Hà Lan thành “thiên đường xe đạp” như thế nào?
Hà Lan trở thành thiên đường xe đạp nhờ cơ sở hạ tầng tốt, luật pháp chặt chẽ và hệ thống cho thuê xe đạp vô cùng tiện lợi.
Với hơn 20.000 km đường dành riêng cho xe đạp và 59% lưu lượng vận chuyển trong các thành phố trên toàn quốc được thực hiện bằng xe đạp, Hà Lan được coi là một trong những “thiên đường xe đạp” trên thế giới.
Ở Hà Lan, xe đạp là loại phương tiện di chuyển phong phú và tiện lợi nhất, với rất nhiều loại xe đạp khác nhau, từ những chiếc xe thông thường phù hợp cho cả đàn ông, phụ nữ cho tới những chiếc xe đạp chở hàng hạng nặng. Việc đi xe đạp phổ biến đến mức người ta thường nói rằng người Hà Lan được sinh ra trên xe đạp.
Với địa hình bằng phẳng cùng cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tốt và vươn tới mọi ngóc ngách của Hà Lan, đi xe đạp là hình thức di chuyển thuận tiện và an toàn nhất ở đất nước này.
Hà Lan được coi là một thiên đường dành cho xe đạp
Mặc dù xe đạp xuất hiện ở Hà Lan sau Mỹ và Anh, tuy nhiên cho đến năm 1911, Hà Lan sở hữu số xe đạp trên đầu người cao nhất châu Âu. Phong trào đi xe đạp ở Hà Lan thực sự bùng nổ vào thập niên 1970, khi người dân trên khắp cả nước kêu gọi đi xe đạp để phản đối tỉ lệ tử vong của trẻ em trong các tai nạn giao thông do xe ô-tô gây ra quá cao.
Sự thành công của chiến dịch này cùng với cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973-1974 đã khiến xe đạp lên ngôi ở khắp đất nước Hà Lan, buộc chính phủ phải hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân trong các thành phố và chú trọng phát triển các loại hình phương tiện giao thông khác, trong đó xe đạp được coi là một phương tiện trọng điểm giúp cho cuộc sống an toàn hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Người Hà Lan tập cho con cái mình đi xe đạp từ rất sớm để chúng có thể tự tin ngồi trên xe đạp đến trường từ lúc mới vào cấp 2. Các học sinh cấp 2 ở Hà Lan phải tham gia một kỳ thi tham gia giao thông bằng xe đạp mới được cấp chứng chỉ giao thông Verkeersdiploma. Đây là chứng chỉ rất quan trọng, bởi 84% số học sinh cấp 2 ở Hà Lan tới trường bằng xe đạp trong phạm vi dưới 5 km.
Trẻ em Hà Lan được bố mẹ cho làm quen với xe đạp từ rất sớm
Tài xế ô-tô và xe máy ở Hà Lan cũng được đạo tạo về quy tắc ứng xử giao thông với người đi xe đạp trong các khóa học bằng lái xe của mình. Chẳng hạn như họ được yêu cầu kiểm tra liên tục ở phía bên phải của xe để xem có người đi xe đạp nào không trước khi rẽ phải.
Ở Hà Lan, trên các tuyến đường đều có làn đường dành cho xe đạp được đánh dấu bằng các vạch sơn kẻ liền hoặc nét đứt. Đường vạch đứt cho phép người lái ô-tô được đi vào, nhưng không được phép cản trở người đi xe đạp, trong khi đường vạch liền cấm tuyệt đối các phương tiện xe cơ giới và chỉ dành riêng cho xe đạp.
Làn đường dành riêng cho xe đạp ở Amsterdam
Đường dành cho xe đạp thường được phủ nhựa đường màu đỏ hoặc đen để người đi xe đạp dễ quan sát hơn và phân biệt hẳn với làn đường dành cho xe ô-tô. Người đi xe đạp buộc phải đi vào làn đường này nếu nó được quy định trên đường, và kể từ cuối năm 1999, xe máy cũng bị cấm không được đi vào làn này.
Video đang HOT
Để bảo vệ người đi xe đạp trước dòng phương tiện cơ giới đông đúc, Hà Lan cũng cho xây dựng nhiều cầu vượt hoặc hầm đường bộ dành cho xe đạp và người đi bộ qua các tuyến đường đông phương tiện. Các cây cầu trên khắp Hà Lan cũng đều có tuyến đường riêng dành cho xe đạp.
Cầu vượt dành cho xe đạp Hovenring ở Hà Lan
Luật pháp Hà Lan cũng quy định mỗi cửa hàng đều phải có một chỗ để xe đạp ở bên cạnh. Các giá để xe đạp rất phổ biến trên khắp Hà Lan, nơi người dân có thể móc bánh trước của xe đạp lên một cách an toàn. Để chống lại nạn trộm cắp xe đạp, người dân thường được khuyến nghị sử dụng khóa dây và khóa xe vào giá.
Ngoài ra, ở Hà Lan cũng có rất nhiễu bãi để xe đạp, mỗi bãi thường chứa được hàng ngàn chiếc. Mỗi nhà ga xe lửa đều có một khu để xe đạp riêng với một mức giá trông xe rất thấp. Ở những thành phố lớn, chẳng hạn như Groningen, người ta xây dựng tới 20 điểm để xe đạp có người trông coi.
Một bãi để xe đạp ở Ultrecht
Bãi để xe đạp quy mô lớn ở Groningen
Nhằm ngăn chặn tình trạng xe đạp để bừa bãi trên các vỉa hè, chính quyền các thành phố thường ra những quy định nghiêm khác đối với những chiếc xe đạp không để đúng vị trí quy định. Lực lượng chức năng sẽ cắt khóa những chiếc xe để lung tung này và chủ nhân sẽ phải nộp phạt khoảng 25 euro mới được lấy lại xe.
Việc để xe đạp không đúng vị trí sẽ bị phạt rất nặng
Ngoài ra, hệ thống cho thuê xe đạp cũng rất phổ biến và tiện lợi ở Hà Lan. Các thành phố và thị trấn trên khắp Hà Lan đều có hàng loạt hiệu cho thuê xe đạp với đầy đủ các thiết bị và dịch vụ sửa chữa cần thiết. Một trong những hệ thống cho thuê xe đạp nổi tiếng nhất ở Hà Lan là OV-fiets
Những chiếc xe đạp cho thuê trong hệ thống OV-fiets
OV-fiets (xe đạp công cộng) là một chương trình chia sẻ xe đạp toàn quốc do cơ quan Đường sắt Hà Lan khởi xướng. Các trạm cho thuê xe đạp OV-fiets thường được bố trí gần các nhà ga xe lửa hoặc trạm xe điện ngầm trên khắp cả nước. Hệ thống này cố 250 trạm cho thuê xe với hơn 6000 chiếc xe đạp.
Người dân muốn tham gia chương trình chia sẻ xe đạp này sẽ phải nộp mức phí 10 euro mỗi năm, và họ sẽ sử dụng chính chiếc thẻ đi tàu hỏa của mình để thuê xe, và giá thuê xe đạp trong 24 giờ là 3,15 euro.
Người dân Hà Lan sử dụng thẻ đi tàu để thuê xe đạp OV-fiets
Được khởi xướng thí điểm ở quy mô nhỏ vào năm 2003, chương trình OV-fiets đã dần dần phát triển và trở nên phổ biến một cách đáng ngạc nhiên trên cả nước với hơn 1 triệu người tham gia đăng ký sử dụng vào năm 2011. OV-fiets khác với những chương trình cho thuê xe đạp ở nhiều quốc gia khác ở chỗ nó tích hợp chặt chẽ với hệ thống vận tải công cộng trên toàn quốc, khi những người có thẻ đi tàu mới được phép thuê xe đạp.
Với hệ thống này, những người thường xuyên sử dụng tàu hỏa và tàu điện ngầm đi làm trong các thành phố sẽ được thuê xe đạp từ nhà ga để đến công sở hoặc về nhà, hạn chế đáng kể phương tiện cơ giới cá nhân lưu thông trong đô thị. Chính vì sự tiện lợi và an toàn này mà OV-fiets đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Hà Lan.
Theo Khampha
Bắc Kinh: Đi xe đạp còn nhanh hơn cả ô-tô
Cuộc thử nghiệm của các phóng viên cho thấy đi lại bằng xe đạp ở thủ đô Bắc Kinh còn nhanh và tiết kiệm hơn các phương tiện khác.
Với dân số 23 triệu người, hơn gấp 5 lần toàn bộ số dân của New Zealand, Bắc Kinh là một trong những thành phố lớn nhất và đông đúc nhất trên thế giới. Mật độ dân số quá đông dẫn tới hệ lụy số lượng người và phương tiện tham gia giao thông ở thành phố này ngày càng tăng, trong khi hệ thống phương tiện giao thông công cộng và quy hoạch đường sá chưa phát triển tương xứng.
Bên cạnh hậu quả ô nhiễm không khí nghiêm trọng, số lượng phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều trên đường phố cũng khiến việc đi làm của nhiều người dân Bắc Kinh vô cùng vất vả. Do quy định cấm xe máy ở thủ đô nên hiện nay người Bắc Kinh chỉ còn cách lựa chọn xe đạp, ô-tô, hoặc tàu điện ngầm để đến chỗ làm.
Cảnh tắc đường trầm trọng trên đường phố Bắc Kinh trong giờ cao điểm
Để xác định tính hiệu quả của từng loại phương tiện trong các hệ thống giao thông đông đúc ở Bắc Kinh, 3 phóng viên của đài CCTV đã thực hiện một thí nghiệm nho nhỏ, đó là sử dụng 3 loại phương tiện giao thông khác nhau gồm xe đạp, xe ô-tô và tàu điện ngầm để xem ai tới chỗ làm nhanh hơn.
Cả ba người xuất phát từ một địa điểm ở Guo Mao lúc 8:30 sáng, và đích đến của họ là Bảo tàng Quân sự ngay bên cạnh trụ sở của đài CCTV, cách đó khoảng 12,7 km. Phóng viên Ai Yang sẽ đi taxi, Grace Brown đi xe đạp, còn Han Peng sẽ bắt tàu điện ngầm.
Trước đây, Trung Quốc từng là một vương quốc xe đạp, tuy nhiên khi nền kinh tế nước này ngày càng phát triển và thu nhập của người dân tăng lên, ngày càng nhiều người mua ô-tô cá nhân để chứng tỏ địa vị và sự giàu có của mình trong xã hội.
Trung Quốc từng là một vương quốc xe đạp
Theo một nghiên cứu của Đại học British Columbia, năm 1986, xe đạp chiếm tới 60% số lượng phương tiện giao thông ở thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên đến năm 2010, tỉ lệ đó giảm xuống chỉ còn 17%. Với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, trong đó khói thải từ ô-tô là một tác nhân quan trọng, chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách làm hồi sinh xe đạp ở thủ đô.
Một hình thức giao thông khác mà chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách phát triển nhằm hạn chế xe ô-tô cá nhân là tàu điện ngầm. Hiện Bắc Kinh đang sở hữu mạng lưới tàu điện ngầm dài thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thượng Hải.
Một chiếc vé đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh có giá chỉ khoảng 2 nhân dân tệ (khoảng 7.000 đồng) không phụ thuộc vào quãng đường di chuyển. Tuy nhiên hiện ngày càng có nhiều người Bắc Kinh yêu cầu chính quyền tăng giá vé tàu điện ngầm, bởi loại phương tiện vận tải công cộng này đang quá đông đúc và quá tải.
Phóng viên Han Peng đã phải rất chật vật mới lên được chuyến tàu điện ngầm để đến chỗ làm. Chờ đợi để lên tàu điện ngầm là một cuộc chiến mà hơn 10 triệu người dân Bắc Kinh phải trải qua mỗi ngày, tương đương nửa dân số nước Úc.
Hàng ngàn người chen lấn chờ tàu điện ngầm ở Bắc Kinh
Tình trạng chen lấn, xô đẩy và tranh nhau lên tàu điện ngầm diễn ra nghiêm trọng đến mức nhiều người phải bỏ cuộc và không thể lên tàu để đến chỗ làm đúng giờ. Giá nhà đất ở khu vực trung tâm quá cao khiến ngày càng nhiều người phải dạt về các khu ngoại ô để mua nhà, và giờ đây rất nhiều người phải mất nhiều giờ đi lại mỗi ngày để đến chỗ làm.
Còn phóng viên Ai Yang đã rất may mắn khi đón được taxi một cách nhanh chóng chỉ sau vài phút chờ đợi. Trước đây, những người đón taxi ở Bắc Kinh thường phải đợi gần 1 giờ đồng hồ, bởi đôi khi các tài xế taxi không muốn chở khách đi những quãng đường ngắn, vì giá cước không bù nổi chi phí nhiên liệu quá cao.
Phóng viên Ai Yang đón xe taxi tới chỗ làm
Số lượng taxi ở Bắc Kinh đã tăng lên gấp nhiều lần trong những năm gần đây. Trước đây giá cước taxi để đi quãng đường hơn 12 km là khoảng 30 tệ (104.000 đồng), tuy nhiên giờ đây giá cước tăng hơn rất nhiều, thậm chí còn cao hơn nếu bị tắc đường vì giá xe chờ cũng đã tăng.
Trong khi đó, Grace Brown lại thong dong trên chiếc xe đạp của mình và phóng đến đích mà hầu như không gặp phải trở ngại nào. Cô đến trước trụ sở đài CCTV sau 45 phút đạp xe, còn phóng viên Ai Yang đi xe taxi đến sau cô vài phút. Điều đó chứng tỏ đi xe đạp ở Bắc Kinh còn nhanh hơn cả ô-tô, với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Số tiền cước taxi mà Ai Yang phải bỏ ra là 55 tệ (191.000 đồng), trong khi Brown hầu như không mất một khoản phí nào.
Năm 2011, chính quyền Bắc Kinh thành lập hệ thống cho thuê xe đạp công cộng, tương tự như những chiếc xe Velib ở Paris và Boris ở London. Những chiếc xe đạp này được miễn phí thuê xe trong 1 giờ đầu, và cứ mỗi giờ sau đó giá thuê xe là 1 tệ (khoảng 3.500 đồng).
Một địa điểm cho thuê xe đạp ở Bắc Kinh
Tuy nhiên có một điểm hạn chế là chi phí thuê xe này chưa bao gồm các đồ bảo hộ kèm theo, thế nên người thuê xe phải tự mua mũ bảo hiểm với giá gần 150 USD, ngoài khả năng của nhiều người đi xe đạp ở Bắc Kinh. Điều này khiến nhiều người chấp nhận rủi ro của việc đạp xe mà không có mũ bảo hiểm.
Sau khi đến nơi, Brown và Ai Yang nhắn tin cho Han Peng, người đang phải chen chúc trong toa tàu điện ngầm, và anh này chỉ đến đích sau gần 1 tiếng đồng hồ kể từ lúc xuất phát. Đối với 3 phóng viên này, cuộc thử nghiệm chỉ là một cuộc đua nho nhỏ, tuy nhiên với hơn 20 triệu người đang sinh sống và làm việc ở Bắc Kinh, việc đi lại trong thành phố mỗi ngày quả là một thử thách không nhỏ.
Theo CCTV (Khampha.vn)