Hà Nội: 1.700 cuộc gọi về chính sách an sinh từ Tổng đài 1022 được tiếp nhận, xử lý
Thông qua Tổng đài 1022 Hà Nội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý hơn 1.700 cuộc gọi của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ an sinh xã hội.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) Hà Nội cho biết, cơ quan này có trách nhiệm giải đáp 6 nội dung liên quan chính sách hỗ trợ an sinh xã hội từ các cuộc gọi đến Tổng đài 1022 Hà Nội. Đến hết ngày 15/9, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý thông tin 1.762 cuộc gọi của người dân tới tổng đài về những nội dung này.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cụ thể, có 429 cuộc về giải đáp các nội dung hỗ trợ lao động tự do và người lao động chấm dứt hợp đồng lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục phải chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; có 200 cuộc về hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động ngừng việc;
56 cuộc giải đáp các nội dung hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; 30 cuộc giải đáp các nội dung hỗ trợ người có công; 185 cuộc giải đáp các nội dung về công tác chi trả tiền hỗ trợ ; 826 cuộc giải đáp các vướng mắc về thủ tục hành chính của Sở, tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân đối với gói hỗ trợ.
Với việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ an sinh xã hội thông qua Tổng đài 1022, nhiều thắc mắc của người dân liên quan đến chính sách an sinh xã hội cũng như vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách này đã được giải đáp, tháo gỡ, giúp cho công tác chi trả thuận lợi, nhanh chóng, số người được thụ hưởng ngày càng tăng.
Trước đó ngày 02/9, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã bổ sung thêm 2 nhánh của Tổng đài 1022, đó là nhánh 5 “Giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội” và nhánh 6 “Hỗ trợ nhu yếu phẩm khi người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19″.
Khi chọn nhánh 5, người dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp nhận thông tin và hỗ trợ giải đáp thông tin: Hỗ trợ lao động tự do, người lao động chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục chấm dứt hợp đồng lao động; Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc.
Bên cạnh đó là giải đáp về hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; Giải đáp về hỗ trợ cho người có công; Giải đáp về công tác chi trả tiền hỗ trợ; Giải đáp về các kiến nghị, phản ánh khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Các gói an sinh xã hội đang 'phủ' đến đâu?
Gói 26.000 tỷ đồng triển khai không đồng đều giữa các địa phương, trong khi đó Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng bổ sung một số chính sách an sinh riêng.
Video đang HOT
Hơn hai tháng sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Chính phủ tung gói an sinh 26.000 tỷ đồng (Nghị quyết 68) hôm 1/7, quy định cụ thể 12 chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do đại dịch.
Một lao động tự do trước cửa phòng trọ trong những ngày Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, tháng 8/2021. Ảnh: Hồng Chiêu
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tiến độ giải ngân gói 26.000 tỷ đang cao gấp ba lần so với gói 62.000 tỷ năm ngoái, cùng thời điểm tháng đầu tiên sau khi ban hành.
Tuy nhiên, việc giải ngân gặp khó khi nhiều tỉnh thành đang giãn cách xã hội. Người lao động chưa thể đi lại làm hồ sơ, thủ tục để nhận hỗ trợ. Một số tỉnh triển khai chậm, dù đã ban hành kế hoạch nhưng chưa làm, hoặc chi trả ở mức độ thấp. Cách hiểu của các địa phương còn khác nhau, phát sinh một số trường hợp chưa được quy định trong chính sách.
Lao động tự do vẫn là nhóm khó hỗ trợ nhất, khi năm nay giao về cho địa phương tự thực hiện. Sau 1,5 tháng thực hiện, 37 tỉnh thành phê duyệt hỗ trợ gần 1,27 triệu lao động thuộc nhóm này và một số nhóm đặc thù khác, như 100.000 người bán vé số. 28 tỉnh thành chủ yếu phía Nam đã hỗ trợ gần 962.000 người, số tiền gần 1.364 tỷ đồng.
Nhóm chính sách về bảo hiểm đã hỗ trợ được hơn 12 triệu người, khoảng 4.400 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trên một triệu người, khoảng 1.300 tỷ đồng...
Một số chính sách đang thực hiện chậm. Tính đến hết 14/8, các tỉnh mới chi trả cho 1.050 viên chức hoạt động nghệ thuật, 170 hướng dẫn viên du lịch, 250 lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Trong vòng 20 ngày, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung ít nhất ba lần đốc thúc các tỉnh thành nhanh chóng hỗ trợ lao động tự do. Theo ông Dung, nhiều tỉnh có cách làm sáng tạo, mở rộng nhóm lao động thụ hưởng chính sách, nhưng cũng có tỉnh chưa quan tâm khiến việc hỗ trợ còn chậm. "Vẫn còn tiếng kêu ca của người dân", ông nói.
Một nhóm công nhân xây dựng kẹt lại công trường ở Dương Nội, quận Hà Đông khi Hà Nội cách ly xã hội, tháng 8/2021. Ảnh: Ngọc Thành
Thực hiện gói 26.000 tỷ đồng, Hà Nội đã duyệt chi kinh phí hỗ trợ hơn 152 tỷ đồng, chi trả trên 143 tỷ đồng, thống kê đến ngày 12/8. Nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội đã hỗ trợ cho hơn 1,47 triệu lao động với số tiền trên 121 tỷ đồng.
Riêng ba chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, lao động phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, các đơn vị chưa nhận được hồ sơ nào. Về hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, Sở Du lịch Hà Nội mới phê duyệt được một hồ sơ.
Các quận, huyện ở thủ đô đã chi hỗ trợ 5.170 lao động tự do số tiền 7,75 tỷ đồng. Trước phản ánh lao động tự do khó nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng do thủ tục phức tạp, Hà Nội gỡ vướng bằng cách không yêu cầu họ về quê xin xác nhận. Thay vào đó, chính quyền tại nơi lao động cư trú sẽ tự gửi email hoặc thư công vụ. Xã, phường, tổ dân phố phải tiếp nhận hồ sơ hàng ngày, rút ngắn thời gian xét duyệt để người lao động nhanh nhận hỗ trợ.
Ngoài gói chung, Hà Nội dành 345 tỷ đồng hỗ trợ cho 324.000 người thuộc 10 nhóm đặc thù. Cụ thể hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập... Các nhóm này thường có sẵn danh sách, dễ thống kê. Mức hỗ trợ tùy từng nhóm, từ một đến ba triệu đồng.
Thành phố cũng tính phương án giảm 15% tiền nước trong bốn tháng cuối năm 2021 cho người dân. Ngoài ra, các quận huyện có trách nhiệm hỗ trợ nơi ở tạm thời cho lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú.
Lao động ngoại tỉnh tập trung tại cửa ngõ phía Đông TP HCM, chờ được qua chốt để về quê nhưng phải quay xe, ngày 15/8. Ảnh: Như Quỳnh
Hai tháng qua, TP HCM đưa ra hai gói hỗ trợ tổng cộng gần 1.800 tỷ đồng, ngoài thực hiện gói chung của Chính phủ.
Gói thứ nhất 886 tỷ đồng triển khai từ cuối tháng 6 đã giải ngân gần xong. Gói thứ hai hơn 900 tỷ đồng được thông qua đầu tháng 8, trong bối cảnh thành phố đã giãn cách kéo dài hơn hai tháng.
Theo nguyên tắc, lao động đã nhận cứu trợ của thành phố thì thôi gói Trung ương. Nếu chênh lệch, thành phố sẽ bù. Vì thế khi triển khai gói 26.000 tỷ đồng, TP HCM tập trung vào doanh nghiệp, viên chức nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch...
Ba gói cứu trợ trên là chưa đủ. Thành phố đã kiến nghị trung ương hỗ trợ gần 28.000 tỷ và 142.000 tấn gạo để chi khẩn cấp cho 4,7 triệu người khó khăn do đại dịch. Nếu được thông qua, 1,5 triệu hộ lao động nghèo sẽ nhận được tiền ăn 50.000 đồng một ngày; 1,5 triệu đồng tiền phòng trọ và 15 kg gạo mỗi người.
Tại Đà Nẵng , Ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết địa phương đang triển khai đồng thời hai gói an sinh xã hội, gồm gói 26.000 tỷ đồng và gói 75 tỷ đồng hỗ trợ cho người yếu thế của thành phố (bắt đầu chi trả từ 24/7).
"Đến nay chúng tôi đã giải ngân được 59 tỷ đồng. Trong đó gói 75 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 80.000 người có công, bán vé số, lao động không giao kết hợp đồng..., tiến độ giải ngân đạt hơn 50%, hạn cuối là 31/8", ông An nói.
Theo ông An, quá trình giải ngân cho lao động tự do ở địa phương không gặp khó khăn. Các tổ dân phố sẽ thông báo đến người dân trên địa bàn để hoàn tất hồ sơ trình lên phường, phường nộp cho quận và qua Sở Lao động Thương binh Xã hội để trình thành phố ra quyết định hỗ trợ. Sở Tài chính Đà Nẵng đã tạm ứng kinh phí, giao dự toán cho các quận huyện giải ngân ngay cho dân.
Trong 7 ngày thành phố tạm dừng mọi hoạt động, một tập đoàn hỗ trợ 30.000 suất quà cho các hộ nghèo, cận nghèo và người khó khăn (trị giá 500.000 đồng một suất). UBND thành phố cũng ban hành quyết định hỗ trợ hơn 50.000 suất, mỗi suất 500.000 đồng, kinh phí ngân sách trên 25 tỷ đồng, dành cho các hộ gia đình có công và khó khăn tại 7 quận, huyện.
"Hiện một số quận đã trao quà hỗ trợ này cho người dân. Người dân nhận tiền mặt để tiện cho việc mua nhu yếu phẩm thông qua các Ban điều hành khu dân cư", ông An nói.
Ngoài ra, Đà Nẵng đã trình Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin Chính phủ hỗ trợ cho thành phố 1.600 tấn gạo để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, hiện đang chờ kết quả.
6 đường dây nóng giải đáp thắc mắc gói 26.000 tỷ đồng:
Cục Việc làm 0911.151.166 : chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh; lao động tự do và các nhóm đặc thù.
Vụ Pháp chế 0911.011.166 : chính sách hỗ trợ tiền ăn với F0, F1, trẻ em.
Văn phòng Bộ 0911.191.122 : hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật; hướng dẫn viên du lịch; tình hình thực hiện chính sách.
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương 0911.154.488 : chính sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; lao động ngừng việc; cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Vụ Bảo hiểm xã hội 0886.487.322 : chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thanh tra Bộ 0911.041.122 : tiếp nhận khiếu nại, tố cáo
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...