Hà Lan đối mặt với nguy cơ nước biển dâng
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Viện Khí tượng Hà Lan (KNMI) ngày 25/10 cảnh báo mực nước ngoài khơi Hà Lan có thể dâng lên tới 2m vào năm 2100, cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra năm 2014.
Mực nước biển ở Hà Lan đang có xu hướng dâng cao. Ảnh: phys.org
Trong báo cáo, KNMI nêu rõ nếu các nước không giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, mực nước ngoài khơi Hà Lan có thể tăng 1,2m vào năm 2100 so với đầu thế kỷ này, thậm chí lên tới 2m nếu tình trạng băng tan ở Nam cực gia tăng. Trước đó, năm 2014, KNMI dự báo mực nước biển Hà Lan có thể tăng cao nhất là 1m.
Cảnh báo trên được KNMI đưa ra dựa trên báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố vào tháng 8 và nghiên cứu của chính tổ chức, trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh).
Video đang HOT
Cùng chung nhận định với IPCC, KNMI cho rằng khí hậu Hà Lan đang thay đổi nhanh chóng. Theo cơ quan nghiên cứu này, Hà Lan có thể phải trải qua mùa xuân và hè khô hạn hơn, đồng thời hứng chịu những cơn mưa dữ dội hơn. Khí hậu Hà Lan sẽ trở nên giống với khí hậu vùng Nam Âu, vốn ấm hơn nhiều so với khu vực Bắc Âu.
Với khoảng 33% lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, Hà Lan đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do tình trạng ấm lên của Trái Đất, song đây cũng là một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất ở châu Âu. Các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy khoảng 60% diện tích của Hà Lan dễ bị ngập lụt, bao gồm cả bờ biển và các khu vực gần sông. Do đó, giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Hà Lan cần có những lựa chọn quyết liệt trong quy hoạch không gian nhằm kiềm chế hậu quả của biến đổi khí hậu.
Đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc kỷ lục
Ngày 25/10, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cuối tuần qua chỉ thị trục xuất đại sứ của 10 quốc gia phương Tây, trong đó có Đức và Mỹ.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin AFP (Pháp), đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống mức 9,8 lira đổi 1 USD trước khi nhích nhẹ lên mức 9,73 lira đổi 1 USD sau 5 giờ GMT (12h trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam), tương đương mức giảm 1,3% so với một ngày trước đó. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ giá hối đoái giữa đồng lira với USD đã sụt giảm khoảng 24%.
Đồng tiền này đang hứng chịu một tuần đầy sức ép sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị đưa vào diện giám sát do không có biện pháp hiệu quả chống nạn rửa tiền và bị cáo buộc tài trợ cho các nhóm vũ trang trong khu vực Trung Đông. Ngoài ra, các nước phương Tây cáo buộc Tổng thống Erdogan can thiệp vào hoạt động của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi sa thải 3 quan chức ngân hàng trung ương trong tháng 10/2021, ngân hàng này đã cắt giảm lãi suất cơ bản từ 18% xuống 16% trong ngày 21/10 vừa qua, cho dù tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ tăng tới gần 20% trong tháng 9 vừa qua.
Trong tuyên bố chung hôm 18/10, đại sứ 10 nước tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ đã kêu gọi trả tự do cho doanh nhân Osman Kavala đang bị giam giữ tại quốc gia này.
Ông Kavala bị giam giữ từ cuối năm 2017 với cáo buộc hậu thuẫn tài chính cho các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2013 và tham gia cuộc đảo chính năm 2016.
Hôm 19/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu 10 đại sứ đến để phản đối. Tới ngày 23/10, Tổng thống Erdogan cho biết ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố đây là những nhà ngoại giao "không được hoan nghênh" và sẽ sớm trục xuất họ.
Giới chuyên gia nhận định việc thiếu đi các đại diện ngoại giao phương Tây tại Ankara sẽ gây bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và khiến giới đầu tư không mặn mà với quốc gia này.
Bão Aurore gây thiệt hại nặng nề ở châu Âu Ngày 21/10, bão Aurore tràn vào các khu vực Bắc châu Âu, làm 4 người thiệt mạng ở Ba Lan, đồng thời gây nhiều thiệt hại ở các nước Đức, Pháp, Hà Lan, Anh. Bão Aurore gây nhiều thiệt hại tại các khu vực Bắc châu Âu. Ảnh: AFP Tại Pháp, bão Aurore gây mất điện trên diện rộng. Bước đầu, khoảng 250.000...