Hà Giang: Lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu phát triển thương hiệu cam
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Giang chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng các kênh tiêu thụ bao gồm các thị trường truyền thống và các sàn giao dịch điện tử; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Hà Giang trên nền tảng truyền thông số, trong đó lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ, đánh giá và phát triển thương hiệu của cam Hà Giang.
Hà Giang xác định lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ, đánh giá và phát triển thương hiệu của cam (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trên 77.800 tấn cam cho thu hoạch niên vụ 2021 -2022
UBND tỉnh Hà Giang cho biết, niên vụ 2021-2022, toàn tỉnh có trên 7.760 ha cam cho thu hoạch với sản lượng khoảng 77.800 tấn, chủ yếu tập trung tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.
Trong đó, diện tích cam Sành là 6.103,8 ha, cho thu hoạch khoảng trên 5.700 ha, năng suất bình quân đạt 102,6 tạ/ha. Sản lượng cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 45.700 tấn, chiếm 58,73% tổng sản lượng cam của tỉnh. Tổng diện tích cam Vàng là 2.055,5 ha, diện tích cho thu hoạch 1.726,8 ha, năng suất bình quân ước đạt 111,68 tạ/ha, sản lượng ước đạt 19.280 tấn.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, từ trung tuần tháng 9 đến tháng 11 năm nay, khoảng 5 – 7 ha cam CS1, CT36 chín sớm sẽ cho thu hoạch với sản lượng trên 30 tấn. Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm thu hoạch cam Vàng với sản lượng gần 20,8 nghìn tấn. Đối với cam Sành, dự kiến đạt sản lượng hơn 58,5 nghìn tấn, thời gian thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng 12 năm nay đến trung tuần tháng 3 năm sau. Sau Tết Nguyên đán đến đầu tháng 5 năm sau, cam V2 cho thu hoạch khoảng 800 tấn. Những năm trước, phần lớn cam được tiêu thụ thông qua các thương lái thu mua tại vườn và phân phối tại các chợ đầu mối, các cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh (khoảng 70%); còn lại, cam được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị và thông qua các chương trình xúc tiến thương mại (khoảng 30%).
Lấy chất lượng làm tiêu chí phát triển hàng đầu
Dự báo tình hình tiêu thụ cam niên vụ 2021-2022, theo UBND tỉnh Hà Giang, sản lượng cam cho thu hoạch tương đối lớn, tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng đến các hoạt động xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cam. Bên cạnh đó, thời điểm thu hoạch cam trùng với nhiều địa phương khác trong khu vực, dẫn đến sản phẩm cam Hà Giang phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại về giá bán và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, sản phẩm cam chủ yếu tiêu thụ ở dạng quả tươi sử dụng trực tiếp, tỷ lệ thu mua phục vụ chế biến nhỏ; thời gian thu hoạch và bảo quản ngắn… nên dự báo năm nay sản phẩm cam sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ, giá bán có chiều hướng thấp hơn so với niên vụ 2020 – 2021 do sức mua giảm, thị trường bị thu hẹp.
Video đang HOT
Hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Hà Giang đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (Ảnh: Văn Quân)
Đồng chí Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, các ngành chức năng trên địa bàn chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng các kênh tiêu thụ bao gồm các thị trường truyền thống và các sàn giao dịch điện tử; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Hà Giang trên nền tảng truyền thông số, trong đó lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu để bảo vệ, đánh giá và phát triển thương hiệu của cam Hà Giang.
Để chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2021 – 2022, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã phê duyệt các phương án tiêu thụ cam trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc tổng thể của cả hệ thống chính trị, các tổ chức hội, đoàn thể chung tay hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm cam với tổng sản lượng là 64.980 tấn, trong đó, tiêu thụ trong tỉnh khoảng 13.340 tấn, ngoài tỉnh khoảng 51.640 tấn cam. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các hộ trồng cam khi tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng online, hệ thống siêu thị… ; chủ động kết nối với các đầu mối tiêu thụ các niên vụ trước và các sàn thương mại điện tử để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên phân bổ vắc xin tiêm phòng COVID-19 cho người dân thuộc các Hợp tác xã, hộ trồng cam; hỗ trợ kiểm tra xét nghiệm PCR cho thương nhân các tỉnh, thành phố đến thu mua cam…
Trước đó, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức các Hội nghị đánh giá và bàn giải pháp xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2021-2022; tiêu thụ cam trên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso và Postmart; tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Gần 60 tỷ đồng đóng góp tại lễ phát động xây nhà cho người nghèo Hà Giang
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chỉ đạo chương trình 1953, các tổ chức, cá nhân đóng góp gần 60 tỷ đồng với kỳ vọng xây hơn 2.400 căn nhà tình nghĩa ở Hà Giang.
Giai đoạn II của chương trình hỗ trợ xây nhà mới cho hộ có công, cựu chiến binh và hộ nghèo của tỉnh Hà Giang tiếp tục nhận được gần 60 tỷ đồng đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Lễ phát động tổ chức chiều qua tại Hà Giang.
Chương trình 1953 là chương trình hỗ trợ xây nhà mới cho hộ có công, cựu chiến binh và hộ nghèo được tỉnh Hà Giang triển khai từ năm 2019 đến nay
Số tiền này dự kiến sẽ giúp xây mới được hơn 2.400 căn nhà cho cựu chiến binh, gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách của dân tộc, thấm đậm tình quân - dân nơi địa đầu cực Bắc.
Trong giai đoạn I, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo đã thành công vượt mong đợi so với mục tiêu đặt ra. Đến ngày 10/3, toàn tỉnh Hà Giang đã triển khai xây dựng nhà ở mới cho 230 hộ người có công, 493 hộ cựu chiến binh, 1.526 hộ dân nghèo xã biên giới và 1.553 hộ nghèo xã nội địa.
Hiện, đã có 3.748 căn nhà mới được hoàn thành. Trong đó, 3.336 căn nhà đã hoàn thành trong giai đoạn 1, vượt mục tiêu đề ra 1.336 nhà. Bắt đầu từ giai đoạn 2 (tháng 9/2020 đến nay) có 412 hộ hoàn thành và 54 hộ đang triển khai xây dựng nhà ở mới.
Những căn nhà hỗ trợ hộ có công, cựu chiến binh và hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Có an cư, thì mới có lập nghiệp, những ngôi nhà theo diện 1953 đã thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, cựu chiến binh nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Cựu chiến binh Giàng Vả Sính (80 tuổi), (xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đến tuổi gần đất xa trời mới được đón một cái Tết Nguyên đán trọn vẹn trong ngôi nhà mới khang trang. Đã 60 năm, kể từ ngày xuất ngũ (năm 1961), ông Sính vẫn sống trong căn nhà cũ ọp ẹp làm bằng tre, nứa.
Đến năm 2019, tỉnh Hà Giang ban hành quyết định số 1953 thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, ông Giàng Vả Sính là một trong những cựu chiến binh đầu tiên nhận được nhà mới. Những ngôi nhà với tên gọi "Ý Đảng, lòng dân" được xây dựng hoàn toàn bằng tiền đóng góp của nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó là 1,3 triệu ngày công lao động giúp các hộ làm nhà.
Ngày nhận nhà mới, người cựu chiến binh mắt đỏ hoe, bàn tay gầy guộc miết từng viên gạch, từng thớ gỗ. Ước mơ có một ngôi nhà che mưa, che nắng của gia đình ông Sính cuối cùng đã thành hiện thực.
Trong buổi lễ phát động giai đoạn II chương trình xây nhà cho người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo, ông Sính xúc động: " Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, cuối cùng tôi cũng có mái nhà khang trang để che mưa, che nắng. Tôi xin được gửi lời cảm ơn đến Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Giang. Có được ngôi nhà mới, gia đình tôi an cư lạc nghiệp, bảo ban nhau làm ăn ".
Gia đình ông Sèn Chỉn Dìn cũng đón một cái Tết Tân Sửu trọn vẹn trong ngôi nhà mới theo diện 1953. Lấy nhau 30 năm, hai vợ chồng đã có 4 người con. Thế nhưng từ ngày nên vợ, nên chồng, cả gia đình bầu đoàn thê tử sống trong ngôi nhà phên nứa đã ọp ẹp, chẳng che nổi nắng gió, giá rét ngày đông. Từ ngày nhận nhà mới, vợ chồng, con cái bảo ban nhau làm ăn.
Tại buổi lễ phát động Chương trình 1953 giai đoạn II, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, gửi lời cảm ơn đến các mạnh thường quân, doanh nghiệp... trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, ủng hộ cho chương trình hoàn thành vượt kế hoạch giai đoạn I. Trong giai đoạn II, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đóng góp của người dân, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang kỳ vọng xây mới được hơn 2.400 căn nhà tình nghĩa.
Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang trong buổi lễ phát động giai đoạn II của chương trình 1953.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Sơn kêu gọi các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm cùng toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tục đóng góp, giúp đỡ cho gia đình cựu chiến binh, người có công và hộ dân nghèo.
Mặc dù tỉnh Hà Giang đã vận động được 225 tỷ đồng và hỗ trợ triển khai xây dựng 3.897 căn nhà cho đối tượng người có công, cựu chiến binh, hộ nghèo nhưng đây vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước có 6.185 căn nhà tạm bợ, chiếm tỷ lệ 14,91%.
Vì thế, Ban chỉ đạo mong muốn nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để có thêm những căn nhà khang trang cho cựu chiến binh, hộ nghèo, bà con người đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang phát động giai đoạn 2 của chương trình 1953.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Có lẽ không có câu từ nào có thể diễn tả được ý nghĩa và hiệu quả của chương trình này. Chương trình đã mang đến niềm vui, nụ cười rạng rỡ và cả những giọt nước mắt của hộ nghèo khi được sống trong những ngôi nhà kiên cố, khang trang để họ có động lực vươn lên, thoát nghèo".
Gần 60 tỷ đồng được quyên góp trong buổi lễ phát động giai đoạn II chương trình 1953.
Có mặt tại lễ phát động giai đoạn II, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người đã đồng hành, hỗ trợ tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở từ những ngày đầu chia sẻ: "Hà Giang là tỉnh địa đầu Tổ quốc, nơi kết thúc chiến tranh muộn nhất cả nước, tuy đã phát triển nhiều so với trước nhưng người dân còn nhiều khó khăn. Trong khi mỗi người dân vùng biên cương giống như những chiến sĩ bảo vệ biên giới, việc hỗ trợ bà con có căn nhà kiên cố, có tư liệu sản xuất, bám biên cương là góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Điều này ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh rất cần sự hỗ trợ, góp sức của các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để Hà Giang vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo Quốc phòng, An ninh.
Cá nhân tôi biểu dương tỉnh Hà Giang rất quan tâm đến an sinh, đời sống của người dân. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, địa phương rất nỗ lực lo cho chiến sĩ, bà con, cựu chiến binh. Như vậy rất đáng quý!".
Hà Giang thực hiện giãn cách xã hội với 2 khu vực Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý yêu cầu huyện Xín Mần tích cực trong truy vết dịch tễ liên quan BN1976; đề nghị huyện Xín Mần cách ly tập trung đối với tất cả các trường hợp là F1 với BN1976. Ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang họp với huyện Xín Mần để bàn phương...