đã được thành lập: chi bộ, trưởng thôn, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp.
Từ 130 hộ dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) đã phát triển lên 300 hộ, có trường học, trạm xá. Những cư dân ở Minh Tân có nhiều người nay đã lên chức cụ, gia đình có 4 thế hệ. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của họ.
Khu kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn).
Nhưng một tấm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn (vẽ năm 2008) mà sau 10 năm người dân, trưởng thôn Minh Tân mới biết, toàn bộ diện tích đất ở, đất ao vườn liền kề, trường học và trạm xá của khu dân cư thôn Minh Tân “bỗng nhiên” nằm trọn trong khu vực đất rừng phòng hộ.
Làm công an viên rồi làm trưởng thôn Minh Tân từ năm 2003 nhưng đến tận năm 2018, ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân, được biết có tấm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ “phủ kín” toàn bộ khu dân cư đi làm kinh tế mới.
“Đây là trách nhiệm của các cấp chính quyền trong lúc vẽ bản đồ quy hoạch rừng không sâu sát địa bàn. Người dân ở đây theo chủ trương của Nhà nước có hộ khẩu, có các công trình công cộng được Nhà nước đầu tư như trạm xá, trường học. Nhưng toàn bộ diện tích thôn Minh Tân lại nằm trọn trong đất rừng phòng hộ là điều vô lý” – ông Cường nói.
Video đang HOT
Từ năm 2018, khi người dân ở thôn Minh Tân xây dựng các công trình trên đất ở là UBND xã Minh Trí lại cử cán bộ vào lập biên bản vì vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ. Người dân thôn Minh Tân không được xây dựng nhà cửa, công trình trên mảnh đất mà hàng chục năm với nhiều thế hệ ở đây đã gây dựng bằng mồ hôi và nước mắt.
Thôn Minh Tân, xã Minh Trí đã thành vùng đất trù phú với những cánh rừng xanh ngút ngàn.
“Có công trình xây dựng là cán bộ xã, huyện, xuống lập biên bản, nhiều gia đình con cháu cưới vợ gả chồng cũng không thể ra ở riêng vì không được phép xây dựng” – ông Nguyễn Mạnh Hùng một người dân ở thôn Minh Tân, bức xúc kể.
Sai sót trong quy hoạch, người dân đang gánh hậu quả
Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, sai sót có lẽ bắt đầu từ giai đoạn 1990 – 1993, khi có cán bộ về đo vẽ bản đồ địa chính, đất rừng phòng hộ, song chính quyền xã “vì nhiều lý do chưa chủ động” trong công tác dẫn người đi đo vẽ bản đồ. Đến năm 1998, có quy hoạch về rừng phòng hộ Sóc Sơn, song “người dân cũng không được thông báo”.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn (Hà Nội), quy hoạch đất rừng ở Sóc Sơn được làm theo nhiều giai đoạn. Năm 1998, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm quy hoạch rừng dựa theo bản đồ địa chính, thời điểm này diện tích đất ở thôn Minh Tân không được tách ra, vẫn nằm trong đất rừng phòng hộ, với lý do không có bản đồ địa chính đo năm 1992.
Tấm bản đồ quy hoạch rừng đã biến 300 hộ dân thành người “ở trong rừng”.
Tiếp đến năm 2008 điều chỉnh quy hoạch về đất rừng phòng hộ Sóc Sơn lần thứ 2, có đề nghị tách diện tích đất ở thôn Minh Tân ra khỏi đất rừng phòng hộ nhưng không làm được vì cũng là lý do “không có bản đồ địa chính năm 1992″ – ông Giang cho biết.
“Việc dân ở từ năm 1985 là có thực, thôn xóm có đường, trường, trạm xá. Trách nhiệm đầu tiên là của UBND xã khi biết dân ở đó, lúc làm quy hoạch phải kiến nghị đưa ra, sau đến là trách nhiệm của huyện và sở ban ngành trong việc thực hiện quy hoạch có một quy trình nào đó còn thiếu sót” – ông Giang thừa nhận.
Lý giải câu chuyện của thôn Minh Tân, ông Tạ Văn Chiêm, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ đặc dụng Sóc Sơn cho biết, quy hoạch rừng Sóc Sơn được khảo sát điều chỉnh lại từ 2005. Trong quá trình điều chỉnh Ban quản lý Rừng đã kiến nghị đưa diện tích đất ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ. Nhưng vì không có bản đồ địa chính xã Minh Tân nên không có cơ sở pháp lý để điều chỉnh.
“Ngoài tấm bản đồ quy hoạch rừng năm 2008, bản đồ xác định diện tích đất thổ cư và đất dự án trồng lấn trong đất lâm nghiệp năm 2006 của huyện Sóc Sơn được phê duyệt thôn Minh Tân, xã Minh Trí vẫn nằm trọn vẹn trong đất rừng” – ông Chiêm nói.
Nguồn: VOV.VN
Bình Phước lập đoàn xác minh việc giao đất, giao rừng tại dự án Sasco
Ngày 24.8, báo Lao Động đã đăng bài: "Hé lộ sai phạm trong quản lý 233,8 ha đất rừng". Nội dung bài báo đề cập tới việc Thanh tra Chính phủ yêu cầu chính quyền tỉnh Bình Phước phải xác minh, làm rõ đơn tố cáo của ông Trần Đức Lý (trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), về dấu hiệu sai phạm trong quản lý giao đất, giao rừng tại dự án Sasco...
Dấu hiệu sai phạm trong quản lý 233,8 ha đất rừng ở Dự án Sasco đang dần hé lộ. Ảnh: C.H
Ngày 14.9, nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vừa ra Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 4.9.2018, về việc thành lập đoàn xác minh nội dung phản ánh của ông Trần Đức Lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước giao nhiệm vụ cho đoàn, xác minh phản ánh của ông Trần Đức Lý trong việc quản lý, giao đất, giao rừng tại Dự án do Công ty TNHH MTV dịch vụ Sasco làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo đoàn xác minh việc thực hiện hợp đồng và thanh lý các hợp đồng trồng caosu đối với Sasco.
Tại dự án Sasco liên tục xảy ra hiện tượng mất an ninh trật tự, người lạ chặt phá caosu, đe doạ tính mạng người dân. Ảnh: C.H
Ngày 6.9.2018, liên quan đến đơn tố cáo của ông Trần Đức Lý, Thanh tra Chính phủ đã ra văn bản số 2141/BTCDTW-XLĐ, gửi UBND tỉnh Bình Phước, đề nghị xác minh "hành vi huỷ hoại tài sản mang tính chất xã hội đen" và "cố ý gây thương tích và đe doạ xâm hại sức khoẻ tính mạng con người", xảy ra trên địa bàn thuộc Dự án Sasco...
Năm 2009, Cty Sasco được UBND tỉnh Bình Phước giao 233,8ha đất rừng để thực hiện dự án khoanh nuôi, bảo vệ rừng và chăn nuôi. Tuy nhiên, ngay sau khi được cấp phép, giao đất, Sasco đã ký hợp đồng, giao luôn diện tích đất rừng trên cho ông Trần Tấn Minh - Giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung.
Sasco phó thác cho ông Minh bỏ vốn đầu tư trồng cao su trên 233,8ha đất rừng. Hết thời kỳ kiến thiết cơ bản, theo tỉ lệ ăn chia, Sasco sẽ nhận 60% vườn caosu và ông Minh hưởng 40% (thuộc diện tích 105ha) và Sasco 51,9%, ông Minh 48,1% (thuộc diện tích 128,8ha).
Trên thực tế, sau khi ký hợp đồng với Sasco, ông Minh lại dùng số đất rừng trên để ký hàng loạt hợp đồng với nhiều hộ dân. Các hộ dân này phải nộp tiền cho ông Minh, rồi tự bỏ vốn ra trồng caosu trên đất rừng trên. Riêng hộ ông Trần Đức Lý đã phải nộp cho ông Minh 970 triệu đồng để được đầu tư trồng 46,8ha caosu, thời hạn là 30 năm.
Hình ảnh những kẻ lạ mặt gây rối trật tự tại dự án Sasco. Ảnh: C.H
Năm 2012, trước nguy cơ bị thu hồi dự án, Sasco và ông Minh vội vã huỷ bỏ mọi thoả thuận, hợp đồng. Kéo theo, ông Minh buộc phải huỷ các hợp đồng đầu tư trồng caosu với nhiều hộ dân. Sasco và ông Minh đã đàm phán với các hộ dân việc bồi thường, hỗ trợ để thu lại 233,8ha đất rừng, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Phước.
Tuy nhiên, việc thu hồi, bồi thường này đã phát sinh nhiều tréo ngoe, khi ông Lý trồng caosu thì không được bồi thường... Trong khi 2 ông Nguyễn Khánh Tùng và Nguyễn Thành Trung (nhân viên Cty TNHH Phát Lộc), không hề trồng caosu lại nhận bồi thường tiền tỉ (?).
CAO HÙNG
Theo LĐO
Tranh chấp đất tại Phú Quốc, Kiên Giang: Cần được đánh giá khách quan Nhiều năm qua, ông Nghiêm Văn Cư (sinh năm 1930, ngụ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) liên tục khiếu nại về việc thửa đất ông khai phá được cấp "sổ đỏ" cho người khác. Theo ông Cư, từ năm 1975, gia đình ông đến ấp Đá Chồng khai khẩn thửa đất diện tích khoảng 33.000m2, rồi...