Hạ cao độ tuyến đường ‘biến’ nhà người Sài Gòn thành hầm
Để dự án chống ngập không “biến” hàng trăm căn nhà trên đường Kinh Dương Vương thành hầm, TP HCM đồng ý hạ cao độ và đầu tư trạm bơm tại đây.
Ngày 6/9, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa thống nhất với đề xuất hạ 35 cm cao độ tuyến đường Kinh Dương Vương ( quận Bình Tân), đoạn chưa thi công xong (từ đường Tên Lửa đến đường Sinco, dài hơn 800 m) và đầu tư trạm bơm 70 tỷ đồng để giải quyết ngập tại đây khi mưa lớn kết hợp triều cường.
Ông Khoa yêu cầu các đơn vị liên quan phải giải thích kỹ phương án hạ độ cao, lấy ý kiến người dân, chính quyền địa phương. “Tôi muốn có một giải pháp tốt nhất để phục vụ người dân”, ông Khoa nói.
Sau chỉ đạo của UBND TP HCM, vỉa hè trước nhà người dân trên đường Kinh Dương Vương sẽ thấp hơn vạch sơn đỏ 35 cm. Ảnh: Ngọc Hậu
Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM (chủ đầu tư) cho biết, dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương chia làm 3 gói thầu, hiện đã gần hoàn tất 2 gói nên chỉ có thể giảm độ cao vỉa hè xuống 10 cm. Gói thầu còn lại thay vì xây cao độ 2 m như thiết kế ban đầu, các đơn vị liên quan sẽ hạ cao độ vỉa hè xuống 35 cm và hạ tim đường xuống 25 cm. Phương án này đã được lấy ý kiến người dân và có hơn 50% đồng tình.
Theo chủ đầu tư, cao độ đoạn đường này chỉ còn 1,65 m – tức là thấp hơn mức triều cao nhất (1,68 m). Do vậy, khi mưa lớn kết hợp triều cường thì khu vực này phải cần trạm bơm công suất 42.000 m3 mỗi giờ.
Video đang HOT
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện UBND quận Bình Tân cho rằng, do chủ đầu tư đưa ra ít phương án nên người dân phải chọn một cái chấp nhận được với tình hình hiện tại. “Mặc dù người dân chưa hài lòng với phương án này nhưng mục đích của mọi người là muốn dự án mau chóng hoàn thành để họ ổn định cuộc sống”, đại diện UBND quận Bình Tân nói.
Theo ông Lê Văn Khoa, đường làm rồi mà phải hạ xuống sẽ rất lãng phí nhưng nếu việc này vẫn đảm bảo kỹ thuật và thuận lòng dân thì phải làm. Thành phố không ngại tốn kém để bố trí trạm bơm phục vụ người dân vì khi hệ thống kiểm soát triều hoàn tất sẽ rút trạm bơm phục vụ nơi khác. “Đề xuất trạm bơm là tạm thời để giải quyết ngập nhưng nếu nó không hiệu quả thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm”, Phó chủ tịch UBND TP HCM nói.
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) có chiều dài 3,5 km, rộng 48 m với tổng mức đầu tư 730,5 tỷ đồng. Cao độ hoàn chỉnh mặt đường được nâng lên từ 0,4 đến 1,2 m đã dẫn đến nhà ở và công trình xây dựng dọc tuyến đường thấp hơn vỉa hè 0,6-1 m. Dự án đã ảnh hưởng đến 466 căn nhà; một bệnh viện; 64 doanh nghiệp; 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp; 44 tuyến đường, hẻm kết nối với đường này và các khu dân cư dự án nhà ở tiếp giáp.
Ngọc Hậu
Theo VNE
Dự án biến nhà thành hầm 'nóng' nghị trường HĐND TP HCM
Đường Kinh Dương Vương được nâng cấp cải tạo nhưng khi thi công nhà dân bị biến thành hầm, vì thấp hơn cao độ 2 m của đường, là vấn đề các đại biểu quan tâm.
Chiều 4/8, là người đầu tiên chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Xuân Cường tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP HCM khóa IX, đại biểu Trần Văn Thuận đề cập đến dự án nâng đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) đã khiến 539 hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường bị ảnh hưởng hoặc bị biến thành hầm.
"Sau khi đường nâng lên cao độ 2 m, Chủ tịch UBND TP HCM xuống thị sát yêu cầu nghiên cứu giảm cao độ. Các đơn vị sau đó cũng tính toán để thực hiện chỉ đạo này. Cơ sở nào để trung tâm chống ngập đề xuất cao độ 2 m? Cơ sở nào để Sở GTVT thẩm định và phê duyệt thiết kế cao độ như vậy?", ông Thuận truy vấn.
Đại biểu Nguyễn Văn Đạt cũng yêu cầu các đơn vị tính toán, thi công nhanh tuyến đường để người dân không khổ sở vì ngập. Đây cũng là vấn đề đã được nhiều đại biểu nhắc đến trong các buổi thảo luận trước đó.
Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Xuân Cường. Ảnh: Ngọc Hậu
Trả lời chất vấn, ông Bùi Xuân Cường cho biết, cao độ 2 m của đường Kinh Dương Vương là cốt nền chung dựa trên 3 quy hoạch chống ngập, tổng thể thoát nước, thủy lợi chống ngập úng của thành phố. Các đơn vị đã thống nhất với cốt nền xây dựng theo quy định của thành phố dương 2 m trở lên. Tuy nhiên, sau đó cũng thống nhất hạ cốt nền ở phần lề đường xuống cao độ 1,71 m - thấp hơn quy định 29 cm. Và như vậy, tuyến đường với cốt nền này chấp nhận tần suất ngập 4%.
Về việc thi công tuyến đường khiến nhà dân thấp hơn mặt đường đã gây bức xúc trong dư luận, ông Cường cho nguyên nhân là do bố trí vốn chậm. "Dự án bị kéo dài từ năm 2013 đến năm 2016 mới được phê duyệt. Hơn thế, đơn vị được giao lấy ý kiến người dân đã chưa tuân thủ quy định và chưa lấy ý kiến của dân một cách hợp lý", Giám đốc Sở GTVT nói.
Sau khi lấy ý kiến lại, có 405/539 hộ dân tham gia góp ý. Trong đó, có hơn 100 hộ dân đồng ý để nguyên thiết kế ban đầu hạ vỉa hè xuống 10 cm và các đơn vị thống nhất với ý kiến này.
Hiện, Sở GTVT đã yêu cầu đơn vị thi công điều chỉnh độ dốc vỉa hè, giảm độ cao trước nhà dân và đẩy nhanh tiến độ ở những nơi đã thi công. Những nơi chưa làm phải thảm nhựa tái lập mặt đường để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Song song với việc này, Sở đã có phương án bố trí máy bơm nước giảm ngập cho khu dân cư.
Chủ tịch UBND TP HCM thị sát và yêu cầu giảm cao độ của tuyến đường Kinh Dương Vương. Ảnh: Ngọc Hậu
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm về việc có hay không nạn bảo kê "bến cóc, xe dù", ông Cường khẳng định không có sự bao che dung túng. Sở GTVT sẽ phối hợp với CSGT và UBND các quận để triển khai xử phạt, nhằm ngưng hoạt động của các bến này, "quyết tâm không để bến cóc xe dù tồn tại".
Sau phần ý kiến của Giám đốc Sở GTVT, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM - lưu ý, các dự án cần phải đánh giá và phản biện tốt hơn. Người dân phải được công khai minh bạch rõ ràng dự án ảnh hưởng như thế nào đối vói mình khi được lấy ý kiến.
"Công tác phản biện của các đơn vị chưa ổn, cần phải có ý kiến nhân dân, tránh lấy ý kiến hình thức. Đến khi triển khai dân phản ứng mạnh mẽ như tuyến đường Kinh Dương Vương", bà Tâm nói và nhắc nhở ngành giao thông kiểm tra lại các dự án chống ngập vì tình hình ngập còn nghiêm trọng hơn, các dự án phải hiệu quả hơn.
Ngọc Hậu
Theo VNE
Hạ thấp con đường biến nhà dân thành hầm giữa Sài Gòn Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã kết luận phương án "giải cứu" đường Kinh Dương Vương. Khu vực đường Kinh Dương Vương thường xuyên bị ngập nước Sáng 6.9, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nghe báo cáo của Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP về dự án đường Kinh Dương Vương nâng đường...