Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ cuối
Ngày 29/12/1972, máy bay Mỹ vẫn đánh phá các trận địa tên lửa, sân bay, các đầu mối giao thông quan trọng và cầu, phà quanh Hà Nội.
Kỳ cuối: Không điều gì bị lãng quên
Mình đã giao ban buổi tối ở đại đội xong. Đoàn trưởng lại gọi sang gặp. Sau khi hỏi về việc chuẩn bị chiến đấu cho bộ đội ngày mai xong, đoàn trưởng thông báo: trên chính thức công nhận đêm qua Thiều hạ được một B-52. Rađa C-26 ở Cẩm Thủy dẫn Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy – tên mật: XB-90 – lên đánh vào một tốp B-52 bay vào đánh Hà Nội. Thiều gặp địch ở Sơn La, trong điều kiện không thuận lợi. Ở H-10km, mà góc vào 90 độ, cự ly chỉ 4km (nó nhìn bằng đèn vì không dám bật rađa).Thiều vào công kích. Một phút sau, chỉ huy sở mất liên lạc với Thiều. Không biết tin Thiều có nhảy dù được hay đã hi sinh. Sợ nó đâm vào B-52. Hiện nay bọn Mỹ đang đi cứu giặc lái ở Sơn La.
Đồng thời anh Nghị còn bảo: Hùng hôm qua hạ hai máy bay. Người ta bắt thêm hai thiếu tá Mỹ. Nó khai bị Mig bắn rơi. Hùng đã hi sinh.
Thiều là bạn thân của mình. Nó thông minh, sống chân tình và rất mực đức độ. Trong chuyện riêng nhiều lần mình đã tìm đến Thiều. Mới đây, trung đoàn giao cả trung đội bay đêm về cho đại đội mình. Thiều là B trưởng.
Thật là đáng tiếc bị mất những đồng chí rất tốt trước ngày thắng lợi.
Hai tháng sau ngày Mỹ ngưng ném bom miền Bắc (tháng 3/1973), những cô gái cật lực dọn dẹp đống đổ nát trên quê hương mình – Ảnh: Werner Schulze
Thật tự hào có những người lính không tiếc cả cuộc sống của mình trong giờ phút thử thách quyết liệt của dân tộc, đã mang về những chiến công hiển hách.
Máu đổ cho ngày hòa bình
Tổn thất của ngày và đêm 28-12 không chỉ đau đớn với những người lính bay. Những người lính tên lửa cũng chịu chung một cái tang lớn: cả một trận địa tên lửa của tiểu đoàn 94, trung đoàn 261 ở Từ Sơn bị bom B-52 rải thảm. Nhiều người dân thường cũng hi sinh cùng các chiến sĩ tên lửa.
Ngày 29/12/1972, máy bay Mỹ vẫn đánh phá các trận địa tên lửa, sân bay, các đầu mối giao thông quan trọng và cầu, phà quanh Hà Nội.
Đêm 29, máy bay Mỹ hoạt động ít hơn những ngày trước.
Ngày và đêm hôm đó hai máy bay Mỹ, trong đó có một chiếc B-52 bị hạ. Đây là chiếc B-52 cuối cùng bị bắn rơi trong 12 ngày đêm.
Video đang HOT
Sáng 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra, kết thúc cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên Linebacker II.
Ông Vương Đình Cường, trắc thủ cự ly, vẫn còn ứa nước mắt khi nhắc lại thời điểm đau thương ấy: “Đúng 10 giờ rưỡi đêm, loạt bom đầu rải ngoài đồng, loạt sau nó ném đúng trận địa, loạt 3 ngay sau trận địa. Chúng tôi ngồi trong xe điều khiển, không việc gì nhưng không mở được cửa xe, chắc hơi bom ép mạnh quá. Chúng tôi hè nhau đạp cửa mới thoát ra được, mở cửa thì thấy miệng hố bom B-52 cách có 3m. Cấp trên ra lệnh đi cứu đạn. Tôi nghe giọng đồng chí chỉ huy: “Đảng viên chạy trước, đoàn viên thanh niên ưu tú chạy sau”. Nhưng lửa to quá, đạn nổ hết mất rồi, không cứu kịp quả nào.
Cuộc thu dọn chiến trường lúc mờ sáng ám ảnh những người lính tên lửa suốt đời, ông Cường dấm dứt: “Nhiều anh em hi sinh, ruột bắn cả lên cây, có người hi sinh trong tư thế nằm, phải xẻ quần áo để thay. Có một anh người Hà Tây, khi chết bị bay xuống ao, cụt một chân, anh em đi tìm không thấy, hôm sau ông bố ở Sơn Tây xuống hỏi đơn vị, đơn vị nói dối anh đi công tác. Cụ bảo: “Đừng giấu tôi, tôi biết con tôi chết rồi, mà chết rét”.Thế là anh em xuống ao mò, tìm được xác đồng đội”.
Anh em hi sinh, chỉ có một anh bên quân nhu là nằm thẳng, tất cả đều nằm co vì bó gối trong hầm chữ A. Quan tài để ngoài đường, tất cả nhờ dân hết, dân mang xe bò, xe cải tiến đến chở mỗi anh em một xe, đi mai táng. Các bà mẹ nhận liệt sĩ làm con nuôi, mỗi mẹ nhận một người, chôn cất rồi chăm lo phần mộ”.
Nếu mình không về….
Sáng 14/12/2012, gia đình phi công Hoàng Tam Hùng có một cuộc gặp gỡ nho nhỏ với anh em đồng đội cùng chiến đấu với anh. Chàng sinh viên bách khoa, con trai duy nhất của một vị phó thủ tướng, đã tình nguyện nhập ngũ và hi sinh khi mới 23 tuổi đời, sau một trận đánh oanh liệt trên bầu trời, bắn rơi một lúc hai máy bay địch. Anh chết quá trẻ. Nhưng đồng đội thì không ai quên. Ngày ấy tháng ấy, bao giờ bàn thờ người lính trẻ cũng có hoa trắng của bạn bè.
Cũng tháng 12 này, trong cái lạnh tê tái của miền sơn cước, dưới mái thiền viện mới dựng sơ sài, đại đức Thích Chánh Tuệ – ngày nào là đại đội trưởng rađa Đinh Hữu Thuần – ngồi bâng khuâng: “Thầy đã quyết đi theo Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, đất nước hết binh đao là buông tay gác kiếm, ăn chay niệm Phật. Nhưng chẳng thể nào hết lo: sao dân mình cứ nghèo mãi…”.Vị tu hành đang băn khoăn giữa việc tu hành với việc về Hà Nội dự lễ kỷ niệm Nhà nước 40 năm chiến thắng B-52: “Không muốn xuất hiện ở chốn đông người, không muốn nhắc lại những chuyện đã qua, nhất là nhớ đến những cái chết đau thương của anh em. Nhưng lại vẫn nhớ. Nhớ những đồng đội cùng đại đội với mình, nhớ những giọng nói của các anh phi công ngày nào cũng dẫn đường mà chưa hề thấy mặt. Thầy nhớ nhất giọng nói anh Vũ Đình Rạng. Thầy đã dẫn đường cho anh Rạng đánh bao nhiêu trận. Chưa gặp bao giờ, nhưng chỉ cần nghe giọng nói là nhận ra ngay. Dù hơn 40 năm rồi. Cái giọng nói của những người cùng chiến đấu với nhau nó lạ lắm, ăn vào tim óc”.
Tháng 12, chuẩn bị tết, trong một con ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên, nhà quay phim Trần Hùng – người đã nổi tiếng với những thước phim tuyệt đẹp trong các bộ phim Thời xa vắng và Chuyện của Pao – đang chuẩn bị kế hoạch lên Mộc Châu kiếm một cành đào phai về chơi tết. Năm nào anh cũng rong ruổi đi kiếm đào tết về để biếu nhà văn Nguyên Ngọc một cành và cho căn gác nhỏ xíu trong hẻm phố Khâm Thiên của mình một cành.
Căn gác nhỏ đã tan tành sau trận bom B-52 đêm 26/12/1972, cậu bé Trần Hùng năm đó 14 tuổi từ nơi sơ tán về đã sững sờ trước dãy phố Khâm Thiên đổ nát và tổ ấm của gia đình mình tan hoang. Nhưng thời gian đã làm tròn nhiệm vụ của nó, Trần Hùng vẫn ở lại phố Khâm Thiên, nhặt từng viên gạch xây lại tổ ấm. Và giờ đây, con anh lớn lên trên phố Khâm Thiên, chỉ biết về những trận bom B-52 qua câu chuyện của bố. Trần Hùng vẫn mơ ước được quay một bộ phim về Khâm Thiên – Hà Nội – B-52. Nhưng có lẽ trong thời buổi điện ảnh thị trường này điều đó hơi xa vời.
Và một buổi chiều mùa đông xám lạnh cũng tháng 12 này, trên nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội, nơi có ngôi mộ bé nhỏ của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, có hai người lặng lẽ đến thắp một nén hương. Họ luôn bày tỏ lòng thương tiếc và biết ơn tận đáy lòng mà chỉ có những người trong cuộc hiểu được. Đó là tướng Nguyễn Đức Soát và vợ ông, bà Lê Hoàng Hoa. Bà Hoa là người yêu của anh hùng Vũ Xuân Thiều. Mối tình thơ mộng của cô nữ sinh Hà Nội xinh đẹp và anh phi công hào hoa đã tràn ngập qua những bức thư tình mà Vũ Xuân Thiều gửi gắm cho Nguyễn Đức Soát trước giờ ra trận: “Mình không về, Soát đưa cái này cho mẹ mình, còn cái này tìm đưa cho Hoa”.
Vũ Xuân Thiều không về. Và hơn một năm sau Nguyễn Đức Soát mới gặp Lê Hoàng Hoa, khi cô đang du học ở Liên Xô. Tình yêu giữa đôi trai tài gái sắc và tình yêu chung với người đã khuất đã kéo dài gần 40 năm. Nhìn họ, người ta hiểu hạnh phúc là có thật. Và máu xương của những người như Vũ Xuân Thiều đổ xuống đã không tan vào hư vô.
Theo 24h
Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 9
Sáng 28/12, Bộ Tổng tham mưu thông báo: trước những tổn thất nặng, Mỹ có thể kết thúc cuộc tập kích. Tổng thống Nixon đã gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị nối lại Hội nghị Paris để bàn việc ký kết. Tuy nhiên, ngày 28 Mỹ vẫn huy động trên 100 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá nhiều mục tiêu.
Kỳ 9: Những cánh bay cảm tử
Nhật ký Nguyễn Đức Soát, tối 28/12
Định ra chỉ huy cho bọn ở đại đội bay rút lên. Lân không bay, Dân ứng cử. Sau này phải sắp xếp cẩn thận, kẻo thì hết người đánh nhau.
Đêm nào bọn F.111 cũng đánh sân bay mình. Nó bay thấp, qua cửa hầm, nghe rất chối tai... Đường băng bị ba dải bom B-52 đã cơ bản chữa xong. Tuy thế chúng mình vẫn cất hạ cánh bằng đường lăn.
Lúc 11g trưa nay Kiền và Hùng xuất kích lên đánh bọn máy bay của hải quân. Họ cất cánh được ba phút đã gặp địch. Năm phút sau Hùng báo bắn cháy một chiếc. Sau đó chỉ có Kiền hạ cánh. Chúng đánh ngay ở phía nam Hà Nội - ngay trên quê mình. Do chỉ huy sở phán đoán địch muộn, dẫn vào..., lại ở giữa đội hình địch nên mỗi đứa quần với một tốp. Kiền không bắn được địch. Thoát ly xuống dưới mây về.
Chưa có tin gì về Hùng. Lo rằng nó đã hi sinh. Hôm xếp Kiền - Hùng mình đã đắn đo mãi. Kiền linh hoạt. Nó chưa bắn rơi máy bay song ai cũng tin ở khả năng phát triển của nó. Hùng bay chắc, thông minh. Trong số năm người chuyển loại từ Mig-17 lên, mình tin Hùng và Bồng hơn cả. Hôm xưa sau khi Quý nhảy dù, chính ủy và đoàn trưởng đã nhắc mình phải nắm chắc trình độ của từng người trong đơn vị.
Tướng Nguyễn Đức Soát và những hồi ức 12 ngày đêm không quên. Ông là một phi công Mig xuất sắc và đã bắn hạ sáu máy bay Mỹ - Ảnh: Trần Việt Văn
Hùng là người đầu tiên trong lớp năm người hạ máy bay như thế cũng hay. Nhưng mình không nghĩ thêm được là hai anh chàng có thể cay cú vì cùng xốc nổi và hăng quá. Vừa gặp địch, Hùng đã lao vào ngay mà không kịp nhìn xung quanh.
Mỗi tổn thất về vũ khí, nhất là máu xương của đồng chí lúc này, mình đều phải chịu trách nhiệm rất nặng. Phải làm thế nào để mọi người cùng bắn rơi được máy bay Mỹ mà tổn thất ít nhất là vấn đề trọng tâm bắt mình suy nghĩ lúc này.
Hãy lăn lưng vào rút kinh nghiệm.
Hãy dẫn họ đi đánh mới được.
Hùng ơi! Mình sẽ trả thù cho Hùng!
Con trai phó thủ tướng: "Tôi không sợ...".
Hoàng Tam Hùng là cậu em thông minh và dễ thương mà đại đội trưởng Nguyễn Đức Soát yêu quý. Ít ai biết đại đội anh hùng của Nguyễn Đức Soát, chàng phi công cao lớn xuất thân con nhà nông dân, tập hợp rất nhiều phi công trẻ con nhà "quý tộc".
Họ là con cháu của nhiều vị lãnh đạo cấp cao. Phi công Hoàng Tam Hùng là con trai của Bí thư T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Hoàng Anh. Phi công Lê Thanh Quý là cháu ruột của ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Nghị, rồi con trai của ông Hoàng Quốc Việt, ông Nguyễn Duy Trinh đều xung phong vào bộ đội, làm phi công chiến đấu. Lê Thanh Quý suýt chết đêm 22, phải nhảy dù tránh quả tên lửa bắn ra từ bọn F4 chuyên "săn Mig". Còn Hoàng Tam Hùng, ngày 28/12/1972, anh đã có một trận đánh mà những người lính bay gọi là "mẫu mực và cảm tử".
Đại tá Bùi Xuân Cơ, lúc đó là đại đội trưởng đại đội thợ máy của trung đoàn không quân 927, vẫn rơm rớm nước mắt khi nhắc đến tên người phi công bay chiếc máy bay có số "đen" 5013 ngày hôm ấy: "Ai cũng sợ bay chiếc máy bay ấy, chuyên gia Liên Xô cũng sợ, nhưng Hùng vẫn bảo tôi: em chẳng sợ đâu, anh cứ chuẩn bị tốt cho em bay".Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom (Kỳ 5)
Sáng ấy Hùng bay với anh Kiền. Địch đông quá, chỉ huy cho phép giải tán. Anh Kiền thoát ly nhanh theo lệnh, còn Hùng bị cả bầy nó vây. Hùng bắn rụng một chiếc RA 5C, bắn xong lại gặp nguyên bầy F4, cậu ấy bám đuôi và bắn cháy luôn một chiếc nữa. Tôi ngồi hầm chỉ huy (máy bay của tôi bay thì tôi bao giờ cũng ngồi hầm theo dõi anh em đánh) nghe rõ giọng cậu ấy hô: "Cháy rồi". Nhưng cậu cũng trúng tên lửa của nó. Cậu ấy hi sinh anh dũng quá, mà trẻ măng, thư sinh, ngoan ngoãn. Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ cậu ấy là con ông phó thủ tướng".
Huyền thoại Vũ Xuân Thiều
Ngày đau đớn nhất chưa hết với đại đội trưởng Nguyễn Đức Soát. Đêm ấy, anh mất tiếp người bạn thân nhất: trung đội trưởng trung đội bay đêm Vũ Xuân Thiều.
Đã có bao nhiêu sách báo ca ngợi chiến công đêm hôm ấy của người phi công cảm tử. Nhưng chỉ gặp lại những người bay của ngày ấy mới hiểu họ yêu mến, khâm phục và tự hào về anh đến nhường nào
Sáng 28/12, Bộ Tổng tham mưu thông báo: trước những tổn thất nặng, Mỹ có thể kết thúc cuộc tập kích. Tổng thống Nixon đã gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị nối lại Hội nghị Paris để bàn việc ký kết.
Tuy nhiên, ngày 28 Mỹ vẫn huy động trên 100 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu: tổng kho Văn Điển, ga Giáp Bát, Nhà máy dệt 8-3, cảng Vĩnh Tuy, cầu Đuống, các trận địa tên lửa ở Chèm, Đại Đồng (Hà Nội), một số mục tiêu ở Thường Tín, Thanh Mai, Chúc Sơn, Gốt, Mỹ Đức, Miếu Môn (Hà Tây), Chợ Bến (Hòa Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phú)...
Ông Vũ Xuân Đãi, thợ máy là người bảo đảm bay cho Vũ Xuân Thiều. Buổi tối hôm ấy đã báo động hai lần và đều thủ tiêu báo động, không cất cánh. Lần thứ ba lúc 20g, kíp thợ máy nhớ như in câu nói của chàng phi công Vũ Xuân Thiều khi ngồi vào buồng lái: "Bây giờ quá tam ba bận, mặt đất có cho tôi cất cánh hay không tôi cũng cất cánh, không thể chần chừ được nữa". Thiều xin cất cánh ba lần mới được lệnh đồng ý. 30 rồi 40 phút im lặng, hơn một tiếng sau, đồng đội anh nhận tin máy bay B-52 rơi ở Sơn La. Và anh cũng hi sinh.
Tướng Trần Hanh - lúc đó là phó tư lệnh Quân chủng không quân, trực tiếp chỉ huy trận đánh đặc biệt của Vũ Xuân Thiều. Ông kể về trận đánh này "là thứ bao nhiêu không nhớ, tôi thuộc lòng từng chi tiết vì không thể quên được, và vì tôi đã nhắc lại rất nhiều lần": "Thiều được đưa đến sân bay bí mật ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, vì các sân bay của ta đều đã bị đánh bom tan nát. Khi bọn F4 xuất hiện dày đặc để quét Mig thì chúng tôi cho Thiều cất cánh".
Phương án đã vạch ra là bay thấp hơn mục tiêu 150-200m và chỉ có một khẩu lệnh cực ngắn. Thiều bay một mình lên Sơn La. Dẫn bay là đài Mộc Châu, thuộc trung đoàn 292. Radar của ta đã quen quy luật nhiễu của B-52, bắt rất tuyệt vời. Khi toàn bộ đội hình B-52 xuất hiện trên màn hình, mới có lệnh cho Thiều kéo lên. Thiều đã phát hiện thấy B-52. Đội hình địch dày đặc, bay sít vào nhau. Chỉ huy nhắc: "Mây đen ba cây, hai cây rưỡi, uống cả hai chai (tức bắn luôn hai tên lửa). Thoát ly về phía đông nam!".
Sau khi bắn cả hai quả, không thấy Thiều báo cáo gì. Có khả năng anh ấy ham quá, sợ không chắc ăn nên bắn gần. Trong các phương án, không có phương án cho máy bay lao cảm tử vào B-52, nhưng chúng tôi biết cánh phi công trẻ vẫn ngầm quyết tâm với nhau như thế. Hôm sau, đã chắc chắn máy bay địch rơi, và Thiều bặt tin. Anh ấy đã hi sinh sau khi cảm tử hạ B-52
...Nguyễn Đức Soát không biết hút thuốc lá. Đêm ấy anh đang nằm ở giường trong hầm trực chiến. Chiến sĩ liên lạc vào bảo trung đoàn trưởng (Nguyễn Hồng Nhị) gọi ra hầm sở chỉ huy. Mặc quần áo đi ra, có ôtô chờ ở chân hầm, ra đến nơi thì Thiều cất cánh rồi, đã mất liên lạc. Hai anh em mở lại băng ghi âm để nghe dẫn đường tả lại nơi mà Thiều chiến đấu. Trời rét, cả hai mặc áo bông, thủ trưởng Nhị để lên bàn hộp thuốc, Soát hút một hơi ho sặc sụa... Ngồi đến 5g sáng, không ai nói với ai câu gì. Sau đó Nguyễn Hồng Nhị bảo cấp dưới đi về để triển khai đánh tiếp ngày hôm nay. Nguyễn Đức Soát hút thuốc lá từ đêm 28. Chỉ trong một ngày đêm đại đội anh mất một lúc hai máy bay, hai phi công cảm tử.
Theo 24h
Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 8 Tin thằng Tuân đêm qua bắn rơi một chiếc B-52 như một làn sóng vui sà đến đâu làm mọi người phấn chấn đến đấy. Mấy cô chị nuôi cũng bảo: có cả công của chúng em. Kỳ 8 : Đêm của Phạm Tuân Các đồng chí cán bộ bảo: bước đầu ta đã trả được món nợ với Trung ương Đảng. Nhớ...