Hạ Long xây tháp đồng hồ 35 tỷ: Để xem giờ à?
Hiện nay, Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện được 5 giá trị của một công trình kiến trúc đô thị, thậm chí lãng quên.
Tiêu gì cũng cần tính toán
Cột đồNg hồ “khủng” của TP Hạ Long (Quảng Ninh) vừa mới được xây trên nền cột đồng hồ Hòn Gai cũ với kinh phí 35 tỷ đồng, nằm ở trung tâm thành phố với vị trí đắc địa là đảo giao thông ngã 5 đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông và đường 25/4 (phường Bạch Đằng).
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 10/4, KTS Trần Trọng Hanh – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Nguồn lực ngân sách hiện nay rất có hạn, dù nguồn lực đó bắt nguồn từ đâu, ngân sách nhà nước hay của doanh nghiệp, của tư nhân cũng cần phải tính toán kỹ.
Bởi vì nhu cầu đầu tư cho công viên, trường học, nhà trẻ, công trình công cộng rất nhiều, nên nếu có muốn tiêu pha gì cũng phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc, đặc biệt là khi tiêu một món tiền lớn như vậy.
Số tiền 35 tỷ đồng mà từ ngân sách thành phố lớn lắm, tôi biết nhiều thành phố tiền dự trữ chỉ tầm 10-20 tỷ đồng, rất hạn hẹp”.
Cột đồng hồ có tới 16 bảng đèn led hiện giờ. Ảnh Dân Trí
Bên cạnh đó, theo ông Hanh, khu vực đồng hồ Hòn Gai cũ nếu làm lại theo hướng kế thừa di sản sẽ rất đẹp, cũng giống như ga Hà Nội nếu xây dựng lại đúng theo kiến trúc Pháp ngày xưa thì rất đẹp. Thế nhưng, ở đây, chúng ta cứ tưởng cái chúng ta đang có là dở, nhưng thực tế nó lại vô cùng quý giá, người dân trong nước và thế giới phải ngưỡng mộ.
Lạ ở chỗ, chúng ta cứ tưởng đổi mới là hay ho hơn, nhưng di sản về lịch sử văn hóa bao giờ cũng rung động lòng người, nó sẽ bảo tồn được sự bền vững của dân tộc, thay bằng cái mới xa lạ hoàn toàn thì những người đi xa về, những người sống ở Hòn Gai sẽ vẫn nhớ hình ảnh cũ.
Hà Nội cũng vậy phá cái cũ đi thay cái mới vào, cái người ta tưởng đẹp hơn thì lại là nỗi day dứt trong lòng người dân. Thiết nghĩ, tại sao Hạ Long không tìm một vị trí khác, có nhất thiết phải bức tử cái cũ thay bằng cái mới?
“Đây là một bài học phải suy nghĩ, nên hạn chế tối đa các hành vi quyết định chủ quan”, ông Hanh nhận định.
Công trình dấu ấn và 5 giá trị cần có
Video đang HOT
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo KTS Trần Trọng Hanh, có lẽ Hạ Long muốn đưa thành phố lên tầm cao mới, nhưng tầm thành phố không khẳng định qua một công trình như cột đồng hồ, mà nó là cả một quá trình, là truyền thống, văn minh, lịch sử, văn hóa, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, cái này lớn lao hơn rất nhiều việc chúng ta tạo ra cấu trúc vật thể mới.
Đối với công trình trên, về mặt đạo lý cũng có vấn đề cần phân tích, về số tiền cũng có vấn đề cần phân tích, về bảo tồn và phát huy các di sản cũng phải phân tích, tâm tư nguyện vọng của dân cũng phải phân tích, từ đó rút ra bài học nhiều khía cạnh.
“Không phải cứ một công trình to lớn, đồ sộ thì sẽ mang lại một biểu tượng, dấu ấn cho thành phố, bởi vì, phải đúng chỗ đúng lúc.
Cột đồng hố có chiều cao 28 m. Ảnh VnExpress
Nó phải hội tụ đủ 5 giá trị, trong đó có 4 giá trị được quốc tế công nhận: thứ nhất, giá trị lịch sử, tuổi tác công trình, kiến trúc của di sản, ví dụ Hà Nội là thủ đô 1000 năm Thăng Long, cố đô Hoa Lư 1000 năm, Cổ Loa 1000 năm…
Thứ hai, giá trị nghệ thuật văn hóa của công trình đó, phải có sự cảm nhận, có sự đánh giá, lúc đó mới nhận ra được sự rung động chạm vào trái tim con người chính là những cái tưởng cũ.
Thứ ba, giá trị sử dụng dùng để làm gì, cột đồng hồ thì dĩ nhiên dùng để xem giờ, có thiết thực không.
Thứ tư, giá trị tương lai, tức là xem có bền vững trong tương lai hay không, tất nhiên giữa công trình hiện đại và di sản thì di sản lịch sử văn hóa bền vững hơn, đi vào lòng người hơn.
Tạo ra cái mới mà không chạm đến trái tim công chúng là thất bại, cập nhật xu thế phát triển bền vững của thời đại là đúng, nhưng cần biết một trong những yếu tố bền vững nhất là vấn đề bảo tồn lịch sử văn hóa.
Thứ năm, với công trình này thì cần thêm giá trị của lòng dân, sự đồng thuận của người dân đối với một công trình kiến trúc rất quan trọng và mới bền lâu”, ông Hanh phân tích.
Theo Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đang có phong trào các tỉnh đua nhau xây dựng các công trình dấu ấn, mà không biết sự bền vững và thành công phải hội tủ đủ các hệ thống giá trị của nó, chứ không phải chỉ nâng cao danh tiếng, khát vọng của tư duy cá nhân.
Nếu làm mà chỉ lấy tiếng rồi đắp chiếu để đó thì không chấp nhận được, vừa tốn tiền không đi vào lòng người, giá trị sử dụng không có, giá trị tương lai rất nhanh chóng bị lạc hậu, kiến trúc điêu khắc chạy theo mốt bao giờ cũng chóng tàn lụi, nó bừng tỉnh một chút rồi sau đó dập tắt ngay lập tức.
“Hạ Long còn quý hơn nhiều các đô thị khác, vì nó là kỳ quan thiên nhiên, đó là một nàng tiên hết sức thiên nhiên, nên giờ muốn trang trí đeo gì vào cũng phải thận trọng. Đã làm thì phải làm đẹp hơn lên chứ không phải là kỳ quặc hơn.
Đây là một bài học cần phải rút ra, luôn nhớ khi xây dựng bất kỳ công trình đô thị nào cũng cần xem xét cả 4 giá trị, thêm một giá trị khác là lòng dân.
Thực ra Hạ Long đã có vịnh Hạ Long là kỳ quan được thế giới công nhận, một món quà đặc ân trời dành cho Việt Nam, nó là một công trình thiên nhiên kỳ vĩ, bất khả xâm phạm nên cần bảo vệ, giữ gìn, khi làm được điều này thì những người dân Quảng Ninh đã thành vĩ đại, không cần làm thêm công trình nào nữa”, vị KTS nhận định.
(Theo Đất Việt)
Cửa hàng 'chỉ bán cho người Trung Quốc' khóa cửa, dỡ biển hiệu
Sau hai ngày bị nhà chức trách yêu cầu dừng hoạt động, nhiều cửa hàng chuyên đón khách Trung Quốc trên địa bàn TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã khóa cửa, dỡ biển hiệu.
Ngày 2/4, nhiều điểm bán hàng phục vụ du khách đường bộ Trung Quốc ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) vắng bóng người.
Khác với cảnh tấp nập trước đây, nay các điểm bán hàng này đều khóa cửa, một số đã tháo biển hiệu, nhân viên và bảo vệ không đến làm việc.
"Hai ngày gần đây không thấy cảnh ôtô đổ các đoàn khách xuống các cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc nữa", nhiều người dân địa phương phản ánh.
Một cửa hàng "chỉ bán cho người Trung Quốc" nằm cạnh quốc lộ 18A, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long đã khóa cửa, dỡ biển hiệu. Ảnh: Minh Cương
Ông Phạm Văn Yên, Chủ tịch UBND phường Hà Khẩu, thông tin trên địa bàn phường có ba cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc bị dừng hoạt động. "Hiện ba điểm này đã bị cắt điện nước, niêm phong khóa cửa", ông Yên nói.
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, thay vì đến những điểm bán hàng đã bị đóng cửa, du khách có rất nhiều lựa chọn khác với hàng loạt siêu thị uy tín và các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố... "Các dịch vụ và cơ sở hạ tầng ở đây đều rất tốt", ông Thanh nói.
Theo ông, những cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc liên quan đến "tour 0 đồng" là cách kinh doanh không minh bạch và tạo ra sự phân biệt đối xử khi bán hàng.
Trước đó ngày 31/3, UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) có công văn yêu cầu 15 điểm bán hàng phục vụ du khách đường bộ Trung Quốc trên địa bàn đóng cửa, dừng ngay toàn bộ hoạt động kinh doanh trước 13h cùng ngày. Trong số này có 8 điểm bán hàng bị Sở Du lịch Quảng Ninh thu hồi văn bản công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; các điểm còn lại chưa được công nhận.
UBND TP Hạ Long cho biết, việc dừng hoạt động các điểm bán hàng trên là do không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách. Các tiểu chuẩn này được quy định trong Quy chế tạm thời về quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành đoàn khách du lịch Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ của Quảng Ninh. Lý do khác là điểm bán hàng không có văn bản công nhận điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Cửa hàng mỹ nghệ Tiến Đạt Dream 2 xây trái phép tại phường Hà Khẩu bị phá dỡ chiều 30/3. Ảnh: Minh Cương
Ngày 29/3, Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra phản ánh của báo chí về "Bí mật sau những cửa hàng chỉ bán cho người Trung Quốc".
Cụ thể, một số điểm bán hàng ở thành phố Hạ Long được cho là nơi tạo nguồn thu chính để nuôi hệ thống đón khách du lịch đường bộ Trung Quốc với giá tour 0 đồng. Báo chí gọi các điểm bán hàng này là "bí mật" bởi du khách Trung Quốc tấp nập nhưng người Việt không thể vào được. Doanh thu mỗi đoàn khách vào đạt hàng trăm triệu đồng, được chia cho các bên liên quan, nhưng rất khó để cơ quan thuế kiểm soát...
Về việc này, Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh xử lý nghiêm các vi phạm nếu có; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng quyết định.
Theo một số người dân địa phương, gần đây các "tour 0 đồng" hoạt động nhộn nhịp ở Quảng Ninh sau thời gian bị chấn chỉnh, ngăn chặn. Cụ thể, công ty lữ hành Trung Quốc nhận khách đi tour Hạ Long với giá 0 đồng, rồi bán lại cho công ty lữ hành Việt Nam.
Tại Quảng Ninh, thời gian tham quan bị rút ngắn, khách được đưa vào các cửa hàng mua sắm với giá rất đắt đỏ. Các cửa hàng này sẽ trả hoa hồng cho các doanh nghiệp lữ hành đã có "công" đưa khách đến. Quy trình này diễn ra khép kín, các cửa hàng không cho khách lẻ, người Việt vào mua nên khó bị các cơ quan phát hiện.
Hồi 2016, một doanh nghiệp ở Hạ Long chuyên bán hàng cho khách Trung Quốc từng bị phạt 500 triệu đồng vì hành vi niêm yết giá hàng hóa bằng USD và nhân dân tệ.
Minh Cương
Theo VNE
Quảng Ninh đóng cửa 15 cửa hàng 'chỉ bán cho người Trung Quốc' 15 điểm bán hàng phục vụ du khách đường bộ Trung Quốc ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) bị đóng cửa, do không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ phục vụ khách. Ngày 31/3, UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) có công văn yêu cầu 15 điểm bán hàng phục vụ du khách đường bộ Trung Quốc trên địa bàn đóng...