Hà Nội: 2 quận mới sẽ hoạt động vào quý 3 năm 2014
Quận Bắc Từ Liêm có quy mô dân số gần 320.000 người, diện tích trên 4.335ha còn quận Nam Từ Liêm có quy mô dân số gần 234.000 người, diện tích trên 3.227ha.
Một góc khu đô thị Mỹ Đình
Chiều 2/12, đại diện Huyện ủy Từ Liêm (Hà Nội) cho biết sau khi Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội, huyện Từ Liêm đang gấp rút thực hiện các công việc cần thiết, trình Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và báo cáo Chính phủ để có kết luận cuối cùng; đảm bảo đầu quý III năm 2014, hai quận mới sẽ đi vào hoạt động.
Tên gọi của 2 quận mới hiện vẫn chưa thống nhất, dự kiến đặt là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Cơ sở của việc đặt tên này được đại diện Ban Tuyên giáo Huyện ủy giải thích địa danh Từ Liêm đã có từ lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long-Hà Nội.
Vì vậy, tên Từ Liêm vẫn được giữ và đặt tên cho 2 quận mới để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 quận tiếp tục nâng cao niềm tự hào về truyền thống của huyện, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được.
Trước đó, có nhiều phương án tên 2 quận mới được đưa ra như Từ Liêm-Mỹ Đình, Từ Liêm-Tây Thăng Long, nhưng phương án đang được ưu tiên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Huyện đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân để thống nhất về tên quận mới.
Trụ sở làm việc của quận Bắc Từ Liêm dự kiến đặt tại khu đất nông nghiệp thuộc xã Minh Khai với diện tích khoảng 20ha. Trụ sở làm việc của quận Nam Từ Liêm sử dụng toàn bộ khu liên cơ quan của huyện Từ Liêm đang sử dụng (4ha). Các phường mới thành lập sẽ có kế hoạch điều chỉnh, xây dựng thêm trụ sở, công trình công cộng phục vụ dân sinh.
Video đang HOT
Ranh giới hai quận mới là đường quy hoạch chạy song song tuyến quốc lộ 32 về phía Nam và theo địa giới hành chính đã được thiết lập từ năm 1993.
Quận Bắc Từ Liêm có quy mô dân số gần 320.000 người, diện tích trên 4.335ha. Dự kiến các đơn vị trực thuộc gồm 13 phường. 5 phường giữ nguyên tên cũ là Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai. 8 phường được hình thành và tách từ 4 xã cũ, có tên mới là Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Xuân Đỉnh 1, Xuân Đỉnh 2, Phú Diễn 1, Phú Diễn 2.
Quận Nam Từ Liêm có quy mô dân số gần 234.000 người, diện tích trên 3.227ha. Dự kiến các đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường. 4 phường giữ nguyên tên cũ là Trung Văn, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Cầu Diễn. 6 phường được hình thành và tách từ 3 xã gồm Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Xuân Phương 1, Xuân Phương 2, Mễ Trì và Phú Đô.
Huyện Từ Liêm nằm ở phía Tây-Tây Bắc nội đô Hà Nội, diện tích tự nhiên 75km2, dân số 55 vạn người. Mật độ dân số hiện nay là 7.300 người/km2. Huyện gồm 15 xã và 1 thị trấn. Trên địa bàn huyện có nhiều công trình quan trọng của quốc gia.
Theo Xahoi
Hà Nội thành lập mới 2 quận: Sắp xếp cán bộ ra sao?
Liên quan đến việc chia huyện Từ Liêm thành 2 quận mới, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Từ Liêm Nguyễn Văn Việt cho biết, sẽ có sự điều động, luân chuyển cán bộ. Tuy nhiên, cán bộ chủ chốt của huyện tham gia HĐND huyện được đơn vị nào bầu lên, sau này điều chỉnh địa giới hành chính sẽ ở lại địa bàn đó....
Ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng ban Tuyên giáo huyện Từ Liêm
Những ngày gần đây, người dân Hà Nội đang đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh địa giới hành chính huyệnTừ Liêm thành 2 quận mới. Chiều 2/12, Huyện ủy Từ Liêm đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin rõ về vấn đề này.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng ban Tuyên giáo huyện nhận được nhiều câu hỏi đề cập đến tên gọi 2 quận mới là Bắc - Nam Từ Liêm, đến kinh phí điều chỉnh địa giới hành chính hay việc sẽ phải tăng biên chế công chức, viên chức để đáp ứng việc thành lập 2 quận mới này.
- Thưa ông, sau khi được biết đề án tách huyện Từ Liêm thành 2 quận với tên gọi là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, nhiều ý kiến cho rằng nên lấy tên của một quận là Từ Liêm, còn quận khác tên là Mỹ Đình hoặc Thăng Long. Vậy tại sao lại có sự đặt tên như vậy?
Đề án chúng tôi cũng đặt ra nhiều phương án để lựa chọn, tuy nhiên tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm là phương án ưu tiên. Cụ thể, ba phương án chúng tôi đặt ra là Từ Liêm và Mỹ Đình, Từ Liêm và Tây Thăng Long nhưng những lý do khác nhau nên phương án ưu tiên là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Tên quận Mỹ Đình nhiều người cho là rất hay và đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên dư luận những xã khu vực phía Nam lại không đồng tình. Nhiều người cho rằng tên Mỹ Đình không thỏa đáng, bởi lẽ tên một xã lại đặt cho cả quận nên chúng tôi không đưa vào phương án lựa chọn.
Cái tên Tây Thăng Long được đưa ra để đặt cho một quận mới cũng rất hay. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho nó không thỏa đáng vì Thăng Long là tên cố đô trong lịch sử, nay đem đặt cho một quận là không xứng tầm.
Sau nhiều lần chia tách, Từ Liêm có được thành quả như ngày nay là công lao của tất cả các thế hệ, kết quả chung của cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện cho nên chúng tôi muốn đặt tên Từ Liêm cho hai phía Bắc - Nam và lấy địa giới là đường 32.
Tuy nhiên, tất cả những thông tin đó chúng tôi cũng vẫn đang nghiên cứu, lấy ý kiến nhân dân từ cấp thôn, xã, thị trấn trong huyện. Sau đó, chúng tôi báo cáo HĐND huyện, thành phố và quyết định cuối cùng là Chính phủ.
- Việc điều chỉnh địa giới hành chính như vậy sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề phát sinh và chắc chắn sẽ gây tốn kém, ví dụ như xây trụ sở mới... Vậy, xin ông cho biết ngân sách để phục vụ cho việc này là bao nhiêu?
Khi tách huyện thành 2 quận, theo đề án thì trụ sở quận phía Nam nằm ở khu vị trí hiện tại. Trụ sở phía Bắc sẽ được xây mới hoán toàn trên đường Văn Tiến Dũng, đoạn gần trung tâm thể thao và nhà văn hóa huyện hiện tại. Nhiều phường mới thành lập cũng phải xây thêm trụ sở và các công trình công ích như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế...
Ngân sách phục vụ cho các hoạt động trên chắc chắn Nhà nước phải sắp xếp. Tuy nhiên, kinh phí là bao nhiêu thì các cơ quan trách nhiệm của chính quyền - UBND sẽ làm theo đề án dự trù trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Không chỉ tốn kém cho việc xây mới các trụ sở, việc chia tách thành 2 quận mới sẽ phải kèm theo bộ máy hành chính mới. Vậy đội ngũ công chức, viên chức liệu có bị phình ra không, thưa ông?
Việc điều chuyển địa giới hành chính từ một huyện thành 2 quận, đương nhiên có sự điều động, luân chuyển cán bộ. Biên chế cán bộ, công chức, viên chức của 2 quận so với huyện Từ Liêm cũng đương nhiên là sẽ tăng. Tuy nhiên, tăng thế nào phải theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở huyện trình cấp có thẩm quyền là Thành ủy, HĐND thành phố phê duyệt đủ số lượng cũng như chất lượng cán bộ bảo đảm bộ máy quận mới hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.
Cán bộ hiện tại được sắp xếp thế nào thì tới đây sẽ bàn. Tuy nhiên, một điều bất biến là cán bộ chủ chốt của huyện tham gia HĐND huyện được đơn vị nào bầu lên, sau này điều chỉnh địa giới hành chính sẽ ở lại địa bàn đó.
- Xin cảm ơn ông!
Xuân Hưng
Theo VnMedia
"Đặt tên quận là Bắc và Nam Từ Liêm để tri ân cha, ông" Bí thư Huyện ủy Từ Liêm Lê Văn Thư cho rằng, tên Từ Liêm đã xuất hiện ở vùng đất này từ hàng ngàn năm trước. Do vậy, để tri ân các thế hệ cha, ông và những lớp người đi trước và cũng là để cái tên "Từ Liêm" không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ con,...