Hà Giang: Khánh thành điểm trường cho học sinh biên giới
Ngày 14-10, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang phối hợp với Chương trình “Áo ấm biên cương” tổ chức khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng điểm trường liên cấp mầm non, tiểu học thôn Khó Trư ( xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) do Công ty Cổ phần Thương mại và Kỹ thuật năng lượng Việt Nam (VEngy) tài trợ.
Đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang và nhà tài trợ cắt băng khánh thành và bàn giao điểm trường Khó Trư. Ảnh: Thanh Cường
Trước đây, tại điểm trường này chỉ có phòng học tạm bợ, không có điện thắp sáng, đồ dùng học tập thiếu thốn.
Thông qua kêu gọi của chương trình “Áo ấm biên cương”, điểm trường đã được xây mới với tổng trị giá gần 500 triệu đồng, có phòng học, phòng ở cho giáo viên, phòng bếp, công trình phụ khép kín và các hạng mục phụ trợ như: sân, tường rào… Điểm trường còn được nhà tài trợ lắp đặt thêm hệ thống giàn năng lượng mặt trời trị giá 150 triệu đồng, để cung cấp điện sinh hoạt.
Trong dịp khánh thành, chương trình “Áo ấm biên cương” đã trao tặng nhiều suất quà thiết thực, như: téc chứa nước sinh hoạt, chăn ấm, quần áo mùa đông, ủng, dép, cặp lồng đựng cơm, đồ dùng học tập… cho học sinh ở điểm trường Khó Trư. Tổng trị giá quà tặng gần 50 triệu đồng.
Các đơn vị tặng quà cho học sinh tại điểm trường Khó Trư. Ảnh: Thanh Cường
Học sinh ở Khó Trư hân hoan ngày khánh thành ngôi trường mới. Ảnh: Thanh Cường
Video đang HOT
Đây là một trong nhiều công trình trường học được BĐBP Hà Giang kết nối thực hiện trong nhiều năm qua. Đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy BĐBP Hà Giang khẳng định: Đây thực sự là một công trình mang nhiều ý nghĩa, giúp con em đồng bào nơi biên giới có nơi học tập khang trang.
Lê Thanh Cường
Theo bienphong.com
Những thử thách đằng sau màn "vũ điệu" của cô trò vùng cao Quảng Bình
Chứng kiến màn "vũ điệu" vô cùng ấn tượng của 2 cô giáo cùng hàng trăm học sinh vùng cao thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, ít ai biết được đằng sau đó là vô vàn khó khăn, thử thách của những giáo viên cắm bản.
Chính sự quan tâm, tình thương yêu xuất phát từ tấm lòng của các giáo viên nơi đây đã níu giữ những đôi bàn chân "hoang dã" lúc nào cũng muốn chạy vào núi rừng, quay ngược ra tìm con chữ...
Ảnh minh họa.
Màn "vũ điệu" ấn tượng giữa núi rừng
Một chiều cuối thu, nước vào hồi đầu tháng đã rút hết, mọi hoạt động của đồng bào xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã trở lại bình thường. Sau đó ít lâu, thầy trò trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa vui mừng đón một đoàn thiện nguyện chở theo nhiều phần quà đến cho các em học sinh ở đây.
Một cô giáo công tác tại trường cho biết: "Ngay khi nghe tin có đoàn từ thiện dưới xuôi sẽ lên trao quà, các em vui lắm, ngày nào cũng mong ngóng đoàn. Một số học sinh lém lỉnh thi thoảng chạy tới hỏi: Khi nào người xuôi về cho quà cô ơi?.
Đúng ngày hẹn, nghe tin đoàn thiện nguyện lên, hàng trăm học sinh đã có mặt đông đủ tại sân trường. Trong số đó, có em được bố mẹ đưa đi, nhưng cũng có nhiều em tự băng rừng, lội suối đến trường.
Đến giờ trao quà, để tạo không khí vui tươi và sôi động, 2 cô giáo của trường đã không ngừng "pha trò" cho các em học sinh; đồng thời cùng các em thực hiện màn "vũ điệu" vô cùng ấn tượng.
Khi tiếng nhạc vang lên, hàng trăm học sinh hào hứng nhảy theo 2 cô giáo. Tất cả những người có mặt khi ấy đều ngỡ ngàng, xúc động, không thể rời mắt trước màn biểu diễn đẹp mắt của cô trò nơi vùng rừng núi heo hút này.
Xung quanh đó, nhiều bà mẹ người dân tộc Khùa, trên miệng luôn ngậm điếu thuốc lá tự quấn, đưa mắt dõi theo con mình, rồi tủm tỉm cười.
Cô Kim Thuyên, giáo viên công tác tại trường cho biết, do địa bàn khó khăn nên các em học sinh ở đây còn chịu nhiều thiệt thòi so với học sinh miền xuôi. Vì vậy, các thầy cô thường xuyên làm công tác tư tưởng, động viên tinh thần để các em có thêm hứng khởi tới trường, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học.
"Mỗi lần có đoàn thiện nguyện đến, không chỉ trò mà thầy cô cũng mừng lắm. Bởi các em luôn thiếu thốn, thiệt thòi đủ thứ, đơn giản như cái áo mưa để mặc đi học lúc trời mưa gió, các em cũng không có được. Đoàn thiện nguyện lên, các em được nhận những phần quà có ý nghĩa, điều này đã giúp các em có thêm động lực, niềm vui tới trường", một thầy giáo công tác trường xúc động chia sẻ.
Chính vì vậy, nhìn màn "vũ điệu" vô cùng ấn tượng của cô trò tại trường, ít ai biết được đằng sau đó là vô vàn khó khăn, thử thách của những giáo viên cắm bản. Vất vả, gian nan, cuộc sống và điều kiện dạy học thiếu thốn trăm bề, nhưng với tấm lòng yêu trẻ, vì học sinh thân yêu, muốn các em được học cái chữ, thầy cô đã không quản ngại, sẵn sàng chia sẻ với trò từ những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua.
"Vận động" học sinh đến trường
Được biết, xã Trọng Hóa là địa bàn có đường biên giới kéo dài, giáp với nước bạn Lào. Đồng bào chủ yếu là người Khùa, sinh sống rải rác ở các bản làng giáp biên giới, đời sống còn nhiều khó khăn. Trận mưa lũ kéo dài đầu tháng Chín đã gây thiệt hại nặng cho bà con trong xã.
Cũng vì ảnh hưởng của mưa lũ, thầy trò trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa không thể tiến hành khai giảng đúng lịch (ngày 5/9) mà phải khai giảng muộn hơn ít ngày.
Ngoài điểm chính, trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa còn có 5 điểm trường lẻ nằm ở các bản xa trung tâm. Tổng số học sinh toàn trường là 379 em; đa số các em là con em dân tộc Khùa thuộc gia đình khó khăn, hộ nghèo. Hầu hết các thầy cô giáo trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa đều thuộc diện luân chuyển; trong đó, có những người đã lên công tác cả chục năm trời ròng rã.
Nếu kể về những khó khăn của thầy trò tại các xã miền núi nói chung, xã biên giới Trọng Hóa nói riêng, có lẽ không gì có thể đo đếm được.
Đầu năm học, nếu ở miền xuôi, các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho con em có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo... thì ở những bản làng xa xôi nơi miền biên viễn này, cha mẹ các em vẫn còn mải mê trên nương rẫy, tất bật với những chuyến đi rừng tìm cái ăn.
Có lẽ vì điều kiện còn nhiều khó khăn, chưa ý thức được sự quan trọng của việc tới trường nên phụ huynh người Khùa để con cái mình lớn lên một cách tự nhiên.
"Cha mẹ nó có đi học đâu mà giờ bắt nó phải đi học", hay "Lên nương làm rẫy, vào rừng đi bẫy thú còn có cái ăn, chứ đi học thì lấy gì mà ăn", là những câu nói quen thuộc đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Khùa; chính điều này đã gây ra không ít khó khăn trong việc vận động các em tới lớp đi học.
Thầy cô ở đây đã quen thuộc từng nhà của các em học sinh, dù ngôi nhà đó ở gần hay sâu hun hút giữa rừng. Đi lại vốn khó khăn, nhưng nói làm sao, vận động như thế nào để các em "nhận lời" quay lại lớp lại càng khó khăn hơn nữa.
"Cứ vào đầu năm học, thầy cô trong trường phải chia nhau đi sâu vào bản tìm cách vận động các em tới trường. Có những em học sinh đi một lần là vận động được, nhưng có những em thì thầy cô phải đi tới 5 - 7 lần, kiên trì thuyết phục, các em mới "ậm ừ" hứa quay lại lớp học", cô Kim Thuyên tâm sự.
Thầy Nguyễn Cảnh Trai, Hiệu trưởng trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa cho biết, trường nằm ở địa bàn miền biên giới khó khăn, mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước và một số tổ chức từ thiện, nhưng cuộc sống của các em vẫn còn rất nhiều thiếu thốn.
Các thầy cô giáo công tác tại trường luôn tâm huyết, nỗ lực hết mình không chỉ trong việc giảng dạy mà còn chăm lo đến đời sống của các em; để làm thế nào, các em giảm dần sự thiếu thốn, tự ti về bản thân.
"Thay mặt thầy trò trường TH&THCS số 1 Trọng Hóa, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người đã không ngại đường xa cách trở, trực tiếp đến trường trao những phần quà hết sức ý nghĩa cho các em học sinh. Hy vọng tới đây, nhà trường sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước về chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của học sinh miền biên viễn", thầy Nguyễn Cảnh Trai chia sẻ.
Ngô Huyền
Theo ĐSPL
BĐBP Hà Giang giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ Trong 2 ngày 9 và 10-9, trên địa bàn huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa to kéo dài gây thiệt hại cho 325 hộ dân ở các xã Mậu Duệ, Đông Minh, Ngam La, Hữu Vinh, Lao Và Chải và thị trấn Yên Minh. Trong đó có 8 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn; mưa và đất đá...