Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 8
Tin thằng Tuân đêm qua bắn rơi một chiếc B-52 như một làn sóng vui sà đến đâu làm mọi người phấn chấn đến đấy. Mấy cô chị nuôi cũng bảo: có cả công của chúng em.
Kỳ 8 : Đêm của Phạm Tuân
Các đồng chí cán bộ bảo: bước đầu ta đã trả được món nợ với Trung ương Đảng. Nhớ hôm Thủ tướng đến thăm quân chủng, Thủ tướng bảo: tôi đến, thay mặt BCT, khen ngợi và cảm ơn các đồng chí. Các đồng chí đánh tốt lắm. Khi biết không quân đánh có khó khăn, Thủ tướng bảo: Mong các đồng chí bắn rơi dù chỉ một chiếc B-52 cũng tốt. Hơn lúc nào hết, bây giờ ta rất cần chiến thắng.
Từ dạo mình về đây (đã gần năm năm) năm nào ta cũng lùng B-52 để đánh. Các sân bay Đồng Hới, Vinh, Anh Sơn phải sửa mấy chục lần để máy bay ta cất cánh đi đánh. Nhiều đồng chí hi sinh vì việc này.
Trong chiến tranh, những bất ngờ thường vượt quá trí tưởng tượng của con người. Đến sáng nay, 31 chiếc B-52 đã bỏ mạng. Mà 30 chiếc lại do tên lửa bắn rơi.
Chiếc của Tuân bắn rơi ngay ở gần Phú Thọ. Nó phát hiện bằng mắt vì bọn B-52 phải bật đèn để lũ F.4 bay theo yểm hộ. Rađa thông báo cự ly đến mục tiêu. Bọn F.4 nhìn theo luồng lửa của chiếc MIG tăng lực bắn với theo. Nhưng không kịp rồi. Cả khối sắt thép nặng đến 220 tấn ấy đã cháy bùng và cắm xuống miền núi phía tây của Tổ quốc (?) bởi hai quả tên lửa nhiệt P-3C chỉ nặng 160kg.
Cảm ơn Tuân vô cùng. Mày đã nhấc hộ bọn tao gánh nặng mà lịch sử sẽ mãi mãi treo lên đầu cả lũ lái máy bay tiêm kích.
(Trích Nhật ký Nguyễn Đức Soát)
Phi công Phạm Tuân năm 1972 – Ảnh: LÊ MINH HUỆ
Phạm Tuân hạ B-52 thế nào?
Khoảng 4-5 giờ chiều 27, tôi cất cánh lên trực tại sân bay Yên Bái. Trước đó, đêm nào địch cũng đánh bom sân bay Yên Bái nhưng đêm 27 không biết vì sao mà nó không đánh, chỉ thấy thỉnh thoảng F-4 vù qua đầu. Khoảng 21h, tôi được lệnh mở máy xuất kích.
Trên ra lệnh là cơ động tránh F mà đi, sau đó thông báo là B-52 cách 200 cây, 150 cây rồi 100 cây. Máy bay MIG-21 cứ một phút là 40, 50 cây nên cách 200 cây thì chỉ mấy phút là tôi tiếp cận mục tiêu. Đến độ cao khoảng 6 cây, tôi xin phép ném thùng dầu phụ và kéo lên cao.
Chiếc MIG-21 mang số hiệu 5121, do Phạm Tuân lái, đã bắn rơi pháo đài bay B-52 đêm 27/12/1972. Chiếc máy bay này vừa được công nhận là một trong những báu vật quốc gia – Ảnh tư liệu
Video đang HOT
Sáng 27/12, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm, chia sẻ với nhân dân đang khắc phục hậu quả ở Khâm Thiên. Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đến thăm Bệnh viện Bạch Mai và khu lao động An Dương.
Từ 13h30 ngày 27/12, Mỹ vẫn tiếp tục cho trên 50 lần chiếc máy bay chiến thuật vào Hà Nội và Hải Phòng.
Đêm 27/12, phi công Phạm Tuân bắn rơi một máy bay B-52 trên vùng trời tỉnh Sơn La. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi kể từ đầu chiến dịch.
Chỉ tính riêng ngày và đêm 27/12 có 13 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có năm chiếc B-52 (hai chiếc B-52 rơi tại chỗ). Trong hai chiếc B-52 bị hạ tại chỗ thì một chiếc rơi trên đường Hoàng Hoa Thám và hồ Hữu Tiệp. Đây là chiếc B-52 duy nhất bị bắn rơi tại chỗ khi nó chưa kịp cắt bom.
Đang vòng thì tôi phát hiện thấy một tốp B-52, hai dãy đèn. Tôi nói: “Phát hiện hai chiếc”. Ở dưới nói: “Phía trước 10 cây”, tôi nói: “Nghe tốt”, và tôi bắt đầu bám vào sau B-52. Ba sở chỉ huy chính ở Hà Nội, Thọ Xuân, Mộc Châu và một đài phụ trợ nữa ở Yên Phong đều thông báo là mục tiêu phía trước. Số hiệu của tôi là 361, thế là cứ thay nhau: “361, mục tiêu đằng trước mấy cây”…
Về sau anh Trần Hanh phải nói tất cả các sở chỉ huy dừng không liên lạc, để sở chỉ huy quân chủng dẫn dắt. Lúc đó tôi cách địch khoảng 8-9 cây. Lần đầu tiên phi công chúng ta tiếp cận trong điều kiện như vậy nên các anh nhắc: nào là bật tên lửa ở vị trí hai quả, rồi thì mở nút phóng tên lửa quan sát…
Đến cự ly khoảng 4-5 cây, sở chỉ huy lại tiếp tục nhắc, tôi nói: “Các anh cứ yên trí, tôi nhất quyết bắn rơi máy bay”. Sau các anh mới thôi, không nói nữa. Sau, tôi thấy hô: “4 cây”, anh Hanh lệnh: “361 bắn, thoát ly bên trái”.
Tôi trông thấy nó còn xa xa đèn chưa rõ lắm, nên bảo là chờ tí. Khẩu lệnh thứ hai, anh Hanh lại hạ lệnh: “Bắn, thoát ly ngay bên trái”. Ông ấy sợ mình ham quá đâm vào nó. Tôi bảo chờ tí. Đến khẩu lệnh thứ ba: “361 bắn, thoát ly ngay”.
Thế thì tôi mới kéo máy bay lên, chỉnh điểm ngắm, thấy tín hiệu tên lửa tốt rồi, tôi phóng hai quả tên lửa, đạn bay ra, sáng lòe trước mặt. Lần đầu tiên mình bắn tên lửa ban đêm, thấy một vạch đi trước, quả thứ hai lao vút đi sau, tạo thành một đường sáng rực.
Tôi kéo máy bay và lật ngửa lại thì nhìn thấy nó nổ, điểm nổ rất to trước mặt, nhưng đồng thời lúc bấy giờ cũng là lúc máy bay tôi vượt qua điểm nổ, tốc độ một nghìn tư. Tôi nói: “Cháy rồi”.
Đến sáng thì được quân chủng thông báo là đã xác định bắn rơi một B-52 và đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi điện khen Không quân nhân dân Việt Nam. Tôi chính thức được công nhận bắn rơi chiếc B-52 trận đêm 27/12/1972.
Thiếu đạn, tên lửa vẫn hạ B-52 rơi ngay trên phố Hà Nội
Tuy đã huy động tất cả các tiểu đoàn lắp ráp tên lửa hoạt động 24/24 giờ, và điều động đạn trong kho dự trữ ở Lạng Sơn về các trận địa bảo vệ bầu trời thủ đô, đạn cho tên lửa vẫn là vũ khí chiến lược mà các chỉ huy đơn vị được lệnh phải dè sẻn để đặc trị B-52.
Thêm vào đó, trong suốt 12 ngày đêm, máy bay Mỹ đã 45 lần ném bom trúng các trận địa tên lửa, 53 lần họ phóng tên lửa trúng các đài điều khiển rađa, đài rađa dẫn đường cho không quân VN. Tuy vậy, những người lính phòng không VN vẫn đứng vững và cứ B-52 xuất hiện là họ lại bắn hạ, hằng đêm.
Đến ngày 27, tiểu đoàn tên lửa 72, trung đoàn 363 đóng ở Bắc Ninh chỉ còn ba quả đạn. Tối hôm ấy, cấp trên báo B-52 lại tiếp tục đánh Hà Nội. Chập tối, hàng bầy F111, F105 đã đánh dọn đường, tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt đã phải ra lệnh cho anh em không đánh F, để dành tên lửa đánh B-52. Lúc B-52 vào, 3 trắc thủ bám chính xác một mục tiêu, sĩ quan điều khiển phóng kịp thời, hai quả lao lên đón trúng B-52. Chiếc pháo đài bay khổng lồ cháy ngay trên bầu trời Hà Nội và lao xuống Ba Đình, thân rơi xuống hồ Hữu Tiệp, đuôi cánh rải rác trên đường Hoàng Hoa Thám, vườn Bách Thảo.
Chiến công này còn có ý nghĩa to lớn ở chỗ: đây là lần đầu tiên ta bắn rơi một chiếc B-52 khi nó chưa kịp cắt bom.Và B-52 rơi ngay trên đường phố Hà Nội, cùng với một tổ lái sáu người bị bắt sống. Nhân dân Hà Nội tận mắt chứng kiến mảnh xác máy bay rơi, tận mắt nhìn thấy phi công Mỹ bị bắt sống đi trên đường phố. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuống làng Ngọc Hà ngay sáng 28/12 và không kìm được lời khen ngợi: “Đây là trận đánh đặc biệt xuất sắc của bộ đội tên lửa”.
(Còn nữa)
Theo 24h
Hà Nội dưới mưa bom: Ngày ác liệt nhất Kỳ 7
Chẳng có gì diễn tả chính xác hơn tương quan lực lượng cũng như sức tàn phá của bom B-52 vào một trong những khu phố buôn bán sầm uất nhất và cũng đông dân lao động nhất Hà Nội như những vần thơ của nhà thơ Chính Hữu. Đêm 26/12, trong một cố gắng tuyệt vọng, Nixon đã ra lệnh ném bom rải thảm xuống khu phố Khâm Thiên.
Chúng đem bom nghìn cân.
Dội lên trang giấy.
Mảnh như một ánh trăng ngần.
Hiền như lá mọc mùa xuân.
Đau thương Khâm Thiên
Dù đã có lệnh sơ tán, những người dân Hà Nội không đi theo các cơ quan xí nghiệp vẫn "ngoan cố" bám trụ Hà Nội. Sau đêm B-52 đánh trúng Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người đã chịu "biết sợ" và rục rịch đi, nhưng người ở lại vẫn còn. Nhà ông Nguyễn Văn Cầu ở ngõ Sân Quần-ngõ nhỏ dọc Khâm Thiên thời Pháp có cái sân quần vợt, vợ con ông đã đi sơ tán rồi lại về vì thấy "Noel nó không đánh Hà Nội".
Tối 26, ông Cầu trực tự vệ Nhà máy in báo Hà Nội Mới. Lúc báo an, xin về nhà xem vợ con thế nào thì chỉ biết một quả bom 500kg giáng xuống đúng cái hầm tập thể của khu nhà ông. 41 người chết chẳng toàn thây. Hầm tập thể thành mồ chung của vợ và con thứ hai của ông. Vợ ông chỉ tìm thấy nửa người trên, con trai thì nhận ra cái chân vì có sẹo. Anh trai ông mất dâu và rể, em ruột ông cũng chung số phận. Nhà ông Cầu mất sáu người.
Với bà Lan, giáo viên, việc sống sót của bà và hai đứa con trai còn là nỗi day dứt suốt đời. Chồng bà, mẹ hai của bà và em gái bà đều chết trong hầm trú bom. Ông không đi sơ tán vì ở lại nhận máy móc thiết bị nghiên cứu từ nước ngoài chuyển về. Là một nghiên cứu sinh, lẽ ra đến tháng 1-1973 mới hết hạn học tập ở Tiệp Khắc, nhưng ông lại làm luận án tiến sĩ sớm để về nước từ tháng 10-1972. Đến giờ này bà Lan vẫn không thể ngăn nước mắt khi nhớ đến cái chết của chồng.
Những đứa trẻ bò lên khỏi hố bom khổng lồ ở phố Khâm Thiên - Ảnh: Bettmann/Corbis
Bà Lộc ở khu tập thể Đường sắt cũng có chồng chết trong đêm 26. Nhà đông con, bà đem bớt con về Hưng Yên sơ tán từ tối 25, ông chồng hứa hôm sau về. Tối hôm đó, hai đứa con sinh đôi của bà cứ gọi "bố ơi, bố ơi". Sáng 27 bà cho hai đứa lớn về Hà Nội tìm bố, về phố Khâm Thiên thấy nhà đã sập, dân phòng, bộ đội đào mãi mới thấy bố trong gầm cầu thang. Khu nhà của Đường sắt có đông người trực chiến, nhà sập, mấy chục người chết, quê quán chẳng biết ở đâu, bà con chôn chung ở Văn Điển, đề trên mộ là vô danh.
Sau 36 giờ tạm ngừng, ngày 26/12 chiến dịch Linebacker II của Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc lại tiếp tục.
Tại Hà Nội, 56 lần máy bay B-52 tập kích từ ba hướng: tây bắc, tây nam, đông bắc. Gần 100 điểm trong thành phố bị bom rải thảm, trong đó có những khu đông dân như phố Khâm Thiên, khu lao động An Dương, Bệnh viện Bạch Mai...
Đêm 26-/2, không quân không xuất kích, nhưng lực lượng tên lửa đánh rất chính xác ở cả các hướng. Tính ra trong đêm 26-12, số tên lửa phóng lên tăng gấp 1,7 lần so với đêm 18-12 và bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất.
Kết quả ngày và đêm 26/12/1972: 11 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có tám máy bay B-52.
Tuệ Huyền
Ở Khâm Thiên có nhà ba ngày sau, có nhà một tuần sau, có nhà 2 tháng sau mới bới hết đống đổ nát để tìm ra thi thể người chết. Phố Khâm Thiên mùa đông năm 1972 hầu như ngày nào cũng có đám ma.
Trận quyết chiến
Đêm đau thương nhưng cũng là đêm quyết sống mái với B-52. Không quân đêm ấy vẫn không xuất kích được, nhưng những người lính tên lửa lại một lần nữa chứng minh bản lĩnh và tầm vóc của mình.
Một tên lửa được tính bằng bốn xe Volga (loại xe sang trọng nhất hồi đó ở miền Bắc). Lý thuyết mà chuyên gia quân sự Liên Xô dạy bắn mỗi lần ba quả làm anh em tên lửa suy tính: mỗi lần bắn mất 12 xe Volga mà không trúng B-52 thì phí quá. Càng xót càng phải tính toán nhanh và chính xác. Lính trắc thủ góc tà, trắc thủ phương vị của các sư đoàn tên lửa thiện chiến nhất là sư 361 và sư 363 đều đã thuộc lòng quy luật đánh của địch. Ông Bùi Văn Tấn, trắc thủ phương vị của trung đoàn 261, sư đoàn 361 tự tin: "Sau mỗi trận chiến đấu chúng tôi mạnh mẽ hơn".
Tám máy bay B-52 đã rơi trong cái đêm đầy máu và nước mắt ấy. Người Mỹ đã trút bom B-52 xuống đầu những em nhỏ, những người mẹ phố Khâm Thiên chưa từng biết cây súng là gì. Nhưng cũng trong đêm ấy, người Mỹ lĩnh đủ đòn trả thù của những người lính đang bảo vệ thủ đô, bảo vệ niềm tin vào sự sống của dân tộc mình. B-52 chưa từng rơi ở bất kỳ đâu, cho đến khi vào Hà Nội.
Cũng đêm ấy, một công dân của phố Khâm Thiên, một nhà báo và cũng là người lính của Quân chủng phòng không - không quân chụp được bức ảnh đáng nhớ nhất của cuộc đời mình: B-52 bùng cháy trên bầu trời Hà Nội.
Những gì còn lại sau trận bom B-52 - Ảnh: Bettmann/Corbis
"Đêm 26 tôi được nghỉ trực, ở nhà. Lúc ấy tầm hơn 10 giờ đêm, nghe còi Nhà hát lớn ủ, rồi loa báo động, tôi xách ngay máy ra sân. Thấy trời đất sáng rực lên, tôi chụp được ngay hai kiểu máy bay đang cháy. Lúc đấy cũng chưa biết là B-52. Chụp xong mới nhảy xuống hầm. Đất cát bắt đầu giội lên đầu, trời tối như mực. Anh tôi bảo: mưa hay sao ấy. Tôi bảo: B-52 đấy, em quen kiểu này từ trong Quảng Trị rồi". Sáng hôm sau có thông báo B-52 rơi đúng hướng ông Nguyễn Xuân Ất chụp ảnh."Vâng, lúc cháy nó cũng chỉ như một bông pháo hoa trên bầu trời" - ông Ất cười phúc hậu.
Theo 24h
Hà Nội: 12 ngày đêm dưới mưa bom Kỳ 5 Gần Giáng sinh, những người Công giáo cũng có một niềm tin mơ hồ là "người Mỹ cũng theo đạo, không ném bom đêm Giáng sinh. Kỳ 5 : Giáng sinh trong đổ nát Quý về lúc 4h30 chiều nay. Mình chạy từ trên đồi xuống chân đồi đón nó. Chúng mình ôm lấy nhau, thân thiết, chân thật. Mình lo trong người...