Hà Giang xanh ngắt mùa hè
Chèo thuyền giữa hẻm núi Tu Sản và chinh phục đèo Mã Pì Lèng xanh mướt vào tháng 7 có thể là trải nghiệm nhiều du khách bỏ lỡ.
Mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc rất biết cách để thu hút khách du lịch. Người ta thường đến Hà Giang vào mùa thu lúa chín vàng khắp các thửa ruộng bậc thang; mùa hoa tam giác mạch cuối năm; mùa hoa mận, hoa đào nở rộ tiết xuân; hay lấp loáng mùa nước đổ tháng 5.
Tháng 6 và tháng 7, nhiều người bỏ lỡ Hà Giang vì những cơn mưa hè réo rắt bất chợt. Nhưng cũng nhờ sự ướt át này, núi rừng nơi đây lại khoác lên mình một màu xanh mướt say đắm lòng người.
Các cung đường Hà Giang quanh co, cheo leo vốn đầy thách thức cho người lái xe. Thế nhưng khi phóng tầm mắt xung quanh, sự căng thẳng nhường lại chỗ cho cảm giác thư thái đến lạ khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cao nguyên đá.
Nhờ những cơn mưa tháng 7, cỏ cây vùng cao nguyên đá mọc xanh ngút ngàn chân trời. Ảnh: Đỗ Nguyễn.
Việc di chuyển đến Hà Giang từ các tỉnh miền Bắc rất dễ dàng vì có nhiều nhà xe chạy thẳng. Ngược lại với những du khách ở xa trong miền Nam hoặc miền Trung thì nên bắt đầu hành trình từ Hà Nội. Từ Hà Nội, hầu như giờ nào cũng có xe khách xuất phát từ các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Yên Nghĩa, Gia Lâm.
Du khách có thể chọn xe giường nằm hoặc xe limousine chất lượng cao, tùy theo tài chính. Tuy vậy, bạn nên di chuyển bằng xe khách đêm để tiết kiệm được thời gian, giữ sức cho chuyến hành trình khám phá dài. Giá vé xe từ Hà Nội đến Hà Giang và ngược lại dao động 200.000 – 300.000 đồng một lượt.
Khi đến TP Hà Giang, bạn có thể thuê xe máy tự túc du ngoạn với giá 150.000 – 300.000 đồng một xe trong ngày. Ngược lại nếu không đủ thời gian và sức khỏe, hoặc đoàn có người già và trẻ nhỏ thì bạn nên thuê ô tô dịch vụ 7 – 16 chỗ.
Dịch vụ lưu trú ở đây khá rẻ, bạn chỉ cần chi từ 80.000 đồng cho một giường trong phòng tập thể, 200.000 – 300.000 đồng cho một phòng hai người mỗi đêm. Các khách sạn, homestay tập trung ở TP Hà Giang, phố cổ Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Để gây ấn tượng với du khách, hầu hết các phòng nghỉ ở đây có bài trí mang đậm chất văn hóa của vùng núi Đông Bắc, kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và vẻ hiện đại.
Không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, đậm chất nên thơ, cao nguyên đá còn thu hút du khách bởi đặc trưng ẩm thực với những món tên lạ tai ít thấy ở miền xuôi như bánh cuốn chấm nước xương hầm, cháo ấu tẩu có vị đắng nhẹ, bánh tam giác mạch, thắng dền ngọt ngào…
Chỉ với 45.000 đồng bạn đã có ngay một phần bánh cuốn nước xương đen hầm tại phố cổ Đồng Văn. Ảnh: Đỗ Nguyễn.
Hà Giang có nhiều điểm tham quan đặc biệt du khách nên check-in. Dọc cung đường từ TP Hà Giang đến Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Mậu Duệ… có nhiều khung cảnh đẹp để bạn cho “ra lò” những bức ảnh lung linh giữa núi rừng.
Dịch vụ đi thuyền trên sông Nho Quế được nhiều du khách quan tâm. Giá đi thuyền ngắm sông dao động 80.000 – 100.000 đồng một người. Trong 45 phút, bạn sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp của sông trong sắc xanh của núi và nước uốn lượn quanh hẻm vực Tu Sản, nơi được coi là hẻm núi lớn nhất Đông Nam Á.
Video đang HOT
Ngoài ra, một số điểm thu vé tham quan khác là Dinh thự Nhà Vương 20.000 đồng một người, Cột cờ Lũng Cú 25.000 đồng một người.
Khi tham quan trên sông Nho Quế, bạn đừng quên chuẩn bị cho mình một bộ đồ bơi để chèo kayak và ngâm mình dưới dòng nước mát của sông. Ảnh: Đỗ Nguyễn.
Vì các điểm du lịch ở Hà Giang có khoảng cách xa nhau, bạn nên chọn hành trình ít nhất là 2 ngày 3 đêm (gồm 2 đêm đi xe khách) mới có đủ thời gian “cưỡi ngựa xem hoa”. Hành trình 3 ngày 4 đêm được nhiều du khách gợi ý.
Xuất phát từ Hà Nội tối hôm trước, sáng đến TP Hà Giang, bạn bắt đầu ngày tham quan thứ nhất. Tại trung tâm thành phố, bạn có thể check-in cột mốc Km số 0. Sau đó di chuyển đến cổng trời ở núi đôi Quản Bạ, ăn trưa ở thị xã Yên Minh.
Khoảng 13h, từ Yên Minh về phố cổ Đồng Văn, bạn sẽ đi qua các điểm lần lượt là dốc Thẩm Mã, thịtrấn cổ Phó Bảng, Nhà của Pao, Dinh họ Vương. Phố cổ Đồng Văn là điểm lưu trú đêm.
Ngày thứ hai, sau khi đi dạo phố cổ, Cột cờ Lũng Cú là điểm tham quan đầu tiên trong ngày. Tiếp đó, bạn sẽ chinh phục Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo ở Việt Nam. Trên đường, các điểm nên dừng check-in là mỏm đá cô đơn nhìn xuống vực Tu Sản, điểm dừng chân giữa đỉnh đèo Mã Pì Lèng và cuối cùng là đi thuyền trên sông Nho Quế. Buổi tối, bạn có thể ngủ ở thị trấn Mèo Vạc.
Ngày cuối cùng, có nhiều cung đường từ Mèo Vạc về TP Hà Giang, qua thị xã Yên Minh hoặc qua Quản Bạ, bạn đều sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hoang sơ, kĩ vĩ của núi rừng. Đến TP Hà Giang, chuyến xe về Hà Nội xuất phát khoảng 21h.
Chuyến du lịch Hà Giang 2 ngày 3 đêm có chi phí khoảng 1,5 triệu đồng một người. Trước khi đi bạn cần tìm hiểu kĩ về thời tiết để tránh những cơn mưa làm trơn đường khó di chuyển.
Hà Giang thu hút các bạn trẻ trải nghiệm kiểu phượt bằng xe máy, dễ dàng dừng chụp ảnh cảnh đẹp bên đường. Ảnh: Đỗ Nguyễn.
Trải nghiệm 'đệ nhất hùng quan' Mã Pí Lèng
Bỏ qua những vụ lùm xùm liên quan đến danh thắng Mã Pí Lèng thời gian gần đây như xây biệt phủ trái phép trên đỉnh đèo, rồi du khách chụp ảnh khỏa thân tự sướng đội lốt bảo vệ môi trường... Mã Pí Lèng vẫn là đệ nhất hùng quan say lòng các nhà nghiên cứu và du khách...
Mã Pí Lèng là một trong "đại từ đèo" hiểm trở bậc nhất phía Bắc Việt Nam.
Đèo Mã Pí Lèng có độ cao trên 2000 mét so với mực nước biển, nối liền giữa thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc (Hà Giang). Đây là một trong những "đại tứ đèo" bậc nhất phía Bắc Việt Nam như đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin.
Mã Pí Lèng ngựa phi tắc thở
Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích 2.356,80km, cùng với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là cao nguyên địa chất toàn cầu, nên hàng năm thu hút rất nhiều các đoàn khách du lịch trong nước và nước ngoài tìm về. Vào mùa này trên cao nguyên đá Đồng Văn có khí hậu trong lành, và những giải sương mù chờn vờn. Trên những sườn đồi, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc thoạt ẩn thoạt hiện trong sương, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa hoang sơ vừa kỳ bí.
Một vài em nhỏ người Mông tha thẩn vui chơi đỉnh đèo Mã Pí Lèng.
Thời điểm này trên khắp các triền đồi của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, hoa tam giác mạch đã nở thu hút khách du lịch tìm về. Trên đường đến với Mèo Vạc, ngoài các địa điểm chụp ảnh cùng hoa tam giác mạch, du khách không thể bỏ lỡ vẻ đẹp kỳ vĩ trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Đứng ở đỉnh đèo, du khách sẽ được ngắm còn sông Nho Quế hiền hòa, cùng với núi non trùng trùng điệp điệp bên những dải sương mây bao phủ.
Để vượt đèo Mã Pí Lèng, phải đi theo con đường Hạnh Phúc nối liền từ thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng). Con đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km này đã được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh Miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động mới hoàn thành. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet, làm trong 11 tháng.
Du khách ngồi ngắm dòng sông Nho Quế trong xanh hiền hòa.
Đèo Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Để chỉ sự hiểm trở của con đèo, theo tiếng Quan Thoại người ta ví nó tựa như sống mũi của con ngựa đen. Để nói về sự dài hơi của con đèo, đồng bào H"Mông sống ở đây họ còn bảo rằng: Những con ngựa cái khi leo lên đến đỉnh cũng phải trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến nỗi các con ngựa khỏe cũng phải tắc thở.
Cảnh quan khu vục đỉnh đèo Mã Pí Lèng lởm chởm, có nhiều núi đá dựng đứng. Các học giả người Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một "Tượng đài Địa chất", nó mang một vẻ đẹp hoang sơ.
Bởi đi trên đèo, khi nhìn xuống vực sâu, sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ. Và nó chia cắt một bên là đỉnh Mã Pí Lèng còn một bên là Săm Pun nơi cắm mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điển Bồng (Trung Quốc).
Du khách check-in sống ảo trên mỏm đá thuộc đỉnh đèo Mã Pí Lèng.
Theo các nhà khoa học, vùng núi thuộc đèo Mã Pí Lèng được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các hoạt động tạo núi gây ra.
Để phá bức tường đá nối Đồng Văn với Mèo Vạc, công nhân phải mất thêm hai năm lao động vất vả mới hoàn thành. Họ phải xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Chính vì vậy nên sau khi hoàn thành đoạn đèo khó khăn này cũng đã có rất nhiều người phải bỏ mạng nơi đây.
Hùng vĩ, hoang sơ Mã Pí Lèng
Sau khi hoàn thành, đèo Mã Pí Lèng là một trong những con đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, nó được ví như "vua" của các con đèo ở Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở rộng chỉ đủ chỗ cho người đi bộ và xe ngựa thồ hàng, về sau nó được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm vì có nhiều đoạn cua tay áo và mặt đường lổn nhổn đá hộc, hai ô tô rất khó tránh nhau.
Những năm gần đây, con đường Hạnh Phúc đã được mở mang tu sửa và dễ đi hơn, con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng không còn làm chết ngựa mà đã trở thành di sản độc đáo về địa chất và cảnh quan. Nằm giữa cao nguyên đá Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng, một bên là vực sâu sông Nho Quế. Phía Bắc và Đông Bắc trải dài trong tầm mắt là hàng ngàn quả núi đá, một màu xám trùng trùng điệp điệp lơ thơ cây cối...
Hẻm vực sông Nho Quế vào một ngày trời nắng đẹp.
Những năm gần đây, lượng du khách đến với Mã Pí Lèng rất đông, mặt trái của phát triển du lịch cũng có tác động tiêu cực đến thiên nhiên và con người nơi đây. Bản sắc hoang sơ ít nhiều đã đổi thay. Mặc dù vậy, hầu như du khách trong nước hay ngoài nước, khi đi qua đây cũng đều phải thảng thốt vì vẻ đẹp hoang sơ đầy bí ẩn của thiên nhiên và con người nơi này.
Bất kỳ mùa nào, chỉ cần đứng ở đỉnh đèo là có thể cảm nhận đa chiều của vẻ đẹp, nó được trải rộng theo chiều sâu của trí tưởng tượng. Bởi ở đỉnh đèo, có nắng có gió, có mây mù, ở phía dưới lại có dòng sông xanh, một vùng sơn cước hoang sơ như thuở khai thiên lập địa.
Từ đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng là các ngôi nhà của đồng bào H'Mông.
Đứng trên mỏm đá, chúng tôi có cảm giác như đang ở giữa lưng chừng trời, chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi. Vào những ngày nắng đẹp trời trong, những gì sương mù che lấp sẽ hiện ra. Đó là thấp thoáng những mái nhà, chòm bản, cả những ruộng lúa, nương ngô và hoạt động bình dị của người dân nơi thâm sơn quỷ cốc.
Từ trên đỉnh đèo nếu muốn xuống dòng sông Nho Quế thì sẽ mất một ngày trời. Tuy đường xa, nhưng du khách sẽ được trải nghiệm cùng những khoảnh khắc đẹp nhất hẻm vực. Vực sông này được ví như một trong những hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Bên cạnh đó, dòng nước còn có màu xanh lam quện với màu xanh của núi rừng tạo nên một bức tranh thủy mặc, đầy mê hoặc làm say đắm lòng người.
Vẻ đẹp lao động thường ngày của người Mông ở đèo Mã Pí Lèng.
Từ chân đèo, hất mắt nhìn lên phía sườn núi là những đường cong mềm uốn khúc của một con đường đèo, nó mềm mượt, tựa như một dải lụa, kiêu hãnh mà ôm lấy vách đá dựng đứng. Phía trên các ngọn núi là những áng mây phiêu bồng lấp lửng, xen lẫn những ngôi nhà của đồng bào H'Mông.
Người Mông sống ở Mã Pí Lèng mang một vẻ đẹp hoang sơ, từ tập quán canh tác đến trang phục và ẩm thực. Đặc biệt, họ rất hiếu khách và không ngừng ngợi ca về vẻ đẹp hùng vĩ của đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Chính con người nơi đây đã tôn lên vẻ đẹp hoang sơ mà chẳng nơi nào có được.
Năm 2019 Mã Pí Lèng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là danh thắng quốc gia. Đèo Mã Pí Lèng được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hẻm vực sông Nho Quế cũng là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị, là nơi trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước đến thăm.
Để Hà Giang níu chân du khách Mặc dù chương trình kích cầu du lịch nội địa của tỉnh Hà Giang bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7, nhưng ngay sau khi hết giãn cách xã hội khách du lịch đã tìm đến Hà Giang. Vùng đất địa đầu Tổ quốc này vẫn là một trong những nơi thiêng liêng, hùng vĩ bất kỳ người Việt nào cũng mơ...